Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

PARAGUAY – MỘT CHÚT TẢN MẠN

Vài nhận định sau cuộc đảo chính ở Paraguay    
   
Gần hai tháng đã trôi qua từ ngày vị Tổng thống bị Quốc Hội luận tội và lật đổ do bị tố giác là thiếu trách nhiệm với dân khi để tình hình xáo trộn dẫn đến xung đột đẫm máu khiến nhiều thường dân và cảnh sát thiệt mạng. Tình hình Paraguay đang trở lại bình thường hơn dù thỉnh thoảng vẫn có những cuộc biểu tình giữa những người ủng hộ và những người chống đối. Cũng từ ngày vị tổng thống hợp hiến bị lật đổ thì không một quốc gia Nam Mỹ nào công nhận tổng thống và chính quyền mới. Đa số các quốc gia thành viên Nam Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới không công nhận chính quyền mới và đồng loạt khai trừ Paraguay ra khỏi liên minh cho đến kỳ bầu cử tổng thống năm tới nếu cuộc bầu cử đó được đễn ra công bằng và dân chủ vì họ sợ rằng nếu công nhận vị tổng thống mới qua cuộc đảo chính vừa rồi thì sẽ dẫn đến một tiền lệ xấu. 
Ngay cả người dân cũng trong nước cũng không công nhận vị tổng thống mới. Paraguay hiện giờ đang sống như một ốc đảo và phải cố gắng chống chọi và sự trừng phạt chính trị cho đến ngày tổng tuyển cử vào năm tới.
Cũng xin chia sẻ thêm một tí về vị tổng thống bị lật đổ Fernando Lugo. Ông ta nguyên là một giám mục công giáo của một giáo phận nghèo nhất ở Paraguay mà cách đây 4 năm chúng tôi đã từng đề cập đến. Ông từng là bạn và là học trò cưng của nhà thần học giải phóng  người Brazil Leornado Boff nên cũng bị ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng của nhân vật này. Ông đã được Đức Thánh Cha cho hồi tục trước ngày ông nhậm chức tổng thống Paraguay cách đây 4 năm để phân biệt rạch ròi chuyện đạo đời. Từ ngày ông lên làm tổng thống, bộ mặt Paraguay thay đổi rất nhiều trên trường quốc tế và người dân Paraguay cũng được hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, trong nước ông luôn gặp khó khăn vì phe bảo thủ và phe đối lập tức tối lồng lộn và đã nhiều lần âm mưu lật đổ ông. Và lần cuối cùng cách đây 2 tháng họ đã thành công trong việc luận tội ông để buộc ông từ chức tổng thống vì họ đã tìm thấy một điểm mà nghe ra có vẻ là hợp lí : Thiếu trách nhiệm với nhân dân! Chính lí do này họ đã lật ông một cách hợp hiến.

Nếu là một người ham quyền, tiếm vị và mưu mô về chính trị thì có lẽ cái ngày ông bị luận tội hôm ấy sẽ là ngày đưa Paraguay rơi vào nội chiến hay đã xảy ra máu đỗ, đầu rơi vì quân đội và cộng đồng quốc tế đứng về phía ông để chống lại quốc hội và phe đối lập. Tuy nhiên, ông không muốn thấy một Paraguay đau khổ như đã từng xảy ra ở Ai Cập, Libia hay Siria hiện giờ. Dù ông không còn là một tu sĩ ngày nào và ông đã phạm nhiều sai lầm về luân lí, ông vẫn còn biết lắng nghe tiếng nói của lương tri trong những giây phút quyết định vận mệnh đất nước. Lịch sử sẽ phán xét ai đúng, ai sai.
Trong những ngày Đại Hội Liên Tu Sĩ toàn quốc vào tháng 7 vừa qua, chúng tôi cũng đã được nghe tin tức đa chiều từ các chuyên gia, các nhà phân tích chính trị và ngay cả tiếng nói chính thức của Hội Đồng Giám Mục Paraguay về cuộc đảo chính không được mong đợi vừa qua. Họ chia sẻ và tranh luận thẳng thắng không hề tránh né, không sợ sệt để cử tọa hiểu thêm những uẩn khuất, những điểm đen đằng sau cơn chính biến này. Người tu hành không làm chính trị nhưng cần hiểu chính trị để phân biệt đúng sai, để sống đúng và hướng dẫn mọi người.
Tuần lễ truyền giáo

  Những ngày đầu tháng 8 chúng tôi có dịp đến các giáo điểm truyền giáo xa xôi không có linh mục qua lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Paraguay. Mỗi Học Viện Đào Tạo ít nhất là một thành viên tham gia tuần lễ truyền giáo này để thăm viếng, dạy giáo lí, cử hành thánh lễ và ban các bí tích cho những bệnh nhân và người lớn tuổi. Đồng hành với chúng tôi có 2 bạn trẻ và một Nữ tu thuộc Dòng Phan Sinh Lòng Thương Xót Chúa. Đường xá quá gập ghềnh, trắc trở nên không ít lần chúng tôi gặp khó khăn. Chúng tôi đi với nhau bằng một chiếc xe tải và chất tất cả những vật dụng cần thiết cho chuyến đi truyền giáo này. Hai bạn trẻ đi với chúng tôi dù chưa là tu sĩ nhưng có một tinh thần dấn thân rất quyết liệt. Các em là những người đi tiền trạm và báo cho chúng tôi những trường hợp nào cần nhận các phép bí tích và nơi nào cần thánh lễ để co thể mời gọi mọi người đến. Chúng tôi gom góp những sách báo cũ về đạo và hình ảnh các thánh để phân phát cho người những người dân vùng xa xôi cách trở này.
Những người dân mà chúng tôi đến giúp họ rất niềm nở tiếp đón chúng tôi dù đây là lần đầu tiên chúng tôi đến với họ. Vùng này thuộc vùng truyền giáo của các anh em Dòng Ba Phan-xi-cô nhưng nhiều năm qua vì thiếu nhân sự và không còn ơn gọi nên đã bị lãng quên. Đa số người già và con nít trụ lại để giữ gìn bản sắc dân tộc trong khi  giới trẻ đã đến các nơi khác để tìm việc mưu sinh. Họ không nói tiếng Tây Ban Nha nhiều nên chúng tôi phải nói tiếng bản địa Guarani để tiếp xúc với họ. Tuy họ rất nhút nhát khi tiếp xúc với người lạ, nhất là khi biết chúng tôi là những tu sĩ linh mục thì họ rất kính trọng và ít lời hơn vì theo phong tục của người miền quê là “kính chi viễn nhi”, nghĩa là họ rất tôn trọng nhưng không dám gần vì ngại. Tuy nhiên chúng tôi không những giúp họ tránh sự xa cách đó mà chính chúng tôi đến gần họ để an ủi, lắng nghe họ dù họ rất ít lời.
Một kỉ niệm đẹp là khi chúng tôi thăm và ban các bí tích cho một cụ ông gần 100 tuổi nhưng mắt vẫn còn sáng dù tai đã điếc. Ông rất cảm động và rưng rưng nước mắt sau khi được rước Mình Thánh Chúa mà sau rất nhiều năm chưa được đón nhận do không có linh mục. Ông nói lời cảm ơn tận đáy lòng bằng tiếng Guarani làm chúng tôi cũng muốn khóc theo. Sau đó chúng tôi định từ biệt nhưng cụ bà và cô con gái muốn nói điều gì đó với chúng tôi nhưng hơi ngài ngại. Họ nuôi rất nhiều gà, vịt và ngỗng. Chúng tôi chỉ nói đùa bằng tiếng Guarani : “Che hause ryguasy” (Tôi thích ăn thịt gà) thì bà cụ liền gọi túc túc túc và tất cả đàn gà liền chạy lại. Bà đã bắt một con gà mái thật đẹp và tặng chúng tôi. Thật bất ngờ vì câu nói đùa của chúng tôi mà giờ đây chiến lợi phẩm là một con gà mái. Từ chối sao được về sự hiếu khách của bà cụ, chúng tôi đã nhận và đương nhiên chúng tôi cũng biếu bà cụ một ít lương thực chúng tôi mang theo để tỏ lộ sự biêt ơn. Trên đường đi đến một giáo điểm khác để dâng thánh lễ, chúng tôi nói đùa với Nữ tu và hai bạn trẻ đi cùng là nếu lần tới đến thăm gia đình nào mà có nhiều bò hay nhiều heo thì chúng tôi sẽ nói : “Che hause vaka o cure” (tôi thích ăn thịt bò hay thịt heo) để họ tặng cho con bò hay con heo mà đem về chủng viện. Tất cả cùng cười vui vẻ.
Tuần lễ truyền giáo thật mệt vì đường xá lầy lội, nhiều hầm hố và ăn ngủ thất thường nhưng bù lại chúng tôi cảm nhận được là mình đang đem Chúa đến cho mọi người và cảm thấy thật sự có ích. Những người mà chúng tôi đến giúp bắt đầu thân quen với chúng tôi và hỏi bao giờ chúng tôi sẽ đến với họ nữa. Chúng tôi hẹn là hàng năm nếu có dịp sẽ đến để được ăn những món ăn đồng quê và được thưởng thức hương đồng, gió nội. Họ rất vui vẻ và tặng cho chúng tôi rất nhiều trái cây, trứng gà, rau đậu mà ở thành phố chỉ cần bỏ tiền ra là có tất cả. Chúng tôi đón nhận với tất cả lòng biết ơn và cũng tặng họ những hình ảnh các thánh và những sách vở tôn giáo dù biết rằng nhiều người trong số họ không biết đọc, biết viết gì cả.
Kết thúc tuần lễ truyền giáo là thánh lễ phong chức một tu sĩ Dòng ba Phan-xi-cô thuộc vùng truyền giáo này.
Ngay từ rất sớm nhiều người từ khắp buôn làng bằng tất cả các phương tiện đã đến để tham dự một thánh lễ long trọng mà từ rất lâu rồi họ mới được dịp tham dự. Họ muốn được nhìn thấy vị giám mục mà tiếng Guarani gọi là Pa’i Guasu, tạm dịch là Thượng Tế hay ông Cha Lớn và muốn bắt tay với vị tân chức sẽ được chịu chức thuộc bộ tộc của họ mà họ gọi là Pa’i Pyahu.
Chúng tôi tìm hiểu thì được biết vị tu sĩ Phan-xi-cô sắp được thụ phong này có một hoàn cảnh khá đặc biệt. Khi vừa bước vào Dòng thì mẹ mất. Trước khi mất, bà đã trối con trai của bà lại cho một Nữ tu dòng Phan Sinh đang làm mục vụ những năm ấy khuyến khích và nâng đỡ tinh thần cho con trai bà. Vị nữ tu đã nhận lời và luôn là người mẹ thiêng liêng của cậu trai trẻ này. Sau ngày người mẹ mất được một năm thì người cha của cậu cũng qua đời do bị bệnh tim. Mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng bù lại cậu có một Nữ tu như người mẹ thiêng liêng và người Dì thường lo lắng cho cậu các chi phí đi lại trong những ngày về thăm quê. Vậy mà số bà Dì của vị tu sĩ này cũng không được nhìn thấy đứa cháu trong ngày chịu chức. Bà vì quá vui mừng nên đã bị Strock và qua đời trước hai ngày khi đứa cháu được bước lên bàn thánh. Vì thế, trong nước mắt đầm đìa, cậu đã cử hành nghi thức an táng cho người Dì khi vẫn đang là Phó tế. Thánh lễ phong chức diễn ra thật đơn sơ trong một nhà thờ miền quê nơi cậu được rửa tội. Các tu sĩ tham gia tuần lễ truyền giáo và các anh em tu sĩ thuộc Dòng Ba Đa Minh đến hiệp dâng và đồng hành với người vị tu sĩ đáng thương này. Vị giám mục chủ phong có lẽ lâu lắm rồi mới được dịp phong chức nên ngài quên rất nhiều nghi thức mà chỉ có những người trong cuộc mới nhận ra. Một thánh lễ phong chức thật đơn sơ, giản dị không quay phim, không quà cáp mà chỉ có tấm lòng.
Sau thánh lễ là một buổi ăn trưa đơn sơ do những giáo dân quảng đại đóng góp vì gia đình tân chức chẳng còn ai. Cộng đoàn các Nữ tu Phan sinh và nhóm trẻ tham gia truyền giáo cũng bắt tay lo nấu nướng và chuẩn bị bàn tiệc. Vị chủ tịch quận tuy không là người công giáo nhưng ông cũng đóng góp thêm chút đỉnh cho tân chức và cho mượn trụ sở Ủy ban để tiếp đãi khách. Nhìn cảnh ấy mà mình cảm thấy mủi lòng thay cho vị tân chức. Nghĩ lại ở Việt Nam mình dù có nghèo mấy chăng nữa thì ngày “vinh qui bái tổ” luôn được tổ chức rình rang dù sau đó phải trả nợ nhiều năm mới hết. Tuy nhiên khi nghĩ lại cũng thấy có cái hay vì đó mới là sống đúng theo tinh thần của Tin Mừng, tinh thần mà vị thánh sáng lập của các anh em Phan sinh đã nêu gương để sống và làm chứng cho Chúa.
Sau những ngày bôn ba ở các giáo điểm truyền giáo vắng bóng linh mục ấy với việc tham dự thánh lễ chịu chức linh mục đơn sơ  khi chúng tôi nghe lại lời nhắn nhủ của Đức giám mục chủ phong cho tân chức : “Con hãy tin điều con đọc, hãy dạy điều con tin và hãy sống điều con dạy” mà mới ngày nào đây mình cũng được vị giám mục chủ phong dặn dò nhưng lắm lúc lại lãng quên vì mình chỉ muốn sống và làm theo ‎ mình. Đây là lúc hâm nóng lại đời sống và lời cam kết của những người theo Chúa vì nếu không mình sẽ bị “cuốn theo chiều gió” lúc nào sẽ không hay.
Hôm qua khi dự lễ bổn mạng giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời do người anh em đồng hương phụ trách, chúng tôi nhận được tin báo từ Việt Nam về sự ra đi của cha cựu Bề Trên Dòng Clemenet Lưu Minh Hoàng sau những tháng ngày vác thánh giá trên giường bệnh. Ngài là vị bề trên khả kính với tinh thần hiền hòa và đơn sơ đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều sự ngưỡng mộ. Dù biết rằng sự ra đi nào cũng để lại những đau thương, mất mát nhưng chúng tôi sẽ cố gắng lấp vào những chỗ trống của những bậc cha anh và tiếp tục sống và làm chứng những nhân đức anh hùng của họ. Xin thắp lên một nén nhang cho hương hồn cha Clement. Xin Chúa sớm đưa cha về hưởng hạnh phúc với Ngài khi cha đã kết thúc tốt đẹp đời sống nơi dương thế. Rest in Peace.            
Paraguay, ngày 16 tháng 8 năm 2012
             Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét