Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Chia sẽ MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO từ PARAGUAY (phần 1 tới 6)-Lm.Trần Xuân Sang,SVD

Chia sẽ MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO từ PARAGUAY (phần 1 tới 6)-Lm.Trần Xuân Sang,SVD

Gửi bàigửi bởi Pauldoright vào ngày 11 Tháng 8 2008 23:13
KÍNH THƯA QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN,
CHA TRẦN XUÂN SANG LÀ LINH MUC TRẺ DÒNG SVD (NGÔI LỜI), NGÀI ĐANG CÔNG TÁC MỤC VỤ TẠI TỈNH DÒNG NGÔI LỜI PARAGUAY. THỂ THEO LỜI THỈNH CẦU CỦA BBT, CHA CÓ GỞI  MỘT SỐ BÀI ĐỂ CHIA SẼ CÙNG CHÚNG TA. NHIỀU BÀI ĐÃ ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN http://www.gpnt.net/diendan/showthread.php?t=5158
VÀ TRÊN http://www.svdvie.110mb.com/
ĐÃ CÓ HÀNG TRĂM NGƯỜI VÀO ĐOC.
THEO CHÚNG TÔI NGHĨ, NGOÀI CÔNG VIỆC MỤC VU ĐẦY CAM GO Ở NHỮNG VÙNG HẺO LÁNH NƠI ĐẤT KHÁCH QUÊ NGƯỜI, MÀ CHA NGỒI VÀO BÀN TĨNH TÂM VIẾT LẠI NHỮNG BÀI NẦY CHỨNG TỎ SỨC LÀM VIỆC CỦA CHA THẬT PHI THƯỜNG HIẾM CÓ. ĐÂY PHẢI CHĂNG LÀ MỘT CÁCH CHIA SẼ CẦU NGUYỆN TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ THÔNG TIN.
XIN GIỚI THIỆU ĐẾN QUÝ VỊ VÀ CÁC BẠN CÙNG CHIA SẼ VỚI NGÀI.

:idea:  ________________________ :idea: __________________________  :idea:
PARAGUAY -  NHỮNG MẪU CHUYỆN TRUYỀN GIÁO

Mùa rửa tội
Từ tháng 6 đến tháng 8 ở Việt Nam đúng dịp mùa hè thường diễn ra các lễ nào là phong chức, nào là khấn Dòng, nào là lễ tạ ơn… nên có một bài viết trên mạng đã dùng ngay một tựa đề gọi là Mùa Phong Chức. Nhìn những gương mặt thánh thiện và dễ thương của các tân chức cũng như các các tu sĩ Nam Nữ tôi cảm thấy hãnh diện vì mình là người Việt Nam và đất nước Việt Nam thân yêu của tôi đã có thêm các thợ gặt để bổ sung cho cánh đồng truyền giáo đang được mùa.
Trái lại, bên đất nước vùng Nam Mỹ này thì từ tháng 6 trở đi trời bắt đầu trở lạnh và các nhà truyền giáo phải lên chương trình cho những dự án truyền giáo của mình. Có thể nói tháng 7 là cao điểm của mùa rửa tội vì đây là dịp anh em chúng tôi mỗi ngày phải đi đến các giáo điểm truyền giáo để dâng lễ và rửa tội. Vùng truyền giáo do chúng tôi phụ trách có hơn 80 giáo điểm cách xa nhau và khoảng 46.000 giáo dân. Vị chi hai anh em linh mục chúng tôi mỗi người phải phụ trách hơn 40 giáo điểm và hơn 23 ngàn con chiên.  Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, Lời Chúa cách đây 2.000 năm mà đến giờ sao vẫn còn thời sự quá chừng. 26 giáo phận ở Việt Nam với biết bao vị mục tử và ơn gọi dồi dào vậy mà vẫn còn thiếu các tay thợ lành nghề để chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Ở vùng truyền giáo này tìm được ơn gọi đã khó mà giữ được ơn gọi càng khó hơn. Hàng năm số tu sĩ và linh mục xin hồi tục cao hơn số tu sĩ khấn Dòng và chịu chức. Nếu không có sự hiện diện của các thừa sai nước ngoài hàng năm đến đây, không biết rồi đây hiện tình của các giáo hội vùng Nam Mỹ sẽ thế nào. Tuy nhiên, việc của Chúa làm rất huyền nhiệm, vì nếu là công việc của loài người chắc là bị xóa sổ từ lâu rồi.




Sống ở các giáo điểm xa xôi này 2 anh em linh mục chúng tôi phải rong ruổi từ sáng đến tối để hiện diện với đàn chiên côi cút thiếu mục tử, sao mà thấy thương họ quá! Chỉ trong vòng ba tuần, riêng tôi đã đi đến 23 giáo đểm truyền giáo và rửa tội được hơn 200 người, vậy mà trong lòng chẳng vui tý nào. Chẳng phải mình truyền giáo giỏi, sống tốt, giảng hay mà họ theo đạo đâu. Chẳng qua họ xin rửa tội cho con cái họ vì cha truyền con nối thôi. Nhiều khi tôi nghĩ trong lòng các nhà truyền giáo chúng tôi có sinh mà không có dưỡng. Rao giảng cho người ta để người ta tin, rồi sau đó rửa tội cho họ và rồi để mặc họ sống chết sao mặc kệ vì lực bất tòng tâm mà! Những giáo điểm truyền giáo một năm linh mục chỉ đến dâng thánh lễ từ 1 đến 2 lần trong năm nên họ giữ đạo khá thờ ơ, lạnh nhạt. Ngay cả những người được gọi là giáo lý viên hay là người điều hợp viên của vùng truyền giáo cũng không phân biệt được linh mục Công giáo và mục sư Tin Lành khác nhau thế nào nên có lần có vị mục sư đến vùng truyền giáo của chúng tôi giảng và đã lôi cuốn được nhiều người vì ông giảng rất hay và sau đó phân phát quà bánh cho những người đáng thương ấy. Cứ cái đà này không biết rồi đây mọi chuyện ra sao khi các nhà truyền giáo Tin Lành với một đội ngũ hùng hậu và vật chất dồi dào ở các nước giàu có đang đến để truyền đạo và họ cắm lều ngay giữa vùng truyền giáo và sống với dân nghèo vì các vị mục sư Tin Lành đem theo cả vợ con họ đi theo nữa. Các nhà truyền giáo Công giáo đang dần lép vế vì thiếu nhân sự và chẳng có gì để cho người nghèo ngoài sự phục vụ và tấm lòng thành. Thôi thì tới đâu hay tới đó vì chuyện Chúa làm và sức mình cũng có hạn. Chỉ mong sao đừng có chiến tranh lạnh hay tranh giành những vùng đất truyền giáo để rồi dẫn đến những kết cục đáng tiếc.
Lúc chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Mong sao có thêm thợ gặt đến nơi đây để đem thóc lúa về kho lẫm và tận hưởng những hoa quả mà những người gieo trồng trước đây đã phải trả bằng mồ hôi và thậm chí bằng nước mắt mới có được đồng lúa chín vàng như hôm nay.  


Dân chủ kiểu … Paraguay
Có lẽ ai cũng thích và nói đến dân chủ. Tuy nhiên, có những chuyện mà nhiều khi người ta phải dở khóc, dở cười nếu được chứng kiến rõ ràng và tường tận thì người ta mới té ngữa cái kiểu dân chủ khó hiểu của một đại đa số người dân thuộc xứ sở Térere này.
Vào những ngày cuối tuần nhiều nhóm trẻ rinh nguyên dàn máy cát-sét cỡ lớn và bỏ trên chiếc xe tải rồi mở nhạc hết công suất chạy quanh khắp thôn xóm khiến nhiều người không ngủ được. Ai nói thì họ sẽ kiếm cớ gây sự. Có nhiều kẻ làm biếng và chỉ biết ăn chơi nên đã bán nhà, bán đất để nhậu nhẹt, đàng điếm rồi tụ tập nhau biểu tình trong bạo động và đòi chính phủ phải chu cấp nhà cửa và việc làm cho họ giữa lúc giao thời  của vị tổng thống mới chuẩn bị nhậm chức vào tháng 8 sắp tới. Những người nông dân bị giật dây bởi những kẻ cơ hội đã biểu tình rầm rộ, chiếm đất của những người nước ngoài đã từng sống ở đây lâu năm, thậm chí những nông dân chân chất ấy đã nổ súng và bắn chết nhiều người để giành đất mà trước đây chính họ đã bán cho người nước ngoài. Nếu được tận mắt chứng kiến hay xem truyền hình về những cảnh biểu tình hay yêu sách của người dân vùng Nam Mỹ nói chung và Paraguay nói riêng có lẽ chúng ta sẽ thật sự hãi hùng vì họ đã tấn công cảnh sát và những người thi hành công vụ khiến những người này phải lo chạy thoát thân.
Còn trong lĩnh vực tôn giáo, người dân cũng đòi dân chủ và họ đã thực hiện dân chủ kiểu… Paraguay khiến các vị mục tử phải đau đầu. Trong buổi tối thứ năm Tuần Thánh vào tháng 3 năm 2008 vừa qua, một nhóm trẻ của một xứ đạo thành phố đã xin cha xứ cho họ được nhảy nhót và ăn tiệc trong đêm chầu thánh thể. Cha xứ đã giải thích cho họ ý nghĩa của đêm thứ năm Tuần Thánh và khuyên họ nên để đến Chúa Nhật Phục Sinh. Vậy mà nhóm trẻ ấy chẳng những không nghe mà bọn chúng còn đốt phá luôn cả nhà thờ, nhà Tạm khiến cha xứ và những người đạo đức đang chầu Mình Thánh Chúa phải chạy có cờ. Đương nhiên cảnh sát đã vào cuộc và bắt được các kẻ quấy rối ấy và sau đó bọn chúng chỉ bồi thường thiệt hại và chỉ mang tội quấy phá trật tự công cộng mà thôi.
Giáo dân trong các xứ đạo thường gồm nhiều bè phái khác nhau vì họ tham gia vào đời sống chính trị. Trong một giáo xứ mà mà có đến 4 nhóm giáo dân thuộc các nhóm chính trị khác nhau nên tìm sự hiệp nhất giữa họ không phải chuyện dễ. Các linh mục ngọai quốc dễ được chấp nhận hơn các linh mục bản xứ vì họ không theo đảng phái hay nhóm chính trị nào mà đứng lập trường trung dung, trong khi các linh mục bản xứ người thường ủng hộ một nhóm chính trị nào đó. Bởi thể, xứ nào do cha xứ người Paraguay coi sóc thường có những chuyện lộn xộn và chiến tranh lạnh diễn ra và rất dễ bùng nổ khi thời cơ chín mùi. Các bài giảng hay bài chia sẻ của một số linh mục và tu sĩ nguời Paraguay đều mang màu sắc chính trị nên dẫn dẫn đến chuyện chia bè phái giữa giáo dân. Các nữ tu người Paraguay cũng rất thích bàn đến chính trị, chính em và có vài nữ tu đã xin rời khỏi Dòng để về làm việc cho những người thân của họ đang có chân trong chính quyền. Hiện tại có rất nhiều linh mục xuất đang làm việc cho chính phủ của vị tân tổng thống từng là giám mục .
Ở các quốc gia vùng Nam Mỹ, trong đó có Paraguay, các bé gái khi sinh nhật 15 tuổi thì được gọi là Señorita nghĩa là thiếu nữ. Các Señorita này có quyền yêu đương và làm những chuyện của người lớn mà không hề bị cấm đoán. Chính vì kẻ hở này mà rất nhiều trẻ gái vị thành niên đã quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến mang thai rồi đi phá thai. Tôi không ngờ rằng một quốc gia đa số Công giáo như Paraguay cũng có nhiều trẻ vị thành nhiên phá thai nhiều đến như thế. Nhiều bé gái chưa tròn 15 tuổi có thai và bị những người lớn xúi giục đi phá thai nên các em thấy sợ và gặp các linh mục để tư vấn. Có nhiều trường hợp đã rồi thì đành chịu thua và chỉ biết khuyên bảo các em đừng lỡ dại lần tới. Tuy nhiên tôi cũng đã thành công ít là một lần để khuyên một bé gái vị thành niên giữ lại thai nhi đã lớn và cô ấy vừa sinh hạ 1 em bé kháu khỉnh. Thú thật là tôi không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực hóc búa và rắc rối này. Có một số bà mẹ trẻ em khi sinh con rồi lại bỏ con chỗ này chỗ nọ để người khác nuôi dùm, thậm chí họ đã bỏ ngay trong nhà xứ một bé gái một tuổi khi tôi đang làm việc và nghe tiếng trẻ khóc thét vào cuối tháng 6 vừa qua khiến tôi phải hoảng hốt và cầu cứu các vị hữu trách tìm kiếm thân nhân và nuôi hộ vì nằm ngoài tầm tay của mình.Mình cứ nghĩ truyền giáo đơn giản như 1 với 1 là 2, nhưng chuyện đời phức tạp quá. Thôi thì mình làm được gì cứ làm để phục vụ Chúa và phần nào giảm bớt những thống khổ của những người dân đáng thương này.

Paraguay 18/7/2008
Lm. Trần Xuân Sang, SVD. 

***************

Chia sẽ MỤCVỤTRUYỀNGIÁO từ PARAGUAY(2)-Lm.Trần Xuân Sang,SVD

Gửi bàigửi bởi Pauldoright vào ngày 12 Tháng 8 2008 00:45 
PARAGUAY - NHỮNG NẺO ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

Mục vụ ngoại thường
Vào một ngày giữa tháng 6, một chiếc xe nhà binh đỗ xịch trước nhà xứ chúng tôi và có hai viên sĩ quan quân đội bước vào xin gặp linh mục. Tôi đã tiếp hai vị sĩ quan cấp tá ấy và họ đã mời tôi ngày hôm sau đến ban phép lành trong lễ tuyên thệ của 74 quân nhân ra trường. Tôi hỏi họ cha tuyên úy của họ đâu mà hôm nay lại mời tôi. Họ đáp rằng cha tuyên úy của họ đang trong kỳ hè và họ rất cần một vị linh mục chứng kiến và chúc lành cho ngày lễ tuyên thệ của họ. Tôi đã miễn cưỡng chấp nhận lời mời này vì nghĩ rằng đó không phải là nhiệm vụ của mình.




Đúng 8 giờ sáng ngày hôm sau, họ đã đến đón tôi đúng hẹn. Thường thì người Paraguay không bao giờ đúng hẹn nhưng phải thực nói rằng mấy ông nhà binh rất đúng giờ không sai một phút. Người đón tôi đến căn cứ quân sự để chủ sự nghi thức chúc lành cho ngày tuyên thệ là một viên đại tá trong bộ quân phục rằn ri. Lần đầu tiên trong đời tôi bước vào tổng hành dinh của quân đội và những binh sĩ chỉnh tề quân phục chào các vị thủ trưởng của họ với những tiếng giày bốt-lồ-sô đánh lốp cốp khiến tôi giật nảy mình. Khi đã vào đến địa điểm để chuẩn bị cho buổi tuyên thệ, vị đại tá giới thiệu cho tôi hai vị tướng tổng chỉ huy để nói rõ về chương trình tuyên thệ. Hai vị tướng ấy đã đón chào rất lịch sự và đầy kính trọng dù tôi chỉ đáng tuổi con của họ.
Sau phần điểm quân số và chào cờ, một viên sĩ quan cấp úy đã giới thiệu tôi để bắt đầu nghi thức tôn giáo là phần long trọng nhất trong lễ tuyên thệ. Anh ta đã đọc tên tôi ba lần mà vẫn không đọc được “Ahora, Padre Tran Xuan Sang, en nombre de la Iglesia Católica…”. Trong vài lời vắn tắt, tôi đã nói với họ : “Kính thưa các vị tướng lãnh. Anh em binh sĩ quí mến! Dù chúng ta là ai hay ở địa vị nào chúng ta cũng là anh em với nhau vì chúng ta có một vị Cha Chung ở trên trời. Trong ngày đặc biệt này, nhân danh Giáo hội Công giáo, tôi xin chúc lành cho anh em. Xin anh em hãy luôn trung thành với tổ quốc và với dân tộc của anh em…” Và sau đó tôi mời gọi họ cùng nhau đọc chung một kinh Lạy Cha trước khi ban phép lành cho họ. Thú tật là tôi cũng khá rung vì lần đầu tiên đứng trước các vị tướng lãnh và trong một căn cứ quân sự cả rừng người. Khi tôi quan sát thì thấy rằng họ đều hướng về tôi và đều giỡ mũ ra để đọc kinh Lạy Cha và nhận phép lành của Chúa từ tay linh mục. Phải chăng họ kính trọng tôi, một người Á châu tóc đen, da vàng? Tôi nghĩ không phải như vậy nhưng họ chỉ kính trọng vị đại diện của Chúa Kitô hữu hình ở trần gian mà thôi.




Tôi đã tham dự với họ các nghi thức kế tiếp và sau đó chính vị tướng chỉ huy đã mời tôi chụp hình chung và hẹn một dịp khác sẽ tiếp tục mời tôi đến cử hành các nghi thức cho họ. Ông biết Việt Nam trước đây là một đất nước chịu nhiều chiến tranh nên đã gọi đùa tôi là : “Padre, usted es un guerrero”(Cha là 1 chiến binh). Tôi cũng trả lời đùa với  ông rằng : “ Sí, Señor. Soy un guerreo de la paz”(Vâng, thưa ngài. Tôi là một chiến binh hòa bình). Đích thân ông gọi vị đại tá đưa tôi về nhà xứ và chia tay tôi với những cử chỉ thật thân thiện dù rằng ông và tôi chỉ mới gặp nhau lần đầu.
Phải thực sự nhìn nhận rằng tôn giáo không thể thiếu vắng trong tâm thức của con người dù ngày nay hiện tượng tục hóa đã len lỏi và ảnh hưởng sâu nặng đến nhiều chính thể và quốc gia trên thế giới, trong đó có Paraguay. Paraguay là một quốc gia đa phần là Công giáo nhưng chỉ trên danh nghĩa mà thôi. Tuy nhiên, vào những dịp như ngày lập quốc, ngày độc lập hay các ngày lễ bổn mạng của các ban ngành như quân đội, cảnh sát … thì họ lại tham dự cách sốt sắng. Ngày 30/8 sắp tới là ngày lễ thánh Rôsa Lima, vị thánh bổn mạng của Nam Mỹ và cũng là vị thánh bổn mạng của lực lượng cảnh sát, tôi đã được mời để dâng thánh lễ cho các cảnh sát. Có lẽ đó là cơ hội tốt tốt để các linh mục có dịp nói về Chúa cho những vị quan quyền ở trần gian.      
Những nẻo đường truyền giáo




     
Khi còn ở Việt Nam, chưa bao giờ tôi nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ ra đi đến một vùng đất xa xôi như vùng Nam Mỹ này như một nhà truyền giáo. Lắm lúc tôi tự hỏi mình sẽ trụ được bao lâu ở vùng khỉ ho cò gáy này. Cũng rất may là những người thân yêu và bè bạn tôi ở khắp nơi xa gần thường email, viết thư, điện thọai để động viên, an ủi tôi nên tôi cảm thấy ấm lòng giữa những lúc nản chí. Có những ngày tôi phải đi thật sớm từ giáo xứ để đến các giáo điểm truyền giáo khá xa trên con ngựa sắc và đến tối mịt mới trở về. Những lúc trời giông bão thì thật là khổ sở vì xình lầy và đường xá trơn trợt. Khi đến nơi nhiều khi mệt muốn đứt hơi cũng phải nở một nụ cười để chào hỏi mọi người rồi tìm chỗ nào đó để chà giày dép và quần áo cho bớt dơ vì dính bùn và vội mặc phẩm phục để ngồi tòa rồi sau đó dâng thánh lễ. Dù trời mưa và đường xá gập ghềnh nhưng những người dân quê chất phát ấy cũng đã lội bộ hàng chục cây số để tham dự thánh lễ vì hàng năm linh mục chỉ đến các giáo điểm truyền giáo vài ba lần. Cái thú của người dân quê là đến nhà thờ để tham dự các nghi thức hay được tham dự thánh lễ, trong khi những người ở thành phố lại có những thú vui khác như xem ca nhạc, đá banh hay dạ hội. Các ngày Chúa nhật nếu có các trận bóng đá dù trời mưa cỡ nào thì sân vận động cũng chật ních người trong khi nhà thờ chỉ lác đác vài người già. Thật tội nghiệp cho Chúa vì ngày nay dường như Chúa không còn hấp dẫn với giởi trẻ nữa. Các giáo xứ ở Việt Nam mùa hè là dịp các linh mục và các đoàn thể qui tụ thiếu nhi và giới trẻ trong các sinh hoạt mục vụ. Ở đây thì không thế tố chức như thế được vì thiếu nhân sự để làm việc. Giáo xứ đầu tiên tôi được gởi đến có 37 giáo điểm truyền giáo nhưng chỉ có 2 linh mục và một chủng sinh. Giáo xứ hiện nay tôi đang phục vụ gồm hơn 46 ngàn giáo dân với 80 giáo điểm truyền giáo cách xa hàng trăm cây số đường rừng mà hiện tại chỉ có 2 linh mục Dòng coi sóc. Cách đó cũng khá xa có 2 tu sĩ Dòng đang phụ trách một trường vừa học, vừa làm cho những học sinh nghèo và người thổ dân. Chỉ lo chuyện mục vụ bí tích cũng đủ làm cho hai anh em linh mục chúng tôi đờ cả người rồi chứ chưa tính đến những chuyện khác. Tôi mới thử lập một ca đoàn và một đội giúp lễ cho giáo xứ mà cũng phải mất nhiều thời gian để huấn luyện và dạy dỗ họ. Tôi cũng đang lên chương trình cho việc huấn luyện các giáo lý viên vì họ là giáo lý viên thật đấy nhưng chẳng biết gì cả. Lúc trước tôi cứ càm ràm sao những vị tiền nhiệm của mình ở đây đã lâu mà không có được một ca đoàn hay đội giúp lễ cho ra hồn, giờ thì tôi mới thấm thía được công việc và sứ vụ truyền giáo đã chiếm gần hết thời gian và sức lực của các thừa sai. Một số bạn bè thân hữu của tôi đã email và hỏi tôi sao lúc này thấy ốm và già dặn hơn nhiều vậy. Tôi trả lời vui với họ vì thiếu ăn và thiếu ngủ nên mới ra như thế.



      
Các ngày thứ 3 trong tuần tôi thường dâng thánh lễ cho cộng đoàn của các Tu Huynh cùng Dòng đang phụ trách một trường học để giúp các trẻ em nghèo và người thổ dân. Tôi phải thực sự bái phục ba Tu Huynh (1 người Mỹ, 1 người Đức và 1 người Thụy Sĩ) những người đã từng làm việc ở xứ truyền giáo này trên 20 năm mà không hề có một lời phàn nàn. Tôi tự hỏi tại sao họ- những Tu Huynh đáng kính ấy có rất nhiều tài năng, sống ở những nước giàu có nhất thế giới lại chọn ơn gọi Tu Huynh và phục vụ ở một vùng đất nghèo và lạc hậu như thế này trong khi những tu sĩ khác ở các nước nghèo lại cứ thích chọn những nước giàu có để làm việc! Nhiều khi cuộc đời có những cái nghịch lý như vậy. Chính tôi cũng có những suy nghĩ và thích chọn những chỗ sung sướng để làm việc. Tuy nhiên, khi sống gần các Tu Huynh, dần dần tôi đã thay đổi ý kiến. Tôi cũng có dịp trao đổi vốn tiếng Anh của mình với vị Tu Huynh chính gốc người Mỹ vì sợ lâu ngày không xài sẽ quên.
        Thế đó, cuộc sống ở xứ truyền giáo có những khúc quanh mà nhiều lúc mình không có lựa chọn. Mình chỉ biết chấp nhận rồi vượt qua để mà vui sống. Những nẻo đường truyền giáo đầy những thách đố đang còn ở phía trước đòi hỏi nhiều cố gắng, hy sinh. Xin quí vị hiệp ý cầu nguyện cho các nhà truyền giáo với một kinh Lạy Cha trong các thánh lễ. Mong lắm thay!      

Paraguay23/6/2008
Lm. Trần Xuân Sang, SVD.
**************

Chia sẽ MỤCVỤTRUYỀNGIÁO từ PARAGUAY(3)-Lm.Trần Xuân Sang,SVD

Gửi bàigửi bởi Pauldoright vào ngày 12 Tháng 8 2008 01:34 
PARAGUAY : SỐNG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
Phương tiện truyền thông



Chúng ta đã bước qua thế kỷ XXI và ngày nay chỉ cần một cú click chuột là có thể biết được mọi thông tin toàn cầu qua mạng lưới Internet. Ấy vậy mà còn có nhiều nơi trên thế giới, người ta không hề biết cái máy vi tính nhỏ to như thế nào chứ chưa nói đến chuyện sử dụng Internet. Cụ thể là những vùng nông thôn của những người thổ dân thuộc các xứ truyền giáo xa xôi vùng Nam Mỹ thì chiếc máy vi tính hay Internet có lẽ là một thứ xa xỉ phẩm rất xa lạ với người dân ở đây. Bởi thế, nếu gia đình nào có người thân qua đời mà con cháu họ làm việc ở xa thì khó bề liên lạc. Hệ thống bưu điện thì cũng làm việc chậm chạp. Những người thân của tôi muốn gởi quà cho tôi thường thì phải mất hơn 1 tháng mới đến nơi. Đường xá và phương tiện di chuyển còn nhiều trở ngại. Vì thế, việc tụ tập các tín hữu đến tham dự cầu nguyện chung hay tham dự thánh lễ quả thực là khó khăn.
Bởi đó, khi các nhà truyền giáo đến, điều trước tiên là phải cộng tác với các chính quyền sở tại để xây cho được một đài phát thanh của vùng đó và thuê nhân viên làm việc để thông báo tin tức cho mọi người biết. Người dân ở đây nghèo nhưng nhà nào cũng có được cái radio cũ kỹ và họ có thói quen nghe tin tức trong ngày qua đài phát thanh địa phương. Mỗi khi có thánh lễ hay có chương trình gì của từng vùng, chỉ cần báo cho nhân viên của trạm phát và anh ta sẽ loan báo cho mọi người biết. Mục vụ giới trẻ hay mục vụ thiếu nhi cũng nhờ vào kênh truyền thanh này. Nếu không nhờ vào đài truyền thanh, thì có lẽ các nhà truyền giáo và các viên chức nhà nước sẽ bó tay vì nếu đi thông báo từ làng này đến làng nọ phải mất mấy ngày do đường xá xa xôi hiểm trở và chưa chắc gặp được mọi người để thông tin.




Do đó, khi tôi muốn xem tin tức hay liên lạc cho những người thân qua Internet, tôi phải sắp xếp một ngày nào đó để lên tỉnh hay về Nhà Dòng chính, nơi có dịch vụ Internet để cập nhập tin tức và xem tình chiến sự trên thế giới xảy ra như thế nào. Nghĩ lại mà thấy thương cho các nhà truyền giáo đàn anh đi trước đã hy sinh quá nhiều. Các ngài chẳng có được một ngày sung sướng và cũng chẳng biết truyền thông, truyền thanh là gì cả, chỉ biết cặm cụi làm việc và sống chết với công việc vì Chúa và vì tha nhân. Tôi được nghe câu chuyện thương tâm của 2 nhà truyền giáo cùng Dòng, một vị là người Phi-luật-tân và vị kia là người Ba-lan đã từng làm việc ở giáo xứ hiện tôi đang phục vụ trong những ngày tháng khá khó khăn. Các cha đã lặn lội trên từng cây số bằng ngựa, rồi sau đó bằng chiếc mô-tô cũ kỹ kèm theo bình xăng phụ đi đến các họ đạo xa hằng trăm cây số để dạy giáo lý và cử hành các bí tích. Cả hai vị đều bị tử nạn khi trên đường về giáo xứ vì bị xe chở gỗ cán chết. Ngày các vị qua đời cũng chẳng thể nào thông báo cho những người thân vì lúc ấy phương tiện thông tin không phải như bây giờ. Thật tội nghiệp cho các vị. Nghĩ về họ làm lòng mình cũng sờ sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai cho mình.




Cách đây hai tháng nhà Dòng có giao cho chiếc xe tải nhỏ ọp ẹp để đi mục vụ, nhưng vì xe quá cũ nên hay bị hư và uống xăng quá nhiều nên tôi không có đủ tiền để đổ nhiên liệu, đành giao lại cho Nhà Dòng để bán. Hiện nay tôi phải đi mục vụ bằng mô-tô và dĩ nhiên hiểm nguy luôn rình rập và không biết chuyện gì xảy ra ngày mai khi mà đường xá gập ghềnh, tai nạn xe cộ, nạn cướp bóc và bạo lực xảy ra hàng ngày. Thôi thì cứ phó thác cho Chúa lo liệu vì sống chết là chuyện của Chúa mà.  


Cuộc sống của người dân xứ truyền giáo


Khi còn ở Việt Nam, có lần tôi ghé thăm vùng truyền giáo của Dòng tại thị trấn Phước Dân thuộc tỉnh Ninh Thuận, tôi thấy người dân ở vùng này sống rất thiên nhiên khi người và gia súc cùng tắm chung trên bờ kênh mà hiện nay nhà nước đã xây xi măng hẳn hoi. Ở vùng truyền giáo hiện nay tôi sống cũng vậy. Có những ngôi làng của người thổ dân họ sống rất thiên nhiên khi bò, ngựa, chó, gà và người sống chung với nhau. Ăn uống, giặt giũ hay tắm rửa cho người và gia súc cũng một trật bên bờ sông nhỏ bé và hôi hám ấy. Nhìn những con người đơn sơ và nghèo khổ đó mà trong lòng nhói đau.  Có những lúc tôi cầu nguyện và thử hỏi Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa chẳng công bằng tý nào khi để cho những người giàu có, thông minh và xinh đẹp được sống ở những nơi sung sướng, đầy đủ tiện nghi trong khi lại để những người nghèo, thất học và xấu xí phải sống ở những nơi ổ chuột hay những vùng xa xôi hẻo lánh và khổ sở như vậy?” Dường như tôi thấy Chúa mỉm cười và trả lời với tôi khá hài hước : “Bởi vì Ta muốn các con, những tu sĩ, những nhà truyền giáo như con có công ăn việc làm sau bao năm đèn sách chứ không thì thất nghiệp mất con à!”. Tôi ngơ ngác rồi cũng bật cười và giật mình thức giấc vì biết mình đang mơ. Chúa mà cũng biết hài hước huống chi là người thường.  




Sống ở những vùng khó khăn và thiếu thốn tôi mới cảm nhận và xót thương những người dân nghèo. Ở đây đang là mùa lạnh và thời tiết thường thay đổi thất thường. Có lúc nhiệt độ xuống 0 độ C trong vài ngày và sau đó nhiệt độ lại tăng lên 22 độ C. Mùa lạnh thì chẳng có máy sưởi và mùa nóng chẳng có máy lạnh. Những người thổ dân chỉ biết ngồi bên bếp lửa hồng và uống trà Mate để cho giảm cái lạnh. Các linh mục dẫu sao cũng là con cưng của Chúa nên được ăn no mặc ấm hơn họ. Có những lúc tôi ngồi trò chuyện bên họ với chiếc áo ấm dày cộm, chiếc khăn choàng cổ và chiếc mũ len bảo vệ cái đầu và đôi tai cho bớt lạnh mà tự nhiên mình thấy xa cách với họ nhiều quá vì họ chẳng có gì cả. Sung suớng như vậy mà nhiều khi tôi vẫn còn than thân trách phận và có lúc còn có những phản ứng tiêu cực về sứ mạng mình đang phục vụ.
Cách đối xử của người dân ở đây phải nói thật là khá thờ ơ. Tại Việt Nam hay ở các giáo xứ có người Việt ở nước ngoài, thường thì miếng gì ngon nhất hay quà gì đẹp nhất người ta đều để giành cho linh mục. Ở xứ Paraguay này thì không hề có chuyện đó. Họ chỉ cần linh mục dâng lễ và cử hành các bí tích, xong rồi thì coi như hết bổn phận. Tôi đã từng đi dâng lễ bổn mạng ở các giáo họ xa hàng trăm cây số đường rừng, có những lúc rất đói và mệt. Sau thánh lễ, người ta tổ chức ăn uống và nhảy múa và giao cho linh mục phần lễ vật gồm củ khoai mì, chuối, bắp sống và một ít trái cây trong vườn của họ, rồi họ phát thức ăn cho mọi người, và nếu còn dư thì mới là phần của linh mục. Thứa ăn cũng chẳng có gì ngon cả, chỉ toàn là khoai mì luộc, bánh bao Paraguay, thịt bò nướng và nước lạnh pha với bột phẩm ngọt. Trẻ em tham dự thánh lễ rất đông để nhận phần ăn. Chẳng lẽ mình lại giành phần ăn với trẻ con! Thôi thì cố mà ăn những gì họ cho để lấp cơn đói. Có lần hai vị điều hành trong giáo họ ở xa đến thăm giáo xứ, tôi vội chạy đi mua được một con gà nướng để đãi khách. Trong khi tôi đang chế biến thêm thức ăn thì hai vị khách ấy đã ăn gần hết con gà mà tôi vừa mua. Họ chỉ để giành cho tôi cái đầu gà và tôi cũng chỉ biết chửi thầm và cười trừ cho qua chuyện. Văn hóa của họ là thế đó chứ không phải họ xem thường linh mục đâu! Tôi muốn viết lên những dòng tâm sự này để mọi người biết và cầu nguyện thêm cho các nhà truyền giáo để các ngài biết đón nhận tất cả những vui buồn và sống trọn vẹn lý tưởng của sứ vụ truyền giáo.  


Paraguay 9/6/2008
Lm. Trần Xuân Sang, SVD. 
*******


Chia sẽ MỤCVỤTRUYỀNGIÁO từ PARAGUAY(4)-LM Trần Xuân Sang,SVD


PARAGUAY -  KÝ SỰ  TRUYỀN GIÁO


De Obispo a Presidente (Từ giám mục đến tổng thống)

Ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời (15.8) cũng là ngày kỷ niệm 471 năm thành lập thủ đô Asunción của Paraguay (Asunción nghĩa là Thăng Thiên, lên trời). Đây là ngày quốc lễ nên mọi người được nghỉ ngơi để tham dự thánh lễ và thăm viếng người thân. Người dân ở Nam Mỹ nói chung và người dân Paraguay nói riêng rất sùng kính Đức Mẹ nên các địa danh hay các nhà thờ, nhà nguyện đều có tước hiệu Đức Mẹ kèm theo. Hôm nay cũng là ngày nhậm chức của tổng thống đắc cử.


Sau 4 tháng kể từ ngày bầu cử tổng thống, hôm nay, người dân ở đây náo nức tham dự ngày lễ nhậm chức của tân tổng thống Fernando Armido Lugo Mendez (thường được gọi là Lugo) nhiệm kỳ 2008-2013. Vị tổng thống nhận chức hôm nay 57 tuổi, là một cựu giám mục vừa được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với sắc lệnh của Bộ giám mục cho phép được hồi tục như nguyện vọng để điều hành đất nước.
viewtopic.php?f=16&t=153 (Chú thích thêm đường link của người đăng bài)
Một tít báo lớn có tựa đề : De Obispo a Presidente. Cho đến giây phút này vẫn còn một số đối thủ của phe đối lập bêu riếu và nói xấu ông. Họ cho rằng một cựu giám mục thì biết gì đến chính trị ngoài việc rao giảng Lời Chúa và mục vụ bí tích. Thực vậy, cựu giám mục Lugo chưa từng học một khóa chính trị nào hay nắm một địa vị nào trong chính phủ cho đến ngày ông đệ đơn xin Tòa Thánh cho hồi tục vào cuối năm 2006. Vậy mà chưa đầy 2 năm sau đó, ông đã trở nên một ứng cử viên sáng giá rồi đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử dân chủ vào hạ tuần tháng 4 năm 2008, đánh bại ứng cử viên của đảng đương quyền lắm tiền, nhiều quyền lực. Liền ngay sau đó, ông đã giải quyết được biết bao nhiêu chuyện mà những vị tiền nhiệm của ông và những chính khách được đào tạo trong các lò chính trị chưa chắc đã làm được. Điều đó cũng nói lên rằng giới nhà tu có thể nắm bắt được nhiều lãnh vực không thua gì những người khác. Sở dĩ Giáo hội Công giáo không muốn các mục tử dính bén vào chuyện chính trị để chỉ chú tâm vào việc đào luyện tâm linh nhằm hướng con người đến chân- thiện-mỹ mà thôi.
Các vị nguyên thủ quốc gia của nhiều nước trên thế giới đã đến tham dự để chia sẻ niềm vui với quốc gia vùng Nam Mỹ này. Chỉ vài giờ trước khi nhậm chức, vị tân tổng thống đã ghé qua ngôi nhà nguyện của Tỉnh Dòng nơi ông từng là Giám tỉnh để cầu nguyện và sau đó mới lên xe tiến về dinh tổng thống. Nhiều nhà phân tích chính trị nói rằng về đối ngoại tân tổng thống Lugo sẽ dễ thành công hơn vì ông thông thạo tiếng Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, tiếng Ý, một ít tiếng Anh, và ông đã từng sống và làm việc chung với các cộng đoàn quốc tế khi còn là tu sĩ truyền giáo. Tuy nhiên, về đối nội có lẽ ông sẽ gặp nhiều khó khăn vì tàn dư của đảng Colorado sau 61 năm cầm quyền. Trong bài phát biểu đầu tiên với cương vị tổng thống, ông đã làm náo nức lòng dân khi ông nói rằng chuyện thay đổi không mấy dễ  dàng nhưng không phải là không thể được. Ông mong muốn mọi người cùng ông góp sức thay đổi đất nước. Người dân đã tin tưởng và trao phó cho ông lãnh đạo đất nước để sớm hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và sánh vai cùng khu vực sau bao nhiêu năm tụt hậu.


Bông hồng đầy gai

Trong những ngày giữa tháng 7 vừa qua nếu chúng ta xem truyền hình về cuộc thi hoa hậu hoàn vũ tại Nha Trang, Việt Nam có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến các hoa hậu đến từ hiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các người đẹp vùng Nam Mỹ. Trong số 5 hoa hậu vào chung kết, thì có 4 người đẹp đến từ các quốc gia Mỹ La Tinh, nơi có một kỹ nghệ đào tạo trở thành hoa hậu như Venezuela, Colombia, Mễ Tây Cơ, và cộng hòa Dominican. Các cô gái Nam Mỹ có vẻ đẹp hớp hồn người khác nên nhiều lúc cũng là một vật cản trên đường tiến bước của các nhà truyền giáo trẻ. Vì sống xa quê hương và xa những người thân thuộc nên có những lúc các nhà truyền giáo cảm thấy cô đơn, lạc lõng và dễ bị rơi vào cái “vũng lầy êm ái” nếu thiếu đời sống cầu nguyện. Các cô gái Nam Mỹ rất bạo dạn và sống khá thoải mái chứ không khép kín và giữ kẻ như phụ nữ Á châu nói chung hay Việt Nam nói riêng. Vào những ngày nắng nóng các cô ăn bận khá ‘mát mẻ” và đến nhà xứ để xin gặp linh mục nói chuyện hay xưng tội. Những khi gặp nhau họ thường ôm hôn nhau hình tam giác và có những cử chỉ rất thân mật. Những lúc như thế tôi chỉ biết đọc thầm câu thần chú quen thuộc như thánh Phêrô sắp chìm khi đi trên mặt nước “Lạy Chúa, xin cứu con” mà thôi. Bông hồng rất đẹp nhưng cũng đầy gai và nếu đụng vào dễ bị chảy máu lắm vì có một số cô gái trẻ đẹp ở đây thích bám víu vào các linh mục vì nghĩ linh mục có nhiều tiền! Biết bao cám dỗ và cạm bẫy đang rình rập không biết sẽ bị sập bẫy lúc nào nếu không biết đề phòng và chống đỡ. Lạy Chúa, xin cứu con!    


Giải quyết mục vụ

Trong những ngày đến các giáo điểm truyền giáo để rửa tội, có những chuyện giở khóc, giở cười và phải cố gắng giải quyết để mọi người được an tâm và nhất là tránh những xung đột về sau.


Tại một giáo điểm nọ gồm nhiều sắc dân chung sống (gồm người Brazil, Paraguay, thổ dân Paraguay và cả người Đức nữa). Ban điều hành của giáo điểm này gồm 5 vị, 1 vị người Paraguay làm trưởng như là ông trùm của một giáo xứ ở Việt Nam và 4 vị khác nữa (đa số là người gốc Brazil). Dĩ nhiên ở đâu cũng có sự phân biệt màu da hay chủng tộc mặc dù không nói ra. Ông trùm của giáo điểm này là một người khá bảo thủ và cứng nhắc, lại có tư tưởng phân biệt nên đã chạm vào tự ái của rất nhiều người, trong đó có 4 vị trong ban điều hành với ông. Đó là lý do xảy ra cuộc xung đột ngay ngày lễ rửa tội và nếu không kịp giải quyết chắc sẽ có nhiều điều tai hại về sau.


Thông thường khi linh mục đến một giáo điểm để làm việc mục vụ thì thường lịch trình đã lên trước cả mấy tháng trời và trước đó các vị điều hành trong giáo điểm đều chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là giấy tờ rửa tội hay hôn phối. Giáo điểm này cũng vậy, vị điều phối viên về giáo lý đã nộp danh sách và báo cho tôi biết số người đủ điều kiện để nhận bí tích rửa tội là 22. Sau khi làm lễ rửa tội cho một giáo điểm của người Brazil, tôi phải vội vàng chạy đến giáo điểm này để kịp giờ giải tội và dâng lễ. Khi vừa đến nơi chưa kịp chào hỏi mọi người, tôi đã nghe những tiếng cãi vả và một số người dự tòng định kéo nhau về và nói rằng chẳng bao giờ bước đến nhà thờ nữa. Tôi chưa biết câu chuyện đầu đuôi thế nào nhưng cố gắng trấn an mọi người và nói với những vị dự tòng và cha mẹ đỡ đầu của họ hãy vào nhà nguyện và chờ tôi ở đó. Tôi đã gọi riêng 5 vị trong ban điều hành để hỏi rõ trắng đen và cố gắng làm dịu bớt căng thẳng. Khi nghe chuyện của họ tôi nhận thấy ai cũng có lý hết. Tôi đã nói với họ rằng anh chị em là cánh tay nối dài của linh mục, nếu anh chị em đồng ý thì tôi sẽ cử hành thánh lễ hôm nay, còn nếu anh chị em không đồng ý thì tôi ra về vậy! Ông trùm nói với tôi rằng nếu tôi mà rửa tội cho 22 người hôm nay thì ông sẽ từ chức, trong khi đó 4 vị điều hành kia lại nói rằng nếu tôi không rửa tội cho đủ 22 người hôm nay thì họ sẽ không tham dự thánh lễ nữa vì họ mất mặt với mọi người. Biết làm sao bây giờ, Chúa ơi! Tôi đã thốt lên 1 tiếng thở dài như vậy. Tôi đã cố gắng tìm ra mấu chốt vấn đề và nhận ra rằng ông trùm này có tư tưởng phân biệt vì một số người ông không đồng ý để nhận bí tích rửa tội hôm nay là người Brazil đã từng chống đối ông. Tôi đã nói với ông rằng theo nguyên tắc luân lý, giữa hai điều tốt và xấu, dĩ nhiên chúng ta phải luôn chọn điều tốt. Còn trong trường hợp này, giữa hai cái xấu, ta phải biết chọn cái ít xấu hơn. Nếu hôm nay linh mục làm theo cách của ông mà không rửa tội cho những dự tòng, sau đó họ bỏ về hết và không bao giờ tìm đến với giáo hội nữa thì lỗi đó thuộc về ai! Chỉ có tình thương và lòng khoan dung mới có thể đem lại những điều tốt đẹp cho con người. Ông đã dần dần hiểu ra và sau đó tôi mời ông vào nhà nguyện để nói chuyện với mọi người. Tôi cũng yêu cầu tất cả mọi người làm hòa với Chúa qua bí tích hòa giải để được tham dự thánh lễ cách sốt sắng. Mọi người đã nghe theo và họ đã xưng tội. Điều đầu tiên mà mọi người nói ra là xin đổi ông trùm vì ông quá cứng nhắc và có đầu óc phân biệt. Tôi đã nói với họ là anh chị em hãy xưng tội của mình chứ không phải là xưng tội của người khác. Và tôi đã ra một việc đền tội rất nhẹ nhàng là ngay bây giờ họ hãy làm hòa với ông trùm để được tham dự thánh lễ. Mọi người lúc đầu hơi ái ngại nhưng họ đã làm được chuyện đó và ông trùm lấy làm mát lòng nên thánh lễ hôm ấy diễn ra cũng thật tuyệt vời mặc dù tôi quá mệt sau 2 thánh lễ và phải giài quyết những chuyện không mấy dễ dàng.


Paraguay 15/8/2008
Lm. Trần Xuân Sang, SVD.
 
*********************
 

PARAGUAY - NHỮNG DẤU LẶNG TRONG CUỘC SỐNG TRUYỀN GIÁO

Gửi bàigửi bởi Pauldoright vào ngày 30 Tháng 9 2008 00:59 
Xin cung dot len 1 ngon nen de cau nguyen cho que huong VN chung ta trong luc kho khan nay.Goi anh chi em mot chut chia se ve truyen giao.
From: "Tran Xuan Sang" tranxuansang@gmail.com
Monday, September 29, 2008 10:51 AM

Khóa học tiếng Guaraní

Sau 6 tháng làm việc ở giáo xứ mới với nhiều thách đố trong sứ vụ, Nhà Dòng đã cho tôi đi học 1 khóa tiếng Guaraní ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ của mình.
Tưởng cũng nên biết Paraguay là một quốc gia vùng Mỹ La-tinh nên phần đa họ nói tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, tiếng Guaraní lại là ngôn ngữ mà giới bình dân và người nhà quê sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Thêm vào đó, những người dân từ nước láng giềng Brazil đến Paraguay lập nghiệp nên người ta đã nói pha trộn nhiều thứ tiếng và nhiều lúc mình không biết họ đang nói tiếng gì nữa. Giáo xứ tôi đang phục vụ có hai giáo điểm mà đa số là người Brazil nên họ nói tiếng Bồ Đào Nha pha trộn với tiếng Tây Ban Nha, chúng tôi quen gọi là tiếng Portuñol (Portugués và Español). Ngôn ngữ pha trộn này có thể hiểu được vì tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha rất gần giống nhau. Tuy nhiên, một số giáo điểm khác lại nói pha trộn tiếng Tây Ban Nha và tiếng Guaraní nên gọi là tiếng Guarañol (Guaraní và Español) rất khó đối với người ngọai quốc; giống như ở Phi Luật Tân người ta nói pha trộn tiếng Anh và tiếng Tagalog hay những người Việt ở Mỹ thế hệ thứ hai thường pha trộn tiếng Anh và tiếng Việt vậy. Bởi thế việc mục vụ cũng gặp nhiều khó khăn vì nếu linh mục không hiểu hay nắm bắt được người giáo dân nói gì thì làm sao có thể giúp họ được. Chẳng lẽ lúc nào cũng kè kè thông dịch viên bên cạnh sao! Người ta thường nói đùa rằng những người nghèo thường hay xài sang. Paraguay cũng vậy, tuy là nước nghèo nhưng lại thích xài sang. Cụ thể là họ nói tới 3 ngôn ngữ (Tây Ban Nha, Guaraní và Bồ Đào Nha). Họ dùng đến 3 đồng tiền (Guaranies, Dollar và Real) và nhiều người đàn ông có đến 3 bà vợ hay nhiều bà có đến ba ông chồng! Bởi thế họ rất dễ qua mặt các linh mục nước ngoài khi họ kết hôn nếu các linh mục không hiểu các ngôn ngữ của họ. Vả lại tôi cũng rất thích học ngoại ngữ vì tôi nghĩ rằng biết thêm được một ngôn ngữ là hiểu thêm một nền văn hóa, một tập quán mới và biết được một dân tộc mới. Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định khăn gói lên đường để học cái ngôn ngữ mà nhiều người cho rằng rất khó và tốn thời gian vô ích.



Lúc sống trong cộng đoàn học viện ở Sài Gòn, anh em tu sĩ chúng tôi thuộc dân tứ xứ và nói đủ giọng Bắc- Trung –Nam. Có anh nói đùa rằng nếu muốn nói được giọng Huế cho ngọt ngào thì phải ăn nhiều mắm ruốc vào! Nếu nói được giọng Hà-Lam-Linh chính gốc thì phải biết ăn “giau muống nuột”, và nếu muốn nói được giọng miền Nam cho hoàn hảo thì phải biết nói tục và biết kể chuyện tiếu lâm! Người Paraguay cũng khuyên chúng tôi nếu muốn nói được tiếng Guaraní thì trước hết phải biết ăn củ mì và uống Térere. Thực vậy, bữa ăn nào mà thiếu một trong hai thứ đó thì không thuần chất là Paraguay nữa.


Những ngày đầu tiên đặt chân đến Paraguay có những lúc vừa ăn vừa khóc vì ăn củ mì đến sưng cuốn họng, người thì nóng, có những lúc bị lở loét và bị hành sốt vì không quen với cái món ăn truyền thống này của họ. Ăn riết rồi cũng quen và đâm ra ghiền. Có lẽ vì thế mà tôi mau nắm bắt được tiếng Guaraní của họ.
Trong 1 tháng ròng rã học tiếng Guaraní ở một vùng núi không điện thọai, không Internet, với cái ti-vi đen trắng chập chờn lúc có, lúc không giống như thời bước vào tập viện cách đây mười mấy năm. Lúc đầu tôi hơi khó chịu vì không biết được thế giới bên ngoài và không liên lạc được với những người thân yêu và bè bạn. Tuy nhiên sau hơn 1 tuần lễ tôi bắt đầu quen dần và nghiệm ra một điều là cuộc sống đơn giản, thiếu thốn làm cho mình ít nghĩ ngợi hơn, ít bon chen hơn và khỏe khoắn hơn. Ngoài những giờ học với giáo viên và thực tập ngôn ngữ với những người bản xứ, tôi có thời gian đọc sách nhiều hơn và có thể làm việc chân tay vì đây là một khu đất rất rộng trên 2000 mẫu tây của nhà Dòng.
Nói đến chuyện đất đai tôi muốn chia sẻ thêm một tý. Thưở còn nhỏ tôi thường được nghe nói ở Việt Nam trước đây có những điền chủ hay đại điền chủ đất đai nhiều vô kể. Tôi không biết các điền chủ ngày xưa có được bao nhiêu héc-ta đất thì gọi là giàu. Ở đây tôi đã tận mắt nhìn thấy những nông trại của những gia đình cha truyền con nối từ mấy trăm năm qua. Một số nông trại có đến 15.000 hécta đất trong đó họ có xưởng chế biến gỗ, trại nuôi gia súc, ao cá… và thuê hàng trăm gia đình làm việc và sinh sống tại đây. Người giàu thì quá giàu còn người nghèo thì nghèo mạt rệp. Cứ nghĩ xem Paraguay có diện tích rộng hơn Việt Nam rất nhiều mà dân số chí vỏn vẹn hơn 6 triệu người và đất đai phần lớn nằm trong tay những nhà giàu hay những tay tài phiệt, còn người nghèo lại không có đất và chỉ biết đi làm thuê làm mướn mà thôi. Các nhà truyền giáo khi đến đây thường khai hoang ruộng đất và đặt các cơ sở nên các thế hệ đến sau mới có nơi ăn, chốn ở và đất đai canh tác để nuôi sống bản thân chứ chẳng hưởng được một nguồn tài trợ nào cả.
Trở lại chuyện học tiếng Guaraní. Tiếng Guaraní thực sự khó nên người dân ở xứ này nói và nghe tốt, còn đọc và viết coi như mù chữ. Họ phát âm toàn giọng mũi và âm họng như ai bóp cổ vậy. Bởi thế nên trong giáo xứ tôi mà tìm ra được vài người để viết hay dịch một tài liệu gì từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Guaraní hoặc ngược lại thì khó như mò kim đáy biển. Những gia đình giàu có và tầng lớp thượng lưu không muốn dùng ngôn ngữ khó hiểu này và cũng không cho con cái học vì họ cho rằng tiếng Guaraní là ngôn ngữ của rừng rú! Thật đau lòng khi chỉ trong một gia đình  mà con cái không hiểu được bố mẹ chúng nói gì khi người lớn dùng tiếng Guaraní còn bọn con nít lại dùng tiếng Tây Ban Nha. Văn hóa của thực dân đã tước đoạt cái vốn quí nhất của dân tộc đó là ngôn ngữ. Người Việt chúng ta tự hào về điều đó dù ở bất cứ phương trời nào nhưng chúng ta cũng có thể giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt của mình.


Những ngày ở đây tôi được sống với một linh mục cùng Dòng người Đức đã ngoài 85 tuổi mà có sức khỏe phi thường. Ngài đã đến truyền giáo ở Paraguay hơn 50 năm, đã từng là một anh lính thời Đệ Nhị Thế Chiến tham gia các trận chiến ở Nga-sô và đã từng nắm nhiều trọng trách lớn trong Dòng. Ngài đã lập một số giáo xứ lớn và một chủng viện truyền giáo đã mừng kỷ niệm 50 năm. Nhà nước đã lấy tên ngài để đặt tên đường phố để ghi nhận công ơn của ngài. Vị tổng thống đương nhiệm Paraguay cũng từng là học trò của ngài.  Kinh nghiệm sống đầy tràn. Đến tuổi này mà ngài vẫn ham thích làm việc và xin ở lại vùng khỉ ho, cò gáy này để sống gần với thiên nhiên hơn. Ở đây có những xe máy cày, máy kéo để cày đất, kéo gỗ, chặt cây và mỗi khi xe hư thì chính ngài lại hì hục sữa chữa vì ngài từng là thợ cơ khí. Nhìn thấy vị linh mục 85 tuổi với bộ áo lao động tay chân dính đầy dầu nhớt đang cặm cụi sửa những chiếc xe hư mà tôi không tin vào mắt mình. Có lẽ vì người Đức làm việc rất nguyên tắc và quên mình nên họ sống khỏe và sống lâu. Tôi cũng thấy vị cha già đáng kính này ăn uống rất đơn giản và và sống khiêm nhường dù tuổi tác của ngài và của tôi cách nhau rất xa. Thời còn trai trẻ ngài đã vùng vẫy nhiều nơi và rồi ngài đã biết dừng lại đúng lúc để cho các thế hệ kế tiếp tiến lên. Được trò chuyện với vị cha gì đáng kính này tôi được hiểu thêm ít nhiều về cuộc sống truyền giáo. Những lúc vui là lúc mình gặt hái được nhiều thành công và được nhiều người biết đến. Còn những lúc sầu khổ là lúc mình gặp những chuyện xui xẻo và thất bại.  Những lúc ấy là những dấu lặng trong cuộc đời mà mình cần hồi tâm, suy nghĩ và chấp nhận để vươn lên. Cuộc sống không phải lúc nào cũng đầy màu hồng và thành công rực rỡ nhưng có những lúc sẽ có những u ám và thất bại bao quanh. Đời sống của vị linh mục khả kính ấy đã là một bài học lớn cho tôi và tôi đang chuẩn bị áp dụng bài học cuộc đời cho đời sống truyền giáo của mình.

Lựa chọn cuộc sống

Tôi đã từng là một chú chủng sinh của giáo phận nhưng số phận lại đẩy đưa tôi trở thành một tu sĩ truyền giáo. Ngày ấy có nhiều người nói với tôi sao mà ngu quá không chịu làm linh mục triều để được gần với cha mẹ và có thể phần nào giúp đỡ gia đình khi cha mẹ về già mà lại đun đầu vào cái Nhà Dòng hèn mọn này (Trước đây Dòng tôi gọi là Dòng Thánh Giuse, sau sáp nhập với Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời nên hiện nay ở Việt Nam, Dòng có tên gọi là Tỉnh Dòng SVD-Giuse). Ba lần trong đời tôi đã dám nói tiếng không trong việc lựa chọn hướng đi của mình. Và mới đây khi trả lời câu hỏi của bề trên trong việc trở thành một nhà đào tạo trong Dòng, tôi đã lựa chọn việc sống đời truyền giáo vì nghĩ rằng tôi không phải là một mẫu người đào tạo.  Có lẽ dưới con mắt của nhiều người tôi đã sai lầm trong việc lựa chọn, nhưng bản thân tôi cảm thấy mình lựa chọn đúng và bằng lòng với những gì mình đã chọn. Thật sự những người thân yêu của tôi luôn mong muốn điều tốt lành cho tôi, nhưng tự bản thân tôi biết tôi có những sở trường và sở đoản nào để sống đúng với lựa chọn của mình.
Có những lúc vắt tay lên trán suy nghĩ về cha mẹ già, về gia đình và những người thân yêu rồi khóc thầm trong đêm. Trong những tháng vừa qua khi biết tin những anh em tu sĩ cùng Dòng ở Việt Nam mà mình đã từng sống với lần lượt từ giã cõi đời khiến lòng buồn rời rợi. Rồi kế đó lại nghe tin ông bà cố của cha giám tỉnh SVD-Giuse Việt Nam đã dắt tay nhau về với Chúa chỉ trong vòng 31 ngày khiến cho người anh em đầu tóc bạc thêm vì cơn sốc này. Dẫu biết rằng kiếp người rất mong manh và nay anh mai tôi sẽ về chầu Chúa nhưng trong lòng đau nhói làm sao! Sống ở hơn nửa vòng trái đất này muốn trở về thăm quê hương đối với một tu sĩ truyền giáo không phải chuyện dễ, cụ thể là năm vừa qua khi những người thân yêu nhất của tôi lần lượt qua đời cũng chỉ biết khóc và dâng lễ cầu nguyện mà thôi. Dù biết rằng lựa chọn là từ bỏ, là hy sinh nhưng có cái gì đó đăng đắng trong cổ họng. Thỉnh thoảng tôi có hỏi thăm tin tức của gia đình và biết rằng cha mẹ mình lúc này hay đau yếu vì tuổi tác mà mình chẳng thể giúp được gì ngoài lời cầu nguyện. Nói ra thì sợ xui xẻo nhưng nếu lỡ cha mẹ tôi có qua đời mà không đúng vào những ngày nghỉ phép của mình thì cũng đành chịu dâng lễ âm thầm để cầu nguyện nơi đất khách quê người. Đau lắm khi phải thốt lên những lời tâm sự này vì không có cuộc chiến nào mà không đổ máu cả.
Có người nói rằng sao cái ông tu sĩ dở hơi này hay kể lễ và mít ướt quá, nếu biết cuộc sống như vậy thì đừng có đi tu! Đã có lần tôi cũng tự nghĩ như vậy nhưng biết vậy mà vẫn cứ bám theo như một cái nghiệp, và muốn bật mí một tý để cho thiên hạ biết “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Ước mong những dòng tâm sự này sẽ làm vơi đi những muộn phiền khi có những người hiểu và chia sẻ trong sứ vụ.  


Paraguay, Lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần, 29/9/2008
Lm. Trần Xuân Sang, SVD. 
 
******************
 

Chia sẽ MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO từ PARAGUAY (6)-Lm.Trần Xuân Sang,SVD

Gửi bàigửi bởi Pauldoright vào ngày 01 Tháng 11 2008 01:14
PARAGUAY -  MỘT DẤU LẶNG KHÁC TRONG CUỘC SỐNG TRUYỀN GIÁO

Một mai sau cơn đau!


Sau khóa học tiếng Guarani để bổ sung cho đời sống mục vụ từ trên núi trở về, tôi đã phải lao đầu vào công việc cho tháng truyền giáo và lên chương trình cho những tháng cuối năm 2008.
Phải thật sự nói rằng tháng 10, tháng Mân Côi, trong giáo xứ chúng tôi có nhiều việc để làm vì người dân ở đây cũng rất tôn sùng Đức Mẹ như dân Việt mình vậy. Các ngày thứ Năm trong tuần họ tổ chức lần chuỗi Mân Côi kết hợp cho việc cầu nguyện truyền giáo rất sốt sắng. Tôi luôn hiện diện với họ để lần chuỗi Mân Côi và ban phép lành trước khi kết thúc buổi cầu nguyện. Tôi cũng phải đến các giáo điểm truyền giáo trong các ngày bổn mạng giáo họ như Giáo họ Têrêsa Hài Đồng, Phan-xi-cô A-xi-di… để dâng lễ và chung vui với họ.



Vì quá đam mê vào công việc nên một vài ngày trước đó tôi đã cảm thấy trong người hơi khó chịu mà mình cứ chủ quan, đến khi tôi bị nóng sốt và phần đầu đau như búa bổ nên mới vội nhờ người đưa đến một trạm xá gần giáo xứ. Người ta đã vội vàng chuyền nước biển và tiêm thuốc cho tôi nhưng tôi không cảm thấy tốt hơn chút nào. Sau gần 3 ngày nằm ở trạm xá mà tình hình vẫn càng tội tệ hơn, vị bác sỹ ở trạm xá ấy đã viết thư chuyển viện tức khắc cho tôi và yêu cầu người thân của tôi đưa tôi đi ngay trong đêm kẻo muộn. Tôi bị mê mệt và được đưa đi ngay đêm hôm ấy lên bệnh viện thành phố cách xứ tôi hơn 6 tiếng xe. Tôi đã ngỡ mình chết vì trên chuyến xe tải nhỏ đưa tôi đi đêm ấy, máu đã ra rất nhiều từ chiếc bình Sirum mà người ta gắn trên tay tôi. Khi đến khu cấp cứu của bệnh viện, thân hình tôi mềm nhũng ra và sau đó người ta muốn làm gì thì làm để xét nghiệm thân thể tôi. Phải thật sự sám hối rằng lúc ấy tôi chẳng còn nhớ đến Chúa, Mẹ hay thần thánh gì nữa mà chỉ nghĩ đến cái chết.
Những ngày nằm ở bệnh viện là thời gian cực kỳ đau khổ đối với tôi. Tôi chẳng biết mình bị bệnh gì mà người ta lại xét nghiệm đủ thứ và chụp toàn bộ vùng đầu của tôi bằng máy chụp điện sóng. Tôi nghe mù mờ rằng Paraguay hiện đang có một bệnh dịch nào đó nên người ta cố tìm ra con vi-rút có nằm ở trong cơ thể tôi không. Vừa đau thể xác, vừa bị ám ảnh bởi căn bệnh mới lạ, tôi bỗng rùng mình và sợ chết. Cái cảm giác sợ chết ghê gớm thật. Giả như mình đang đi đường rồi bị tai nạn và chết thình lình thì không có gì phải sợ. Đằng này mình đang khỏe mạnh, rồi bỗng dưng bị đau và mình sẽ biết mình chết dần, chết mòn thì đáng sợ làm sao. Vừa nghĩ đến cái chết thì cơn nóng lạnh và chứng đau đầu lại hành hạ tôi. Chưa thấy cơn đau nào dữ dội và dai dẵng như cơn đau lần này xảy đến với tôi.
Cũng thật an ủi cho tôi trong những ngày nằm bệnh. Các giáo dân của tôi đạo đức và hăng say cầu nguyện nhiều hơn cho tôi. Những người thân ở xa điện thọai hỏi thăm và động viên tôi dù bác sỹ hạn chế không cho tôi nói chuyện nhiều qua điện thoại. Cha bề trên và các anh em cùng Dòng thường xuyên thăm viếng và nâng đỡ tôi nên tôi thấy phấn khởi lắm lắm. Hai anh em linh mục đồng hương khi biết tin tôi lâm bệnh nặng đã sắp xếp thời giờ đến túc tực bên tôi như người anh em ruột thịt dù các anh ở rất xa. Thật quá cảm động và mang ơn các anh em dường nào. Chúa đã ban cho mình nhiều hơn mình nghĩ dù mình sống ở đây là đất lạ quê người.
Sau cơn đau chí tử ấy tôi mới thấy được tình thương của các anh em đồng đạo và những người giáo dân mà mình gắn bó làm việc. Nếu mình biết đối xử chân tình và hết lòng vì họ thì họ cũng sẽ hết lòng vì mình. Và tôi cũng nghiệm một điều là khi mình sống ở xứ lạ quê người mình nên để ý đến chuyện ăn uống một tý vì nếu mình cứ ỷ vào sức trẻ và ăn uống bất kể thứ gì thì rất dễ bị ngã gục.
Một dấu lặng nữa được viết lên trong cuộc sống của tôi ở vùng truyền giáo này để tôi biết nghĩ thêm về đời sống của các bệnh nhân mà chính tôi đã kinh qua. Tôi còn nhớ khi nghe một cuốn album ca nhạc của Khánh Ly, cô ca sĩ nổi tiếng này đã phỏng vấn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một câu rất ngắn gọn rằng trong cuộc sống cái gì là quí nhất. Cố nhạc sĩ họ Trịnh đã trả lời rằng cái quí nhất trên đời chính là ở tấm lòng. Đúng vậy, sống trên đời cần phải có một tấm lòng để một mai khi mình không còn trên đời này nữa người đời vẫn còn nhớ đến mình qua tấm lòng thành.
       
Kỷ niệm ngày chịu chức
Hôm nay là ngày cuối tháng 10, kỷ niệm ngày 6 anh em cùng lớp và tôi lãnh nhận chức linh mục. Hồi tưởng lại những kỷ niệm đời tu giúp tôi nhận ra ý Chúa luôn từng bước hướng dẫn tôi trên bước đường theo Ngài.
Từ năm 1988, tôi đã bắt đầu theo đuổi ơn gọi như là một ứng sinh của giáo phận dù lúc ấy chuyện tu trì là vô cùng khó. Tôi đã tham gia dạy giáo lý, tham gia các sinh họat của giáo xứ và đợi ngày được gia nhập chủng viện, nhưng chuyện đó thật viễn vông.
Mãi đến năm 1992, tôi đã chính thức xin gia nhập Dòng Thánh Giuse Nha Trang (sau này là Dòng Ngôi Lời-Giuse) mặc dù Đức Giám Mục và cha xứ của tôi lúc ấy muốn tôi chờ đợi thêm một thời gian nữa khi chủng viện được mở lại. Tôi vì quá hăng hái đi tu nên đã bất tuân rồi khăn quả mướp lên đường đi Nha Trang và trở thành chú chủng sinh chui cùng với 27 anh em cùng lớp. Chính ở nơi đây, dù trong điều kiện rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn được học âm nhạc, giáo lý, Kinh Thánh, ngoại ngữ… do các tu sĩ trong Dòng hướng dẫn. Chúng tôi phải làm việc hàng ngày để giúp đỡ nhà Dòng và cải thiện cuộc sống nữa. Và có nhiều đêm khi nghe tiếng chó sủa, chúng tôi phải ôm mềm chiếu chạy trốn sang nhà hàng xóm vì là những chủng sinh chui không đăng ký.
Những năm tháng đại học rồi tu học trôi qua và thời gian cũng là thước đo cho cuộc sống mỗi người. Chúng tôi lần lượt bước vào Thỉnh Viện, Tập Viện rồi Khấn Dòng. Nhiều anh em cùng lớp lần lượt nói lời chia tay để trở về cuộc sống gia đình. 8 anh em còn lại tiếp tục thực tập đời tu ở các giáo xứ và mài dùi kinh sử ở các học viện Triết-Thần tại Sài Gòn. 1 anh em trong số đó đã chọn ơn gọi Tu Huynh trong khi 7 anh còn lại chọn ơn gọi làm linh mục.
Rồi ngày mong đợi đã đến. Lần đầu tiên trong Dòng, 7 anh em chúng tôi (một con số kỷ lục trong Dòng từ xưa đến giờ) gởi đơn xin chịu chức linh mục và chờ đợi. Các sĩ quan cảnh sát phòng PA 38 của tỉnh phỏng vấn từng anh em. Nghĩ lại thấy cũng vui vui vì khi đầu vào là tu chui còn đầu ra lại được phỏng vấn. Tôi có anh bạn cùng lớp đại học là ứng sinh đại chủng viện bị phỏng vấn ở đầu vào 2 lần và đều bị rớt bởi vì anh ta rất đạo mạo có vẻ rất giống thầy tu nên người ta hông thích ! Mãi đến lần thứ 3 mới được chấp thuận và giờ cũng đã là linh mục. Anh em chúng tôi ai nấy cũng đều hồi hộp giống như phỏng vấn đi Mỹ vậy. Không hồi hộp sao được vì lớp trước chúng tôi có 3 thầy lớn tuổi đệ đơn chịu chức vậy mà chỉ đậu 2, rớt 1. Không hồi hộp sao được khi 7 anh em đã sống gắn bó với nhau ngần ấy năm trời mà lỡ có anh nào bị rớt lại chắc là buồn lắm. Hình như Chúa cũng hiểu được cái ưu tư của chúng tôi nên cuối cùng 7 anh em chúng tôi đều được toại nguyện. Các cha, các thầy lớn tuổi trong Dòng thường thì thầm bảo nhau rằng lớp chúng tôi khá đều và nhiều tài năng, không biết sau này có đem lại được gì cho nhà Dòng và Giáo hội hay không.
Thế là sau ngày chịu chức, 7 anh em lại chuẩn bị hành trang lên đường cho sứ vụ mới : 2 anh có bài sai đi Paraguay, 1 anh đi Papua New Guinea, 1 anh đi xứ sở kim chi Hàn Quốc, 1 anh đi học Kinh Thánh ở Rôma và 2 anh trụ lại tại Việt Nam để làm đào tạo.
Nhìn lại các tấm hình xưa thỉnh thoảng phải phì cười vì thấy ngô ngố làm sao. Thời gian trôi đi nhanh quá và tôi cảm thấy mình mỗi ngày một già đi. Thời gian làm việc truyền giáo ở Paraguay giúp cho tôi mở rộng thêm tầm nhìn non nớt của mình.
Hôm nay tôi đã cử hành một thánh lễ an táng và dâng lễ tại một giáo điểm truyền giáo khác để rửa tội cho 28 dự tòng nhân ngày chịu chức của mình. Tính ra tôi cũng có tý công để khoe với anh em cùng lớp khi chỉ trong một thời gian ngắn năm làm việc truyền giáo mà đã hợp nhất được nhiều gia đình rối rắm, và rửa tội gần 600 người lớn nhỏ. Công đó chẳng phải do mình mà do chức linh mục của Chúa ban tặng cho mình.
Viết vài hàng tâm sự nhân dịp kỷ niệm chịu chức mà trong người vẫn còn thấy yếu sức do cơn đau vừa qua.
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con trở thành linh mục của Chúa. Xin Chúa tiếp tục gìn giữ, đồng hành và nâng đỡ con và anh em con trong đời sống linh mục để chúng con trở nên nhân chứng của Chúa trên trần gian này. Xin Chúa cũng ban nhiều ơn lành cho các ân nhân, thân nhân, bằng hữu và gia đình chúng con. Amen.  

                      
Paraguay 31/10/2008, Kỷ niệm ngày chịu chức LM
Lm. Trần Xuân Sang, SVD.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét