CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

    Hiểu Sống Đức Tin: Tại Sao Giáo Hội Tháo Lời Khấn Dòng Dễ Dàng Vậy?

    Tại sao các tu sĩ đã khấn hứa với Chúa suốt đời sẽ giữ ba lời khuyên Phúc âm, mà rồi Giáo Hội lại chuẩn những lời khấn nếu họ không giữ nổi. Còn giả như các đôi vợ chồng thế thốt sẽ trót đời yêu thương nhau mà lỡ không giữ được lời thề thì Giáo Hội lại không tha?
    Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
    Xét về lý thuyết, thì lời thề hôn nhân và lời thề tu trì không hoàn toàn như nhau. Hôn nhân là một bí tích, còn lời khấn dòng không phải là bí tích. Dây hôn nhân không tháo gỡ được bởi vì đã có lời cấm “sự gì Thiên Chúa đã liên kết thì con người không thể tách ly”. Vả lại, dây hôn phối có ảnh hưởng đến định chế gia đình, việc giáo dục con cái; nếu gia đình lỏng lẻo thì xã hội cũng chịu ảnh hưởng theo. Nhưng đó là lý luận trên lý thuyết, chứ trên thực tế đời hôn nhân và đời tu trì có rất nhiều điểm giống nhau. Cả đôi bên đều dựa trên sự tín trung của lời hứa. Khi đã cam kết với ai suốt đời thì phải cương quyết thi hành bằng bất cứ giá nào. Hơn thế nữa, nếu xét về phía người nhận lời thề hứa, thì phải nói rằng nếu mình đã hứa với Chúa thì chỉ có Chúa mới tha được, còn nếu mình hứa với người khác thì chỉ cần người này đồng ý xí xóa là đủ rồi.
    Thực ra, khi bàn đến tới việc tháo lời khấn hay tháo dây hôn phối, Giáo Hội không phải chỉ để ý tới những yêu sách thần học mà còn phải lưu ý tới các khía cạnh thực tiễn nữa. Thí dụ như trường hợp một tu sĩ cảm thấy rằng mình mất ơn kêu gọi. Trường hợp này cần được xét tới dưới nhiều góc cạnh, tư và công. Bởi đâu mà anh ta đã mất ơn gọi, và những hậu quả của việc mất ơn kêu gọi đối với phần rỗi đời đời là một chuyện tư giữa lương tâm của anh ta với Thiên Chúa. Nhưng mà giả như anh ta quấy rối trong cộng đoàn, bê bối trong lời khấn khiết tịnh, phung phá tiền bạc, gây ra gương mù gương xấu cho các tín hữu và người ngoại đạo... thì lại là một chuyện có ảnh hưởng tới công ích của Giáo Hội. Vì vậy mà cần phải tìm ra một biện pháp để giải quyết song luận: hoặc là cương quyết bắt buộc anh ta ở lại trong nhà dòng, và cộng đoàn cắn răng nghe thiên hạ chửi bới; hoặc là tháo lời khấn để cho anh ta ra đi cho đỡ gương mù.
    Phải chọn đường nào? Ta cũng có thể nói cách tương tự như vậy đối với các đôi hôn nhân: hoặc là phải duy trì hôn nhân bằng mọi giá, kể cả việc vợ chồng đập lộn chửi bới nhau trước mặt con cái? Hay là tìm cách để cho mỗi người đi một ngả để cho yên thân mình và hàng xóm cũng không bị quấy rầy? Đối với các đôi hôn nhân tan vỡ, thì tuy rằng Giáo Hội không chấp nhận cho ly dị, nhưng mà giáo luật đã có nhiều giải pháp điều trị từ việc xin ly thân, cho tới việc xin tuyên bố giá thú vô hiệu, hoặc xin miễn chuẩn hôn nhân bất hoàn hợp. Xét vì vấn đề hôn nhân quá rộng lớn và không thể đề cập ở đây, tôi chỉ xin giới hạn vào việc chuẩn lời khấn Dòng.
    Trở lại với câu hỏi lúc nãy: nếu tu sĩ đã khấn hứa với Chúa thì chỉ có Chúa mới tha được, chứ Giáo Hội lấy quyền gì mà tha?
    Khi nói tới lời khấn nói chung, Thánh Tôma Aquinô đã nghĩ rằng lời khấn với Chúa có thể chước được. Thánh Tôma lý luận như thế này: khi khấn với Chúa, con người nhằm tới một điều nào toàn thiện hơn. Tuy nhiên, có khi mà một điều lúc này là tốt nhưng mà vì thay đổi hoàn cảnh thì không còn tốt nữa; vì thế mà có thể xin chuẩn. Thí dụ việc ăn chay đền tội là việc tốt. Tuy nhiên, nếu vì ăn chay mà sức khỏe suy nhược đến nỗi không còn đủ sức để thi hành các bổn phận nữa thì việc ăn chay không còn là điều tốt. Vì thế, cần phải xin chuẩn việc ăn chay để nhằm đạt tới điều tốt hơn, tức là sức khoẻ để phục vụ. Nhưng đó là nói về lời khấn nói chung; đến khi sang tới lời khấn khiết tịnh trong các Dòng tu, thì Thánh Tôma tỏ ra ngặt nghèo. Ngài cho rằng lời khấn trọng-thể có hiệu lực như là việc cung hiến một nhà thờ hay một chén thánh vậy. Do lời khấn, tu sĩ đã được thánh hiến nghĩa là trở thành đồ thánh cho nên không thể nào biến ngược lại thành đồ phàm tục được nữa. Vì lý do đó, Thánh Tôma nói rằng kể cả Tòa Thánh cũng không thể chuẩn lời khấn trọng thể khiết tịnh.[1]
    Thế thì tại sao mà Giáo Hội vẫn cứ tháo lời khấn?
    Chị nên biết là Thánh Tôma viết những dòng vừa trích vào lúc mà giáo luật đã bắt đầu cho phép tháo lời khấn. Nói cách khác, Thánh Tôma đã không đồng ý với giáo luật, dù rằng tác giả của luật là chính Đức Giáo Hoàng Innôcentê III. Dù sao Tòa Thánh cũng nể ý kiến của Thánh Tôma, và vì thế các nhà giáo luật đã tìm cách để xoay ngược vấn đề. Thánh Tôma đã ví việc khấn dòng như sự cung hiến nhà thờ, nghĩa là biến thành đồ thánh. Các nhà giáo luật lại dùng một thứ so sánh khác. Đành rằng Giáo Hội không thể tuyên bố biến cải nhà thờ thành nơi phàm tục nhưng mà Giáo Hội có thể cho phép sử dụng nó vào những mục tiêu khác. Một cách tương tự như vậy, tuy rằng tu sĩ đã được thánh hiến cho Chúa rồi nhưng mà Giáo Hội có thể cho phép đình chỉ vài công hiệu của việc thánh hiến, kiểu như thay thế vào việc lành nào khác. Thực ra, tuy dù Tòa Thánh có quyền tháo lời khấn Dòng, nhưng cho tới mãi gần đây, ít khi mà đặc ân ấy được cấp ban. Nếu gặp trường hợp phần tử nào ương ngạnh hoặc không thể tiếp tục đời sống trong tu viện, thì Tòa Thánh cho phép sống ở ngoài nhà Dòng nhưng không được phép lập gia đình. Nói cách khác, trước đây Tòa Thánh chỉ chuẩn lời khấn vâng lời và khó nghèo chứ không chuẩn lời khấn khiết tịnh.
    Từ hồi nào việc tháo lời khấn trở nên dễ dàng hơn?
    Nói rằng việc tháo lời khấn trở nên dễ dàng hơn thì không đúng cho lắm. Vào thời Trung cổ, hầu hết các Dòng tu đều chỉ tuân giữ một loại lời khấn, tức là khấn trọng, liền sau khi mãn năm tập. Vào thời cận đại, người ta bắt đầu du nhập nhiều loại lời khấn Dòng: nào là khấn tạm thời và khấn trọn đời; nào là khấn đơn và khấn trọng; nào là Dòng giáo phận và Dòng Giáo Hoàng. Tất cả đều là lời khấn Dòng, nhưng mà có những cấp độ, đó là chưa kể sự kiện nhiều Tu Hội (chẳng hạn các Tu Đoàn Tông Đồ hay Tu Hội Đời) tuyên bố chỉ có lời khấn tư hay lời thề mà thôi. Dĩ nhiên, nếu ai chỉ mới khấn tạm thời, thì đương sự ráng kiên nhẫn chờ đợi tới khi nào hết hạn (cùng lắm là 3 năm) thì ra đi, chẳng có áy náy gì. Nếu bất đắc dĩ phải xin chuẩn thì tương đối cũng dễ, nhất là nếu ở trong Dòng giáo phận. Tuy nhiên, cũng nên biết là trong quá khứ, không thiếu lần chính các Bề trên đã đến xin Tòa Thánh dành độc quyền trong việc tháo lời khấn, vì e rằng các Giám mục mà rộng tay quá thì tương lai sống còn của Dòng sẽ bị đe dọa.
    Những điều vừa nói đều thuộc về quá khứ rồi. Trong giáo luật hiện hành, việc tháo lời khấn Dòng dễ dàng lắm, phải không?
    Không đúng như vậy. Nếu đọc lại Bộ Giáo Luật, số 691, thì sẽ thấy rằng nhà lập pháp không hề tỏ ý dễ dãi để chuẩn lời khấn. Lối hành văn cho thấy rằng đây là một chuyện hết sức bất đắc dĩ: “ai đã khấn vĩnh viễn thì không được xin đặc quyền ra khỏi dòng khi không có lý do rất trầm trọng đã suy xét trước mặt Chúa”. Thông thường thì một lý do chính đáng đã đủ để xin miễn chuẩn việc giữ luật. Nhưng đối với việc xin tháo lời khấn, thì luật đòi hỏi phải có lý do“rất trầm trọng” (nghĩa là còn hơn lý do trầm trọng nữa).
    Thế nào là lý do rất trầm trọng?
    Những lý do được viện dẫn để xin tháo lời khấn thì thiên hình vạn trạng. Nói chung gọi là “rất trầm trọng” khi mà đương sự xét rằng mình không thể nào chu toàn được các lời khấn được nữa, đến độ mà việc giữ lời khấn đưa đến tình trạng tội lỗi (nguy hiểm cho phần rỗi) thay vì giúp cho mình nên trọn lành. Vì thế đương sự cảm thấy rằng cần phải xin tháo lời khấn. Dĩ nhiên, đây chỉ là một nhận xét rất tổng quát.
    Thực tế cho thấy có nhiều hoàn cảnh phức tạp hơn nhiều. Có người xin tháo lời khấn bởi vì họ đã chọn lầm đường: đương sự và các bề trên đã không nhận định chính xác về ơn kêu gọi của họ. Có người xin tháo lời khấn vì muốn thử nghiệm một phương pháp làm việc tông đồ mới, nhưng mà phương pháp này không phù hợp với ơn gọi của Dòng mà họ đã gia nhập. Ta có thể nói rằng trách nhiệm luân lý trong những trường hợp này thì khác với trách nhiệm của những phần tử sống bê bối, vô kỷ luật, dần dần đi tới sự sa sút. Gặp trường hợp này, đôi khi chính bề trên khuyên họ hãy xin tháo lời khấn vì ích lợi bản thân và cộng đoàn, để tránh khỏi dùng biện pháp mạnh là trục xuất. Khi phải cân nhắc tính cách trầm trọng của các lý do xin tháo lời khấn, thì chính đương sự là người đầu tiên lãnh trách nhiệm. Kế đó, là bề trên Dòng, sau khi đã bàn hỏi với những người liên hệ. Giáo quyền thường chỉ duyệt lại xem các thủ tục pháp lý có được tuân hành chu đáo hay không, chứ ít khi đi vào nội dung của các lý lẽ viện dẫn. Việc chước chuẩn về phía nhà chức trách Giáo Hội đại khái tương đương với lời tuyên bố như sau: “Nếu quả thực, trước mặt lương tâm và Thiên Chúa, là con không có khả năng để tuân giữ các lời khấn, thì Giáo Hội tuyên bố rằng con không buộc phải tuân giữ nữa”. Dù vậy, nên biết rằng sau khi đã nhận được đặc ân chước chuẩn của giáo quyền, tu sĩ vẫn còn tự do để khước từ không ký vào phúc nghị. Như vậy, phúc nghị sẽ không có hiệu lực gì, và tu sĩ tiếp tục đời tu như trước.[2]



    [1] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theolica, II-II, q.88, a.11.
    [2] Bộ Giáo Luật 1983, điều 692.

    NGUỒN:

    Không có nhận xét nào: