CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

    MỘT BÀI HỌC QUÝ.....- Peter Hoàng (Hồi ký)

    gửi bởi Quangnam vào ngày Chủ nhật Tháng 7 26, 2009 2:20 pm

    MỘT BÀI HỌC QUÝ QUA KINH NGHIỆM THỜI ẤU THƠ


    Lúc còn thơ ấu, nhờ người cha hiền từ hiểu biết, cho nên trong gia đình không mấy khi đánh phạt con cái. Tôi chỉ có một lần duy nhất lúc bắt đầu học vần, tôi bỏ đi chơi không chịu học. Chiều về, cha tôi bắt nằm trên phản để ông răn dạy và nhịp nhịp cái roi. Tôi sợ quá nên từ đó về sau rất ngoan. Thế là 3 tuần lễ sau, tôi đọc sách trôi chảy ngay. Cha tôi rất cưng yêu ba anh em trai tôi và chăm lo cho chúng tôi ăn học tử tế, vì người con trai mang hết trách nhiệm cho gia đình sau này theo tục lệ.
    Vào tu viện, nhờ thông minh học giỏi, trẻ nhất và ngoan hiền, cho nên các thầy dạy yêu thương đặc biệt, đặt ngồi ở hàng ghế đầu. Thời kỳ đó, đệ tử đứng đầu lớp cuối tuần được mang mề đay đỏ suốt ngày Chúa nhật, người đứng nhì mang mề đay xanh. Tôi thường được mang mề đay đỏ, và được coi là học trò thông minh xuất sắc nhất.
    Khi tôi học năm thứ hai trung học (lớp 7), thầy Gabriel dạy môn Toán, tôi vẫn giỏi luôn được điểm 10 là thường. Thầy có tính sau giờ nghỉ trưa, đến dạy lớp học mặt đỏ kè và dễ cáu. Một hôm, có bài toán hình học hơi phức tạp cho nên thầy vẽ hình sẵn trên bảng đen giúp học sinh làm bài. Tôi thì không cần theo hình vẽ của thầy, tự đọc đề bài và vẽ hình lấy, cho nên hình đặt vị trí có khác. Bài làm của tôi chứng minh rất đúng đắn gọn ghẽ, nhưng hôm đó thấy hình lộn ngược, thầy không cần xem bài, cho tôi điểm 0. Tôi đứng lên bào chữa, thầy chưa kịp nghe, sẵn ngồi bên cạnh cầm thước gõ trên đầu tôi một cái, bảo rằng tôi không vâng lời. Tuy không đau lắm, nhưng tôi thấy tức quá vì lần đầu tiên trong đời bị đòn mà trái lẽ, cho nên tôi ngồi cúi gục khóc ấm ức suốt giờ, không còn thèm nghe thầy giảng bài gì nữa. Chắc thầy biết hối hận nên thầy vẫn để cho tôi khóc mà chẳng nói gì thêm. Tôi nhớ người bạn cùng quê cùng vào Dòng một lượt với tôi, một hôm bị quở trách sao đó, vào thưa Bề trên rời Dòng. Mặc dù hôm đó anh đang bệnh, anh cuốn áo quần đi ra khỏi tu viện không ai có thể khuyên giải được. Tuồi teenage là thế! Lúc bị đòn hôm đó, tôi đã có ý nghĩ rời bỏ nhà Dòng về lại với gia đình ngay, nhưng tôi nghĩ còn có anh ruột tôi ở đây, cho nên tôi không thể bồng bột theo ý riêng mình được. Thế là tôi vẫn sống luôn hết 18 năm ở Dòng.
    Bị đánh thước kẽ hôm đó một cách bất công, tôi không oán thầy tôi vì tôi hiểu Chúa để cho mỗi người một cá tính với khuyết điểm riêng. Nhưng trận đòn dù nhẹ đã ghi khắc trong lòng tôi một bài học sâu xa suốt đời. Tôi nghiệm rằng tôi không bao giờ nên đối xử bất công với ai, không bao giờ đánh học trò và mắng chửi đồ đệ vì nóng giận. Ở Việt Nam ngày xưa, uy quyền ông thầy rất lớn và hình phạt trên thân xác thường áp dụng nghiêm khắc. Thời gian tôi dạy học, tôi cũng có lúc đánh học trò, nhưng bao giờ cũng bắt nằm xuống, nói rõ những lỗi phạm tôi đã cảnh cáo trước sẽ bị đòn, rồi tôi mới đánh một vài roi. Như thế là chúng hiểu rõ lý do hình phạt mà không gì phàn nàn tôi. Tôi được tiếng là hiền từ là như thế. Ngay cả đối với con cái, tôi chỉ đánh con trai tôi có một lần trong đời nó thôi.
    Sẵn đây, tôi xin kể một chuyện ngỡ ngàng về đánh học trò. Một lần tôi ra dạy tạm ở Tuy Hoà vừa sau Hiệp định Genève. Vì mới qua thời Việt Minh, dân chúng địa phương trước đó thất học, cho nên lớp Năm tiểu học mà học trò tuổi tác lớn nhỏ chênh lệch xa nhau. Trong lớp có em 10 tuổi cũng có em 16, 17 tuổi lẫn lộn trai và gái. Một hôm, nhiều em phạm lỗi tôi đã cảnh cáo trước sẽ bị đánh một roi. Các em trai biết lỗi mình, vội vàng lần lượt sẵn sàng lên nằm trên ghế lãnh một roi một cách tự nhiên. Chẳng may kế tiếp đó, một em gái 16, 17 tuổi cũng ở trong số có lỗi, Em rất rụt rè làm tôi ngỡ ngàng khó xử, Tức thì các em trai ồ lên đòi xử phạt công bình không thiên vị. Như thế là thầy đỏ mặt phải áp dụng hình phạt (roi chắc có nhẹ hơn một chút!). Em không ân hận gì vì biết mình có lỗi đáng phạt, vẫn kính trọng chiếc áo dòng của thầy, nhưng từ đó về sau, tôi không mấy khi dám đánh học trò nữa, mà quyết phải biết suy nghĩ cầm cơn nóng giận khi phải sửa phạt hay mắng nhiếc ai.
    Đó là bài học quý giá qua kinh nghiệm thời ấu thơ của tôi.

    Peter Hoàng

    Không có nhận xét nào: