Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Nhớ về họp mặt huynh đệ Giu Se 2014-Minh Chuối


                 Giã từ họp mặt với Anh em cựu GSNL đã hơn tuần lễ, nhưng mãi đến hôm nay mới ngồi được vào bàn phím , Chuối tôi chậm chạp như thế cũng bởi vì công ăn việc làm và mấy đêm worldcup nó kéo lôi, nhưng những hình ảnh mà anh em để lại trong tâm trí thì vẫn như in, xin được sẻ chia với đệ huynh khắp chốn.


                Trước ngày về một tháng, Thầy hội trưởng đã gửi thư mời đến các nhóm và liên nhóm, các trưởng nhóm có nhiệm vụ thông báo cho thành viên nhóm mình, Phan rí đã làm tốt việc này, ai cũng ưng sẽ được về thăm lại Dòng xưa. Anh kim Khánh lại đưa tin cho MC xem có anh em nào ở gần tom hết đi chung với nhóm Long Khánh cho vui, đi đứng ăn uống nhóm này bao hết, thế nhưng gần ngày lên đường, Khánh hồi lại vì nhóm long khánh đi đông quá, chỉ còn dành một chỗ cho MC thôi, thế là mấy anh em kia thừa nước đục thả câu, người viện cớ này ,kẻ vì chuyện khác cáo lui hết, còn mỗi MC lên đường đi phó hội.
                11h ngày 27/06 - Hồng vợ Kim Khánh cho hay xe đã đến Phan Thiết, và một tiếng sau thì đã đậu trước nhà, anh em trên xe xuống xả hơi, đếm được 14 Ta ru, ngoài ra là quí phu nhân và taru con lần đầu theo cha đi về quê nội, sau khi bỏ xuống một trái mít đông (nói tắt từ mít miền đông nam bộ) và túi chôm chôm , quà của vợ chồng Khánh Hồng, xe lại bon bon lên đường , có thêm một tay     tếu táo trên xe.

              Qua khỏi nhà MC hơn cây số, anh em xuống ăn com trưa, nhân đó chuối biết được chuyến đi này ngoài số tiền các mạnh thường quân nước ngoài gửi tặng làm lộ phí còn có anh tấn Dũng biếu 5 chai, mấy anh ở Đồng nai có nhiều người khá giả, nhờ đó sinh hoạt cũng khởi sắc hơn, sẵn đà, MC đọc mấy câu lượm lặt trên vi tính tạo thêm tiếng cười vui vẻ:
            sau lưng người đàn ông thành công...................là người đàn bà ngồi không!
            sau lưng người đàn ông mạnh khỏe................. là người đàn bà mắn đẻ!
            sau lưng người đàn ông bất lực ........................là người đàn bà rất bực!   
            nhưng sau lưng người đàn ông nhậu say......là người đàn bà cầm dao phay và.......
            sau lưng người đàn bà thành đạt........................là người đàn ông cầm quạt.
             Cơm trưa xong đã gần hai giờ, chúng tôi trực chỉ Phan rang,  ngồi một lát , nghe anh Hội mập nói chuyện đời xưa, Mc kiểm tra trí nhớ của anh bằng câu đố : 
“Luộc hột vịt lộn, luộc lộn hột vịt lạc, ăn hột vịt lộn, ăn lộn hột vịt lạc,
luộc lại hột vịt lộn, lại lộn hột vịt lạc,”
sau hai lần ,chỉ có thầy Trường (lão tướng trên xe,  sau thầy Thà) trả lời kha khá, còn câu đố sau thì thì im hơi lặng tiếng, một lát sau mới có kim khánh đối lại nhưng không ổn lắm: 
“gái củ chi, chỉ cu, hỏi củ chi” Đối ”trai cầu hang, chỉ háng, hỏi cầu hang.” Đáp lại Khánh đố một câu dài quá chỉ nhớ được….”thủy hỏa sôi sùng sục…”nhưng bị bắt bài ngay lập tức, đó là cái điếu cày!.

           4h kém tới phan Rang, trước khi rẽ vào nhà Đặng , anh  Phạm Hồng đón xe đò về Nha Trang trước, chắc anh có hẹn riêng với mấy anh em khác để bày một cuộc chơi......,chúng tôi chào chủ nhà, ngoài hiên đã thấy bàn kê vòng tròn, trong bếp hai bà Matta vợ Đặng và vợ Trạng kẻ ngồi người đứng lo làm thức ăn cho khách , đây là một điều rất quí của các bà cựu tu mà chúng tôi rất hàm ân, các cha thầy đi kinh lý tới nhóm nào hẳn cũng thấy được điều đó. Tranh thủ trước khi vào bàn, chúng tôi đi thăm gia đình thầy Tuân cách đó không xa, nhà thầy đang phải chăm cho bé cháu ngoại mới sinh (cháu bà nội, tội bà ngoại là lúc này đây), ngày còn tu, chúng tôi thường được thầy dắt xuống dòng Bình cang cắm trại, không biết lúc đó thầy có ý gì không, chứ chúng tôi thì thích lắm vì được xả "lán", còn thầy sau này "cắm " được cô Rạng (soeur BC), hỏi thì cô Rạng nói lúc ấy cô học ở sài gòn có biết đâu.....vậy cái nháy nháy giữa thầy cô vẫn còn là bí ẩn.

          Về lại nhà Đặng nhậu đến 5h rưỡi thì tạm biệt , có chiếc xe bẩy chỗ của Lê bá Chung  nên một số ở lại nhậu tiếp sáng mai ra sớm, chúng tôi vẫn chưa kịp ăn món cuối cùng nên Đặng yêu cầu cõng luôn để làm mồi , thế là lại thêm một xoong lớn sò đá "hấp" được đưa lên xe, chạy đến 7h30 thì tới Dòng, đã có vài anh em có mặt, tôi nhận được anh Hùng xà lỏn ở Phan Thiết, Anh Hảo - Đà nẵng, anh Đức - SG, anh Tiến Tuy Hòa và anh Lộc- qui Nhơn,năm nay các anh về  sớm hơi bị ít, dấu hiệu của ngày họp mặt sẽ thiếu vắng nhiều khuôn mặt đây chăng!!!. Anh trọng Hậu sau khi chỉ nhà cho chúng tôi vào......... năm nay sẽ nghĩ ngơi và sinh hoạt bên dẫy nhà tập sinh, tức là phần đất của nhà ăn đệ tử và hai căn nhà bếp của dì lan, dì Dễ ngày xưa cộng thêm một dẽo bên hông nhà cơm nữa, tôi và thầy Trường nhìn mảnh đất chó nằm thừa đuôi này mà tức cho cơ ngơi của nhà Dòng.....thì anh lên xe máy , đèo thêm anh Phạm Hồng hô biến.
          Tắm rửa xong, đã thấy mấy anh em gầy sòng ngoài hàng ba căn nhà đầu dẫy, ngoài xoong sò ra, mấy anh nhanh chân ra ngõ mua thêm hai chai votka hà nội và mấy ổ bánh mì, chúng tôi uống chai rượu "hồng đào" "ông uống bà khen" của anh Phạm Hồng mang theo trước, hết chai này tôi
đánh bài chuồn, để lại mấy anh em ngồi tiếp tục lai rai, đến quá 12 h đêm, tôi nghe tiếng anh Minh Lâm và Nguyễn Lộc về phòng mà vẫn để vô lum hết cỡ , tôi đoán nhóm SG đã tới và hai chai votka cũng phát huy tác dụng........

Ngày sinh hoạt chính – 28/ 6/ 2014
          Gần sáng , mọi người kéo nhau lần lượt dậy, ban tổ chức đã lo sẵn xà bông , dầu gội, kem đánh răng cho anh em dùng, hầu như ai cũng đều dây trễ, chả thấy ai đi lễ, có mấy người kéo nhau đi cà phê, thế là cả bọn cùng đi ngồi đầy trước quán ngoài cổng Thánh Giuse, vừa uống vừa có ý đón các đoàn khác tới, ăn sáng cũng đi nguyên băng, MC dắt tới quán phở năm ngoái cùng thầy Vincent Ngân ghé vào, nhưng lại đóng cửa,vậy là mọi người lại phải nhịn "phở" ăn cơm, không biết có anh nào ngán "cơm" quá kg chứ Mc tôi vẫn ăn hết đĩa ngon lành.
            8h - Thầy Hội trưởng và các anh trong ban điều hành đã có mặt đầy đủ, chúng tôi vào họp trong căn nhà tiền chế phía sau, Thầy Hùng Thay mặt BDH nói lời khai mạc và hướng dẫn anh em cầu nguyện, tạ ơn Chúa đã đem anh em về với nhau...Thầy Sự triển khai cuộc họp với lời chào mừng
cha bề trên giám tỉnh, nhưng cha đi vắng nên cha bảo hiến Giuse Vũ văn Trí thay, ngài cám ơn anh em đã về thăm Dòng và gắn bó với Dòng, nơi mà một thời, đã hơn một lần cùng sống chung với nhau trong môi trường này.....
          Thầy Hùng tiếp tục giới thiệu nhóm và liên nhóm lên chụp hình với cha đặc trách và thầy hội trưởng, dẫu về kém hơn năm ngoái nhưng nhóm nào cũng có đại diện chào sân,các nhóm chỉ có một người đó là: Phan thiết, Phan rí, Tuy Hòa, Đà Nẵng,Kom tum, riêng Pleicu không có ai, đông nhất là Long Khánh và Phần Răng....nhìn chúng bằng 90% năm rồi, đặc biệt không có ai ở hải ngoại về tham dự (năm ngoái tới bà Thầy, Thầy Vincent Ngân, Thầy Đỗ văn Bình, Thầy Mai văn Tính và một anh, anh Nguyễn ngọc Thuận ), có một điều tuyệt vời là các em "lại", vài năm là Giuse và vài năm là SVĐ cũng về , đa số các em ở nha trang và đã sinh hoạt với nhóm Nha trang , đây là dấu hiệu tốt nhất cho hội cựu . 
           Buổi sáng, Cha Hoài An có nhắc lại việc  xin Dòng cải táng và di dời 23 phần mộ của các Cha, Thầy, Dì và người giúp việc về Hoa viên Phục của Dòng. Cha Hoài An có gợi ý về tổ chức họp mặt thường niên ở các cụm trên bốn vùng quê hương nhưng anh em nghĩ bây giờ đã lớn tuổi rồi, tới năm năm mới được về nhà chính thì lâu quá, có khi có anh sau chuyến này lại chẳng ra đi như anh Thao thì sao, hơn nữa, nếu mà đi đại diện thì buồn quá!  vv...vv....Cha bảo thôi để đó suy nghĩ tiếp rồi đầu giờ nghị quyết.
           Thầy Sự cũng nhắc đến hoạt động của CTBL và những cái thêm, cái được, cái bớt, cộng vào đó lại có cái tình nguyện dâng lễ không nhận bỗng của hai cha Anh (Canada) và cha tấn Linh (Hòa Do) nữa
Tiếp theo anh Hữu giới thiệu logo của hội, ba hình logo đã được in ra giấy để anh em dễ chọn, nhưng rồi anh em lại chẳng chọn hình nào, có nhiều ý kiến khá hay như ý của Thanh Dũng, lấy hình hoa huệ lồng với cây thánh giá, hay thêm vào logo số một vòng chữ Cựu GSNL.......cuối cùng ,anh Đỗ Hữu lên phát biểu, thu hút được sự chú ý của anh em và mọi người bỏ phiếu tạm nhận logo thứ hai làm phù  hiệu cho hội, sau đó anh em về tìm tòi sáng tạo, góp ý cho BĐH và lấy biểu quyết sau ba tháng nữa......

           9h30 - Anh Bạch hồng Hải vắng nên anh Tấn Lộc tập hát thay những bài hát lễ Thánh tâm, bài cũ nên anh em tập nhanh, những giọng hát ồ ồ chất đầy nhựa nicotin vang lên cũng say đắm như chủ nhân của nó, lát nữa đây, Chúa sẽ lắng nghe và sẽ cảm động vì bầy con lang bạt của Ngài.

           10h - Cha Hoài An chủ tế cùng cha bề trên nhà chính An tôn Nguyễn xuân Huệ và cha Giuse Nguyễn Văn Huỳnh,  ân nhân CTBL từ vùng đất xa xôi Tây Nguyên Vinh Hà, Buôn Hồ về Dòng… Trong bài giảng Cha lấy một câu chuyện có thật trong anh em mình ra làm điểm nhấn cho một ý của Ngài ...Huynh đệ là phải đến với nhau, tìm kiếm và gặp gỡ như Mc đã bỏ công tỉm kiếm Hùng xà lỏn gần hai năm trời từ một thông tin mờ nhạt......cám ơn cha đã lấy con làm ví dụ cụ thể, hiện nay nhiều anh em mình còn phiêu bạt kỳ hồ, không phải họ không biết có một hội như thế, nhưng bởi vì tâm tư của họ còn vương nhiều rắc rối nên đường về cũng lắm chông gai.

          11h - Lễ xong , xuống nhà ăn đã thấy dọn bát đũa rồi, nhà Dòng đãi con cái về thăm một bữa ăn tươm tất ngon lành, cha bề trên nhà chính ngõ lời rất tâm tình với anh em hội cựu, điều này khiến Anh Cho nức lòng nên đã có một bài phát biểu rất hay thay cho tất cả anh em.
            Theo thông lệ, anh em phụ dọn với các Thầy và rửa chén bát luôn, sau đó tới phòng Thầy hội trưởng để nhận sách Huynh đệ 17 và cuốn DÒNG THÁNH GIUSE Một thời để nhớ và một đời tri ân cùng tấm bằng phép lành tòa thánh của Đức Thánh Cha PHAN XI CÔ. Chúng con xin tri ân quí Thầy hải ngoại đã bỏ công sức ,tiền của sưu tầm và biên soạn cuốn sách về Dòng Thánh GIUSE của chúng ta, nhờ cuốn sách này mà chúng con biết và hiểu được những bước đi của Dòng qua năm tháng thăng trầm, những gian nan trở ngại mà các đấng đã phải vượt qua ,cho đến thời chúng con thì đã đầy đủ và tiện nghi lắm rồi.

        13h30 - Tập trung sau giấc ngũ trưa, anh nào thích thì làm một ly ca phê gói cho tỉnh táo, Cha Thanh đã có mặt đúng giờ, Ngài được mời chia sẻ với anh em về chủ đề TÂN PHÚC ÂM HÓA và đời sống Gia Đình, Cha nom có vẽ tươi tỉnh và khỏe hơn mọi khi, vào đề, Cha mang tặng cho mỗi người một cây ngoáy tai nói là của cha Minh gỡi, Cha được coi là nhà triết học, suy tư của nhà Dòng nên việc Cha làm cũng thâm trầm ý nghĩa, anh em hiểu điều đó nên ai cũng lắng tai nghe, còn cây ngoáy
tai thì để dành trong túi chờ về nhà mới ngoáy!
         Cha lấy hình ảnh một tiến bộ của ngành viễn thông , công nghệ 3G làm khơi mào cho bài thuyết trình 3G của Cha, Đó là: G1- gặp gỡ anh em. G2-Gặp gỡ Đức KI TÔ. G3-gặp gỡ giáo xứ, làng xóm (tha nhân).
         - Có hai danh nhân Cha đưa ra để nói về sự gặp gỡ, Cao bá quát cho rằng Không gì khó bằng gặp gỡ, và Saint  Exupery thì lại cho rằng không gì đẹp bằng gặp gỡ. nhưng gặp gỡ sẽ qua đi và ở lại sẽ chỉ còn tình bằng hữu tâm giao.
         - Còn Đến với đức Ki Tô cũng không phải dễ dàng vì
                    1-có một khoảng cách quá lớn giữa hữu hình và vô hình.
                    2-Đó là một Thiên Chúa ẩn dấu, không như ước muốn mong đợi của ta.
                    3-Giữa Thiên Chúa và Chúng ta có quá nhiều trung gian.....mà ngẫu tượng là hình ảnh TC do con người làm ra, nó đáp ứng được những ước muốn và yêu cầu đa dạng của chúng ta......lôi kéo chúng ta đi về nhiều hướng khác nhau.
        -Tìm kiếm Thiên Chúa có nghĩa là phải biết khám phá những gì lón lao hơn đằng sau bức màn bí tích và phụng vụ........bởi Thiên chúa viết công cuộc cứu độ qua một con đường ngoằn nghoèo, khúc khuỷnh mà chúng ta là một đoạn trong đó!.
        - Cuối bài thuyết trình, Cha đưa ra một trang thánh kinh đẹp, đó là đoạn tin mừng nói về Chúa và người phụ nữ Samaria, một đoạn thánh kinh làm cho chúng ta trở nên tươi mới ( xin cha cho in bài giảng để anh em rộng đường suy gẫm).
         Sau phần chia sẻ này, anh em gọi cha là cha 3g, riêng tôi thì biết có 3G của phụ nữ thôi, đó là 3 gờ tuyệt đẹp nằm theo vòng 1,2,3 mà anh em nào cũng có.
         Cha đi rồi, chúng tôi tiếp tục công việc của mình , đó là đóng niên liễm và chi phí ăn uống , bì thư được phát ra , mỗi người 300.000 ngàn, ai hảo tâm hơn càng tốt, mới vài phút trước đây thôi, thầy Sự gọi điện cho tôi nói chuyện , có nhắc tiền quĩ còn được gần mười triệu, cũng thong thả cho anh thủ quĩ làm việc tông đồ bác ái.
        14h30 - Lại thảo luận, nhưng lần này vô cùng chóng vánh, tất cả đều nhất chí với trình bày của Kim Khánh, nên họp mặt ở nhà dòng Mẹ thay vì các nơi khác, nếu trong ba năm có một năm vướng các thầy cha về tĩnh tâm thì lúc đó chúng ta sẽ linh hoạt ứng biến. Thầy Hùng cũng nhắc lại, sau khi thăm các ân sư , chúng ta sẽ đi viếng mộ bằng phương tiện tự có, đỡ phí cho hội một món tiền.

     15h00 - MC điều phối các nhóm đi trao quà cho các ân sư và các thầy đau yếu, sớm hơn dự định  một chút, mỗi phần quà tương ứng với một triệu đồng, đại diện SG trao quà bằng tiền mặt cho cha Cầu, Quy Nhơn Thầy Venard, Phước Thiện Thầy bạch Mỹ, Cam Ranh thầy Martin, Đức Minh  cha Thanh, Nha trang thầy Thịnh, Phan rang thầy Anton , tổng cộng là bẩy phần quà. Các nhóm không kêu tên tùy nghi muốn theo nhóm nào cũng được, nhóm Long Khánh nhờ vận động mấy anh em nước ngoài nên có năm phần quà cho riêng, tới đâu, các Cha Thầy đều rất vui, hạnh phúc.
Chúng con mong các cha thầy luôn an bình, mạnh khỏe,và chúng con xin các cha thầy cầu nguyện cho chúng con vững vàng trên con đường theo Chúa ở dưới thế này, cho chúng con được ơn bền đỗ cho đến ngày sau hết.

        16h - Đi thăm viếng nghĩa trang, Chuối tôi và Thái Long lên xe máy chạy trước với trách nhiệm mua nhang cho anh em thắp vái  mộ các cha thầy quá vãng, dọc đường đi cứ mưa lất phất, từng đám mây xám u buồn bay chầm chậm trên đầu, chỉ đi bằng xe máy mới cảm được điều này, tôi nhớ tới các cha thầy tôi biết đã ra đi, các thầy không dậy tôi cách này thì bằng cách khác, tôi nên người như ngày hôm nay, dẫu không thành công nhưng cũng tạm thành nhân, biết ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chấp nhận cái nghèo mà không trở mặt với Chúa(nếu tôi muốn nên danh, tôi đã có cơ hội nhận, nhưng cả tôi và vợ đều từ khước  cái  mà Đấng muốn đem lại cho chúng tôi),một phần nào đó ,theo Chúa có nghĩa là phải từ bỏ và chấp nhận, và tôi đã làm như vậy.
       18h - Ăn tối, Hội năm nay đặt tiệc mang vào Dòng, không đi ra ngoài như năm ngoái, khách mời có các cha bề trên nhà và một số cha thầy ân sư, các cha thầy vừa ăn , vừa bỏ thời gian đến các bàn ủy lạo anh em, tình thân mật lan tỏa khắp nơi, cha bề trên nhà còn trẻ, cha rất tôn trọng anh em và dường như cha rất thích cảnh sinh hoạt này, mong  cha góp thêm tiếng nói, bàn tay , tiếp sức cho sự gắn bó giữa hội cựu tu với nhà Dòng
        Trong bàn tôi có hai người phụ nữ, một là phu nhân anh Phan long Bảo, người kia là em gái vợ anh, nhưng lại là phu nhân của thầy anh, thầy Đỗ Lý. Trên tình nghĩa thầy trò thì anh phải gọi em vợ bằng cô, tôi không biết anh chọn phương án nào, nhưng góa phụ Đỗ Lý thì thật hết ý, vui vẻ với mọi người và mục uống bia thì có một không hai, thầy nào tới mà cô quen, mà hầu như quen tất, đều phải 100% drink off mới được đi.Anh Hoàng cheo có kể một số câu chuyện thi vị về thầy Đồ hay Cương (Đỗ huy Cường-Đỗ Lý), năm học trên Đà Lạt, gia đình kia có mấy cô con gái, cô gái út 17 tuổi dễ thương lọt vào tầm ngắm của thầy, vậy là thầy tới xin với ông bố được làm rể, dĩ nhiên là ông bố từ chối và thầy bị ọc rơ. Ra quy nhơn, thầy rớt đài vì cô học trò kim Cúc, cô Cúc kể, có anh học trò cũng yêu cô, nhưng biết cô đã bị thầy "chấm" mất, anh hậm hực lắm và tuyên bố:không phải thầy tao là tao múc lâu rồi.......Đây là những giai thoại mà hy hữu lắm lớp đàn em mới được nghe.

      19h30 - Sinh hoạt tự do, từ giây phút này các anh em không phải theo chương trình nữa, có những anh em quy tụ lớp mình lại làm thêm chút chút, một số anh đi tắm rồi kết thành từng nhóm nhỏ nói chuyện với nhau, mấy anh Nha Trang chạy về nhà, có anh lại tìm mấy tụ điểm để chuẩn bị xem vòng loại, riêng tôi thì lo đi sạc lại cục bin, chuẩn bị cho buổi lễ sáng mai. Anh Đỗ Hữu bất ngờ hư máy hình và anh bảo tôi chụp nhiều nhiều cho anh có tài liệu bằng ảnh,Tôi nói hên xui nhưng cũng cố chụp đầy đủ và bỗng nhiên tôi trở thành một phó nhòm bất đắc dĩ.

       Sáng chủ nhật 29/06 - Lễ kính hai thánh tông đồ Phê Rô và Phao Lô.
      Trên cung thánh của nhà nguyện Dòng SVD hôm nay rực lên một màu đỏ máu, 11 linh mục đồng 
tế cùng bước lên bàn thờ, ngày kính hai thánh tông đồ tử đạo với hai tâm tình , hai tính cách , hai giai tầng xã hội nhưng đều có chung một điều, đó là yêu Chúa đến độ sẵn sàng bước theo thầy chí thánh dù phải chết đau thương đã là nguồn cảm hứng cho biết bao ca từ , bài giảng , nhưng trên hết là cho những tâm hồn lạc loài , yếu đuối.  
      Anh em cựu tu Giuse Ngôi lời dâng lễ với lòng sốt mến, 
tạ ơn Chúa vì mọi ơn lành Ngài ban, Nhất là thời gian hạnh phúc được ở bên nhau mái nhà Dòng mẹ thân thương những ngày qua, mỗi người một tâm tư cho những giờ bên Chúa, bên huynh đệ của mình:
                      
   Một phút nguyện cầu trong lửa mến
  Xin ngàn ơn thánh xuống đệ huynh. 

      Lễ tan, anh em tập trung trước ngôi nhà ba tầng có tấm phù điêu cha thánh Arnold Janssel để chụp tấm hình kỷ niệm chuyến về truyền thống 2014, rồi về lại chỗ nghĩ ngơi ăn sáng nhanh với ổ bánh mì kẹp thịt, vừa ăn, vừa chia tay nhau, vừa gói ghém hành lý. Tôi tranh thủ nói chuyện với mấy em lớp lai Vương, Hoàn, Châu......và lấy được địa chỉ của Phê Rô Trần ngọc Huy, tôi đã liên lạc được với em khi em đang ở Quy nhơn ăn cưới, em đang sống ở Phan Thiết chứ không phải Phan rí như
Vương đã nói, và tôi đã điểm danh được năm anh em ở khu vực này , đó là: Tuấn mad(lớp MC, cầu ké PT)Hùng xà lỏn(lớp trọng Hậu, Vinh Lưu, Hàm thuận Nam), Nguyễn Quang(lớp Kim Khánh , cây số 15, Hàm thuận Nam), Lê bá Chung (lớp Kim Khánh, hàm thuận Nam),Trần ngọc    Huy (lớp Vương! cây số 30 Hàm thuận Nam). Sẽ nhờ Huy tiếp cận với những anh em này và biết đâu
trong tương lai khi về họp mặt , sẽ lại có thêm mộtnhóm mới được xướng tên. Amen.
MC
*****

Hình Ảnh Họp Mặt Truyền Thống...

More PowerPoint presentations from paul
Khi chương trình bắt đầu xin bấm vao "ô vuông  " bên góc phải cuối chương trình  để xem màn hình rộng. 
*****************
https://www.youtube.com/watch?v=-KBb0JsO8AQ
_  HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG HỘI HUYNH ĐỆ CỰU GIUSE-NGÔI LỜI TẠI   DÒNG MẸ NGÀY 28 VÀ 29 THÁNG 6 NĂM 2014.
_  HÌNH ẢNH: COSMA ĐẶNG TRƯỜNG, LOUIS MINH CHUỐI, JOSEPH HUY HOÀNG. 
Ss: PAUL DOHUU.
_  ÂM NHẠC SỬ DỤNG:  Con Dâng Chúa-Saxophone-Phạm Quang Trung, Con Dâng Chúa-Lm Nguyễn Sang, Tình Con Yêu Chúa -Cẩm Ly.
_ Một số hình ảnh nền trên Internet về phong cảnh Nhatrang.
*****************

CLIP HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG TẠI NHÀ DÒNG NHA TRANG

by Đình Trang
https://www.youtube.com/watch?v=xmzALXqeiiY
PICASA ALBUM: 
https://picasaweb.google.com/112391100294380573012/HMTTHCGNL282962014?noredirect=1#slideshow/6032783185539372194

NHỮNG HÌNH ẢNH ĐƯỢC GHI LẠI TRONG NGÀY HỌP TRUYỀN THỐNG TẠI NHA TRANG

https://www.youtube.com/watch?v=x49vOGb7gFI&feature=youtu.be
by Đình Trang

>  NHỮNG BIỂU QUYẾT QUAN TRỌNG TRONG NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG:                                                        Anh em thân mến
        Ngày họp mặt truyền thống 28/6/2014 năm nay, có mấy vấn đề được đưa ra thảo luận và đã được anh em đồng thuận như sau:
    1/. Việc cải táng và di dời 23 hài cốt các Cha, Thầy, Dì và các người giúp việc Dòng tại nghĩa trang Đồng Bò về Hoa viên Phục sinh của Dòng   (mà cha Đặc trách Gioan Nguyễn Hoài An đã đề xuất và Anh em đã đồng thuận trong dịp Đại hội Truyền thống năm 2013). Về việc này,  anh Hội trưởng đã có văn thư đề ngày 30.9.2013 gởi cho BTGT và Hội Đồng Bề Trên (nhiệm kỳ Cha Pháp), nhưng được trả lời bằng miệng rằng nhà Dòng có khả năng lo và cũng chưa phải là thời cơ thuận tiện.
        Nay, Cha Đặc trách và toàn thể Đại hội, với tâm tình thảo hiếu, biết ơn đối với những Ân sư và Ân nhân đã khuất, xin anh Hội trưởng tiếp tục gởi văn thơ thỉnh nguyện lên BTGT và HĐGT ( nhiệm kỳ Cha BTGT Trần Minh Hùng ) nhắc lại chuyện trên. Có lẽ đây là thời cơ thuận tiện.
    2/. Ý kiến tổ chức ngày Truyền thống theo Vùng Miền cách khoảng 3 hay 5 năm mới về Dòng một lần của Cha Đặc trách, đa số anh em không đồng thuận. Anh em đề nghị cứ giữ nguyên: mỗi năm về Dòng gặp nhau một lần. Để lâu quá, sợ tình cảm dễ phôi pha hoặc lỡ ra đi thình lình kiểu anh Thao thì đau xót quá!
    3/. Lâu nay, Hội chúng ta xài ké Logo của Dòng. Nay chúng  ta phải có Logo riêng của Hội. Anh Thư ký Đỗ Hữu của Hội rất vất vã trong việc này. Có 3 Logo được anh in ra để xin ý kiến: một của Đỗ Văn Bình, một của Hữu Hưởng và một của Đỗ Hữu. Logo của Hữu Hưởng nhiều phiếu hơn. Tuy nhiên, số phiếu chưa quá bán để quyết định chọn. Đại hội đề nghị anh em đóng góp thêm Logo. Sau 3 tháng sẽ biểu quyết. (Xin anh thư ký Đỗ Hữu thường xuyên nhắc nhỡ anh em).
    4/. Vê Nội Qui: Thể theo ý kiến chung của anh em, và có sự đồng thuận của cha Đặc trách​:​
  - ​dựa theo Mục VI, điều 13 của Nội qui hội, từ đây Danh xưng chính thức của Hội sẽ là: Hội Huynh Đệ Cựu Giu se - Ngôi Lời (CGNL).

dựa theo khoản 3, ​điều 2, chương II được thêm Khtứ thân phụ mẫu của một hội viên qua đời Cha Đặc Trách sẽ dâng 1 thánh lễ theo ý lễ của BTV thông báo.

​XIN VÀO LẠI LINK DƯỚI ĐÂY ĐỂ XEM LẠI:​
    
​5​/. Về Chương Trình Bổng Lễ: Việc xin lễ để đóng góp vào quỹ CTBL là một việc làm tình nghĩa đối với các Ân sư và các Cha, Thầy hưu dưỡng, bệnh tật. Đây cũng là một việc làm nối kết tình huynh đệ thiêng liêng với nhau. Xin anh em tích cực tham gia đóng góp, mỗi người ít nhất mỗi năm một lễ. Thánh lễ không có mệnh giá. Mệnh giá của thánh lễ là vô giá. Anh em xin bao nhiêu cũng được. Anh em có thấy niềm vui thể hiện trên nét mặt của các Ân sư, của Cha Thầy đau yếu hưu dưỡng khi mỗi lần anh em mang quà tới thăm không? Đó là một niềm an ủi và vui sướng nhất của các Ngài khi được anh em tưởng nhớ tới. Vậy thì anh em hãy thể hiện lòng biết ơn của mình đi!

        Ghi lại vài nét chính của 2 buổi thảo luận.
        Anh Hội trưởng: Giuse Nguyễn Công Sự

> THƯ CÁM ƠN:
Anh em nội ngoại thân mến
Tôi xin đại diện cho anh em, chân thành cám ơn những anh em đã hiệp ý cầu nguyện và những anh em sau đây đã đóng góp giúp đỡ cho ngày họp mặt Truyền thống 2014 được thành công tốt đẹp:
    1. A/C Đỗ Văn Bình (Mỹ)                     1.000.000đ
    2. A/C Phạm Cúc ( Đan Mạch)           3.000.000đ
    3. A/C Nguyễn Tấn Tính (Mỹ)            1.050.000đ
    4. A/C Hoàng Đức ( Pleiku)                1.000.000đ
    5. A/C Nguyễn Văn Long (Lâm Hà)  1.000.000đ
                                                                      7.050.000đ
 TM/BĐH
 Hội trưởng
 Nguyễn Công Sự
                                                         
***********************************************
GẶP GỠ

MỞ ĐẦU: GẶP GỠ TRONG ĐỜI

Không gì khó bằng gặp gỡ (Cao Bá Quát)
Và không gì đẹp bằng gặp gỡ (St. Exupéry)
                           Gặp gỡ “Đẹp” vì “Khó”.

        Gặp gỡ không dễ dàng! Đẻ gặp gỡ, con người cần phải chuẩn bị chăm chút nhiều điều: không gian đón tiếp, “miếng trầu mở đầu”, thời gian cho nhau, câu chuyện trao gởi, cử chỉ thái độ… nhất là mở long “lắng nghe”, cho đi và giữ lại “trong lòng”.
       Nhưng, không gì đẹp bằng gặp gỡ.  Có những “gặp gỡ” qua đi không để lại chút gì vương vấn. Có những gặp gỡ kết dệt nên liên hệ, tương giao, tình người, tình bạn, tình “đồng chí”… Có những gặp gỡ âm thầm đem lại những thay đổi kỳ lạ: đổi cách nghĩ, đổi thái độ, đổi hướng sống, đổi đời… Cái đẹp trong gặp gỡ thật phong phú và chìm khuất, không lệ thuộc vào “trang phục bên ngoài”, khó mà cân đo nắm bắt trong giây lát. Cái đẹp ấy thu hút, lan toả, nối kết tâm hồn… mặc cho bao “rào cản”.
        Trong bầu khí Ngày Truyền Thống Cựu Giuse – Ngôi Lời năm 2014, trong nổ lực “Phúc Âm Hoá Gia Đình” để tham gia tích cực vào công cuộc “Tân-Phúc-Âm-Hoá” của Hội thánh tại VN theo tinh thần Thư Chung của HĐGMVN 2013, tôi xin chia sẻ với quý Anh Chị vài suy nghĩ liên quan đến những “Gặp Gỡ” có ý nghĩa giúp soi sáng hành trình quý Anh Chị đang đi – đi với nhau, với gia đình, với Hội thánh, vì vẻ đẹp Phúc Âm.

I. GẶP GỠ NHAU TRONG NGÀY TRUYỀN THỐNG  CG - NL
        Cuộc gặp gỡ của Anh Chị trong ngày hôm nay cũng “Khó” vì “Đẹp”.
Thật không dễ dàng để gặp nhau tại “một nơi trong một ngày” từ bốn phương trời, từ bao công việc và hoàn cảnh khác nhau. Khó trong nhiều mặt: việc làm ăn, thời giờ, di chuyển, tiền bạc, tiện nghi, thời tiết khác thường! Còn cái khó hơn nhiều là “ngồi lại cùng nhau lắng nghe”, phải vượt qua những góc nhìn, quan điểm khác nhau hay trái ngược nhau; phải vượt lên những mệt mỏi, trì trệ hay trệch hướng; phải đi ra khỏi cái tôi cá nhân  để gặp nhau trong một tinh thần, một con tim “gợi hứng”, cùng nhìn về một hướng được phát động từ “Đại hội”.
        Tôi nghĩ, nét đẹp của Ngày hội thường niên không chỉ dừng lại ở một cuộc “Hội ngộ Huynh đệ” rộn rã niềm vui gặp mặt, kể cho nhau nghe những chuyện ngày qua, mà còn là cuộc “Trở về mái nhà xưa” ẩn chứa thứ tình cảm thiêng liêng mà sâu nặng, thể hiện sự trân trọng “một ký ức lịch sử” chưa qua đi theo năm tháng mà còn thôi thúc gọi thầm. Hơn thế, đây còn là  cuộc “Trở về với chính mình”, nghĩa là với tinh thần, ý nghĩa của Hội “Huynh đệ…”. “Hội ngộ” hàng năm còn là dịp cá nhân / tập thể tự hỏi về “chân dung tinh thần”, về động cơ và mục đích… để đồng cảm, đồng lòng, đồng hành trong tinh thần và định hướng của “Hội” – trong các quan tâm của Tỉnh Dòng và trong công cuộc Tân Phúc Âm Hoá (PÂH) của Hội Thánh (HT) hôm nay.
        Phải chăng Huynh đệ, Về nguồn và Truyền giáo  là 3 nét tinh thần đã làm nên vẻ đẹp truyền thống của “Ngày Hội” và của “Hội”. Nhờ đó, chúng ta tránh được nguy cơ trở thành một “Nhóm” quy về mình, khép kín trong tự hào, tự thoả mãn với tổ chức, thành tích… đánh mất sức sống và sức lan toả. Ước mong và cầu chúc Ngày Hội Truyền Thống thành công tốt đẹp (thay vì “tốc độ”) trong nổ lực trở về và đi ra khỏi mình để lắng nghe nhau, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Thật là chậm chạp, lắm khi thất bại vì phải vượt qua bao cái khó, rào cản vì cái Đẹp hôm nay. Thật không uổng công, phải không Anh Chị?!

II. GẶP GỠ CHÚA TRONG ĐỜI KITÔ HỮU
        Cuộc gặp gỡ Chúa có tầm quan trọng đặc biệt, có sức biến đổi con người trở thành Người môn đệ trung thành và Nhà thừa sai nhiệt thành của Tình yêu.

1/. Tâm điểm của Phúc Âm Hoá (PÂH)
        Mục tiêu của PÂH là “dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Ki tô (ĐGK)… nhờ đó gặp gỡ TC Cha… và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.” Trước tiên, chính bản thân phải được PÂH, làm mới lại Đức tin để chiếu toả sức hấp dẫn của PÂ cho người chung quanh ( Thư chung HĐGMVN, số 3). Như thế,  tâm điểm của PÂH là gặp gỡ chính ĐGK để PÂ của Ngài biến đổi thành con người “được PÂH”. “Được PÂH” để có thể “PÂH” người khác (nơi gia đình, giáo xứ, xã hội…)
        ĐGK và PÂ không bao giờ biến đổi: “ĐGK vẫn là một… đến muôn đời” (Dt 13,8). Nhưng, thế giới và con người sống trong thế giới luôn thay đổi. Tân PÂH là một cách mới mẻ  để thi hanh sứ mạng rao giảng PÂ hay PÂH trong thời đại mới, nhấn mạnh trước hết vào đổi mới chính “chủ thể” của cuộc PÂH (các phần tử HT) bằng cách làm mới lại tương quan bản thân chúng ta với ĐGK để mối tương quan ấy tác động và hướng dẫn đời sống cũng như sứ vụ của Ki tô hữu, của HT.

2/.Tâm điểm của Phúc Âm, của Ki tô hữu
        ĐTC Bênêdictô XVI không ngừng nhấn mạnh: “Sự kiện làm Kitô hữu không phải là kết quă của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ một biến cốmột con người. Cuộc gặp gỡ này đem đến cho cuộc đời một chân trời mới, một hướng đi quyết định”. (Thông điệp “TC là Tình yêu”, số 1).
       Như vậy, đặc tính chủ yếu của đời Kitô hữu là cuộc gặp gỡ với ĐGK, Đấng đang kêu gọi bước theo Ngài và đòi hỏi nội tại của Đức tin Kitô giáo là đào sâu mối tương giao với ĐGK, TC - ở cùng - chúng ta…”Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”. (Dt 12, 2).
        Trong nỗ lực cổ võ và hướng dẫn toàn thể HT đi vào giai đoạn mới của Truyền giáo (= Tân PÂH) để “truyền thông Đức tin Kitô giáo”, ĐTC Phanxicô đã tha thiết kêu mời mọi Kitô hữu “đi vào cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với ĐGK” ngay lúc này và mỗi ngày. (Tông huấn Niềm vui PÂ, số 13). Bởi vì “chỉ nhờ sự gặp gỡ đổi mới với Tình yêu của TC… ta được giải phóng khỏi sự chật hẹp và khép kín của mình… được vượt qua chính mính mình… tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nổ lực PÂH” (NVPÂ), số 9).
3. Gặp gỡ Chúa không dễ dàng!
        Có nhiều lý do thử thách chúng ta trong việc tìm gặp Chúa và tin vào Chúa.
    a/. Khoảng cách lớn lao giữa “Vô hình” và “Hữu hình”.
        Thiên Chúa là Đấng vô hình. Con người bị giới hạn.
Trong khả năng nhìn thấy và nắm bắt, khuynh hướng tự nhiên lôi kéo con người hướng về thế giới hữu hình khả giác, muốn nhìn thấy và nắm bắt Thiên Chúa như một “đối tượng”, không chịu nổi trước Mầu nhiệm vô hình, vô hạn. Khẳng định nền tảng của Kinh Thánh về TC như là Đấng vô hình nhằm bác bỏ các thứ thần linh hữu hình, vì TC mãi mãi ở ngoài giới hạn quan năng của con người.
        Dân Chúa xưa nay thường xuyên bị cám dỗ chạy theo những chú bò vàng hay ngẫu tượng là sản phẩm do con người tạo ra. Ngẫu tượng đáp ứng ước muốn  đa dạng của ta, có thể xác định nguồn gốc và gương mặt rõ rang. Thờ ngẫu tượng là một thứ đa than dẫn ta đi từ Chúa này đến Chúa khác, đi vào nhiều lối ngõ thay vì đưa đến một con đường hay một mục đích vững chắc. Con người bị đánh mất sự thống nhất trong cuộc sống và định hướng căn bẳn cho cuộc đời trước tiếng kêu gào của nhiều ngẫu tượng là những gì xuất phát từ con người và được “thần thánh hoá”. (xem Ánh Sáng Đức tin, số 13)
        Hôm nay, cơn cám dỗ xa rời hay chối bỏ TC trở nên rất mạnh. Nền văn minh khoa học kỹ thuật cùng với nếp sống hưởng thụ vật chất đã được đưa tới khẳng định mọi chuyện có thể do con người làm ra, TC chẳng cần, hay thừa thãi; và những gì không thể làm ra hay kiểm nghiệm thì cũng chẳng có, không phải là sự thật?! Thách đố của Đức tin hôm nay là vượt lên thế giới hữu hình và hữu hạn của quan năng để quay về thực tại vô hình như là điều chân thật nhất, nền tảng và ý nghĩa của thế giới hữu hình.
    b/. TC là Đấng hoàn toàn khác và ẩn giấu
        Chưa bao giờ có ai thấy TC, nhưng Con Một là TC đã tỏ cho chúng ta biết (Ga, 1,18). Nếu TC vô hình không tự ý tỏ mình ra, thì con người không thể biết và tìm gặp TC. Để thu ngắn khoảng cách nghìn trùng giữa TC “vô hình” với con người “hữu hình”, TC đã đi vào lịch sử con người, tỏ mình “nhiều lần nhiều cách”, qua nhiều người, nhất là trong ĐGK, Con TC làm người. Hình ảnh của TC vô hình. Trong ĐGK, TC đến gặp con người và dẫn con người đến gặp TC. Trong ĐGK, con người có thể “nhìn thấy” và “chạm đến” TC.
        Nhưng, TC là Đấng vô hình vô hạn nên cũng là Đấng hoàn toàn khác và ẩn giấu. TC tỏ mình hoàn toàn khác lạ qua khuôn mặt khiêm hạ khó nghèo của ĐGK nơi Bêlem, Nazaret, Thánh giá, Thánh thể… “TC đã đến quá gần đến nỗi chúng ta có thể giết chết được Người.” (DTC Bênêdi tô 16). Thập giá quả là một viên đá vấp phạm đối với loài người. Thật không thể chấp nhận! Các môn đệ đầu tiên  phải vượt qua sợ hãi, nghi nan để dần nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục sinh được tỏ hiện qua nhiều cách thức. Con người ngày nay thấy khó chấp nhận “các cấu trúc bên ngoài” của Hội thánh: định chế, bí tích…, như là dấu chỉ về sự hiện diện Cứu độ của Chúa giữa loài người.
        TC tỏ mình qua những gì thật nhỏ bé hầu như tầm thườngvô nghĩa. Mầu nhiệm TC được ẩn giấu nơi những thực tại xem ra trái ngịch với TC, không như ta mong đợi hay nghĩ tưởng để ta có thể chiêm ngắm và chạm tới điều thâm sâu và lớn lao nhất của Đấng vô hình - “Hoàn toàn khác”. Chúng ta cần mạc khải và ân sủng TC giúp vượt lên giới hạn của quan năng, lý lẽ của loài người để “không thấy mà tin”, để bày tỏ tâm tình, thái độ xứng hợp trước Thánh giá, Thánh thể… nơi TC tiếp tục tỏ mình trong lịch sử.
    c/. Các trung gian giữa TC và con người
Lịch sử Cứu độ cho thấy TC đã tạo ra nhiều loại trung gian để chuẩn bị, loan báo và dẫn tới ĐGK, sự hiện diện  và tình yêu cứu độ của TC cho con người. TC có thể trực tiếp cứu rỗi từng cá nhân riêng rẽ mà chẳng cần thứ trung gian nào, chẳng cần một lịch sử cứu độ, một Hội thánh… Nhưng TC muốn dùng những trung gian nhân loại giới hạn, bất toàn, yếu kém để bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài trong việc quy tụ toàn thể loài người.
J.J. Rousseau đã than thở mình không thể gặp gỡ được TC: “Biết bao người đứng giữa TC với con”. Điều này phản ảnh một quan niệm hạn hẹp của cá nhân về ý nghĩa của trung gian. Thật ra trung gian có vai trò khai mở và nối kết với TC và với cộng đoàn. Nhưng lịch sử Đức tin Dân Chúa cũng cho biết một “thực trạng”: giới hạn bất toàn va tội lỗi đã khiến cho nhiều lúc trung gian trở thành chướng ngại, ngăn cản thay vì khai lối, dẫn đường! J.J. Rousseau phần nào có lý để than thở vì bao trung gian trung gian bất toàn yếu kém ấy?! Đây có thể cũng là một lời cảnh tỉnh chúng ta trong công cuộc PÂH.
Hội thánh được kêu gọi trở thành như là trung gian dẫn tới ĐGK cho thế giới. Cùng với HT, mỗi người cũng là trung gian mở lối cho gia đình, cho xã hội hôm nay đến gặp gỡ ĐGK, sự hiện diện và là tình yêu cứu độ của TC ở giữa thế giới. Khuôn mặt của Đức Kitô phục sinh có thể bị che khuất bởi những định chế, tổ chức bên ngoài của cộng đoàn. Có thể có một lối sống, cách nghĩ và hành xử của cá nhân xa lạ với ĐGK và PÂ của Ngài! Nếu chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa, làm sao gia đình Kitô hữu trở nên dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của Tình yêu TC dành cho con người!
TC tỏ mình trọn vẹn nơi ĐGK làm người, chết và sống lại. Đó là Tin Mừng được loan báo và làm chứng. Nhưng không ai có thể đặt ĐGK và nước TC trước mặt trên bàn để quan sát và nắm bắt. Chúng ta cần Ánh sáng Đức tin từ Chúa Phục sinh cất đi sự mù loà của quan năng, sự kiêu căng của lý trí thời đại để “mắt mở ra và nhận ra Ngài”. Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với TC, Đấng bày tỏ tình yêu của Ngài với ĐGK. Không gặp được TC và đi vào tương giao tình yêu với Ngài, TC chỉ là một ý tưởng, một ảo tưởng?!

III. GẶP GỠ ĐGK TRONG KINH THÁNH (TM)
Trong Sứ điệp gởi Dân Chúa, Thượng HĐGMTG lần XIII (10/2012) đã kêu gọi làm mới lại kinh nghiệm gặp gỡ bản thân với ĐGK trong HT bằng cách chiêm ngắm và đi vào mầu nhiệm tình thương của TC đối với nhân loại. Đặc biệt, việc siêng năng đọc Kinh thánh không những cần thiết để biết nội dung PÂ (TM) , tức là CGK trong lịch sử cứu độ, mà còn giúp khám phá những không gian gặp gỡ Chúa trong gia đình, công việc, cảnh nghèo, thử thách…(Sứ điệp THĐGMTG lần XIII, số 3 & 4). Để rao giảng TM, trước tiên cộng đoàn Hội thánh cần lắng nghe Lời TC, Lời TM.
1. Đổi mới cách nghe / đọc TM (KT)
Khi suy nghĩ về việc “Đổi mới Truyền giáo” trong bối cảnh Tân PÂH, Lm. Piô Ngô Phúc Hậu đã lưu tâm đặc biệt đến việc “đổi mới cách đọc TM” làm sao để có thể  hiểu ý Chúa, cảm nghiệm tâm tình Chúa Giêsu và gặp gỡ được Chúa Giêsu. Chính bản thân Ngài cũng cảm thấy rất bối rối khi nghĩ đến “bấy nhiêu sự ấy” ( x. Đổi mới TG, Hiệp Thông số 73). Đây là một đề nghị cụ thể, rất cơ bản nhưng không đơn giản?!
2. Thật không đơn giản, dễ dàng!
Để gặp gỡ Chúa Giêsu và lắng nghe Lời TC, đòi hỏi phải chuẩn bị chăm chút nhiều điều: khung cảnh và thời gian thích hợp, thái độ tin tưởng va cởi mở…nhất là “ hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8,18). Có những “rào cản” có thể  làm giới hạn khả năng “nghe” và gây cản trở việc gặp gỡ Chúa Giêsu qua Kinh thánh.
Thói quen đọc/nghe TM cách hời hợt, vội vàng…không muốn dành thời gian và nổ lực cần thiết; chỉ muốn có điều gì như “mì ăn liền”, tìm kiếm cái “mới lạ”  hay rút ra những chỉ dẫn luân lý rời rạc. Những đoạn TM quá quen thuộc nghe nhàm tai, lại được công bố và dẫn giải bởi những “trung gian” quá quen, bất toàn, “kém cỏi”… Thật khó mà để tâm lắng nghe! Thay đổi một “thói quen” càng khó hơn!
Tiếng Chúa giống như tiếng con người:
           KT không phải là Lời trực tiếp từ TC, nhưng là Lời TC được diễn đạt trong và qua ngôn ngữ con người, nhờ con người. Ngôi Lời nhập thể nói với ta hôm nay qua thứ ngôn ngữ xa lạ thuộc về một bối cảnh văn hoá xã hội Do Thái cách đây hơn 2.000 năm. Nếu không có thông tin chỉ dẫn, ân cần học hỏi… ta sẽ gặp nhiều khó khăn để nhận ra sứ điệp TM qua những hình thức diễn tả hay khám phá sự hiện diện của Chúa qua các biến cố lịch sử xưa nay, đôi khi thật tăm tối, khó hiểu.
Tiếng nói bên ngoài và bên trong:
Chúng ta đang chìm ngập trong một thế giới mênh mông của tiếng nói đa dạng trên các phương tiện truyền thông, nơi các trang quảng cáo… giới thiệu sản phẩm, tiện nghi, những quan niệm, lối sống…thật hấp dẫn mới mẻ và hứa hẹn. Các tiếng nói này tác động và lôi kéo  ta đi về nhiều hướng khác nhau. Bên trong ta cũng đầy dẫy tiếng nói “đầy sức mạnh” được thúc đẩy bởi ham muốn, đam mê, toan tính, khát vọng…lôi kéo hướng về hưởng thụ cách ích kỷ hay về hướng ngược lại là hy sinh, quên mình. Làm gì để tiếng nói trong – ngoài ấy không lấn át  tiếng nói của TM? Làm sao “lặng và lắng” để “nghe” tiếng Chúa thường rất nhỏ nhẹ, rất đòi hỏi. Lắm khi Lời Chúa khó hiểu, chói tai, ngược đời, khó chấp nhận!
Một thứ “lắng nghe” nhất định
Có một thực tế là mỗi người có một thứ “lắng nghe” bị giới hạn hay bị ảnh hưởng bởi định kiến, quan điểm, lập trường, thái độ nghe…được định sẵn và khó thay đổi. Dân làng Nazaret có một thái độ nghe “nhất định” đối với Chúa Giêsu, nên họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy, lòng họ chai cứng, không tin và tìm cách loại bỏ Ngài. Mỗi người cũng có một thái độ nghe “nhất định” đối với TM. Chúng ta thường cố chấp, không muốn thay đổi định kiến, góc nhìn, nhận thức, cách sống do nghe TM đòi buộc. Lòng khiêm tốn và cởi mở sẽ đẩy các giới hạn ra xa và làm cho khả năng nghe được nới rộng, được bổ túc bởi cái nghe của người khác.
Mọt thứ “nặng tai” gây hại!
Ôrigiênê (- 254), nhà thần học lớn của Giáo hội thời cổ đã nói: “Có một thứ nặng tai gây hại cho tâm trí con người…Theo Kinh thánh, tội lỗi là thứ nặng tai đó…” Tội lỗi ẩn náu trong trái tim con người, bén rễ từ tự do, tự mãn, cái tôi “quá nặng”. Gốc rễ của tội lỗi là từ chối nghe lời Chúa, khép lòng với TC, khước từ cuộc đối thoại thiết lập tương giao hiệp thông, chối từ ơn tha thứ nơi Chúa Giêsu. Sự vâng lời triệt để của CG trên thập giá đã vạch trần bộ mặt tội lỗi ấy.
3. Kinh thánh là nguồn mạch của việc PÂH (Tông huấn Niềm vui PÂ số 174 & 175)
Công đồng Vatican II (62-65) đã đem lại một thay đổi kỳ diệu và sâu rộng khi làm cho Giáo hội “quay về với Lời Chúa”. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, Công đồng cổ võ việc Đọc và Học hỏi Kinh thánh.
ĐTC Phanxicô tái khẳng định công cuộc PÂH phải đặt nền tảngtrên sự lắng nghe, suy niệm, sống, làm chứng cho Lời Chúa. Giáo hội không thẻ rao giảng TM nếu chính mình không được nghe TM (= được PÂH)
Vì vậy, công cuộc PÂH đòi hỏi chúng ta cần liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe Lời Chúa, làm quen với LC, ân cần học hỏi KT, đọc KT trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đoàn.
“Chỉ người nào đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời thì mới có thể trở thành kẻ loan báo” (Đức Bênêditô XVI). Qua Tông huấn về LC (9/2010), Giáo hội cổ võ đặc biệt lối đọc KT trong đức tin và tư thế cầu nguyện có thể tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa  Giêsu Kitô, đào sâu mối liên hệ cá nhân với bản thân Chúa Giêsu, Đấng tỏ mình và ban mình cho ta qua Lời. (số 86 & 87).

ĐỂ KẾT 
Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samari (Ga,4-5,42)
Hãy để cho mình được soi sáng bởi một trang KT “rất đẹp”. Vẻ đẹp lôi cuốn của một gặp gỡ đổi mới, đổi mới theo Tin Mừng.
Người phụ nữ Samari đã gặp Chúa Giêsu bên một giếng nước với chiếc vò rỗng, giữa cái nắng khát ban trưa. Chúa Giês đã phá bỏ những ngăn cách vô hình do thù nghịch, thành kiến, khinh bỉ, loại trừ…để bắc một nhịp cầu qua vực sâu…Ngài mở lời bằng lời xin  thú nhận sự thiếu thốn và đi vào đối thoại chân thực và bình đẳng. Lời Ngài đã khai mở “cõi lòng”. Chị như “chiếc vò trống rỗng” vì thiếu vắng tình yêu, nhân phẩm, niềm vui vì thất vọng, khát vọng, chờ mong. Chúa Giêsu đã bước vào thế giới nội tâm, đọc được cơn khát thầm kín nơi lòng chị và ban cho chị thứ nước kỳ diệu làm thoả mãn cơn khát. Chị đã tìm thấy thứ nước đem lại sự sống mới, dồi dào nơi Chúa Giêsu và Lời của Ngài. Chị đã bỏ lại vò nước rỗng, hân hoan chạy đi loan báo Chúa Giêsu cho chính “đồng bào” mình. Mảnh đời chị tưởng chừng như “vứt đi”, nhưng chị đã gặp được Chúa Giêsu, được Tình yêu chữa lành và đổi mới, được tái sinh để trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng.
Hôm nay, mỗi người được mời gọi “dừng lại”, đến bên Chúa Giêsu với “chiếc vò rỗng”. “Rỗng” và “Thiếu” do giới hạn và yếu đuối, sai lầm và thất bại, thất trung và tổn thương, buồn rầu thất vọng…và vì “cơn khát” nơi lòng mình. “Cái thiếu” và “cơn khát” của con người làm ra hay sở hữu không thể lấp đầy hay thoả mãn! “Chiếc vò rỗng là tâm hồn khao khát, kiếm tìm, mở ra cho Chúa vì cần đến Chúa; tâm hồn có “khoảng trống” cho Lời Chúa đi vào và chạm tới. Khi tâm hồn ta như “chiếc vò đầy ắp” với bao thứ sỡ hữu, tri thức, khép kín trong thoả mãn, tự mãn, đâu còn chỗ cho Chúa, cho nhau và khó mà gặp gỡ Tình thương và Tha thứ, là những gì ta không thể làm ra mà chỉ có thể lãnh nhận từ ai khác.
Công cuộc PÂH, hay Tân PÂH có liên quan trước hết cho chính chúng ta. Chúng ta cần trở về gặp gỡ  với tình yêu và quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Đấng có thể đổi mới cuộc sống nghèo nàn, yếu đuối, mệt mỏi, trống rỗng…Chúng ta cần khiêm tốn nhận ra tội lỗi, cái nghèo tinh thần cá nhân để cầu xin và lãnh nhận ơn tha thứ và chữa lành. “TC không bao giờ biết mệt khi tha thứ và chữa lành. Chính chúng ta mới là kẻ mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người.” (NVPÂ, số 3). Chúng ta cũng cần cảnh giác với một thứ “trống rỗng” vì chỉ dừng lại ở “hình thức bên ngoài”, hay thứ “rỗng ruột” do “tinh thần thế tục” lọt vào, ẩn nấp đằng sau cái vẻ đạo đức…khiến cho tâm hồn không gặp được Chúa, Tình yêu, Ý nghĩa:cuộc sống thiếu vắng tinh thần TM, khép kín trong tiêu thụ, mệt mỏi, buồn rầu, bi quan, làm sao hấp dẫn được kẻ khác!?
Ngày nay, có nhiều “giếng nước” trước “cơn khát” của con người, của mỗi người. Làm sao phân định để tránh các thứ nước “ô nhiểm” gây thất vọng và dẫn con người đến với Chúa Giêsu – Mạch nước Hằng sống – để thân thưa: “Xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khác và khỏi phải đến đây lấy nước.”
Xin nhắc lại tư tưởng bất hủ của Simone Weil, nữ triết gia gốc Do Thái: “Không phải đường chúng ta đi đầy tràn khó khăn trắc trở! Chúng ta chọn lựa khó khăn làm con đường đi tới”. Thất bại là chuyện thường tình. Điều quan trọng là thất bại có làm cho chúng ta trở thành người “thức tỉnh” để bước tới trên con đường “Gặp gỡ”: lắng nghe và im lặng…
(Trên đây là bài chia sẻ của Lm. I-nha-ti-ô Hồ Kim Thanh, SVD, nhân ngày Truyền thống anh em Cựu Giuse Ngôi Lời 28/6/2014 tại Dòng Mẹ Nhatrang)


NHỚ NGUỒN
FACEBOOK


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét