CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

    Chia sẽ Mục vụ từ Paraguay: THÁNG HOA NGHĨ VỀ MẸ _Lm Anton Trần Xuân Sang, SVD

    Tuần lễ ơn gọi
         Mở đầu Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho các Ơn Gọi lần thứ 51 vừa diễn ra vào Chúa Nhật IV Phục Sinh ngày 11 tháng 5 vừa qua với chủ đề “Các ơn gọi, chứng tá cho chân lý”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã dí dỏm diễn giải đoạn Tin Mừng Mt 9, 35-38 về lời mời gọi của Chúa Giê-su. Tin Mừng kể rằng “Chúa Giê-su đi khắp các thành thị và làng mạc…Thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương họ, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Ngài nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9, 35-38). Những lời này làm cho chúng ta ngạc nhiên, vì hết thảy chúng ta đều biết rằng trước tiên cần phải  cày cuốc, gieo cấy và vun trồng để tiếp đến, khi đến lúc, có thể thu hoạch mùa màng phong phú. Trái lại, Chúa Giêsu khẳng định rằng “lúa chín đầy đồng”. Nhưng ai đã làm việc để kết quả được như thế? Chỉ có một câu trả lời duy nhất: Thiên Chúa. Rõ ràng, cánh đồng mà Chúa Giêsu nói đến là nhân loại, đó là chúng ta. Và hoạt động hữu hiệu, nguồn gốc của « nhiều hoa trái » này, là ân sủng của Thiên Chúa, là sự hiệp thông với Ngài (x. Ga 15,5). Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu xin Giáo Hội do đó liên quan đến lời cầu xin gia tăng con số những người phục vụ Vương quốc của Ngài. Thánh Phaolô, người từng là một trong những “cộng tác viên của Thiên Chúa”này, đã tận tụy hết lòng cách không biết mệt mỏi vì Tin Mừng và vì Giáo Hội. Cùng với ý thức của người đã cảm nghiệm cách cá nhân đến độ nào ý muốn cứu độ của Thiên Chúa là khôn dò, và sáng kiến của ân sủng là nguồn gốc của mọi ơn gọi, thánh Tông đồ nhắc cho các Kitô hữu ở Cô-rin-tô: “Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa” (1Cr 3,9). Chính vì thế trước tiên nảy sinh trong tâm hồn của chúng ta sự ngạc nhiên vì một mùa gặt phong phú mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho; tiếp đến lòng biết ơn vì một tình yêu luôn đi trước chúng ta; sau cùng, lòng tha thiết đối với công trình mà Ngài đã thực hiện, vốn đòi hỏi sự gắn bó tự do của chúng ta để hành động với Ngài và vì Ngài (Sứ điệp Ơn Gọi 2014 số 1).
         Tuần lễ ơn gọi năm nay chúng tôi có mời các em cảm tình viên ơn gọi Dòng Ngôi Lời tham dự kỳ tĩnh tâm 3 ngày để các em khám phá và phân định ơn gọi cho mình. Trong một bài chia sẻ về ơn gọi, một anh em linh mục người Indonesia đã hài hước chia sẻ rằng hôm nay là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi. Thỉnh thoảng chúng ta thắc mắc sao mình cầu nguyện hoài cho xứ mình mà không có ơn gọi, trong khi các nơi khác lại có. Chẳng lẽ Chúa nghe nhầm sao? Linh mục ấy liền giải thích rằng khi một ơn gọi linh mục hay tu sĩ nảy sinh thì ơn gọi đó không chỉ giành riêng cho địa phương đó nhưng là cho cả Giáo hội vì là linh mục hay tu sĩ không chỉ cho riêng cho một địa phương nào nhưng cho cả Giáo hội hoàn vũ. Nếu Jorge Mario Bergoglio chỉ phục vụ cho Giáo hội tại Argentina thì làm sao giờ này chúng ta có một Giáo Hoàng đang thay đổi cục diện thế giới như vậy! Bởi thế, Giáo hội mời gọi chúng ta không ngừng cầu nguyện cho các vị mục tử, cầu nguyện cho có thêm nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ thánh thiện và nhiệt thành để phục vụ cánh đồng của Chúa vì hiện nay vùng Nam Mỹ đang thiếu trầm trọng ơn gọi linh mục, tu sĩ nhưng lại có rất nhiều ứng viên đã có gia đình muốn phục vụ Giáo hội như là các Phó tế vĩnh viễn. Có lẽ giới trẻ ngày nay không muốn bị bó buộc trong các Dòng Tu hay Chủng Viện vì các em có nhiều tự do và muốn làm theo ý‎ mình nhiều hơn. May thay, cũng còn cò một số rất nhỏ vẫn còn thao thức phục vụ Giáo hội theo con đường hẹp và các em cảm tình viên tham dự kỳ tĩnh tâm lần này cảm thấy thích thú khi tham dự Tuần Lễ Ơn Gọi và nhiều em đã sẵn sàng trở thành những nhà truyền giáo tương lai và sẽ nhập Dòng vào năm tới sau khi hoàn tất một năm tìm hiểu về Dòng.  
     
    Khóa học Liderazgo Intercultural SVD
         Từ ngày 12 đến 15 tháng 5 vừa qua chúng tôi có tham dự một khóa học về Liderzago Intercultural SVD (Khả năng lãnh đạo liên văn hóa trong Dòng Ngôi Lời). Tham dự khóa học ngoại thường lần này gồm các vị Bề trên và Ban Cố Vấn cấp Tỉnh và các Bề trên Hạt truyền giáo của Dòng Ngôi Lời vừa đắc cử ở 4 quốc gia thuộc nam Mỹ với số tham dự viên là 35. Vị diễn giả được mời là một nữ Giáo sư người Mỹ gốc Chi-lê thuộc Dòng Maryknoll. Vị cao niên nhất 70 tuổi là người Đức và vị trẻ nhất là người Ấn Độ vừa sinh nhật lần thứ 39. Như thế là chúng tôi vẫn thuộc lớp lớn vì đã ngoài 40. Số tham dự viên lần này gồm 12 quốc gia bao gồm Ba Lan (8), Indonesia (6), Argentina (6), Ấn Độ (4), Chi-lê (2), Paraguay (2), Phi Luật Tân (2), Thụy Sĩ (1), Đức (1), Italia (1) , Việt Nam (1) và nữ diễn giả người Mỹ gốc Chi-lê. Nếu tính về Châu lục thì châu Á vẫn là đông nhất vì có tất cả 13 thành viên, kế đến là châu Âu (11) và châu Mỹ (11). Châu Phi cũng làm việc truyền giáo ở Nam Mỹ rất nhiều nhưng chưa có tầm. Có 5 tham dự viên với học vị tiến sĩ và đa số thành viên còn lại cũng có những bằng cấp chuyên môn cao và đang phụ trách những công việc quan trọng của Dòng.
         Khóa học lần này nhằm giúp các vị hữu trách cấp Tỉnh Dòng và các Hạt truyền giáo biết vận dụng khả năng lãnh đạo trong các cộng đồng quốc tế đa ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc, màu da. Không ai vừa sinh ra đã có khả năng lãnh đạo nhưng khả năng ấy cần phải được học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm từ những bậc cha anh. Những người lãnh đạo trong các cộng đoàn tôn giáo, đặc biệt là Công giáo trong thế giới ngày nay không xem quyền bính như là một sự kiếm chát, một sự thụ hưởng hay nhận được lợi lộc vì chính Thầy Giê-su đã dạy “Con Người đến không phải là để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ” (Xc. Mc 10, 40-45), vì họ không phải lại một tổ chức chính trị hay các công ty hành chính chuyên lo chạy chức, chạy quyền hay thuộc dạng con ông cháu cha để rồi khi lên nắm quyền là đè đầu, cưỡi cổ người dưới. Vị diễn giả là đương kim Bề trên Tổng quyền của một Dòng nữ nên Soeur rất hiểu những khó khăn, những khuất tất trong các cộng đoàn tu trì. 
         Đã qua rồi cái thời mà bề trên phán một lời là bề dưới phải vâng lời tối mặt, đã qua rồi cái thời mà bề trên chỉ vì một chút tư thù cá nhân mà có thể hành hạ và đuổi một người đi tu vô cớ rồi chẳng ai dám nói gì vì sợ bề trên ghét lây. Làm bề trên ngày nay không dễ tí nào. Những ngày đầu năm dương lịch vừa qua chúng tôi cảm thấy vui khi nhận được tin 2 anh bạn cùng lớp sau khi học ở Rô-ma trở về được đắc cử vào Hội Đồng Bề Trên Tỉnh Dòng- một người làm Phó Giám Tỉnh, một người làm Cố vấn. Vui thì vui nhưng thấy tội nghiệp cho 2 anh em này vì khi phải đối diện với những thực tại ở Việt Nam không mấy dễ dàng khi những bậc đàn anh, đàn chú từng là thầy dạy mình không biết họ có khó chịu khi học trò mình bổ nhiệm mình vào một vị trí mà mình không thích! Lại thêm nữa là dù anh em có bằng cấp, có học vị ở Rô-ma nhưng kinh nghiệm lãnh đạo vẫn còn non nớt nên không biết anh em có đủ kiên nhẫn để vượt qua những sóng gió khi phải đối diện với những trường hợp cá biệt hay trước những xung đột thường nảy sinh trong các cộng đoàn hay không! Người Việt Nam với nhau còn khó sống huống chị sống các cộng đoàn quốc tế không mấy dễ dàng vì mỗi thành viên trong cộng đoàn là một thế giới hoàn toàn khác. Cha Giảm tỉnh ở đây có lần tâm sự với chúng tôi rằng nhiều đêm ngài mất ngủ khi phải tìm cách để giải hòa hai anh em linh mục - một người ở Kenya và người kia là Trung quốc làm việc chung trong một giáo xứ mà như chó với mèo và giáo dân cũng chia rẽ nhau vì gương xấu của các cha. Người nào cũng đòi phần đúng về mình và bề trên không biết đứng về phe nào. Cho cả hai về nhà hưu hay chuyển một người đi chỗ khác thì rất dễ nhưng không giải quyết được gì vì họ sẽ không phục bề trên. Ngài phải tim cách rào trước, đón sau và thuyết phục hai anh em phải nói chuyện và làm hòa với nhau trong bầu khí huynh đệ. Cũng có trường hợp một số anh em dính Scandal khiến bề trên phải vò đầu, bức tóc mà giải quyết vì người đó cũng là anh em của mình. Chúng tôi cảm thấy làm bể trên trong các cộng đoàn quốc tế không dễ dàng chút nào và đúng là làm bề trên ở đây là phục vụ và phục vụ.
    Khóa học chỉ vỏn vẹn trong 4 ngày ngắn ngủi nhưng chúng tôi cảm thấy thú vị vô cùng vì có những ngày sống chung, làm việc chung, chia sẻ chung với những anh em lớn tuổi và những anh em có  học vị tiến sĩ nhưng không hề có một chút xa cách hay phân biệt nào. Những thánh lễ mang đậm tính quốc tế từ phần nhập lễ đến kết lễ đã mang lại cho chúng tôi những niềm vui trọn vẹn hơn khi hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc của nhau. Khóa học đã giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn trong một thế giới đại đồng và qua phương tiện truyền thông hiện giờ chúng tôi có thể trao đổi để giúp nhau giải quyết những tình huống khó xử trong các cộng đoàn quốc tế.  

    Tháng Hoa nghĩ về Mẹ
         Hôm nay 15 tháng 5 là ngày Quốc Khánh của người Paraguay và cũng là Ngày của Mẹ. Người dân Paraguay tuy là nước nhỏ nhưng rất tự hào vì họ là một quốc gia độc lập, tự do và có chủ quyền thật sự. Họ được nghỉ lễ từ ngày 14 để diễu hành và để giúp các em biết thêm vệ lịch sử của đất nước mình. Các quốc gia láng giềng như Brazil và Argentina tuy là những nước lớn nhưng họ rất tôn trọng và hành xử rất văn hóa và dân chủ chứ không như nước Trung quốc ở châu Á chỉ biết lấy thịt đè người và hành xử thiếu văn hóa như trong những ngày vừa qua.
    Hôm nay người Paraguay cũng mừng Ngày của Mẹ. Với người Paraguay thì họ rất quí trọng hai người mẹ là Đức Mẹ Caacupé và người mẹ sinh ra họ. Trong một thánh lễ cách đây không lâu Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ca ngợi hai người Mẹ này của người Paraguay và nói rằng những người phụ nữ Paraguay là người phụ nữ đáng trân trọng nhất trong toàn châu Mỹ, không phải vì họ học hành hay hiểu biết nhiều so với các nước khác, nhưng vị họ là những người vợ, người mẹ đã khôi phục nước Paraguay vì sau chiến tranh họ chấp nhận để 8 hay 10 phụ nữ sống chung với những người đàn ông què quặt, đuôi mù… để duy trì nòi giống, ngôn ngữ, văn hóa và đức tin. Chính vì thế mà những người phụ nữ, những người mẹ ở Paraguay rất được trân trọng và luôn là những người tiên phong trong việc bảo vệ đức tin và truyền thống gia đình. Tuy nhiên, nhiều người đan ông Paraguay đã có quan niệm sai và đến nay vẫn còn muốn quay lại thời xa xưa với một ông và nhiều bà dù tỉ lệ nam nữ ở Paraguay hiện nay tương đối bình ổn. Nói đến công ơn của người mẹ thì không bút mực nào tả xiết, và hàng năm cứ đến Chúa Nhật tuần lễ thứ II là thế giới mừng ngày của Mẹ. Chúng tôi mượn lời bài hát bằng tiếng Tây Ban Nha này để nói lên tâm tình của người con đối với các bà mẹ đã hi sinh tất cả  cho đàn con mình. https://www.youtube.com/watch?v=6LoZ0A6vPW4
             Mẹ tôi đã rời xa chúng tôi hôm nay là đúng 18 tháng 4 ngày. Nhiều khi tôi muốn khóc lắm nhưng hình như không còn nước mắt để mà khóc. Nhớ thương mẹ vô cùng khi còn nhớ cách đây hơn 20 năm chúng tôi phải trải qua một cuộc giải phẫu ở bệnh viện quân đội ở Việt nam và lúc đó các bác sĩ còn yếu tay nghề lắm nên vết thương đã  nhiễm trùng và tập tử nhất sinh. Má tôi đã khóc rất nhiều và van xin bác sĩ cứu tôi. Khi chợi tỉnh chúng tôi đã thấy Má tôi bên cạnh trông rất phờ phạt vì nhiều ngày chăm sóc cho tôi. Ấy vậy mà tôi không hiểu và thương Má lại còn cằn nhằn với Má khi vết thương vẫn còn chảy máu đau buốt. Má ơi, mới đây con lại có cuộc giải phẫu mà không có Má nên con thấy cô đơn và buồn quá. Tuy giờ con đã là linh mục truyền giáo ngoài 40 tuổi và xung quanh con có những giáo dân và anh em trong Dòng nhưng con vẫn khao khát được có Má để có thể nói lời tri ân và xin lỗi về những điều con đã xúc phạm tới Má nhưng không thể được nữa rồi. Thằng Lâm cháu ngoại của Má nó còn có mẹ để nó sáng tác nhạc, nó hát để nói lời tri ân mẹ nó nhân ngày của Mẹ, còn con thì không! Má ơi con xin lỗi Má nhé, không biết trên trời cao Má có nghe tiếng con không?
    Tháng Năm cũng là tháng Hoa- tháng Đức Mẹ. Xin Mẹ Maria là Mẹ của chúng con luôn gìn giữ và phù hộ cho những người con của Mẹ, nhất là các linh mục, tu sĩ là những người đã nhận Mẹ làm người Mẹ của mình để các ngài không làm phật lòng Mẹ và biết chu toàn bổn phận của những mục tử, những người hướng dẫn đời sống tâm linh cho đàn chiên. Xin Mẹ luôn đồng hành với chúng con trong những lúc vui cũng như lúc gặp nhiều thử thách nhất trong cuộc đời truyền giáo của chúng con vì con rất cần sự trợ giúp và phù hộ của Mẹ. Xin chúc mừng tất cả các Bà Mẹ với lời chúc tốt đẹp nhất. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
          
        

    Thành phố San Lorenzo - Paraguay, 15 tháng 5 năm 2014
    Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
    NHỚ NGUỒN
    FACEBOOK


    Không có nhận xét nào: