CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

    Chia sẽ Mục vụ từ Paraguay:ĐÔI DÒNG CẢM NGHIỆM NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ_Lm Anton Trần Xuân Sang, SVD

    PARAGUAY – ĐÔI DÒNG CẢM NGHIỆM NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ

    Ngày ấy và bây giờ

         Những tưởng năm 2015 sẽ đem đến nhiều may mắn của Năm Ất Mùi, nào ngờ những tháng đầu năm xảy ra nhiều chuyện không may.
         Trận động đất kinh hoàng vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua đã để lại cảnh tượng tang thương cho quốc gia nghèo khổ Nepal khiến hơn 8 ngàn người thiệt mạng, hàng chục ngàn người bị thương hay mất tích và gần chục triệu người đang phải gánh chịu những hậu quả khôn lường của “hậu động đất” đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp của toàn thế giới.
          Tháng 4 năm 2015 cũng là ngày đánh dấu 40 năm về trước, người Việt trong nước cũng như Hải ngoại có những suy nghĩ trái ngược nhau về biến cố 30 tháng 4. Ông Cựu Thủ Tướng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Kiệt đã từng nói rằng ngày 30 tháng 4 là ngày có hàng tiệu người vui mừng nhưng cũng có hàng triệu người đau buồn. Người Cộng sản trong nước thì gọi ngày là ngày Giải Phóng hoàn toàn Việt Nam hay là ngày thống nhất đất nước, và được tố chức rầm rộ, tưng bừng cho sự kiện này. Trong khi đó thì người ở Hải ngoại gọi tháng 4 là “Tháng Tư Đen” và ngày 30 tháng 4 đối với họ là ngày Quốc Hận và họ cũng tố chức những cuộc biểu tình đánh dấu ngày mất nước.
         Là con của một người lính Cộng hòa được sinh ra tại Sài Gòn vào những năm khốc liệt nhất của cuộc chiến nên phần nào chúng tôi cũng hiểu chiến tranh là thế nào. Sau cái ngày gọi là “giải phóng” ấy thì “Bên Thắng Cuộc” đã đẩy toàn bộ gia đình chúng tôi từ Khu Gia Binh ở Quận 10, Sài Gòn  về vùng kinh tế mới vùng Tây Nguyên để lập nghiệp. Biết bao khó khăn, rình rập vì là gia đình của một người lính Cộng hòa.
         Thời bao cấp chắc ai cũng hiểu nếu từng sống ở Việt Nam vào thời kỳ đó. Là người nhỏ nhất trong gia đình nên chúng tôi được giao “cầm sổ gạo” đến “Cửa Hàng Mậu Dịch” để mua từng kí muối, xà-phòng cục hay từng lít xì dầu và nước mắm thúi theo nhân khẩu. Cũng may vào thời đó những chị phân phối trong cửa hàng mậu dịch trông thấy tôi bé tí, dễ thương nên thường cho thêm chút lương khô hay đậu phộng rang để lót bụng. 
         Vậy mà 40 năm đã trôi qua. Những tưởng thời gian sẽ xóa nhòa những thù hận, chia cắt của những người có dòng máu Việt. Ấy mà những hố ngăn cách ấy ngày càng sâu hơn.
         Bên được gọi là thắng cuộc cứ chụp mũ mỗi khi ai đó muốn góp ý, muốn xây dựng một xã hội văn minh hơn, công bằng hơn thì bị gán ghép cho là ‘thế địch thù địch’, ‘diễn tiến hòa bình’ hay thậm chí bị ghép tội là chống phá chính quyền nhân dân… Những tội này dễ đi tù như chơi. Còn phía bên kia, có một số người quá khích lại dẫm cờ, đốt cờ và cũng không ngừng thóa mạ “bên thắng cuộc” theo kiểu ‘được làm vua, thua làm giặc’. Thử hỏi làm sao có thể hòa giải được khi mà bên nào cũng giành phần thắng về mình, không ngừng công kích, bôi nhọ, kết án lẫn nhau! Thử hỏi đến bao giờ người Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến có thể có cùng tiếng nói chung, cùng xích lại gần nhau khi xóa bỏ những hận thù để xây dựng một quốc gia phồn thịnh, giàu đẹp như các quốc gia tiến bộ khác?
         Là một nhà truyền giáo và từng đi dự nhiều hội nghị quốc tế về tôn giáo nhưng chính bản thân chúng tôi cảm thấy đau xót khi phải tự dối lòng mình. Khi các hội nghị yêu cầu các tham dự viên dùng quốc kỳ để biết quốc gia mình tham dự, chúng tôi đành phải dùng quốc kỳ Paraguay vì nếu dùng cờ đỏ sao vàng (dù được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng là cờ của Đảng Cộng Sản Việt Nam) thì sẽ bị cộng đồng Hải Ngoại ném đá cho là linh mục quốc doanh. Còn nếu dùng cờ vàng ba sọc đỏ thì khi vừa về đến phi trường Việt Nam sẽ lập tức bị “mời đi uống cà-phê” không biết khi nào về. Làm sao không đau lòng được khi mình là người Việt lại phải dùng cờ quốc gia khác dù mình là nhà truyền giáo tại Paraguay lâu năm. Lỗi này là do ai gây ra! Có thể mọi người sẽ cho chúng tôi là hèn nhát vì không có chính kiến nhưng mỗi người hãy tự đặt vào hoàn cảnh này thì sẽ hiểu nỗi đau của chúng tôi. 
         Chúng tôi từng có dịp ghé thăm nhiều quốc gia trên thế giới và cũng biết được ở đó họ cũng từng xảy ra nội chiến hay được cai trị bởi những nhà độc tài nhưng mọi người ai nấy đều yêu mến quốc gia và sẵn sàng hòa giải với nhau để cùng nhau đưa đất nước đi lên. Theo chúng tôi cảm nghiệm là không có một chính quyền nào tốt 100% và cũng không có chế độ nào xấu 100%. Dù Cộng Hòa hay Dân Chủ, dù Tư Bản hay Cộng Sản thì chính quyền nào cũng có những tích cực và tiêu cực của nó như hai mặt của một đồng tiền. Điều quan trọng là phải thuận thiên và hợp lòng dân vì nếu không, không sớm thì chầy sẽ bị đào thải. Thiết nghĩ chuyện hòa giải hơi khó khăn về chuyện quốc kỳ, quốc ca, về đảng phái chính trị thì cùng nhau ngồi lại xem phương thế nào tốt nhất để có thể vượt qua những bế tắc mà 40 năm qua chúng ta đã có. Không thể có chuyện hòa giải nếu bên nào cũng tố cáo nhau, cũng giành phần thắng về mình thì đến bao giờ chúng ta mới có một đất nước thống nhất thật sự. Những người ở Hải ngoại sẽ thật sự là “khúc ruột ngàn dặm” nếu những người cầm quyền trong nước thật sự biết lắng nghe những ý kiến đóng góp chân tình của họ.
         Trong khi ngày 30 tháng 4 ở Việt Nam có hàng triệu người vui lẫn triệu người buồn thì bên Paraguay họ mừng ngày Nhà Giáo. Bên này họ không mấy kiểu cách như ở Việt Nam mình là phải mang quà biếu các thầy cô để lấy lòng, nhưng họ có một nghĩa cử tôn vinh các nhà giáo rất đặc biệt và chỉ riêng các giáo viên có được một ngày nghỉ ngơi. Chuyện chạy điểm hay lấy lòng giáo viên nếu bị báo chí phát giác thì bị tù ngay. Tưởng nghĩ một quốc gia nhỏ bé và khá lạc hậu so với Viêt Nam mình nhưng biết tôn trọng luật pháp và biết lấy dân làm gốc thì tại sao Việt Nam mình không thể làm được thật là chua xót.              

    Tri ân ngày Hiền Mẫu

         Tháng Năm, Thánh kính Đức Mẹ Maria, Người Mẹ của tất cả những người con và cả của những người Mẹ. Bởi thế, tháng này cũng là Tháng của Những Người Mẹ.
         Viết về Mẹ không có bút nào tả xiết về công ơn trời bể của Mẹ, và nếu hiểu được như thế thì những ai đang còn Mẹ, hãy biết trân trọng và yêu thương Mẹ mình. Đừng để đến ngày Mẹ nằm xuống rồi lo ma chay thật hoàng tráng và khóc lóc bù loa để thiên hạ nhìn thấy nhưng thật sự trong lòng chẳng có chút hiếu thảo nào. 
         Trong tuần vừa qua chúng tôi chúng tôi chứng kiến tận mắt giờ lâm chung của hai cụ bà ngoài 80 tuổi, một là người Việt Nam đã đến Paraguay cách đây 40 nhưng không có con cái và được gia đình người cháu cưu mang lúc tuổi già. Vì gia đình người cháu của cụ này do công việc làm ăn nên không thể chăm sóc cụ được nên có nhờ chúng tôi liên hệ với Nhà Dưỡng Lão và cụ đã ở đó từ tháng 12 năm 2014. Quả thực cả cụ và gia đình người cháu đều không muốn như thế nhưng vì hoàn cảnh nên đành chấp nhận. Hàng tuần chúng tôi thăm viếng bà để khích lệ tinh thần và trao Mình Thánh Chúa cho bà cụ nhưng bà không cảm thấy hạnh phúc khi phải sống ở một nơi xa lạ. Giờ của bà đã đến vào lúc rạng sáng thứ hai ngày 4 tháng 5 vừa qua bà đã lặng lẽ ra đi và chúng tôi là người đầu tiên được Nhà Dưỡng Lão thông báo tin cụ mất. Hiện diện bên cụ trong giây phút cuối đời không có người thân mà chỉ duy nhất chúng tôi là người đồng hương cảm thấy thật xót xa dù sau đó các cháu của cụ đến để đưa về nơi mà bà đã từng sống để mai táng cho bà.
         Người thứ hai là một người mẹ người Paraguay khá đạo đức và gia đình khá giả thuộc giáo xứ chúng tôi phụ trách. Bà vừa mới sinh nhật 80 tuổi và 60 thành hôn do chính chúng tôi cử hành cho vợ chồng bà. Bà có 5 người con đều trưởng thành trong đó có đến 3 bác sĩ và 4 đứa cháu nội, ngoại cũng làm bác sĩ ở các bệnh viện lớn ở Paraguay. Vậy mà bà đã ra đi trong vòng tay của những đứa con bác sỹ của mình dù không hề thiếu một phương thuốc nào. Đau nhất là chính người con bác sĩ của bà vừa rưng rưng nước mắt, vừa khai tử cho mẹ dù bà chỉ bị bệnh nhẹ. Đứng bên linh cửu của bà khi bà vừa hấp hối, vì chỉ hai ngày trước bà xin chúng tôi xức dầu và trao Mình Thánh Chúa mà nghĩ đến người Mẹ của mình lúc lâm chung không có mình bên cạnh tự nhiên nước mắt cứ trào ra. Thì ra mình vẫn còn nhớ đến Mẹ dù Mẹ đã đi xa gần 3 năm nay.
         Má ơi, ngày mai là Ngày Hiền Mẫu, ngày mà những người con tưởng nhớ đến mẹ mình nhưng không chỉ có ngày Chúa Nhật Tuần Thứ II của tháng Năm nhưng chúng ta phải biết nhớ đến Mẹ mình trong suốt cuộc đời vì chính họ đã cho chúng ta sự sống và hi sinh tất cả vì chúng ta. Xin chúc mừng tất cả những người mẹ đang còn sống hay đã qua đời. Xin tha thứ cho chúng con vì đôi lúc chúng con bất hiếu, đối xử tệ bạc với các mẹ. Xin Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành và ban ơn cho các mẹ để các mẹ luôn là thiên thần hộ mệnh của chúng con trong cuộc đời.
         Paraguay chuẩn bị tiếp đón Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong chuyến thăm mục vụ vào trung tuần tháng Bảy. Từ trẻ đến già ai nấy đều nô nức ghi danh để phục vụ cho chuyến viếng thăm của vị Đại Diện Chúa Ki-tô nơi trần gian. Ước mong ngày nào đó chính quyền Việt Nam chính thức ngỏ lời mời Đức Thánh Cha một lần đến quốc gia ngàn năm văn hiến này để Ngài thấy sức sống mãnh liệt của những Con Cháu các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam và để người dân Việt Nam một lần được hãnh diện sánh vai cùng thế giới để biết Việt Nam có được một sự tự do thật sự.

    Paraguay, 9 tháng 5 năm 2015
    Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD. 



    Không có nhận xét nào: