Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

MẸ MANGDEN KONTUM

  

ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN – KON TUM
Cuộc hành hương đến với Mẹ Măng Đen bắt đầu vào lúc 4g30 sáng 24/3/2009. Hằng năm, cứ vào lễ Truyền Tin, anh chị em chúng tôi lại tụ họp nhau mừng kính Bổn Mạng. Đây cũng là dịp để anh chị em trong lớp gặp mặt, chia sẻ, hiệp thông trong tinh thần thân ái, đoàn kết với danh xưng: “Gia đình Truyền Tin”.
Điểm danh sơ qua có thể thấy số lượng anh chị em tham dự đông nhất kể từ trước đến nay. Đặc biệt là “âm thịnh dương suy”, theo cách nói của bác Khoa “ròm”. – Có lẽ các chị yêu Mẹ hơn chăng?!
Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kontum, cách thị xã Kontum 52km về hướng đông bắc, cách thành Phố Pleiku 100km. Như vậy cuộc hành trình của chúng tôi tính từ Kim Châu là hơn 600km (cả lượt về). Xét bên ngoài thì  Đức Mẹ Măng Đen không thể sánh được với một số trung tâm hành hương khác như La Salette, Lộ Đức, La Vang, hoặc Mẹ Giang Sơn…, nhưng chính tại Măng Đen này lại gây cho tôi có một cảm xúc mãnh liệt nhất khi đứng trước Đức Mẹ. Pho tượng Đức Mẹ cao khoảng hơn 1m, gương mặt không đẹp, đã thế hai bàn tay lại cụt. Bệ tượng xây bằng đã balon, không tô trát, thô kệch. Trông Đức Mẹ như một người dân tộc bệnh nạn.
Khí hậu nơi đây thật trong lành và dễ chịu. Người ta ví Măng Đen như Đà Lạt thứ hai cũng đúng. Nấn ná mãi rồi chúng tôi cũng phải từ giã Mẹ vào lúc 4 giờ chiều để về kịp giờ lễ và ăn tối tại nhà anh chị Chính, Chư Sê.
Vậy mà giờ này vẫn không ngớt người đến với Mẹ. Có lẽ họ đến từ rất xa.
Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con. Amen.
NÓI THÊM Về Đức Mẹ MĂNG ĐEN.
Theo tư liệu của Tòa Giám Mục KonTum, một tượng đài thô sơ, vững chắc, không mái che, đã được xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen vào mùa Vọng năm 1971. Đứng trên tượng đài là một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất sau Noel năm ấy Đức Cha Phaolô Seitz Kim, Giám Mục Kontum, đã tới cử hành thánh lễ tại đây.
Năm 1974, chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài nhưng không còn nguyên vẹn.
Mãi đến ngày 28-12-2006 phái đoàn do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh dẫn đầu đã đến kính viếng Đức Mẹ Măng Đen lần đầu tiên.
Ngày 09-12-2007, Đức Giám Mục Giáo Phận cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân (cả giáo lẫn lương, cả Kinh lẫn Thuợng) đã dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Huấn từ ngắn gọn của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, có thể coi như sự xác định mục đích và ý nghĩa của trung tâm hành hương mà ngài muốn lập tại đây: “Hãy cầu nguyện với Mẹ, nhất là xin Mẹ được ơn sai đi đến với mọi người chung quanh mình, nhất là anh chị em dân tộc bằng đời sống yêu thương phục vụ như Thư Chung (2006) của HĐGMVN mời gọi”. Đó là định hướng thừa sai, truyền giáo, đem ơn lành và tinh thần của Đức Mẹ Măng Đen đến cho mọi người chung quanh mình, ưu tiên cho anh chị em dân tộc, và mở rộng tầm nhìn tới những ai bị gạt ra bên lề, như những người khuyết tật, những bệnh nhân phung cùi, bệnh nhân Aids-Siđa và biết bao người bất hạnh khác.
Sự xấu xí của pho tượng cụt tay là yếu tố độc đáo, độc nhất vô nhị, biểu lộ sức thiêng phi thường của pho tượng Đức Mẹ Măng Đen, mà người ta không tìm thấy ở bất cứ trung tâm Thánh Mẫu nào khác.
Hai bàn tay của Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá, theo logic nhân loại, là đã mất hết khả năng hành động, thì theo cách hiểu sâu sắc của thánh Gioan, đó lại là lúc Người chứng tỏ mình là “Đấng Hằng Hữu” hợp nhất với Chúa Cha Hằng Hữu (x. Ga 8,28) và có khả năng “lôi kéo mọi người lên với mình” (Ga 12,32).
Tượng Đức Mẹ Măng Đen Cụt Tay có thể được xem như một minh họa đặc biệt của Đức Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thánh Giá. Điều gây ngỡ ngàng là hai bàn tay cụt mà rất “thiêng”. Điều này được minh chứng bởi số lượng ngày càng tăng các tấm bia tạ ơn và các đoàn hành hương đến từ nhiều miền của đất nước để cầu nguyện với Mẹ.
Vì thế, tượng Đức Mẹ Cụt Tay thể hiện quyền lực cụ thể và đầy ấn tượng về sự thông dự của Đức Maria, người Nữ Tỳ Khiêm Hạ và Đau Khổ của Thiên Chúa, vào mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Kitô.
Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay biểu lộ cách thiết thực và hữu hiệu sự đồng cảm sâu sắc của Đức Maria với những người đang mang trên thân xác và trong tâm hồn mình dấu vết của Chúa Cứu Thế nơi Thập Giá;
Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay gửi đi một sứ điệp thống thiết mời gọi mọi khách hành hương hãy cùng với Đức Maria hiệp thông và chia sẻ: chia sẻ tình người và tình Chúa, thực hiện công cuộc Phúc Âm hóa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, khởi đi từ đồi núi Măng Đen xa xôi, hẻo lánh, và từ cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên bao la…
Đức Mẹ Măng Đen
§ Mặc Trầm Cung
Măng Đen một địa danh còn xa lạ với rất nhiều người, đây cũng là lần đầu tiên tôi được đến nơi này trên đường đi hành hương đến Thánh Địa La Vang vừa qua (tháng 8/08), đoàn chúng tôi đi qua địa phận tỉnh Kontum, huyện Kon Plong.
Măng Đen là tên của một ngôi làng, nằm ven quốc lộ 24 – Đông Trường Sơn, độ cao trung bình 1200m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm 20 độ C, có nguồn nước sạch dồi dào.
Tượng Đức Mẹ Măng Đen mới chỉ có khoảng vai  năm nay. Chuyện kể lại rằng, cách đây khoảng 1 năm khi các công nhân đang làm con đường Đông Trường Sơn, khi đến nơi này thì các xe ủi đất đều bị chết máy và không ủi được, nhưng nếu ủi chỗ khác thì lại không chết máy, sau nhiều lần và nhiều ngày cố gắng đều thất bại, lúc đó có người chợt nghĩ rằng: “Hay là chỗ này có vật gì linh thiêng.” Và mọi người đâm nghi ngờ và cùng nhau đào bằng tay, thì đụng phải một tượng Đức Mẹ, mọi người rất tin vào dấu lạ linh thiêng này, các giáo dân gần đấy và các công nhân làm đường cùng nhau dựng lên một tượng đài Đức Mẹ tại đây. Đặc biệt là tượng Đức Mẹ này không có hai bàn tay, đã có người là nghệ nhân điêu khắc đến đây để làm hai bàn tay mới cho Mẹ nhưng đều không gắn được, người ta nói rằng ý Đức Mẹ không cho gắn tay mới vì tượng Đức Mẹ này ngày xưa là của những người mắc bệnh phong cùi ở vùng này, Đức Mẹ muốn chia sẻ những nỗi thống khổ của đoàn con người dân tộc đau khổ tại nơi đây.
Khi đoàn chúng tôi đến đây thì đã có người dâng hương hoa, nhang khói cho Đức Mẹ, đã có cả một vườn hoa xinh xắn lúc nào cũng có hoa tươi, chỉ mới gần một năm mà chung quanh tượng đài Mẹ đã có rất nhiều bảng tạ ơn của những người đã được ơn từ nơi Mẹ.
Mẹ đứng nơi đây giữa một vùng núi rừng hoang vắng, xa xa có đoàn công nhân đang làm việc, xung quanh chúng tôi không nhìn thấy có ngôi nhà của người dân nào cả, những hạt mưa phùn lất phất, các luồng gió lành lạnh càng tạo nên vẻ hoang vu và tĩnh mịch của núi rừng, đoàn chúng tôi đến trước đài Mẹ thắp hương và đọc kinh, nhưng tâm hồn mỗi người cảm thấy có một cảm giác nôn nao, khó tả, vì thông thường khi cầu nguyện với Mẹ ở bất cứ nơi đâu, chúng ta thường hay ngước lên nhìn Mẹ, chúng ta thường nhận thấy ở nơi Mẹ một khuôn mặt
dịu dàng, khả ái đang nhìn và đang lắng nghe lời cầu xin của chúng ta, nhưng ở nơi đây khuôn mặt Đức Mẹ rất sầu thảm đang nhìn chúng ta như là đang muốn xin chúng ta một điều gì đó và nhất là khi nhìn thấy Mẹ không có hai bàn tay thì lời kinh của mỗi người khi cất lên cũng cảm thấy xúc động nghẹn ngào.
Chúng tôi đứng thinh lặng trước tượng Mẹ, để suy gẫm những dấu lạ của Mẹ nơi này, và cũng để lắng nghe điều Mẹ muốn nói nơi tâm hồn mỗi người, khoảng 30 phút đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường, khi đó chúng tôi cũng thấy có vài chiếc xe hơi của các đoàn hành hương khác đến với Mẹ, có người đi xe gắn máy đến mang theo nhang, nến và hoa đến thắp tại tượng đài Mẹ.
Lạy Mẹ Maria Chí Ái, chúng con biết rằng dù Mẹ ở bất cứ nơi nào cũng chỉ là một Mẹ duy nhất mà thôi, tất cả những dấu lạ của Mẹ tỏ ra ở nơi này hay nơi khác, Mẹ cũng đều muốn chuyển đến cho chúng con một sứ điệp. Nguyện xin Mẹ soi lòng mở trí chúng con nhận ra sứ điệp mà Mẹ muốn chuyến đến cho chúng con tại vùng rừng núi Măng Đen này. Xin cho mỗi người chúng con là con cái của Mẹ luôn biết sẵn sàng đáp lại những sứ điệp mà Mẹ muốn gởi đến cho chúng con.
Lạy Đức Mẹ Măng Đen, xin soi lòng mở trí cho chúng con. Amen.
Mặc Trầm Cung
Đức Mẹ Măng Đen – Với Quyền Năng Của Hai Bàn Tay Cụt

§ Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm
Ngày 03 tháng 01 năm 2008 tôi được may mắn hành hương với nhóm Anh em hèn mọn Vườn Mít-Pleiku đến cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ Măng Đen, cách thị xã Kontum 52km về hướng đông bắc, và cách thành Phố Pleiku 100km. Địa điểm Măng Đen nằm trong huyện Kon Plông của tình Kontum, nên người ta cũng gọi là Đức Mẹ Kon Plông. Trước đây, tôi đã được diễm phúc hành hương tới một số trung tâm Thánh Mẫu như La Salette, Lộ Đức, La Vang…, nhưng chính tại Măng Đen này tôi trải nghiệm những cảm xúc mãnh liệt nhất khi cầu nguyện với Đức Mẹ. Không hiểu vì sao?…
Tôi đã quen với hình ảnh Đức Mẹ đẹp và trang trọng trong nghệ thuật hội họa và tạo hình của Giáo Hội cả phương Tây lẫn phương Đông, với những bức tượng thánh và những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời, xứng với những đặc ân vĩ đại Thiên Chúa ban cho Mẹ và những tước hiệu cao quý Giáo Hội gắn cho Mẹ. Tại Măng Đen, lần đầu tiên, tôi nhìn thấy một pho tượng Đức Mẹ với gương mặt không đẹp, và vẻ xấu xí thể hiện nổi bật nhất nơi hai bàn tay cụt. Khi nhẩm đọc những kinh Kính Mừng, không hiểu vì sao tôi liên tưởng một cách tự nhiên tới những người khuyết tật, những bệnh nhân phung cùi, bệnh nhân Aids-Siđa, và cả anh em dân tộc thiểu số nữa. Tôi cảm thấy sốt sắng đến rưng rưng nước mắt khi cầu nguỵện cho họ. Và tôi cũng gửi gắm cho Đức Mẹ Măng Đen một vài ước nguyện thiết tha của nhóm Anh em hèn mọn Vườn Mít chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc truyền giáo cho anh em dân tộc. Tôi chú mục cách riêng vào hai bàn tay cụt của Đức Mẹ, và thế là tự thâm tâm nảy ra đề tài suy niệm: “Quyền năng của hai bàn tay cụt nơi Đức Mẹ Măng Đen”.
* * *
I.- Trở về nguồn cội thánh kinh
1. Trong Kinh Thánh, bàn tay, hoặc cánh tay, nhất là cánh tay phải, là biểu tượng của uy quyền và sức mạnh Thiên Chúa. Chính bàn tay Thiên Chúa đã làm nên trời đất (Is 66,2), cánh tay uy quyền và sức mạnh vĩ đại của Người đã tạo thành càn khôn (Ge 32,17). Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai (Is 53,1)? — Người đã vung cánh tay thần thánh của Người trước mặt muôn dân (Is 52,10), nhất là trước mặt dân Ai Cập để giải phóng dân riêng Người tuyển chọn khỏi ách nô lệ (x. Đnl 4,34; Cv 13,17…). Chính Đức Maria đã tuyên xưng niềm tin như thế trong bài ca Magnificat:”Chúa giơ tay (chính xác là “cánh tay”) biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng…”(Lc 1, 51). Bàn tay Thiên Chúa cũng biểu hiện sự che chở, tạo nên sự an tòan (x. Tv 31,6). Theo nghĩa đó, Đức Giêsu đã thốt lên lời nguyện cuối cùng trên Thánh Giá:”Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha (Lc 23.46)[1].
2. Có lúc, Kinh Thánh cũng dùng “ngón tay” đồng nghĩa với “cánh tay và bàn tay”[2]. ”Ngắm tầng trời tay (chính xác là “ngón tay”) Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài” (Tv 8,4)[3]. Ngòai ra, ít nhất hai lần, Cựu Ước đã ghi lại sự kiện Thiên Chúa viết bảng Thập Giới với ngón tay của mình (x. Xh 31,18 và Đnl 9,10). Trong trường hợp này, ngón tay là biểu tượng của năng quyền lập pháp. Trong câu chuyện người phụ nữ ngọai tình bị nhóm Pharisêu dẫn tới trước mặt Đức Giêsu, khi Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất…và chờ họ trả lời…(x. Ga 8, 6), phải chăng cử chỉ ấy cũng ám chỉ năng quyền của Người làm ra luật mới, luật bác ái vô hạn (x. Mt 5,43), luật tha thứ mãi mãi (x. Mt 18, 22)? Một điều chắc chắn là, khi Đức Giêsu trừ quỷ, thì lời tuyên bố của Người đã được Luca và Matthêu ghi lại với một chi tiết từ ngữ khác biệt, nhưng nội dung chính yếu vẫn giống nhau:
-”…nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11, 20);
-“…nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông”(Mt 12,28).
Từ đó Giáo Hội đã hiểu: “ngón tay Thiên Chúa” chính là biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Thế nên trong bài thánh thi “Veni Creator Spiritus…” (“Lạy Chúa Thánh Thần Sáng Tạo, xin ngự đến…”), Giáo Hội gọi Ngôi Ba Thiên Chúa là “Ngón tay nơi bàn tay bên phải của Chúa Cha” (”Digitus paternae dexterae”).
3. Cách hiểu của Giáo Hội trong Phụng Vụ về các cụm từ “ngón tay”,”bàn tay” và “cánh tay Thiên Chúa” như là biểu tượng của Chúa Thánh Thần có thể giúp chúng ta khám phá ra một ý nghĩa đặc biệt của hai bàn tay cụt nơi pho tượng Đức Mẹ Măng Đen.
3.1. Thật vậy, Đức Trinh Nữ Maria, “Đấng-Đầy-Ân-Sủng” (x. Lc 1,28), đã được đặc ân cưu mang Con Đấng Tối Cao bằng một cuộc thụ thai đồng trinh bởi quyền năng Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc1,35). Cuộc giáng sinh của Ngôi-Lời-Làm-Người có thể coi như khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới do Chúa Thánh Thần, Ngón Tay hoặc Quyền Năng của Thiên Chúa thực hiện (x. St 1,2; Lc 1,35). Quyền năng Thiên Chúa bao bọc Đức Maria. Quyền năng Thiên Chúa cũng thâm nhập tòan diện con người Đức Giêsu khi Ngôi Lời đầu thai trong lòng Đức Trinh Nữ. Đó là lúc Chúa Cha “ban Thánh Thần vô ngần vô hạn”cho Đức Giêsu (x. Ga 3,34) hoặc dùng Thánh Thần đầy quyền năng như dầu thiêng mà xức cho Người (x. Cv 10,38). Đối với Đức Maria cũng như Đức Giêsu, được đầy Thánh Thần có nghĩa là “đầy ân sủng” (x. Lc 1,28; Ga 1,14), “đắc sủng với Thiên Chúa”, “đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1, 30; Mc 1,11…), và “được chúc phúc”(Lc 1,42). Chính Đức Trinh Nữ Maria đã ý thức rõ về điều này trong bài ca Magnificat: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”, vì “Đấng Tòan năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”(Lc 1, 48-49), khi Người đóai nhìn thân phận khiêm nhường của nữ tỳ Người (Lc 1,48), cũng như “Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”(Lc 1,52) và “giơ cánh tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng”(Lc 1,51). Nói tóm lại, cánh tay, bàn tay hoặc ngón tay của Thiên Chúa là chính Chúa Thánh Thần, Đấng luôn họat động trong Đức Giêsu và Đức Maria..
3.2. Mẫu số chung ấy tạo nên sự tương đồng cơ bản giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu: tương đồng về thái độ vâng phục Thiên Chúa và sẵn sàng hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa sử dụng để thực hiện chương trình của Người (x. Lc 1,38; Dt 10,7.9); tương đồng trong đời sống cầu nguyện diễn ra dưới tác động của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,46-55; Lc 10,21). Mẫu số chung ấy mở đường cho Mẹ Maria thông dự một cách đặc biệt vào sứ vụ cứu thế của Chúa Giêsu, mà biểu hiện cao nhất là sự tự hủy và tự hạ tột độ nơi Thập Giá (x. Pl 2,6-8). Thế nên, sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân Thánh Giá (x.Ga 19,25-27) mang một ý nghĩa trọng đại và sâu sắc đặc biệt.
3.3. Đức Giêsu ý thức mình là “Đầy Tớ” hoặc “Tôi Trung” của Đức Chúa Giavê (x. Mt 20,28; Mt 12,15-21 // Is 42,1-4; Mt 26,28 // Is 53,4-12…). Đức Maria cũng biết mình là “Nữ Tỳ, Nữ Tỳ khiêm hạ của Chúa” (Lc 1, 38. 48). Điểm liên kết sâu sắc nhất Trái Tim Mẹ với Trái Tim Chúa Giêsu, chính là ý thức về thân phận tôi tớ trong mầu nhiệm tự hủy và tự hạ nơi Thập Giá. Công Đồng Vatican II diễn tả sự hợp nhất đó như sau:”…Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hợp nhất với Con cho đến bên Thập Giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, ngài đã đứng đó (x. Ga 19,25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra…”(GH 58). “…đặc biệt hơn mọi người khác, Đức Maria là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thấp giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy, và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, ngài thật là Mẹ chúng ta” (GH 61). Đó là nhận thức thần học của Giáo Hội.
3.4. Trong Phụng vụ, Giáo Hội đã thiết lập lễ nhớ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15 tháng 9, liền sau lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu (bậc lễ kính) ngày 14/9.
3.4.1. Nơi Nhà Thờ, Nhà Nguyện và cả tại tư gia nữa, rất nhiều mẫu ảnh chuộc tội (tức là Thánh Giá có Chúa Giêsu chịu đóng đinh) diễn tả một cách hết sức ấn tượng chân dung người “Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa Giavê”: “chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích…Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn…”(Is 53, 2-3). Và điều nghịch lý lạ lùng nhất, chính là khi hai bàn tay của Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thập Giá, nghĩa là theo logic nhân lọai, đã mất hết khả năng hành động, thì theo cách hiểu sâu sắc của thánh Gioan, đó lại là lúc Người chứng tỏ mình là “Đấng Hằng Hữu ” hợp nhất với Chúa Cha Hằng Hữu (x. Ga 8,28) và có khả năng “lôi kéo mọi người lên với mình”(Ga 12,32). Sức mạnh phi thường ấy chính là Chúa Thánh Thần, Ngón tay của Thiên Chúa hằng ở với Chúa Giêsu và đã từng giúp Người khử trừ Satan (x. Mt 12,28; Lc 11,20). Cũng chính Chúa Thánh Thần đã “thúc đẩy Người tự hiến tế như lễ vật vẹn tòan dâng lên Thiên Chúa”(Dt 9,14). Và lúc hai bàn tay Đức Giêsu bị vô hiệu hóa trên Thập Giá, thì Chúa Thánh Thần, Ngón Tay quyền năng của Thiên Chúa, hành động thay cho Đức Giêsu để lôi kéo mọi nguời đi vào mầu nhiệm Vượt Qua của Con Thiên Chúa, và làm cho họ cùng chịu đóng đinh với Người, để được Chúa Cha lôi kéo đi theo Chúa Con vào vinh quang của cuộc siêu thăng trong biến cố Phục Sinh. Nói rằng “Chúa Cha lôi kéo”(x. Ga 6,44), điều đó có nghĩa Người lôi kéo bằng Ngón Tay đầy sức mạnh của mình là Chúa Thánh Thần. Và nói rằng “Chúa Giêsu lôi kéo”(x. Ga 12,32), điều đó có nghĩa Chúa Giêsu hiệp lực với Chúa Cha (x. Ga 5,17; 10,30) lôi kéo chúng ta, và Người lôi kéo chúng ta cũng bằng chính Ngón Tay thần linh kỳ diệu ấy.
3.4.2. Tương tự như thế, Đức Maria, người Nữ Tỳ Đau Khổ của Thiên Chúa, chỉ “thiêng”, chỉ mạnh và chỉ có quyền năng trong Chúa Thánh Thần, mà Đức Giêsu đã từng gọi là ngón tay Thiên Chúa. Tình trạng cụt tay, và sự xấu xí của pho tượng Đức Mẹ Măng Đen có khả năng biểu hiện sự hiệp thông và hiệp nhất sâu sắc của Đức Mẹ với Con của mình và sự thông dự trọn vẹn của Mẹ vào trạng thái tự hủy, tự hạ tột độ của Chúa Giêsu nơi Thập Giá. Thật vậy, người Nữ Tỳ Khiêm Hạ và Đau Khổ của Chúa đã xuất hiện trong Phúc Âm, từ thời ban đầu đến cuối cuộc đời trần thế của Ngôi Lời Nhập Thể, như người Mẹ bị lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn (x. Lc 2,35), lưỡi gươm ấy trở nên giống như lưỡi đòng đâm thâu Trái Tim đã ngừng đập của Chúa Giêsu trên Thập Giá (x. Ga 19,34), nhưng chính Trái Tim bén nhạy của Mẹ cảm nhận nỗi đau xé lòng ấy dưới chân Thập Giá thay cho Con mình. Hai bàn tay Chúa Giêsu lúc bị đóng đinh, càng trở nên mạnh mẽ. Cũng thế, dường như Đức Mẹ Măng Đen muốn cho mọi người hiểu rằng hai bàn tay của Mẹ tuy bị cụt, nhưng vẫn “thiêng” và hữu hiệu nhờ Chúa Thánh Thần. Thế vào chỗ hai bàn tay hữu hình bị cụt của Đức Mẹ, là Ngón Tay vô hình đầy sức mạnh của Đấng Tòan Năng, nghĩa là chính Chúa Thánh Thần. Ngón Tay thần linh ấy lôi kéo nhiều người đến với Chúa Giêsu qua lời chuyển cầu của Mẹ (x. Ga 2,3), lời dạy bảo của Mẹ (x. Ga 2,5) như tại tiệc cưới Cana, tại đó sự hiện diện và lời nói của Mẹ đã góp phần củng cố đức tin cho các môn đệ (x. Ga 2,11); qua sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập Giá (x. Ga 19, 25-27), tại đó Chúa Giêsu đã trăng trối môn đệ Gioan cho Mẹ trước tiên; và qua sự liên đới của Mẹ với Giáo Hội đang nghe giảng Lời Chúa, đang cầu nguyện, đang cử hành Nghi Lễ Bẻ Bánh và đang hiệp thông trong đức bác ái và sự chia sẻ của cải vật chất (x. Cv 1,14; 2,42-46). Ngón Tay thần linh thay thế hai bàn tay cụt của Đức Mẹ Măng Đen củng cố đức tin cho các Kitô-hữu, lôi kéo những người chưa biết Chúa Giêsu đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria (“Ad Jesum per Mariam”), thoa dịu nỗi đau và chúc lành cho những người đau khổ và bất hạnh, như những người khuyết tật, những bệnh nhân phung cùi, bệnh nhân Aids-Sida, và tất cả những ai bị gạt ra bên lề xã hội, trong số đó đáng quan tâm đặc biệt hiện nay là nhiều nhóm dân tộc thiểu số.
II.- Hướng về Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen
1. Tượng Đức Mẹ Măng Đen Cụt Tay có thể được xem như một minh họa đặc biệt của Đức Mẹ Sầu Bi đứng dưới chân Thánh Giá. Điều thọat tiên gây ngỡ ngàng là pho tượng ấy tuy cụt tay mà vẫn “thiêng”. Điều này được minh chứng bởi số lượng ngày càng tăng các tấm bia tạ ơn và các đòan hành hương đến từ nhiều miền của đất nước để cầu nguyện với Mẹ. Vậy đâu là những đặc điểm của Măng Đen? Những thông tin sau đây được rút ra từ bài viết của Phước Nguyên đề ngày 29-3–2007 đăng trong nội san giáo phận Kontum[4], và một số tư liệu bổ sung mà tôi may mắn được Tòa Giám Mục Kontum cung cấp.
1.1. Đôi điều về nguồn gốc tượng đài Đức Mẹ Măng Đen. Theo tư liệu của Tòa Giám Mục, một tượng đài thô sơ, vững chắc, không mái che, đã được xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen vào mùa Vọng năm 1971. Đứng trên tượng đài là một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất sau Noen năm ấy Đức Cha Phaolô Seitz Kim, Giám Mục Kontum, đã tới cử hành thánh lễ tại đây. Năm 1974 chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn, rất ít thấy bóng người lai vãng. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng. Điều đáng nói là pho tượng, vẫn nguyên vẹn, đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1983 bởi một đôi vợ chồng bên lương (ông B., tạm đọc là Bá và bà H.: Hằng), nhưng họ chưa quan tâm nhiều và chưa có sự ứng xử cụ thể nào đối với pho tượng.
1.2. Quá trình hình thành trung tâm hành hương. Bài viết của Phước Nguyên chuyển tải ba mẩu chuyện ly kỳ, nhưng chứa đựng một vài chi tiết chưa chính xác, cần điều chỉnh. Sau đây tôi thử trình bày lại các sự kiện một cách dễ hiểu hơn.
1.2.1. Truớc tiên là câu chuyện ông Bá phát hiện pho tượng Đức Mẹ bị tàn phế, do vợ ông là bà Hằng kể lại cho một tín hữu công giáo (ông L., tạm đọc là Lành) ngày 09-12-2006. Chính việc ông Lành đi gặp bà Hằng cũng là do một sự tình cờ khá hy hữu. Hôm đó ông Lành ăn trưa trong quán tại thị trấn Kon Plông, và theo thói quen công giáo, ông làm Dấu Thánh Giá trước bữa ăn, khiến một thanh niên kia tò mò, thấy thế liền tới bắt chuyện. Anh này tự giới thiệu là P.(tạm đọc là Phả), cũng là người công giáo, nhưng do kế sinh nhai nên đã thôi hành đạo công khai. Anh ta biết bà Hằng và biết rằng bà này đã phát hiện một pho tượng Đức Mẹ gãy tay và đang muốn đem về nhà bà ta. Chính anh Phả này đề nghị với ông Lành: “Hay là anh thỉnh đem (tượng) về đi”. Điều khiến ông Lành ngạc nhiên là nhà bà Hằng ở ngay trước mặt nhà mình, mà ông không hề nghe bà ấy kể chuyện tượng Đức Mẹ. Ông Lành hứng chí, bỏ nghỉ trưa, đi ngay về nhà để gặp bà Hằng. Theo bà này kể, thì vào năm 1987, tức 4 năm sau khi phát hiện tượng đài với pho tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn, chồng của bà đi học tại Quy Nhơn, đã hai lần nằm mơ thấy cái đầu và hai bàn tay của pho tượng bay lơ lửng gần bên pho tượng. Sau lần mơ thứ nhất, ông Bá về Măng Đen kiểm tra thì thấy đúng là pho tượng không còn đầu và tay nữa. Ông vẫn chưa tìm ra cách ứng xử nào. Sau lần nằm mơ thứ hai tại Quy Nhơn, với nội dung giấc chiêm bao giống như lần trước, ông đâm ra bối rối, trở về nhà, đem chuyện kể với mấy người thợ đang lao động trong mỏ đá của ông. Trong số này có một người công giáo, tuy không phải là nghệ nhân chuyên nghiệp, nhưng vì thương hại sự bối rối của ông chủ bên lương, và cũng có thể do lòng kính mến Đức Mẹ, nên đã theo cảm hứng hồn nhiên dùng xi măng đắp thêm cái đầu vào pho tượng với gương mặt không giống Đức Mẹ Fatima thông thường bao nhiêu, nhưng mang dáng dấp Phật Bà Quan Âm. Nghệ nhân nghiệp dư ấy cũng ráp hai bàn tay mới vào pho tượng, (nhưng sau đó cả hai đã rơi xuống, nằm vùi dứơi đất gần tượng đài [5]). Nghĩa cử của ông chồng bên lương có đính kèm hành động mang tính tín ngưỡng cao: ông thành kính thắp nhang cầu nguyện trước pho tượng vừa được phục chế. Kết quả là: từ đó ông hết nằm mơ thấy pho tượng trong giấc ngủ, đồng thời kinh tế gia đình ông khấm khá lên hơn trước.
1.2.2. Thứ đến là câu chuyện chụp hình do chính ông Lành kể : ngay trưa hôm đó (09-12-2006) Ông Lành chở bà Hằng đến tượng đài do bà chỉ đường. Với chiếc máy kỹ thuật số, ông muốn chụp hình bà đứng bên tượng đài làm tư liệu. Bà từ chối vì sợ. Cuối cùng do ông Lành nài nỉ, bà đồng ý chụp. Ông chụp cho bà, sau khi bà đã bấm máy cho ông. Nhưng kỳ lạ thay: những kiểu chụp cho bà Hằng thì không thấy có hình nào cả, còn những kiểu chụp cho ông Lành thì có ảnh rõ nét! Tác giả Phước Nguyên bình luận “đây là một điềm lạ nữa”.
1.2.3. Thứ ba là câu chuyện anh tài xế xe ủi bên lương do anh Phả kể cho ông Lành trưa hôm 09-12-2006: “Xe ủi đang ủi đường theo mốc phóng mở đường vòng đai thị trấn này (Kon Plông), khi đến gần tượng đài (cách trung tâm thị trấn khỏang 1 km) thì bị tắt máy hoặc máy vẫn nổ mà không tiến được. Kêu thợ đến sửa thì thợ bảo máy vẫn tốt. Sau đó người ta mới nhận ra có bức tượng ở phía trước mặt (chắc hẳn là pho tượng đã được phục chế như đề cập trên đây), anh tài xế lại rồ máy và ủi tránh sang một bên – nên con đường giờ đây hơi cong so với dự tính ban đầu của nhà quy họach” – và xe đã chạy ngon lành.
1.2.4. Sau đó (nghĩa là sau cuộc gặp gỡ với anh Phả và bà Hằng), ông tín hữu nhiệt thành ấy lên làm cỏ, trồng cây…và không ai bảo ai, tin loan rất nhanh… Điều đáng nói là trong suốt 23 năm (từ 1983 đến 2006) hoặc lâu hơn thế nữa, 32 năm (từ 1974 đền 2006) không một tín hữu công giáo nào biết mà đến chăm sóc pho tượng. Ông Lành là người công giáo đầu tiên đuợc thấy pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay vào ngày 9-12-2006. Chính ông đã trình báo ngay cho Tòa Giám Mục Kontum. Và ngày 28-12-2006 phái đoàn gồm Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, cùng một số linh mục, tu sĩ đến kính viếng Đức Mẹ Măng Đen lần đầu tiên. Và ngày 09-12-2007, lần đầu tiên Đức Giám Mục Giáo Phận cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân (cả giáo lẫn lương, cả Kinh lẫn Thuợng) đã dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Ý là chọn ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 08-12, nhưng Tòa Giám Mục bận, nên mới dời sang ngày 09-12-2007, trùng với ngày giáp một năm ông giáo dân Lành được bà Hằng bên lương dẫn tới xem pho tượng. Như vậy hiện tượng “hàng ngày có vài xe đò đến hành hương kính Mẹ (và) dưới chân tượng đài đầy hoa, nến, nhang và vài tấm bảng “Tạ ơn Mẹ” chỉ mới bắt đầu từ mùa Giáng Sinh 2006.
2. Tôi không bình luận về những điều ly kỳ mà bài viết của Phước Nguyên gọi là “điềm lạ”. Tôi chỉ muốn ghi nhận sự kiện khách quan sau đây: Những người đầu tiên phát hiện pho tượng Đức Mẹ Măng Đen Cụt Tay là một đôi vợ chồng bên lương, rồi một anh tài xế xe ủi bên lương. Chính đôi vợ chồng ấy trước tiên chăm sóc pho tượng (với sự tiếp tay của một thợ mỏ đá công giáo) và bày tỏ lòng tôn kính, tin tưởng đối với pho tượng. Còn anh tài xế xe ủi, vì kính hoặc sợ mà không ủi sập tượng đài nằm ngay trên vạch đường quy họach. Phải chăng đã có một sự can thiệp vô hình và thầm lặng của Đức Mẹ? Sau đó mới đến lượt ông tín hữu công giáo tới chăm sóc và cầu nguyện nơi tượng đài, mở đường cho những cuộc hành hương ngày càng đông và đa dạng…”nhiều phái đòan trong và ngòai giáo phận, và cả nứơc ngòai cũng đã đến đây hành hương viếng Mẹ và nhận được nhiều ơn lành từ Mẹ”. Bài viết của Phước Nguyên cũng như tòan bộ tư liệu của Tòa Giám Mục Kontum không hề nói tới một cuộc hiện ra nào của Đức Mẹ (hai lần chiêm bao của ông chồng bên lương không thể coi là sự hiện ra của Đức Mẹ như tại nhiều trung tâm Thánh Mẫu khác), và cũng không ai nhận đựợc một lời mặc khải hoặc một mệnh lệnh nào của Đức Mẹ (có chăng là lương tâm ông Bá, sau hai giấc mơ lạ thường tại Quy Nhơn, đã tự cảm thấy một sự thôi thúc thầm lặng nào đó khiến ông hiểu rằng: cần phải sửa lại pho tượng cho phải phép và xứng đáng…). Những chi tiết này, nhất là vai trò của những người bên lương, làm nên nét riêng biệt của Măng Đen. Pho tượng Đức Mẹ Măng Đen tỏ ra “thiêng” và “quyền năng” cách thầm lặng trước tiên với người bên lương, rồi sau đó cũng tỏ ra “thiêng” đối với những người khác, cả giáo lẫn lương — họ đều “nhận được nhiều ơn lành từ Mẹ”.
3. Cuối cùng mấy lời huấn từ ngắn gọn của Đức Cha Micae Hòang Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum, được ghi lại trong bản tin về cuộc hành hương của phái đòan Liên Hiệp Các Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam hôm đó (29-03-2007), có thể coi như sự xác định mục đích và ý nghĩa của trung tâm hành hương mà ngài muốn lập tại đây:”Hãy cầu nguyện với Mẹ, nhất là xin Mẹ được ơn sai đi đến với mọi người chung quanh mình, nhất là anh chị em dân tộc bằng đời sống yêu thương phục vụ như Thư Chung (2006) của HĐGMVN mời gọi”. Đó là định hướng thừa sai, truyên giáo, đem ơn lành và tinh thần của Đức Mẹ Măng Đen đến cho mọi người chung quanh mình, ưu tiên cho anh chị em dân tộc, và mở rộng tầm nhìn tới những ai bị gạt ra bên lề, như những người khuyết tật, những bệnh nhân phung cùi, bệnh nhân Aids-Siđa và biết bao người bất hạnh khác. Sự xấu xí của pho tượng cụt tay là yếu tố độc đáo, độc nhất vô nhị, biểu lộ sức thiêng phi thường của pho tượng Đức Mẹ Măng Đen, mà người ta không tìm thấy ở bất cứ trung tâm Thánh Mẫu nào khác. Vì lẽ đó, tôi thiển nghĩ nên duy trì nguyên trạng pho tượng Đức Mẹ Măng Đen, với hai bàn tay hữu hình bị cụt, nhưng chúng ta được phép tin là vẫn thiêng với bàn tay hay ngón tay vô hình của Thiên Chúa Tòan Năng là chính Chúa Thánh Thần, Đấng luôn họat động trong Mẹ. Việc Đức Mẹ ban nhiều ơn lành cho những khách hành hương đổ về nơi đây, là giáo hay lương, là Kinh hay Thượng, dường như xác nhận ngầm lời huấn dụ của vị Chủ Chăn sở tại, và cho phép tôi tóm tắt đặc điểm linh đạo – mà tôi thấy đặc biệt sâu sắc — của Trung Tâm Hành Hương Măng Đen như sau:
- Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay thể hiện cách cụ thể và đầy ấn tuợng sự thông dự của Đức Maria, người Nữ Tỳ Khiêm Hạ và Đau Khổ của Thiên Chúa, vào mầu nhiệm tự hủy tự hạ tột độ của Đức Kitô, người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa Giavê nơi Thập Giá;
- Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay biểu lộ cách thiết thực và hữu hiệu sự đồng cảm sâu sắc của Đức Maria với những người đang mang trên thân xác và trong tâm hồn mình dấu vết sự tự hủy tự hạ ấy của Chúa Cứu Thế nơi Thập Giá;
- Pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay gửi đi một sứ điệp thống thiết mời gọi mọi khách hành hương hãy cùng với Đức Maria quan tâm tới họ, cầu nguyện cho họ và dấn thân làm một cái gì đó cho họ như một sự hiệp thông và chia sẻ: chia sẻ tình người và tình Chúa. Lm Gioakim Nguyễn Hòang Sơn, khi trao cho Đức Giám Mục và Cha Tổng Đại Diện Giao Phận Kontum bàn tay và ngón tay trỏ bị gãy của tượng Đức Mẹ Măng Đen, đã thầm nghĩ:”Có lẽ Mẹ bảo: bàn tay của Mẹ, ngón tay trỏ của Mẹ nay giao lại cho các con, nhờ các con xoa dịu những vết thương lòng, những con người gặp cảnh ngộ đau khổ. Các con tiếp nối bàn tay của Mẹ”.
Đó chính là cùng với Đức Maria thực hiện công cuộc Phúc Âm hóa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, khởi đi từ đồi núi Măng Đen xa xôi, hẻo lánh, và từ cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên bao la …
—-
[1] Xem Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, mục “Cánh tay & Bàn tay” (VTB “Bras & Main).
[2] Xem Bibel-Lexikon (Từ Vựng Thánh Kinh), mục “Finger” (“ngón tay”) của A. van den Born.
[3] Phải chăng vì hiểu là đồng nghĩa, hay đúng hơn vì yếu tố tiết điệu của câu văn, nên bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã đánh rơi “ngón” và chỉ giữ lại “tay”? Tương tự như thế đối với “cánh tay” và “tay” trong Lc 1,51 vừa trích dẫn trên đây.
[4] Xem Nội San “PATER”, Hội Thánh Phụng Thờ Thiên Chúa & Phục Vụ Anh Em, Tòa Giám Mục Kontum – 56 Trần Hưng Đạo – Kontum, số 04/2007 trang 51-53.
[5] Tư liệu do Tòa GM Kontum cung cấp, cho biết: Lm Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn đã “tìm được một phần bàn tay và một phần đốt tay trỏ của tượng Mẹ” ngày 28-12-2006, hiện đang được cất giữ tại Tòa Giám Mục Kontum. Có thể suy diễn ra rằng pho tượng đã mất đầu và hai bàn tay trong thời gian giữa năm 1983 và 1987. Không ai biết chính xác do đâu và lúc nào. Pho tượng được phục chế năm 1987, nhưng sau đó hai bàn tay bị gãy, rơi xuống đất – do đâu và lúc nào thì không ai biết.
Viết tại Học Viện Phanxicô Thủ Đức
Ngày 01-05-2008, khởi đầu Tháng Hoa Kính Đức Mẹ
Để “Dâng Lên Đức Mẹ Măng Đen”
Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm
**********************************

MANG ĐEN – ĐIÈM LẠ ĐƯỢC KỂ LẠI

Nghe bạn bè kháo nhau ở Tây Nguyên có một khu du lịch đang được xây dựng với nhiều hứa hẹn sẽ thu hút nhiều khách du lịch. Đây được xem là một trong những dự án trọng điểm của Ngành Du lịch Kontum 2006-2010. Khu du lịch mà mình muốn nói đến là Măng Đen, thuộc tỉnh Kontum, cách thị xã Kontum khoảng 50 km về hướng Quảng Ngãi. Nhân một chuyến đi nghỉ cuối tuần cùng với một số anh em bạn, mình đến đây với một suy nghĩ “đi cho biết”, vì mình là dân du lịch mà! Nhưng có một điều kỳ lạ là khách du lịch đến đây không nói nhiều về tiềm năng du lịch của vùng này, mà nói về một điềm lạ khác mới xảy ra nơi vùng này, không biết thực hư thế nào.
Quả thực, ban đầu mình cũng không tin lắm vào khả năng du lịch của vùng này, vì mình nghĩ rằng Sapa và Đà Lạt là 2 địa điểm có khí hậu thích hợp nhất cho du lịch nghỉ dưỡng (không kể đến du lịch biển). Khi đến Măng Đen, hình ảnh đầu tiên mình thấy là rừng thông tuyệt đẹp hai bên đường cùng với cùng với địa hình hiểm trở. Đúng là “Đà Lạt thứ 2″, như người ta nói. Khi bước ra khỏi xe, cảm nhận đầu tiên của mình là ngoài trời mát hơn trong xe (nhiệt độ khoảng 20 độ C). Thật thoải mái, dễ chịu. Các công trình du lịch đang được xây cất, chưa hoàn thành. Có lẽ phải mất một thời gian nữa mới đi vào hoạt động.
Đến đây, mình thấy có một số đoàn khách du lịch Việt Nam đến đây để “hành hương”. Vì Măng Đen cách Kontum chỉ 50km, nên cũng thuận tiện cho khách từ Kontum, Pleiku đến tham quan. Từ Kontum, đến Măng Đen tham quan chỉ mất nửa ngày vừa đi vừa về. Nếu ở Pleiku thì mất 1 ngày. Các công trình du lịch chưa hoàn thành, nhưng người ta đã đến như đến vùng đất linh thiêng. Đến đây mình được nghe một câu chuyện như thế này.
Khi các công trình xây dựng ở đây bắt đầu thi công thì có một sự cố xảy ra. Trong khi các xe ủi đất làm đường, thì đột nhiên bị tắt máy ở một khu vực mà bây giờ được xem là “điểm hành hương”. Có một tài xế nằm mơ thấy một “bà” hiện ra trong giấc mơ nói rằng không được ủi, mà phải đào khu vực này lên. Anh ta không để ý lắm đến giấc mơ lắm, cho đến khi các xe ủi đồng loạt bị tắt máy thì anh ta mới nhớ lại giấc mơ này. Anh ta kể cho mọi người trong đội xe nghe, và họ đào khu vực này lên. Một tượng người phụ nữ bị mất đầu và mất 2 cánh tay được đưa lên khỏi đất. Người ta nhận ra đây là tượng Đức Mẹ (Maria), theo người theo đạo Công Giáo. Anh tài xế xe ủi lại là người không theo đạo Công Giáo. Phần đầu của bức tượng được đắp lại (không biết do chính anh tài xế này đắp hay do một người nào khác), nhưng người đắp lại cũng là người không theo đạo Công Giáo. Nếu đến đây, bạn sẽ thấy khuôn mặt của bức tượng không đẹp như các bức tượng Đức Mẹ Maria mà chúng ta thấy nơi các nhà thờ. 2 bàn tay cũng được đắp lại nhiều lần nhưng xi-măng không dính vào được với cánh tay, cho nên bức tượng bây giờ vẫn còn bị thiếu 2 cổ tay và 2 bàn tay. Theo nhiều người kể lại, thì đây là bức tượng mà trước đây những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã thờ khi họ đóng quân ở đây. Không biết câu chuyện thực hư thế nào, nhưng nơi đặt bức tượng này bây giờ đã có nhiều tấm biển “Tạ Ơn Đức Mẹ” được người ta đem đến đây để đặt. Những tấm biển này thường là những lời cám ơn của những người đã xin được ơn này ơn khác (thường là ơn chữa khỏi bệnh, gặp thầy gặp thuốc). Nghe đâu ban đầu chính quyền địa phương đề nghị đưa tượng này về Tòa Giám mục Kontum, nhưng Tòa Giám mục Kontum xin được để bức tượng tại nơi đã được phát hiện. Qua nhiều lần xin, bức tượng được chấp nhận đặt tại nơi này.
Có lẽ bức tượng Đức Mẹ sẽ thu hút khách du lịch nhiều hơn cho vùng này. Đến đây, nếu ai đi du lịch thuần túy thì hãy xem đây là một điểm tham quan như bao đền miếu khác có mặt trên đất nước Việt Nam thân yêu của mình; nếu ai có một niềm tin về cuộc sống thần linh thì có thể đây là cơ hội để suy nghĩ sâu hơn về kiếp người, về ý nghĩa của cuộc đời mình hiện tại và sau cái chết. Biết đâu, khi đến đây, cuộc đời ai đó sẽ thay đổi. Một tên cướp, một cô gái bán hoa biết can đảm làm lại cuộc đời, một người vô cảm biết rung động, một người chỉ tin rằng “chết là hết” có dịp suy nghĩ lại … Có thể tôi không được chữa lành bệnh tật, nhưng tôi được ơn can đảm đón nhận bệnh tật của mình trong niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống. Không ai cảm nghiệm sâu sắc hơn là chính người được nhận ơn lành đó.
Cuộc đời là một chuyến đi. Trong chuyến đi đó, chúng ta gặp nhiều biến cố làm thay đổi ngã rẽ của chúng ta. Những thay đổi đó, những ngã rẽ đó làm nên cuộc đời chúng ta. Chúc bạn tìm được hạnh phúc trong chuyến đi của cuộc đời mình và biết đâu chúng ta được gặp nhau ở một nơi nào đó trong cuộc hành trình rất riêng của mỗi người chúng ta.
LM FX. TRẦN XUÂN SANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét