CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

    CHỦNG SINH PHAOLÔ BỘT: ANH HÙNG TRONG THỐNG HỐI

    Tài liệu về cuộc đời, nhân đức và cái chết vinh quang của Chủng Sinh Phaolô Bột (1841-1858) phần lớn trích từ tác phẩm của Linh Mục Gustave Monteuuis:”Anh hùng trong thống hối. Phaolô Bột, thiếu niên tử đạo Đàng Ngoài”. Tác phẩm trúng giải Hàn Lâm Viện Pháp và được hai nhà xuất bản Thánh-Phaolô ở thủ đô Paris (nước Pháp) và Hội Thánh-Charles ở Grammont (vương quốc Bỉ) đồng phát hành năm 1905.

    Cha Gustave Monteuuis viết lời tựa:

    “Tiểu sử vị tử đạo Phaolô Bột lần lượt tỏ lộ cho chúng ta thấy: trước tiên, nỗi đau đớn và những dày vò của một thiếu niên trong phút chốc bị sa ngã vì yếu đuối; tiếp đến, lòng nhiệt thành thánh thiện và tình yêu anh dũng của người môn đệ quảng đại, khóc lóc thảm thiết về lỗi lầm của mình và sau cùng, lòng cương quyết dùng chính máu đào xóa tẩy điều sỉ nhục xúc phạm đến Vị Thầy Chí Thánh dấu yêu.
    ”Hoàn cảnh sống và lộ trình Chủng Sinh Phaolô Bột trải qua thật đáng chú ý. Chúng ta cảm thông nỗi đau đớn và lòng thống hối, đồng thời nồng nhiệt tán thưởng cuộc hoán cải và cái chết vinh quang của Chủng Sinh Phaolô Bột. Một thi sĩ viết:
    Không bao giờ lỗi bổn phận là điều đẹp nhất,
    Nhưng thống hối trở về với bổn phận còn đẹp hơn.
    “Nói thế, chúng ta không chối bỏ vẻ đẹp nguyên tuyền của lòng thanh sạch vô tội. Nhưng chúng ta cũng không thể không ca tụng cố gắng của một tâm hồn, sau khi nhận ra lầm lỗi, đã quyết định thoát khỏi vực sâu tội lỗi và vươn cao trên đường thánh thiện bằng trọn tình yêu thống hối của mình”.

    I. CUỘC ĐỜI THƠ TRẺ

    Phaolô Bột chào đời năm 1841 tại thôn Kẻ-Lựa thuộc giáo xứ Sơn-Miêng. Kẻ-Lựa nay thuộc giáo xứ Canh-Hoạch. Sơn-Miêng ngày nay là Sơn-Lãng thuộc xã Hoa-Sơn, huyện Ứng-Hòa, tỉnh Hà Tây, Tổng Giáo Phận Hà Nội. Trước kia Sơn-Miêng thuộc huyện Thanh-Oai, cách tỉnh Hà Nội 35 cây số về hướng Nam. Vào thời kỳ đó, Sơn-Miêng là một trong những giáo xứ rộng lớn nhất của giáo đoàn Đông Đàng Ngoài.
    Phaolô Bột được diễm phúc là đồng hương với thánh Phanxicô Nguyễn Cần (1803-1837), Thầy Giảng. Thầy Giảng Phanxicô Nguyễn Cần tử vì đạo ngày 20-11-1837, dưới thời vua Minh Mạng. 150 năm sau, Chúa Nhật 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) tôn phong Thầy Giảng Phanxicô Nguyễn Cần lên hàng hiển thánh cùng với 116 vị Tử Đạo Việt Nam.
    Khi bản án châu phê từ Kinh Đô ra tới Hà Nội, quan tổng trấn khuyên Thầy Cần nhắm mắt bước đại qua Thánh Giá. Thầy Cần nói:
    - Mắt thì nhắm được chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm!
    Tại pháp trường, viên quan cố thuyết phục lần chót:
    - Anh có thể cứu mạng mình. Anh không trộm cướp, cũng không làm loạn. Bản án của anh còn có thể rút lại, chỉ cần anh bước một bước qua Thập Tự.
    Thầy Giảng Phanxicô Nguyễn Cần trả lời:
    - Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ án mà thi hành!
    Thi hài vị tử vì đạo Cần được an táng tại Châu-Sơn, sau cải táng về nhà thờ xứ Sơn-Miêng.
    Thời thơ ấu, khi theo mẹ đến nhà thờ Sơn-Miêng, cậu bé Phaolô Bột thường có dịp kính viếng di hài thánh Phanxicô Cần. Hẳn đây là một trong những lý do nuôi dưỡng ơn gọi sau này. Vào thời kỳ ấy, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trải qua cuộc bách hại dữ dội. 5 Linh Mục Thừa Sai người Pháp bị bắt và bị kết án tử hình.
    Về phía Phaolô Bột, cậu bé không nếm hưởng nhiều niềm vui gia đình. Em trai Bột đột ngột qua đời lúc chưa tròn một tuổi. Sau đó đến lượt thân phụ - ông Phêrô Bính - từ trần năm 1845, khi Bột mới lên 4. Phaolô Bột trở thành quí tử duy nhất sống với mẹ góa, bà Maria Mận.
    Từ khi chồng qua đời, bà Mận một mình tần tảo nuôi con. Bà hết lòng yêu thương và giáo dục con nên người. Bà là người mẹ Công Giáo đạo đức, giống như bao bà mẹ gương mẫu khác. Sơn-Miêng lúc ấy nổi tiếng về nghề chằm nón. Bà Maria Mận học nghề và không bao lâu có thể tự tay chằm những chiếc nón lá xinh xắn. Cậu bé Phaolô Bột ngoan ngoãn giúp mẹ. Khi đến tuổi có thể tự di chuyển, chính Phaolô Bột mang nón mẹ làm ra chợ Sơn-Miêng bán. Nét kháu khỉnh, khuôn mặt trong sáng và tính tình dễ thương của cậu thiếu niên bán nón lôi kéo sự chú ý của khách hàng. Nhiều người đến mua nón của cậu. Thế là mỗi buổi chiều, Phaolô Bột hân hoan mang về cho mẹ cái túi đầy tiền. Bà Maria Mận cũng vui mừng không kém. Nhờ tiền bán nón, hai mẹ con có thể sống hàng ngày dùng đủ và nhất là, bà có ít tài chánh dưỡng dục con thành tín hữu Công Giáo tốt.
    Phaolô Bột là niềm vui và là niềm an ủi rộng lớn nhất của bà Maria Mận trong cảnh góa bụa. Tuy nhiên, bà không đơn độc trong việc giáo dục con. Em gái bà cũng hết lòng yêu thương cháu. Nhờ sự chăm sóc của Mẹ và Dì, cậu Phaolô Bột tuy mới 10 tuổi, đã trổi vượt nhóm trẻ trong làng về nét ngây thơ và lòng đạo đức.
    Phaolô Bột cảm thấy lớn lên trong tâm hồn xuân trẻ và trong trắng của mình ước muốn học hỏi và tiến xa trên đường thánh thiện. Cậu muốn trở thành môn đệ đích thật của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cậu bày tỏ cùng mẹ tất cả ước vọng. Bà Maria Mận cảm động khi thấy con trai duy nhất có những ý tưởng cao đẹp. Bà biết THIÊN CHÚA Nhân Lành đã gieo vào lòng con hạt giống ơn gọi. Bà không so đo tính toán. Bà không ngần ngại chần chờ. Bà nhất định dâng cho Chúa kho tàng đáng giá nhất: Phaolô Bột, quí tử của bà.
    Dịp may đến. Năm 1850, Linh Mục Khương, Cha Sở Sơn-Miêng đến xứ Kẻ-Lựa ban các Bí Tích cho giáo dân trong xứ. Năm 1850 cũng là Năm Thánh do Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Piô IX (1846-1878) công bố cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Giáo Đoàn Đàng Ngoài tại Việt Nam hiệp ý với Đức Thánh Cha, cử hành Năm Thánh với lòng sốt sắng đặc biệt. Cảm thấy ơn thánh Chúa tràn ngập tâm hồn, Phaolô Bột nài nỉ mẹ đưa đến gặp Cha Khương, xin Cha nhận cậu vào Nhà Đức Chúa Trời với hy vọng ngày kia trở thành Thầy Giảng và Linh Mục.
    Dĩ nhiên bà Maria Mận không từ chối lời con xin. Bà mau mắn đưa con đến gặp Cha Sở. Sau khi lắng nghe lời tỏ bày của cả hai mẹ con, Cha Khương ngần ngại không chấp nhận lời thỉnh cầu. Phaolô Bột đành theo mẹ trở về, chuyên cần giúp mẹ việc nhà và đem nón mẹ chằm ra chợ bán.
    Hai năm sau, 1852, Cha Khương có dịp trở lại Kẻ-Lựa. Phaolô Bột nài nỉ mẹ đưa đến gặp Cha, lập lại lời xin. Lần này Cha Khương động lòng thương xót. Cha chấp nhận cậu vào Nhà Đức Chúa Trời. Phaolô Bột được nhận với tư cách là chú giúp trường xứ Sơn-Miêng. Phaolô Bột để tâm ngay vào việc học và bắt đầu thực thi các nhân đức. Trong số các bạn đồng sinh, Phaolô Bột nổi bật về tính tình hiền dịu, khả ái và vui tươi. Ngoài ra, thân hình cao ráo trắng trẻo cũng khiến Phaolô Bột dễ dàng thu hút cảm tình của những người sống chung quanh. Tuy nhiên, Phaolô Bột không chú ý đến các chi tiết này, cũng không tỏ ra tự mãn kiêu căng. Trái lại, cậu chỉ chuyên chăm học hành và thực thi nhân đức.
    Trong ba năm học tập tại nhà xứ Sơn-Miêng, Phaolô Bột không bao giờ xin phép về Kẻ-Lựa thăm mẹ. Phần bà Maria Mận, mỗi lần có dịp ra Sơn-Miêng, bà đều ghé thăm con trai. Chi phí học tập thường rất cao, bà Maria Mận không thể một mình gánh hết. May mắn thay, một phụ nữ đạo đức khá giả thuộc xứ Phúc-Lâm tên Marta Lịch nhận phần giúp đỡ. Để tỏ lòng biết ơn mẹ nuôi, thỉnh thoảng chú Bột đến thăm bà Marta Lịch. Tuy nhiên, mặc dù bà Marta Lịch nài nỉ, Phaolô Bột chỉ nhận những gì tối thiểu cần thiết. Chú lễ phép thưa với mẹ nuôi:
    - Xin mẹ cầu cho con được ơn trung tín đến hơi thở cuối cùng trong Nhà Đức Chúa Trời.
    Thời gian Phaolô Bột học tập tại nhà xứ Sơn-Miêng cũng là thời kỳ Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam bị bách hại dữ dội. Ngày 1-5-1851, Cha thánh Augustin Schoeffler Đông (1822-1851), thuộc Hội Linh Mục Thừa Sai Paris, bị hành quyết vì Đạo tại Sơn-Tây. Cùng ngày tháng đó một năm sau, 1852, Cha thánh Jean-Louis Bonnard Hương (1824-1852) cũng thuộc Hội Thừa Sai Paris, bị giết vì Đức Tin tại Nam-Định. Tất cả những chứng nhân anh dũng ấy ghi khắc vào con tim thơ trẻ của các chú giúp nhà xứ Sơn-Miêng lòng nhiệt thành khát khao ơn được dùng chính mạng sống tuyên xưng Đức Tin vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ con người.
    Ba năm học hoàn tất, năm 1855 Phaolô Bột được Cha Sở Sơn-Miêng giao phó cho các Linh Mục thuộc Chủng Viện Vĩnh-Trị. Từ nay Phaolô Bột chính thức trở thành chủng sinh.

    II. CUỘC SỐNG NƠI CHỦNG VIỆN VĨNH-TRỊ

    Năm 1848, vua Tự Đức (1830-1883) lên ngôi, tiếp tục các cuộc bách hại chống lại Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là các Linh Mục người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris.
    Năm 1855 Phaolô Bột gia nhập chủng viện Vĩnh-Trị.
    Vĩnh-Trị nằm trên bờ sông Nam-Định cách không xa Ninh-Bình bao nhiêu. Trong vòng 100 năm liền, Vĩnh-Trị là cứ điểm truyền giáo của địa phận Đông Đàng Ngoài. Hồi ấy, toàn thể dân cư Vĩnh-Trị đều là tín hữu Công Giáo. Nơi đây còn có chỗ cư trú của Đức Cha Retord Liêu (1840-1858), Đại Diện Tông Tòa. Và bên cạnh ngôi nhà của Đức Cha Liêu là chủng viện. Trong một xứ truyền giáo vào thời kỳ Giáo Hội bị bách hại, chủng viện Vĩnh-Trị lúc ấy là một cơ sở thô sơ. Nhưng chương trình huấn luyện không sơ sài. Các chủng sinh học La-ngữ, chữ Tàu, chữ Nho, tiếng Việt, sử học và bình ca. Ngoài ra, kể từ khi Cha thánh Phêrô-Phanxicô Néron Bắc (1818-1860), Linh Mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, được chỉ định làm Bề trên chủng viện Vĩnh-Trị, các chủng sinh có thêm chương trình học về toán pháp như hình học, đại số, số học và thiên văn, v. v.
    Chủng sinh Phaolô Bột được diễm phúc thụ huấn với các tôn sư nổi bật về các khoa học đời cũng như đạo. Nhưng nhất là, các vị nêu cao gương sáng cho các môn sinh và cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lòng trung thành cho đến chết.
    Đây là thời kỳ Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh (1793-1857) được chỉ định làm Giám đốc chủng viện Vĩnh-Trị, kiêm giáo sư La-ngữ lớp chủng sinh lớn nhất sắp ra trường. Khi Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được một thời gian tạm bằng an, Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh lo tổ chức đời sống thiêng liêng cho các chủng sinh. Ngài dạy cho họ biết học hỏi Lời Chúa trong Phúc-Âm, trong Thánh-Kinh, sùng kính Đức Mẹ MARIA bằng việc lần hạt Mân Côi, ăn chay các ngày trước lễ Đức Mẹ, mang Áo Đức Mẹ trên mình, thương mến các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục và cầu nguyện cho các Linh Hồn. Nhất là rút kinh nghiệm bản thân trong thời kỳ chịu bách hại và lao tù, Cha thánh Tịnh nhấn mạnh với chủng sinh lòng tôn thờ Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Ngài dựng tượng Thánh Giá ở giữa con đường chính xuyên qua chủng viện và 4 tượng Thánh Giá khác ở 4 góc giáo xứ Vĩnh-Trị. Ngài làm phép long trọng các tượng Thánh Giá và mỗi ngày thứ sáu, Cha thánh Tịnh thường đưa một số chủng sinh tới đó đọc kinh. Tượng Thánh Giá thứ sáu được dựng trong Trại Phong Cùi gần Vĩnh-Trị. Hôm đó chính ngài vác cây Thánh Giá trên vai, theo sau là toàn thể chủng viện. Tất cả mọi người hát bài Vexilla Regis - Cờ Vua Chiến Thắng. Bên chân tượng Thánh Giá này, Cha thánh Tịnh xây một nhà nguyện nhỏ và năm nào cũng thế, ngài đến đây bốn lần để dâng Thánh Lễ.
    Một thời gian ngắn sau khi Phaolô Bột gia nhập chủng viện, ngày 18-9-1855, vua Tự Đức ban hành sắc chỉ cấm đạo nghiêm ngặt. Tất cả các Linh Mục đều bị kết án tử hình. Các quan viên Công Giáo có thời hạn 1 tháng để chối Đạo. Binh lính và tín hữu thường được triển hạn 6 tháng. Dĩ nhiên các Thầy Giảng Nhà Đức Chúa Trời và các chủng sinh cũng bị kết án nặng nề, sau các Linh Mục.
    Cùng thời gian này có Thầy giảng Augustino Điểm làm giáo sư chủng viện Vĩnh-Trị. Thầy có người em trai Marcô Hào là chủng sinh. Cả hai anh em đều được diễm phúc đổ máu làm chứng cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Thầy Augustino Điểm chịu chết vì Đạo năm 1860 tại Nam Định. Năm kế tiếp, ngày 1-1-1861, chủng sinh Marcô Hào nối gót bào huynh tuyên xưng Đức Tin cũng tại Nam Định, hưởng dương 19 tuổi.
    Chi tiết trên đây cho thấy chủng sinh Phaolô Bột trải qua thời kỳ thụ huấn và thực tập nhân đức trong một bầu khí bất an, phập phồng lo sợ vì cơn bắt Đạo nỗi lên khắp nơi, từ Nam chí Bắc. Mặc dầu thế, trong năm 1856, Đức Cha Retord Liêu vẫn quyết định tổ chức tuần tĩnh tâm cho giáo hữu Vĩnh-Trị. Dĩ nhiên các chủng sinh chủng viện Vĩnh-Trị là những thành phần đầu tiên tham dự tích cực vào tuần tĩnh tâm này. Đức Cha Liêu được sự hỗ trợ đắc lực của hàng giáo sĩ trong giáo phận. Mỗi ngày có 4 bài giảng, không kể những bài đọc Sách Thánh và bài suy niệm. Tín hữu tham dự đông đảo nên phải lập đến 14 tòa giải tội. Tuần tĩnh tâm được kết thúc với lễ truyền chức Linh Mục. Quả là biến cố linh thiêng và trọng đại trong thời kỳ bách hại. Đây là biến cố phi thường đưa các tân Linh Mục cũng như tín hữu vào đời sống hầm trú nơi các hang toại đạo. Chủng sinh Phaolô Bột cảm thấy lòng dâng lên những tâm tình quảng đại cao đẹp. Cậu ước ao được bước theo các bậc thầy và đàn anh trên con đường tông đồ và tử đạo.
    Và chuyện phải đến đã đến. Ngày 27-2-1857 quan phủ Nghĩa Hưng đem quân vây kín làng Vĩnh-Trị, nơi có nhà Đức Cha và chủng viện. Đức Cha Retord Liêu và hai Linh Mục thừa sai người Pháp là Cha Charbonnier và Cha thánh Jean-Théophane Vénard Ven (1829-1861) kịp thời trốn thoát. Nhưng vị Giám đốc chủng viện, Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh bị bắt cùng với hai ông Chánh-Phó Xã-ủy làng Vĩnh-Trị và chủng sinh Lương. Cả bốn vị bị giải ra tỉnh Nam Định. Sau 38 ngày bị giam cầm, Cha Tịnh bị kết án tử vì cương quyết không chối bỏ đạo thánh Chúa. Cha nói với quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng:
    - Tôi xin chân thành cám ơn quan, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai ngày sẽ sống lại vinh quang. Còn linh hồn tôi là của THIÊN CHÚA, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo THIÊN CHÚA là chính Đạo, là Đạo thật, tôi yêu mến và giữ Đạo ấy từ thưở bé, và dù có chết tôi cũng chẳng bỏ được.
    Lời khẳng khái phát sinh từ quyết định can đảm và sáng suốt. Ngày 6-4-1857 tại pháp trường Bảy MẫuNam Định, Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh nói lời từ biệt cuối cùng gởi tới mọi người
    - Anh em ở lại bình an, chịu khó giữ Đạo và can đản bền vững, đừng sợ chết!
    Vài ngày sau khi Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh bị giết, ba vị đồng tù với ngài bị phân tán mỗi người một nơi. Ông Chánh Xã-ủy Vĩnh-Trị bị lưu đày ở Thái-Nguyên, ông Phó Xã-ủy ở Lạng-Sơn và chủng sinh Lương ở Cao-Bằng. Cả ba vị đều trung thành với Đức Tin Công Giáo cho đến hơi thở cuối cùng. Riêng chủng sinh Lương, chú đã viết thư gởi đến quí Bề Trên và các chủng sinh cùng trường. Thư kể lại cuộc sống lưu đày như sau:
    ”Người dân hai tỉnh Cao-Bằng và Lạng-Sơn không toàn tòng là người Việt nhưng có thêm các sắc dân thiểu số và người Tàu. Ngôn ngữ bất đồng khiến cho việc giao thiệp trở nên khó khăn. Tại Lạng-Sơn hiện có 6 tân tòng bị lưu đày. Họ có thể an ủi và khích lệ lẫn nhau. Cha Sở tìm cách viếng thăm và ban các bí tích cho họ. Nhưng không mấy dễ dàng. Thường ngài chỉ có thể gặp các tân tòng một hay hai lần trong năm. Trong khi đó, tại Cao-Bằng này, con hoàn toàn cô thế cô thân. Con là người duy nhất được biết Đạo thánh Chúa, Đạo chân thật. Vì thế, con không rõ đến khi nào con mới được diễm phúc gặp một Linh Mục để xưng tội. Với sức khoẻ yếu kém cộng thêm khí hậu độc địa, con có thể chết bất kỳ lúc nào, chết mà không nhận được sự trợ giúp thiêng liêng nào. Do đó, con khẩn khoản xin mọi người thương cầu cho phần rỗi linh hồn con, hầu con được can đảm thực thi thánh ý THIÊN CHÚA đến cùng.
    ”Ngày con mới đặt chân đến đây, quan Án tỉnh Cao-Bằng truyền con đạp chân lên Thánh Giá. Thấy con cương quyết từ chối, quan nổi giận buông lời nguyền rủa. Con thưa với quan:
    - Nếu trước đây vua đòi đầu cháu, hẳn cháu đã sẵn sàng dâng đầu đến một trăm lần, chẳng thà chối bỏ Đạo Chúa. Giờ đây, cháu đã chịu xét xử, bị tuyên án và cháu đã chấp nhận bản án lưu đày, đến một miền khỉ ho cò gáy, sau khi băng rừng lội suối đi qua một chặng đường dài gian lao khốn khó, làm sao quan có thể nghĩ là cháu sẽ chối bỏ Đạo Chúa, để trong phút chốc, mất hết mọi công phúc mà cháu cố gắng thu đạt, khi bằng lòng chịu đau khổ vì Đạo?..
    ”Một lần khác, cũng vị quan Án ấy gọi con đến nhà quan. Sau một hồi khuyên con bỏ Đạo không hiệu quả, quan nói với con: ”Đạo Vua Trời Đất là Đạo gì và đâu là những lý do khiến chú gắn bó đến độ không bỏ Đạo được?” Con liền trình bày cho quan nghe một số giáo lý Đạo Công Giáo. Con cũng dùng nhiều lý lẽ minh chứng Đạo Công Giáo là Đạo thật. Quan Án tỏ ra lắng nghe lời con nói. Sau khi thỏa mãn tính tò mò, quan Án cho con về và nói: ”Nếu quả thật như thế, chú hãy ra về bằng an”. Kể từ ngày ấy, quan Án tỉnh Cao-Bằng để con yên, không hạch hỏi cũng không truyền con phải bỏ Đạo nữa”.
    Ký tên: Lương, người bị lưu đày vì Đức Tin.
    Lá thư của chủng sinh Lương là một khích lệ lớn lao cho các bạn đồng trường tại Vĩnh-Trị. Lá thư cũng mang lại nhiệt huyết trung thành cho những môn đệ Đức Chúa GIÊSU KITÔ, đặc biệt trong thời kỳ cấm cách.
    Trong lúc đó, chủng viện Vĩnh-Trị phải đóng cửa. Các chủng sinh phải phân tán từng nhóm ra các giáo xứ. Chú Phaolô Bột và một nhóm chủng sinh đồng lớp di tản về xứ Kẻ-Báng, cũng thuộc tỉnh Nam Định.

    III. BỊ BẮT VÀ CHỐI ĐẠO

    Ngày 21-5-1857, nhằm lễ Đức Chúa GIÊSU Thăng Thiên, Đức Cha thánh Giuse Diaz Sanjurjo An (1818-1857), Giám Mục thừa sai người Tây Ban Nha, Đại Diện Tông Tòa Trung Đàng Ngoài, bị bắt tại Bùi Chu và bị giải về Nam Định. Hồi ấy, ông Nguyễn Đình Hưng, Tổng Đốc Nam Định, vô cùng ghét Đạo Công Giáo. Ông cho dùng đủ mọi cực hình để làm khổ các tù nhân Công Giáo, vô phúc rơi vào tay ông. Gông cùm ngăn cản nghỉ ngơi ngày đêm, xiềng xích ăn mòn xương thịt, roi mây hằn lên những lằn đau, nhức buốt tận tim gan, kềm nung để lại những vết thương khó lành, và quì gối trên những tấm phản có đinh sắt nhọn, đau đớn vô cùng. Đó là những cực hình khủng khiếp mà lòng độc ác con người có thể nghĩ ra.
    Năm 1857 báo hiệu nhiều tang thương thử thách cho Giáo Đoàn Đàng Ngoài. Tổng Đốc Nam Định biết rõ Kẻ-Báng là nơi trú ẩn của nhiều vị Linh Mục thừa sai và chủng sinh. Đêm 22 rạng ngày 23-1-1858, tổng đốc Nam Định sai quan tướng mang 700 binh lính về vây làng Kẻ-Báng. Cuộc tấn công chuẩn bị chu đáo đến nỗi dân làng không mảy may hay biết gì. Dầu vậy, một số Linh Mục và chủng sinh cũng may mắn thoát được, ngoại trừ chủng sinh Phaolô Bột, 17 tuổi và ba bạn đồng lớp: Gioan Pháp, Phaolô Tuấn và Hương. 4 chủng sinh bị bắt cùng với 17 bô lão, trong đó có ông Trùm xứ đạo Kẻ-Báng. Ngày hôm sau, tất cả bị giải về Nam Định và bị tống ngục. Nhờ được giam chung, các tù nhân vì Đức Tin đã an ủi khích lệ lẫn nhau hãy cương quyết trung thành với Đạo Công Giáo cho đến chết.
    Ngày 25-1-1858, Tổng Đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng truyền mang Phaolô Bột cùng ba bạn chủng sinh và các vị bô lão Kẻ-Báng ra công đường. Ông truyền đặt Cây Thánh Giá dưới đất. Tất cả các tín hữu Công Giáo đoán biết thử thách nào sẽ diễn ra. Vừa xuất hiện, ông tổng đốc nói ngay:
    - Hãy đạp lên Thánh Giá rồi tôi sẽ trả tự do cho mọi người.
    Lệnh truyền ngầm hiểu rằng:
    - Nếu bất tuân, sẽ bị lưu đày hoặc kết án tử hình.
    Ông trùm Kẻ-Báng, trong tư cách là niên trưởng, trả lời thay cho tất cả:
    - Thưa quan, tôi được hân hạnh trình với quan rằng, chúng tôi là tín hữu Công Giáo nên chúng tôi không đạp chân lên Thánh Giá.
    Vừa nghe câu trả lời khẳng khái dõng dạc của ông trùm, quan tổng đốc nỗi giận đùng đùng. Ông truyền cho lính đánh đòn tức khắc các chiến sĩ Đức Tin.
    Các người lính liền bắt các tù nhân nằm sấp mặt xuống đất, trói hai tay hai chân các tù nhân vào trụ và dùng roi mây thẳng tay đánh túi bụi vào thân mình các tù nhân. Thật là cực hình khủng khiếp. Bởi lẽ quan tổng đốc truyền cứ mỗi tù nhân bị hai người lính đánh đòn hai bên. Các roi đòn làm máu chảy thấm áo rồi nhuộm đỏ đất. Nhưng quan tổng đốc vẫn chưa nguôi giận. Ông còn truyền phải nung các kềm sắt và dí lên người các tù nhân.
    Và quan tổng đốc đã thành công. Các cực hình đau đớn đến nỗi các cụ già yếu sức phải đầu hàng. Các bô lão Kẻ-Báng chấp nhận bước qua Thánh Giá để đánh đổi tự do, trở về đoàn tụ với gia đình. Nhìn các bô lão lần lượt bước qua Thánh Giá, 4 chủng sinh: Bột, Pháp, Hương và Tuấn cảm thấy lòng đau nhói. Các chú cay đắng tự nhủ:
    - Làm sao các vị bô lão lại có thể phản bội Đức Chúa GIÊSU KITÔ, công khai chối bỏ Kitô Giáo là Đạo chân thật?
    May mắn thay, ông trùm Kẻ-Báng, sau khi bước qua Thánh Giá đã hối hận tức khắc. Ông đền bù ngay tội lỗi tày trời vừa mới phạm và nhất là gương mù gương xấu ông gây ra cho các chủng sinh non trẻ. Ông quay trở lại nói với quan tổng đốc:
    - Đức Tin nằm sâu trong lòng chúng tôi, và lòng chúng tôi không hề chối Đạo.
    Vừa nghe, ông tổng đốc lên cơn thịnh nộ. Ông quát lớn:
    - Người này chỉ chối Đạo bề ngoài, nhưng thật ra trong lòng vẫn trung tín với Đạo!
    Ông kết án lưu đày ông trùm Kẻ-Báng lên Lạng Sơn. Nơi đây ngày 20-10-1858, ông trùm trút hơi thở cuối cùng, lòng vẫn một mực kiên trung với Đức Tin KITÔ. Ông được mọi người kính trọng tưởng nhớ như một vị anh hùng tử đạo.
    Thành công với 16 bô lão Kẻ-Báng, bây giờ quan tổng đốc Nam Định dồn mọi chiến thuật tàn nhẫn tấn công 4 chủng sinh: Bột, Pháp, Hương và Tuấn. Quan biết rõ không dễ dầu gì lay chuyển Đức Tin của các thiếu niên, với tư cách là chủng sinh Nhà Đức Chúa Trời. Các lý hình cũng biết rõ như vậy. Và sự thật là như thế. Mặc bao lời đe dọa cũng như ngon ngọt dỗ dành, cả 4 chủng sinh đều đứng vững, cương quyết không bước chân qua Thánh Giá. Sau cùng, để đạt mục đích, các binh lính nghĩ ra diệu kế. Họ dùng vũ lực khiêng các chủng sinh ngang qua Thánh Giá, như thế, họ có thể rêu rao rằng, các thiếu niên Nhà Đức Chúa Trời đã nhát đảm công khai chối bỏ Đạo thánh!
    Họ bắt đầu thi hành thủ đoạn với Gioan Pháp, chủng sinh nhỏ tuổi nhất. Năm ấy Gioan Pháp 14 tuổi và là bào đệ của Cha Triêm, giáo sư chủng viện Vĩnh-Trị. Mặc dầu đã kiệt lực và đau đớn vì trận đòn chí tử vừa chịu, chú Gioan Pháp vẫn giữ nguyên chí khí anh hùng ban đầu. Chú cương quyết và sáng suốt kháng cự. Khi bị quân lính lôi qua Thánh Giá, Gioan Pháp dùng trọn sức còn lại, uống cong mình và giữ cho đôi chân không hề chạm đến Thánh Giá. Tức giận và xấu hổ trước sức kháng cự vừa anh dũng vừa khéo léo của một thiếu niên, quan tổng đốc ra lệnh cho lý hình hãy dùng kềm nung nóng, kẹp vào người Gioan Pháp. Chú chủng sinh đau đớn ngất lịm đi. Nhưng khi vừa tỉnh lại, chú không ngừng lập đi lập lại:
    - Thưa quan, điều quan vừa làm, quan chịu trách nhiệm. Phần con, con nhất định không chấp nhận đạp chân lên Thánh Giá.
    Nếu chủng sinh Gioan Pháp cương quyết không tuân lệnh quan tổng đốc, đối lại, quan tổng đốc cũng đâu dễ dàng buông tha một thiếu niên 14 tuổi, dám cả gan bất tuân lệnh quan! Ông truyền lý hình đưa Pháp đến quì trên tấn ván có đầy đầu đinh nhọn. Thật là hình phạt khủng khiếp! Dầu vậy, Gioan Pháp vẫn trước sau như một. Cứ sau một hình khổ mới, chú Pháp lại cương quyết khẳng định:
    - Con sẽ không bao giờ đạp chân lên Thánh Giá!
    Thất bại trước sức kháng cự anh hùng của một học sinh Nhà Đức Chúa Trời, quan tổng đốc Nam Định tuyên bố kết án lưu đày chủng sinh Gioan Pháp lên Lạng Sơn, cùng với ông trùm Kẻ-Báng. Tại Lạng Sơn, Chúa Nhân Lành đã để cho Gioan Pháp được niềm an ủi lớn lao: đó là được trút hơi thở cuối cùng trong tay bào huynh: Linh Mục Triêm.
    Gương anh dũng trung thành với Đạo Công Giáo của chủng sinh Gioan Pháp hẳn có sức mạnh vô biên củng cố Đức Tin của các bạn đi sau: Phaolô Bột, Phaolô Tuấn và Hương. Tất cả đã cùng trải qua các hình khổ dữ dằn như: bị cột tay chân vào trụ, bị đánh đòn bằng roi mây, bị kềm nung đỏ kẹp vào da thịt, v. v.. Tổng đốc Nam Định hẳn cũng chờ đợi sức kháng cự tương tự nơi ba thiếu niên kia. Tuy nhiên, ông khéo léo bố trí để đưa các chủng sinh vào tròng. Ông truyền binh lính khiêng cả ba chú Bột, Tuấn và Hương qua Thánh Giá. Và hỡi ôi, lần này ông tổng đốc đã thành công! Cả ba chủng sinh một phần bị lừa dối, một phần quá yếu nhược và một phần có lẽ bị kinh hãi khi chứng kiến hình khổ dữ dằn của Gioan Pháp, nên cả ba đã để yên cho lý hình khiêng qua Thánh Giá mà không hề kháng cự!
    Cử chỉ đó ngầm minh chứng rằng: cả ba chủng sinh đã đồng ý công khai chối bỏ Đạo thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ! Và ông tổng đốc Nam Định chỉ chờ đợi có thế! Ông hoan hỉ truyền ghi tên tức khắc ba thiếu niên vào danh sách các tín hữu Công Giáo đã đạp chân lên Thánh Giá, nghĩa là đã chối bỏ Đạo. Rồi ông trả tự do ngay cho ba chủng sinh. Hương lên đường về quê quán. Còn Phaolô Bột và Phaolô Tuấn lủi thủi trở lại Kẻ-Báng, nơi có Thầy giảng Augustino Điểm cùng với một số chủng sinh Vĩnh Trị đang trú ẩn.

    IV. THỐNG HỐI VÀ CƯƠNG QUYẾT DÙNG CHÍNH MẠNG SỐNG GỘT RỬA TỘI PHẢN ĐẠO

    Ai có thể nói cho hết, diễn tả cho cùng nỗi lòng của hai thiếu niên, từ đây mang danh bội giáo, phản Đạo và chối Chúa??? Chính lúc này, Phaolô Bột hiểu thấm thía ý nghĩa cay đắng thế nào là bội giáo. Chú đau đớn nhủ thầm:
    - Con đã bất trung cùng Thầy Chí Thánh con, Thầy Nhân Lành con! Sao con lại hèn nhát đến độ không dám kháng cự khi quân lính khiêng con qua Thánh Giá? Sao con không có được chí khí anh hùng của Gioan Pháp, một mực bày tỏ lòng trung tín với Đạo thánh?
    Vì hết lòng ăn năn thống hối như thế, nên Phaolô Bột không ngừng nói với Phaolô Tuấn:
    - Bạn à, chúng ta đã yếu đuối phạm tội chối Chúa, chúng ta phải tìm ngay một Linh Mục để xưng thú tội lỗi.
    Ý tưởng đầu tiên của hai chủng sinh thất trận là tìm về với Thầy giảng Augustino Điểm, giáo sư chủng viện Vĩnh-Trị đang coi sóc một nhóm chủng sinh trú ẩn tại Kẻ-Báng. Với thân mình bầm dập rách nát và áo quần tả tơi vì roi đòn, hai chủng sinh trông thật đáng thương. Hai chú hy vọng sẽ được mọi người thông cảm, đặc biệt là Cha Sở và Thầy giảng Điểm, giang rộng cánh tay như người Cha nhân từ, tiếp đón hai đứa con hoang trở về. Hai chú sẽ sụp lạy và thưa với Cha và với Thầy giảng rằng:
    - Ôi lạy Cha, lạy thầy, chúng con đã phạm tội với Trời và với hai ngài. Chúng con không xứng đáng được nhận vào sổ những thiếu niên con Nhà Đức Chúa Trời. Nhưng ít ra xin nhận chúng con vào số những người làm công trong nhà và cho phép chúng con được giúp việc cùng ăn chay hãm mình để đền bù tội lỗi chúng con đã phạm!
    Khi Phaolô Bột và Phaolô Tuấn về đến Kẻ-Báng thì mọi người đã rõ đầu đuôi ngọn nguồn, không cần đợi hai chú kể lể dài dòng. Hẳn Cha Sở và thầy giảng thông cảm thảm trạng của hai thiếu niên, trong giây phút yếu đuối, đã trở thành kẻ bội giáo! Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, cần có những chứng nhân anh dũng, nêu cao gương sáng cho mọi tín hữu, đặc biệt các chủng sinh. Bởi vì, vào bất cứ lúc nào, quan quân cũng có thể bất ngờ xuất hiện để truy bắt các tín hữu Công Giáo. Vì lý do đó, Cha Sở Kẻ-Báng đành từ chối, không tái chấp nhận hai chú Phaolô Bột và Phaolô Tuấn vào số các chủng sinh Vĩnh-Trị. Cửa chủng viện khép kín trước hai kẻ bội giáo!
    Phaolô Bột vô cùng đau đớn trước quyết định này. Tia hy vọng cuối cùng vừa bị dập tắt. Cùng với lời từ chối của Bề Trên, Phaolô Bột như nghe rõ tiếng kết án của chính lương tâm:
    - Ngươi đã phản bội Thầy Chí Thánh. Ngươi là một tên bội giáo!
    Mặc dầu thất bại ê chề, Phaolô Bột không tuyệt vọng. Chú quay trở lại nơi đã chứng kiến ơn gọi nẩy sinh thưở ban đầu. Đó là nhà xứ Sơn-Miêng, có Cha Sở Khương. Chính Cha đã tập luyện và giới thiệu chú vào chủng viện Vĩnh-Trị. Hẳn Cha còn nhớ hình ảnh bà Maria Mận, người mẹ hiền đức, và nhớ rõ những tháng ngày ngây thơ trong trắng của mình, Cha sẽ cảm thông và tha thứ cho tội phản giáo của mình. Nhưng chú đã lầm to. Vì sợ gây ảnh hưởng xấu nơi các thiếu niên khác, Cha Khương nghiêm khắc khiển trách:
    - Con sống bao lâu tùy ý, nhưng đối với Cha, xem như thể con đã chết!
    Nói xong, Cha cho chú Bột ít tiền đi đường và cấm Phaolô Bột không được lưu lại nhà xứ.
    Bị xua đuổi tại hai nơi dấu yêu nhất của cuộc đời chủng sinh, khơi lên niềm đau khôn tả trong tâm hồn chú Phaolô Bột. Chú cay đắng dằn vặt với ý tưởng:
    - Tại sao mình lại phản bội THIÊN CHÚA, Đấng đầy tình thương và an bình? Tại sao mình lại yếu đuối, lại dại dột phản bội Ngài?
    Chính từ niềm đau khôn lường này, bắt đầu nẩy sinh nơi Phaolô Bột ước muốn đền bù tội lỗi, xóa bỏ gương xấu bội giáo, phản THIÊN CHÚA của mình.
    Phaolô Bột nói với Gioan Pháp:
    - Chúng ta hãy dốc lòng trở lại Nam-Định tái tuyên xưng Đức Tin!
    Rồi thấy bạn do dự, Phaolô Bột khẳng khái nói:
    - Chết hay sống, tôi đều trở lại Nam Định để rút lại hành vi phản giáo của tôi trước mặt các quan.
    Khi nghe bạn nói thế, Gioan Pháp quá kinh hãi nên tự ý tách rời bạn, trở về quê Yên-Khoái.
    Còn lại một mình, Phaolô Bột không dám trở về ngay với mẹ. Chú biết rõ người mẹ hiền đức sẽ phản ứng ra sao, trước tội chối Đạo tày trời của con trai. Thêm vào đó, chú còn nhen nhúm chút hy vọng tìm được một vị Linh Mục biết thương cảm, nhận chú vào lại Nhà Đức Chúa Trời. Do đó, Phaolô Bột lần lượt đến gõ cửa nhiều chủng viện và nhà xứ khác nhau, nhưng ở đâu chú cũng bị xua đuổi cách phũ phàng. Chỉ lúc này đây, chú mới nghĩ đến mái ấm gia đình, nơi có người mẹ góa thân yêu sống. Chú hy vọng tấm lòng mẫu tử bao la của mẹ sẽ rộng tay đón tiếp đứa con hoang trở về.
    Dĩ nhiên tin dữ Phaolô Bột chối Đạo đã đến tai bà Maria Mận. Vì thế, vừa khi Phaolô Bột bước vào nhà, bà Maria không dằn được nỗi đau đớn, bà lớn tiếng trách móc:
    - Không bao giờ tao tiếp nhận một kẻ phản Đạo, dù kẻ đó là con tao. Con ơi, nếu con chết, mẹ được diễm phúc khóc con như khóc một vị Tử Đạo. Nhưng hỡi ôi, ngày hôm nay mẹ khóc, không phải vì sung sướng, nhưng là vì xấu hổ đau đớn vì đã trót sinh ra một kẻ phản Đạo. Chẳng thà bỏ thân vì Đức Tin tại Nam-Định còn hơn vác xác về đây sau khi đã phản bội THIÊN CHÚA, gây ô nhục cho Đạo của mẹ và của dòng họ nhà ta!
    Chúa Nhân Lành đã để cho người mẹ hiền đức có những lời cứng rắn ấy, hầu các bậc sinh thành cũng như các nhà giáo dục, đều có cùng một ngôn ngữ như nhau. Điều này nhắc nhở mỗi tín hữu phải trở về với nghĩa vụ tuyên xưng Đức Tin, cho dẫu phải hy sinh cả tính mạng.
    Phản ứng đầu tiên của một người mẹ Công Giáo gương mẫu là như thế, nhưng sau đó, bà Maria Mận đã sẵn sàng tiếp rước con, cho con ở chung cùng nhà và giúp đỡ bà trong những công việc thường ngày. Rồi chỉ một thời gian ngắn, bà hiểu rõ nỗi lòng đau đớn của con, cương quyết đền bù tội lỗi đã phản nghịch cùng THIÊN CHÚA.
    Vài ngày sau khi trở lại quê Kẻ-Lựa, Phaolô Bột đến Phúc-Lâm thăm mẹ nuôi là bà Martha Lịch. Bà Lịch chưa nghe tin buồn về việc chú đã bội giáo. Vì thế Phaolô Bột tỏ ra vô cùng lúng túng khi tỏ lộ cho mẹ nuôi biết sự thật. Sau này chính bà Martha Lịch kể lại cuộc gặp gỡ như sau.
    Hôm ấy là một ngày mùa đông. Trời lạnh như cắt. Ngồi trong bếp nhìn ra tôi trông thấy một người ăn mặc tơi tả, tay chống gậy, lưng khòm, đang đi thẳng vào cửa chính. Tôi đoán là một người hành khất đến xin của bố thí. Khi tới gần, tôi mới vỡ lẽ: người hành khất không ai khác là Phaolô Bột, con nuôi của tôi. Tôi vội vàng mời con vào nhà và trải chiếu đẹp mời con ngồi. Nhưng Phaolô Bột không ngớt từ chối, vừa khóc vừa nói:
    - Con phạm một tội tày trời khiến con vô cùng xấu hổ. Con là kẻ khốn cùng nhất trong các tội nhân. Con không xứng đáng ngồi trên chiếu đẹp.
    Tôi vội bảo người giúp việc dọn cơm cho chú dùng. Nhưng Phaolô Bột lại xua tay từ chối:
    - Không! Không! Xin mẹ chỉ cho con chút cơm thừa ăn với muối hột. Bởi vì con là kẻ tội lỗi nhất trong số những người tội lỗi!
    Nói xong, Phaolô Bột lại khóc như mưa.
    Tôi vẫn ngỡ ngàng, không hiểu lý do nào đưa con nuôi tôi đến tình trạng thảm thương như thế này? Tôi phải nài nỉ lắm, Phaolô Bột mới kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe, từ lúc bị bắt tại Kẻ-Báng, bị đưa ra Nam-Định và bị hành hung như thế nào. Phaolô Bột cho tôi xem những vết thương nưng mủ, những lằn roi bầm đen, những dấu thịt rửa vì bị kềm sắt nung đỏ kẹp vào. Sau cùng, Phaolô Bột kể cho tôi nghe chú bước qua Thánh Giá như thế nào. Nghe đến đây, tôi hỏi con có kêu xin Chúa trợ giúp trong lúc bị hành hung không, Phaolô Bột trả lời:
    - Thưa mẹ có. Con dùng hết sức lực nghiến chặt răng và tự đáy lòng, con kêu danh Thầy Chí Thánh.
    Tôi lại hỏi:
    - Thế thì tại sao con lại không kiên vững đến cùng?
    Phaolô Bột giải thích:
    - Con đâu có muốn chối Chúa! Chính những người lính lôi con qua Thánh Giá!
    Phaolô Bột ở lại với tôi một đêm hai ngày, nhưng dành trọn ngày thứ hai cầu nguyện nơi nhà thờ xứ đạo. Không những chỉ khóc lóc ăn năn, Phaolô Bột còn hãm mình phạt xác, cam chịu mọi sỉ nhục để đền bù tội lỗi.
    Rồi một ngày, Cha Triêm, lúc bấy giờ đang ẩn trốn, được thông báo có một người trẻ tuổi tìm gặp Cha. Vừa trông thấy Cha, người thiếu niên òa lên khóc nức nở:
    - Con muốn xin gặp Đức Giám Mục, bởi vì con đã hèn nhát đạp qua Thánh Giá, chối bỏ Đạo thánh!
    Cha Triêm đau thắt lòng. Qua những lời nói đứt quãng, chen lẫn tiếng khóc ức nghẹn, Cha đoán được rằng, đây là Phaolô Bột, bạn của Gioan Pháp, bào đệ của Cha. Cả hai đã ra đấu trường, nhưng Pháp đã chiến thắng còn Bột thì bại trận. Cha Triêm nói:
    - Con thật tội nghiệp, từ đó đến nay con đã làm gì?
    Phaolô Bột lần lượt kể lại cho Cha Triêm nghe. Kể xong, chú nài nỉ xin Cha dẫn đến gặp Đức Cha để xin ơn tha thứ và để chuộc lại lỗi lầm. Nhưng Cha Triêm giải thích rằng, trong thời buổi khó khăn, chỉ cần xưng tội với bất cứ Linh Mục nào cũng được.
    Vài tuần sau, Cha Triêm nhận được thư Phaolô Bột bày tỏ ước muốn, nếu được phép, chú sẽ trở lại Nam Định, gặp quan lớn để tuyên xưng Đức Tin. Cha Triêm trả lời tức khắc và nói rằng, nếu chú muốn, thì đây là một hành động can đảm, đáng khuyến khích, vì chắc chắn nó làm đẹp lòng Chúa và vinh danh Giáo Hội. Nhận được thư, Phaolô Bột liền giã biệt mẹ hiền:
    - Thưa mẹ, con đã hèn nhát chối bỏ Đạo Chúa và hành động phản Đạo này đã làm mẹ rất đau lòng. Con xin mẹ tha lỗi cho con, như con đã xin Chúa tha tội. Con đã đền tội, nhưng hôm nay con muốn chuộc lại lỗi lầm, bằng cách trở lại tỉnh, đến trước quan lớn để rút lại hành động mà quan lớn đã đánh lừa con làm. Con chào mẹ và xin mẹ cho phép con đi.
    Thưa xong, Phaolô Bột cúi mình sát đất, xá mẹ bốn lần. Người mẹ anh dũng cất tiếng nói:
    - Con ạ, con hãy ra đi bằng an và làm những gì con vừa nói. Đã từ lâu, mẹ dâng con cho Chúa để con trở thành Linh Mục của Ngài. Con đã thuộc về Chúa. Nguyện xin THIÊN CHÚA che chở con luôn mãi.
    Ngày hôm sau tại Nam Định, tổng đốc Nguyễn Đình Hưng vừa ra ngồi tòa xử, người ta bỗng trông thấy một thiếu niên vội vã đến trước mặt quan lớn và nói:
    - Thưa quan, con là chủng sinh Bột. Cách đây mấy tháng, con đã phản Đạo vì quan đã lừa dối con, bằng cách cho lính khiêng con qua hình Thánh Giá, nhưng con không chấp nhận hành động này nữa nên con không muốn giữ nó. Hôm nay con đến đây để công khai phủ nhận nó trước mặt quan lớn và tuyên xưng Đức Tin của con. 
    Bị quấy rối bất ngờ, quan nỗi giận truyền đuổi chú Bột ra khỏi tòa, nhưng chú khăng khăng trở lại trước mặt quan lớn và lập lại những lời vừa nói. Nổi giận, quan truyền đánh đòn chú Bột. Trong cơn đau đớn, chú luôn miệng la lớn:
    - Hành động phản Đạo không phải của con, nó là của quan lớn nên hôm nay con đem trả lại quan lớn.
    Cuối cùng, tức giận vì không thể nào làm cho chú Bột im tiếng, quan truyền ném Phaolô Bột cho voi chà. Khi vị tử đạo trẻ tuổi bị cột cứng hai tay hai chân và bị đặt nằm dài dưới đất trong chuồng voi, các con voi khổng lồ tiến lại từ từ. Thông thường, chúng rất hung hăng dữ tợn, nhưng trước mặt Phaolô Bột, đàn voi xem chừng như kính trọng chú, không dám tiến lại gần. Chúng đứng im nhìn chú. Trong khi đó, Phaolô Bột luôn thầm thĩ nguyện xin THIÊN CHÚA trợ giúp, hoặc lập lại câu nói:
    - Hành động phản Đạo không phải của con, nó là của quan lớn nên hôm nay con đem trả lại quan lớn.
    Sau cùng, không thể nhẫn nhục chờ đợi thêm được nữa, người ta đã xông vào thúc mạnh đàn voi. Một con trong đàn, tiến lại gần, giơ cái cẳng khổng lồ đạp mạnh trên ngực Phaolô Bột. Một lời kinh, một tiếng kêu sau cùng.
    Xương gãy, máu trào ra. Phaolô Bột trút hơi thở cuối cùng. Hôm ấy là ngày 14-9-1858, lễ Tôn Vinh Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
    Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam hãnh diện ghi thêm vào danh sách tử đạo - PHAOLÔ BỘT - Chủng Sinh thống hối và chuộc tội bằng cái chết anh hùng, để nêu gương cho hậu thế.


    (”L'héroisme dans le Repentir. PAUL BỘT: Jeune Martyr Tonkinois”, par l'Abbé Gustave Monteuuis, Librairie Saint-Paul, Paris, 1905)



    NGUỒN: EMAIL peter nguyen peternguyenhoang@gmail.com

    Không có nhận xét nào: