GẶP GỠ
MỞ ĐẦU: GẶP GỠ TRONG ĐỜI
Không gì khó bằng gặp gỡ (Cao Bá Quát)Và không gì đẹp bằng gặp gỡ (St. Exupéry)
Gặp gỡ “Đẹp” vì “Khó”.
Gặp gỡ không dễ dàng! Đẻ gặp gỡ, con người cần phải chuẩn bị chăm chút nhiều điều: không gian đón tiếp, “miếng trầu mở đầu”, thời gian cho nhau, câu chuyện trao gởi, cử chỉ thái độ… nhất là mở long “lắng nghe”, cho đi và giữ lại “trong lòng”.
Nhưng, không gì đẹp bằng gặp gỡ. Có những “gặp gỡ” qua đi không để lại chút gì vương vấn. Có những gặp gỡ kết dệt nên liên hệ, tương giao, tình người, tình bạn, tình “đồng chí”… Có những gặp gỡ âm thầm đem lại những thay đổi kỳ lạ: đổi cách nghĩ, đổi thái độ, đổi hướng sống, đổi đời… Cái đẹp trong gặp gỡ thật phong phú và chìm khuất, không lệ thuộc vào “trang phục bên ngoài”, khó mà cân đo nắm bắt trong giây lát. Cái đẹp ấy thu hút, lan toả, nối kết tâm hồn… mặc cho bao “rào cản”.
Trong bầu khí Ngày Truyền Thống Cựu Giuse – Ngôi Lời năm 2014, trong nổ lực “Phúc Âm Hoá Gia Đình” để tham gia tích cực vào công cuộc “Tân-Phúc-Âm-Hoá” của Hội thánh tại VN theo tinh thần Thư Chung của HĐGMVN 2013, tôi xin chia sẻ với quý Anh Chị vài suy nghĩ liên quan đến những “Gặp Gỡ” có ý nghĩa giúp soi sáng hành trình quý Anh Chị đang đi – đi với nhau, với gia đình, với Hội thánh, vì vẻ đẹp Phúc Âm.
I. GẶP GỠ NHAU TRONG NGÀY TRUYỀN THỐNG CG - NL
Cuộc gặp gỡ của Anh Chị trong ngày hôm nay cũng “Khó” vì “Đẹp”.
Thật không dễ dàng để gặp nhau tại “một nơi trong một ngày” từ bốn phương trời, từ bao công việc và hoàn cảnh khác nhau. Khó trong nhiều mặt: việc làm ăn, thời giờ, di chuyển, tiền bạc, tiện nghi, thời tiết khác thường! Còn cái khó hơn nhiều là “ngồi lại cùng nhau lắng nghe”, phải vượt qua những góc nhìn, quan điểm khác nhau hay trái ngược nhau; phải vượt lên những mệt mỏi, trì trệ hay trệch hướng; phải đi ra khỏi cái tôi cá nhân để gặp nhau trong một tinh thần, một con tim “gợi hứng”, cùng nhìn về một hướng được phát động từ “Đại hội”.
Tôi nghĩ, nét đẹp của Ngày hội thường niên không chỉ dừng lại ở một cuộc “Hội ngộ Huynh đệ” rộn rã niềm vui gặp mặt, kể cho nhau nghe những chuyện ngày qua, mà còn là cuộc “Trở về mái nhà xưa” ẩn chứa thứ tình cảm thiêng liêng mà sâu nặng, thể hiện sự trân trọng “một ký ức lịch sử” chưa qua đi theo năm tháng mà còn thôi thúc gọi thầm. Hơn thế, đây còn là cuộc “Trở về với chính mình”, nghĩa là với tinh thần, ý nghĩa của Hội “Huynh đệ…”. “Hội ngộ” hàng năm còn là dịp cá nhân / tập thể tự hỏi về “chân dung tinh thần”, về động cơ và mục đích… để đồng cảm, đồng lòng, đồng hành trong tinh thần và định hướng của “Hội” – trong các quan tâm của Tỉnh Dòng và trong công cuộc Tân Phúc Âm Hoá (PÂH) của Hội Thánh (HT) hôm nay.
Phải chăng Huynh đệ, Về nguồn và Truyền giáo là 3 nét tinh thần đã làm nên vẻ đẹp truyền thống của “Ngày Hội” và của “Hội”. Nhờ đó, chúng ta tránh được nguy cơ trở thành một “Nhóm” quy về mình, khép kín trong tự hào, tự thoả mãn với tổ chức, thành tích… đánh mất sức sống và sức lan toả. Ước mong và cầu chúc Ngày Hội Truyền Thống thành công tốt đẹp (thay vì “tốc độ”) trong nổ lực trở về và đi ra khỏi mình để lắng nghe nhau, lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Thật là chậm chạp, lắm khi thất bại vì phải vượt qua bao cái khó, rào cản vì cái Đẹp hôm nay. Thật không uổng công, phải không Anh Chị?!
II. GẶP GỠ CHÚA TRONG ĐỜI KITÔ HỮU
Cuộc gặp gỡ Chúa có tầm quan trọng đặc biệt, có sức biến đổi con người trở thành Người môn đệ trung thành và Nhà thừa sai nhiệt thành của Tình yêu.
1/. Tâm điểm của Phúc Âm Hoá (PÂH)
Mục tiêu của PÂH là “dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Ki tô (ĐGK)… nhờ đó gặp gỡ TC Cha… và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.” Trước tiên, chính bản thân phải được PÂH, làm mới lại Đức tin để chiếu toả sức hấp dẫn của PÂ cho người chung quanh ( Thư chung HĐGMVN, số 3). Như thế, tâm điểm của PÂH là gặp gỡ chính ĐGK để PÂ của Ngài biến đổi thành con người “được PÂH”. “Được PÂH” để có thể “PÂH” người khác (nơi gia đình, giáo xứ, xã hội…)
ĐGK và PÂ không bao giờ biến đổi: “ĐGK vẫn là một… đến muôn đời” (Dt 13,8). Nhưng, thế giới và con người sống trong thế giới luôn thay đổi. Tân PÂH là một cách mới mẻ để thi hanh sứ mạng rao giảng PÂ hay PÂH trong thời đại mới, nhấn mạnh trước hết vào đổi mới chính “chủ thể” của cuộc PÂH (các phần tử HT) bằng cách làm mới lại tương quan bản thân chúng ta với ĐGK để mối tương quan ấy tác động và hướng dẫn đời sống cũng như sứ vụ của Ki tô hữu, của HT.
2/.Tâm điểm của Phúc Âm, của Ki tô hữu
ĐTC Bênêdictô XVI không ngừng nhấn mạnh: “Sự kiện làm Kitô hữu không phải là kết quă của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ một biến cố, một con người. Cuộc gặp gỡ này đem đến cho cuộc đời một chân trời mới, một hướng đi quyết định”. (Thông điệp “TC là Tình yêu”, số 1).
Như vậy, đặc tính chủ yếu của đời Kitô hữu là cuộc gặp gỡ với ĐGK, Đấng đang kêu gọi bước theo Ngài và đòi hỏi nội tại của Đức tin Kitô giáo là đào sâu mối tương giao với ĐGK, TC - ở cùng - chúng ta…”Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”. (Dt 12, 2).
Trong nỗ lực cổ võ và hướng dẫn toàn thể HT đi vào giai đoạn mới của Truyền giáo (= Tân PÂH) để “truyền thông Đức tin Kitô giáo”, ĐTC Phanxicô đã tha thiết kêu mời mọi Kitô hữu “đi vào cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với ĐGK” ngay lúc này và mỗi ngày. (Tông huấn Niềm vui PÂ, số 13). Bởi vì “chỉ nhờ sự gặp gỡ đổi mới với Tình yêu của TC… ta được giải phóng khỏi sự chật hẹp và khép kín của mình… được vượt qua chính mính mình… tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nổ lực PÂH” (NVPÂ), số 9).
3. Gặp gỡ Chúa không dễ dàng!
Có nhiều lý do thử thách chúng ta trong việc tìm gặp Chúa và tin vào Chúa.
a/. Khoảng cách lớn lao giữa “Vô hình” và “Hữu hình”.
Thiên Chúa là Đấng vô hình. Con người bị giới hạn.
Trong khả năng nhìn thấy và nắm bắt, khuynh hướng tự nhiên lôi kéo con người hướng về thế giới hữu hình khả giác, muốn nhìn thấy và nắm bắt Thiên Chúa như một “đối tượng”, không chịu nổi trước Mầu nhiệm vô hình, vô hạn. Khẳng định nền tảng của Kinh Thánh về TC như là Đấng vô hình nhằm bác bỏ các thứ thần linh hữu hình, vì TC mãi mãi ở ngoài giới hạn quan năng của con người.
Dân Chúa xưa nay thường xuyên bị cám dỗ chạy theo những chú bò vàng hay ngẫu tượng là sản phẩm do con người tạo ra. Ngẫu tượng đáp ứng ước muốn đa dạng của ta, có thể xác định nguồn gốc và gương mặt rõ rang. Thờ ngẫu tượng là một thứ đa than dẫn ta đi từ Chúa này đến Chúa khác, đi vào nhiều lối ngõ thay vì đưa đến một con đường hay một mục đích vững chắc. Con người bị đánh mất sự thống nhất trong cuộc sống và định hướng căn bẳn cho cuộc đời trước tiếng kêu gào của nhiều ngẫu tượng là những gì xuất phát từ con người và được “thần thánh hoá”. (xem Ánh Sáng Đức tin, số 13)
Hôm nay, cơn cám dỗ xa rời hay chối bỏ TC trở nên rất mạnh. Nền văn minh khoa học kỹ thuật cùng với nếp sống hưởng thụ vật chất đã được đưa tới khẳng định mọi chuyện có thể do con người làm ra, TC chẳng cần, hay thừa thãi; và những gì không thể làm ra hay kiểm nghiệm thì cũng chẳng có, không phải là sự thật?! Thách đố của Đức tin hôm nay là vượt lên thế giới hữu hình và hữu hạn của quan năng để quay về thực tại vô hình như là điều chân thật nhất, nền tảng và ý nghĩa của thế giới hữu hình.
b/. TC là Đấng hoàn toàn khác và ẩn giấu
Chưa bao giờ có ai thấy TC, nhưng Con Một là TC đã tỏ cho chúng ta biết (Ga, 1,18). Nếu TC vô hình không tự ý tỏ mình ra, thì con người không thể biết và tìm gặp TC. Để thu ngắn khoảng cách nghìn trùng giữa TC “vô hình” với con người “hữu hình”, TC đã đi vào lịch sử con người, tỏ mình “nhiều lần nhiều cách”, qua nhiều người, nhất là trong ĐGK, Con TC làm người. Hình ảnh của TC vô hình. Trong ĐGK, TC đến gặp con người và dẫn con người đến gặp TC. Trong ĐGK, con người có thể “nhìn thấy” và “chạm đến” TC.
Nhưng, TC là Đấng vô hình vô hạn nên cũng là Đấng hoàn toàn khác và ẩn giấu. TC tỏ mình hoàn toàn khác lạ qua khuôn mặt khiêm hạ khó nghèo của ĐGK nơi Bêlem, Nazaret, Thánh giá, Thánh thể… “TC đã đến quá gần đến nỗi chúng ta có thể giết chết được Người.” (DTC Bênêdi tô 16). Thập giá quả là một viên đá vấp phạm đối với loài người. Thật không thể chấp nhận! Các môn đệ đầu tiên phải vượt qua sợ hãi, nghi nan để dần nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục sinh được tỏ hiện qua nhiều cách thức. Con người ngày nay thấy khó chấp nhận “các cấu trúc bên ngoài” của Hội thánh: định chế, bí tích…, như là dấu chỉ về sự hiện diện Cứu độ của Chúa giữa loài người.
TC tỏ mình qua những gì thật nhỏ bé hầu như tầm thường, vô nghĩa. Mầu nhiệm TC được ẩn giấu nơi những thực tại xem ra trái ngịch với TC, không như ta mong đợi hay nghĩ tưởng để ta có thể chiêm ngắm và chạm tới điều thâm sâu và lớn lao nhất của Đấng vô hình - “Hoàn toàn khác”. Chúng ta cần mạc khải và ân sủng TC giúp vượt lên giới hạn của quan năng, lý lẽ của loài người để “không thấy mà tin”, để bày tỏ tâm tình, thái độ xứng hợp trước Thánh giá, Thánh thể… nơi TC tiếp tục tỏ mình trong lịch sử.
c/. Các trung gian giữa TC và con người
Lịch sử Cứu độ cho thấy TC đã tạo ra nhiều loại trung gian để chuẩn bị, loan báo và dẫn tới ĐGK, sự hiện diện và tình yêu cứu độ của TC cho con người. TC có thể trực tiếp cứu rỗi từng cá nhân riêng rẽ mà chẳng cần thứ trung gian nào, chẳng cần một lịch sử cứu độ, một Hội thánh… Nhưng TC muốn dùng những trung gian nhân loại giới hạn, bất toàn, yếu kém để bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng của Ngài trong việc quy tụ toàn thể loài người.
J.J. Rousseau đã than thở mình không thể gặp gỡ được TC: “Biết bao người đứng giữa TC với con”. Điều này phản ảnh một quan niệm hạn hẹp của cá nhân về ý nghĩa của trung gian. Thật ra trung gian có vai trò khai mở và nối kết với TC và với cộng đoàn. Nhưng lịch sử Đức tin Dân Chúa cũng cho biết một “thực trạng”: giới hạn bất toàn va tội lỗi đã khiến cho nhiều lúc trung gian trở thành chướng ngại, ngăn cản thay vì khai lối, dẫn đường! J.J. Rousseau phần nào có lý để than thở vì bao trung gian trung gian bất toàn yếu kém ấy?! Đây có thể cũng là một lời cảnh tỉnh chúng ta trong công cuộc PÂH.
Hội thánh được kêu gọi trở thành như là trung gian dẫn tới ĐGK cho thế giới. Cùng với HT, mỗi người cũng là trung gian mở lối cho gia đình, cho xã hội hôm nay đến gặp gỡ ĐGK, sự hiện diện và là tình yêu cứu độ của TC ở giữa thế giới. Khuôn mặt của Đức Kitô phục sinh có thể bị che khuất bởi những định chế, tổ chức bên ngoài của cộng đoàn. Có thể có một lối sống, cách nghĩ và hành xử của cá nhân xa lạ với ĐGK và PÂ của Ngài! Nếu chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa, làm sao gia đình Kitô hữu trở nên dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của Tình yêu TC dành cho con người!
TC tỏ mình trọn vẹn nơi ĐGK làm người, chết và sống lại. Đó là Tin Mừng được loan báo và làm chứng. Nhưng không ai có thể đặt ĐGK và nước TC trước mặt trên bàn để quan sát và nắm bắt. Chúng ta cần Ánh sáng Đức tin từ Chúa Phục sinh cất đi sự mù loà của quan năng, sự kiêu căng của lý trí thời đại để “mắt mở ra và nhận ra Ngài”. Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với TC, Đấng bày tỏ tình yêu của Ngài với ĐGK. Không gặp được TC và đi vào tương giao tình yêu với Ngài, TC chỉ là một ý tưởng, một ảo tưởng?!
III. GẶP GỠ ĐGK TRONG KINH THÁNH (TM)
Trong Sứ điệp gởi Dân Chúa, Thượng HĐGMTG lần XIII (10/2012) đã kêu gọi làm mới lại kinh nghiệm gặp gỡ bản thân với ĐGK trong HT bằng cách chiêm ngắm và đi vào mầu nhiệm tình thương của TC đối với nhân loại. Đặc biệt, việc siêng năng đọc Kinh thánh không những cần thiết để biết nội dung PÂ (TM) , tức là CGK trong lịch sử cứu độ, mà còn giúp khám phá những không gian gặp gỡ Chúa trong gia đình, công việc, cảnh nghèo, thử thách…(Sứ điệp THĐGMTG lần XIII, số 3 & 4). Để rao giảng TM, trước tiên cộng đoàn Hội thánh cần lắng nghe Lời TC, Lời TM.
1. Đổi mới cách nghe / đọc TM (KT)
Khi suy nghĩ về việc “Đổi mới Truyền giáo” trong bối cảnh Tân PÂH, Lm. Piô Ngô Phúc Hậu đã lưu tâm đặc biệt đến việc “đổi mới cách đọc TM” làm sao để có thể hiểu ý Chúa, cảm nghiệm tâm tình Chúa Giêsu và gặp gỡ được Chúa Giêsu. Chính bản thân Ngài cũng cảm thấy rất bối rối khi nghĩ đến “bấy nhiêu sự ấy” ( x. Đổi mới TG, Hiệp Thông số 73). Đây là một đề nghị cụ thể, rất cơ bản nhưng không đơn giản?!
2. Thật không đơn giản, dễ dàng!
Để gặp gỡ Chúa Giêsu và lắng nghe Lời TC, đòi hỏi phải chuẩn bị chăm chút nhiều điều: khung cảnh và thời gian thích hợp, thái độ tin tưởng va cởi mở…nhất là “ hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8,18). Có những “rào cản” có thể làm giới hạn khả năng “nghe” và gây cản trở việc gặp gỡ Chúa Giêsu qua Kinh thánh.
+ Thói quen đọc/nghe TM cách hời hợt, vội vàng…không muốn dành thời gian và nổ lực cần thiết; chỉ muốn có điều gì như “mì ăn liền”, tìm kiếm cái “mới lạ” hay rút ra những chỉ dẫn luân lý rời rạc. Những đoạn TM quá quen thuộc nghe nhàm tai, lại được công bố và dẫn giải bởi những “trung gian” quá quen, bất toàn, “kém cỏi”… Thật khó mà để tâm lắng nghe! Thay đổi một “thói quen” càng khó hơn!
+ Tiếng Chúa giống như tiếng con người:
KT không phải là Lời trực tiếp từ TC, nhưng là Lời TC được diễn đạt trong và qua ngôn ngữ con người, nhờ con người. Ngôi Lời nhập thể nói với ta hôm nay qua thứ ngôn ngữ xa lạ thuộc về một bối cảnh văn hoá xã hội Do Thái cách đây hơn 2.000 năm. Nếu không có thông tin chỉ dẫn, ân cần học hỏi… ta sẽ gặp nhiều khó khăn để nhận ra sứ điệp TM qua những hình thức diễn tả hay khám phá sự hiện diện của Chúa qua các biến cố lịch sử xưa nay, đôi khi thật tăm tối, khó hiểu.
+ Tiếng nói bên ngoài và bên trong:
Chúng ta đang chìm ngập trog một thế giới mênh mông của tiếng nói đa dạng trên các phương tiện truyền thông, nơi các trang quảng cáo… giới thiệu sản phẩm, tiện nghi, những quan niệm, lối sống…thật hấp dẫn mới mẻ và hứa hẹn. Các tiếng nói này tác động và lôi kéo ta đi về nhiều hướng khác nhau. Bên trong ta cũng đầy dẫy tiếng nói “đầy sức mạnh” được thúc đẩy bởi ham muốn, đam mê, toan tính, khát vọng…lôi kéo hướng về hưởng thụ cách ích kỷ hay về hướng ngược lại là hy sinh, quên mình. Làm gì để tiếng nói trong – ngoài ấy không lấn át tiếng nói của TM? Làm sao “lặng và lắng” để “nghe” tiếng Chúa thường rất nhỏ nhẹ, rất đòi hỏi. Lắm khi Lời Chúa khó hiểu, chói tai, ngược đời, khó chấp nhận!
+ Một thứ “lắng nghe” nhất định
Có một thực tế là mỗi người có một thứ “lắng nghe” bị giới hạn hay bị ảnh hưởng bởi định kiến, quan điểm, lập trường, thái độ nghe…được định sẵn và khó thay đổi. Dân làng Nazaret có một thái độ nghe “nhất định” đối với Chúa Giêsu, nên họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy, lòng họ chai cứng, không tin và tìm cách loại bỏ Ngài. Mỗi người cũng có một thái độ nghe “nhất định” đối với TM. Chúng ta thường cố chấp, không muốn thay đổi định kiến, góc nhìn, nhận thức, cách sống do nghe TM đòi buộc. Lòng khiêm tốn và cởi mở sẽ đẩy các giới hạn ra xa và làm cho khả năng nghe được nới rộng, được bổ túc bởi cái nghe của người khác.
+ Mọt thứ “nặng tai” gây hại!
Ôrigiênê (- 254), nhà thần học lớn của Giáo hội thời cổ đã nói: “Có một thứ nặng tai gây hại cho tâm trí con người…Theo Kinh thánh, tội lỗi là thứ nặng tai đó…” Tội lỗi ẩn náu trong trái tim con người, bén rễ từ tự do, tự mãn, cái tôi “quá nặng”. Gốc rễ của tội lỗi là từ chối nghe lời Chúa, khép lòng với TC, khước từ cuộc đối thoại thiết lập tương giao hiệp thông, chối từ ơn tha thứ nơi Chúa Giêsu. Sự vâng lời triệt để của CG trên thập giá đã vạch trần bộ mặt tội lỗi ấy.
3. Kinh thánh là nguồn mạch của việc PÂH (Tông huấn Niềm vui PÂ số 174 & 175)
Công đồng Vatican II (62-65) đã đem lại một thay đổi kỳ diệu và sâu rộng khi làm cho Giáo hội “quay về với Lời Chúa”. Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, Công đồng cổ võ việc Đọc và Học hỏi Kinh thánh.
ĐTC Phanxicô tái khẳng định công cuộc PÂH phải đặt nền tảngtrên sự lắng nghe, suy niệm, sống, làm chứng cho Lời Chúa. Giáo hội không thẻ rao giảng TM nếu chính mình không được nghe TM (= được PÂH)
Vì vậy, công cuộc PÂH đòi hỏi chúng ta cần liên tục được đào luyện trong việc lắng nghe Lời Chúa, làm quen với LC, ân cần học hỏi KT, đọc KT trong cầu nguyện của cá nhân và cộng đoàn.
“Chỉ người nào đặt mình trong tư thế lắng nghe Lời thì mới có thể trở thành kẻ loan báo” (Đức Bênêditô XVI). Qua Tông huấn về LC (9/2010), Giáo hội cổ võ đặc biệt lối đọc KT trong đức tin và tư thế cầu nguyện có thể tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, đào sâu mối liên hệ cá nhân với bản thân Chúa Giêsu, Đấng tỏ mình và ban mình cho ta qua Lời. (số 86 & 87).
ĐỂ KẾT
Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samari (Ga,4-5,42)
Hãy để cho mình được soi sáng bởi một trang KT “rất đẹp”. Vẻ đẹp lôi cuốn của một gặp gỡ đổi mới, đổi mới theo Tin Mừng.
Người phụ nữ Samari đã gặp Chúa Giêsu bên một giếng nước với chiếc vò rỗng, giữa cái nắng khát ban trưa. Chúa Giês đã phá bỏ những ngăn cách vô hình do thù nghịch, thành kiến, khinh bỉ, loại trừ…để bắc một nhịp cầu qua vực sâu…Ngài mở lời bằng lời xin thú nhận sự thiếu thốn và đi vào đối thoại chân thực và bình đẳng. Lời Ngài đã khai mở “cõi lòng”. Chị như “chiếc vò trống rỗng” vì thiếu vắng tình yêu, nhân phẩm, niềm vui vì thất vọng, khát vọng, chờ mong. Chúa Giêsu đã bước vào thế giới nội tâm, đọc được cơn khát thầm kín nơi lòng chị và ban cho chị thứ nước kỳ diệu làm thoả mãn cơn khát. Chị đã tìm thấy thứ nước đem lại sự sống mới, dồi dào nơi Chúa Giêsu và Lời của Ngài. Chị đã bỏ lại vò nước rỗng, hân hoan chạy đi loan báo Chúa Giêsu cho chính “đồng bào” mình. Mảnh đời chị tưởng chừng như “vứt đi”, nhưng chị đã gặp được Chúa Giêsu, được Tình yêu chữa lành và đổi mới, được tái sinh để trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng.
Hôm nay, mỗi người được mời gọi “dừng lại”, đến bên Chúa Giêsu với “chiếc vò rỗng”. “Rỗng” và “Thiếu” do giới hạn và yếu đuối, sai lầm và thất bại, thất trung và tổn thương, buồn rầu thất vọng…và vì “cơn khát” nơi lòng mình. “Cái thiếu” và “cơn khát” của con người làm ra hay sở hữu không thể lấp đầy hay thoả mãn! “Chiếc vò rỗng là tâm hồn khao khát, kiếm tìm, mở ra cho Chúa vì cần đến Chúa; tâm hồn có “khoảng trống” cho Lời Chúa đi vào và chạm tới. Khi tâm hồn ta như “chiếc vò đầy ắp” với bao thứ sỡ hữu, tri thức, khép kín trong thoả mãn, tự mãn, đâu còn chỗ cho Chúa, cho nhau và khó mà gặp gỡ Tình thương và Tha thứ, là những gì ta không thể làm ra mà chỉ có thể lãnh nhận từ ai khác.
Công cuộc PÂH, hay Tân PÂH có liên quan trước hết cho chính chúng ta. Chúng ta cần trở về gặp gỡ với tình yêu và quyền năng của Đức Giêsu Kitô, Đấng có thể đổi mới cuộc sống nghèo nàn, yếu đuối, mệt mỏi, trống rỗng…Chúng ta cần khiêm tốn nhận ra tội lỗi, cái nghèo tinh thần cá nhân để cầu xin và lãnh nhận ơn tha thứ và chữa lành. “TC không bao giờ biết mệt khi tha thứ và chữa lành. Chính chúng ta mới là kẻ mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người.” (NVPÂ, số 3). Chúng ta cũng cần cảnh giác với một thứ “trống rỗng” vì chỉ dừng lại ở “hình thức bên ngoài”, hay thứ “rỗng ruột” do “tinh thần thế tục” lọt vào, ẩn nấp đằng sau cái vẻ đạo đức…khiến cho tâm hồn không gặp được Chúa, Tình yêu, Ý nghĩa:cuộc sống thiếu vắng tinh thần TM, khép kín trong tiêu thụ, mệt mỏi, buồn rầu, bi quan, làm sao hấp dẫn được kẻ khác!?
Ngày nay, có nhiều “giếng nước” trước “cơn khát” của con người, của mỗi người. Làm sao phân định để tránh các thứ nước “ô nhiểm” gây thất vọng và dẫn con người đến với Chúa Giêsu – Mạch nước Hằng sống – để thân thưa: “Xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khác và khỏi phải đến đây lấy nước.”
Xin nhắc lại tư tưởng bất hủ của Simone Weil, nữ triết gia gốc Do Thái: “Không phải đường chúng ta đi đầy tràn khó khăn trắc trở! Chúng ta chọn lựa khó khăn làm con đường đi tới”. Thất bại là chuyện thường tình. Điều quan trọng là thất bại có làm cho chúng ta trở thành người “thức tỉnh” để bước tới trên con đường “Gặp gỡ”: lắng nghe và im lặng…
(Trên đây là bài chia sẻ của Lm. I-nha-ti-ô Hồ Kim Thanh, SVD, nhân ngày Truyền thống anh em Cựu Giuse Ngôi Lời 28/6/2014 tại Dòng Mẹ Nhatrang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét