Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

THẦY GERARD, THẦY TÔI - Hồi ký - Peter Hoàng

gửi bởi Quangnam vào ngày Thứ 6 Tháng 7 10, 2009 1:00 am
THẦY GÉRARD, THẦY TÔI
  (HÌNH ???)
Tôi gọi thầy là Thầy Gérard (Trần Lộc), mà không gọi là Cha ở đây, dù sau này thầy đã thụ phong linh mục, vì suốt thời gian 18 năm tôi sống ở Dòng, thầy chưa là linh mục. Hơn nữa, thầy thật là bực thầy dạy bậc nhất và gây nhiều ảnh hưởng nhất cho đời tôi, mà tôi có thể coi là người cha thứ hai của tôi.
Thầy Gérard vào Dòng lớp thứ hai, kế sau lớp đầu có thầy André Phùng Điểm (đã góp bao công lao làm Bề trên điều khiển Dòng nhất là trong thời kỳ kháng chiến 1945-1954). Và suốt đời thầy Gérard sống tại tu viện đã dạy dỗ đào tạo bao nhiêu lớp anh em. Anh em nào đã biết thầy, phải công nhận thầy là một người rất có ấn tượng mạnh mẽ sâu xa trên mỗi người. " alt="" />Thầy không cao lớn, nhưng đi đứng khoan thai, dáng vóc trang nghiêm, dịu hiền, ai cũng mến và luôn luôn kính trọng. Thầy chuyên môn dạy Việt ngữ, đó là sở trường sâu đậm thiên phú đặc biệt.
Chính thầy đã đặt lời cho rất nhiều bài hát sử dụng trong Dòng cũng như viết nhiều bài cho báo Tiếng Vang (Echo). Ngoài ra thầy cũng giỏi chữ Hán giúp cho việc hiểu văn học sâu xa hơn. Thầy cũng là người diều khiển những buổi sinh hoạt văn nghệ của anh em trong Dòng. Hằng năm vào dịp lễ thánh Cecilia, nhà Dòng có diễn tuồng kịch lớn để công chúng bên ngoài vào xem, và một lần đi trình diễn tuồng “Mai Linh” của Dòng và tuồng “Giêsu, Đấng Cứu Thế” của kịch gia Vi Huyền Đắc tại rạp hát Lang Biang, Đà Lạt. Ai cũng khen tài nghệ đạo diễn của thầy.
Về phương diện tu đức, thầy hấp dẫn anh em bằng nếp sống tâm linh của thầy nhiều hơn là giảng dạy. Và những điều khuyên nhủ của thầy đi sâu vào lòng mọi người. Hầu như suốt đời thầy nhận chức vụ phó Bề trên để dẫn dắt nhà Dòng. Đặc biệt đối với tôi, thầy còn là giám đốc tập viện, vì lúc đó thầy (cha) Dominique Đạo Minh bị Việt Minh tạm giam giữ.
Lúc là đệ tử, nhờ trí thông minh và tính hiền từ, tôi được các thầy dạy yêu chuộng đặc biệt. Tôi sở trường và ham mê ngành Toán, cho nên không giỏi về Việt ngữ. Tuy nhiên, từ các lớp cuối cùng, được thầy dạy môn luận thuyết văn chương và luân lý, thì tôi lãnh hội được rất nhiều điều bổ ích trong đời. Vì tôi học bài làm bài rất nhanh, cho nên tôi có nhiều thời giờ đọc đủ loại sách: toán, khoa học và tiếng Việt. Tôi thích mê say môn Hình học là môn phải dù lý luận để chứng minh cho câu hỏi kết luận đã có sẵn. Như thế cần phải áp dụng những định lý đã học và biết tìm cách suy luận để đi đến lời giải đáp vững chắc. Vì thế, chuyển sang luận thuyết, thầy lại dạy một hình thức rõ rệt để phân tích và nghiên cứu các đề bài cẩn thận. Hình thức thầy dùng cũng tương tự như tam đoạn luận (syllogism) của Aristotle mà thánh Tôma Aquinô đem áp dụng vững chắc trong tác phẩm vĩ đại Summa Theologica, hay Francis Bacon dùng trong quyển Novum Organon. Descartes cũng dùng hình thức tượng tự áp dụng vào khảo sát khoa học. Hình thức cũng tương tự như hình thức Engels đã áp dụng vào triết lý của ông mà sau đó Karl Marx đưa sang duy vật biện chứng. Hình thức đặt hai tiền đề đối nghịch nhau để khảo sát rồi đi đến kết luận xác thực; hoặc cũng như thesis, antithesis và synthesis của Engels và Karl Marx. Từ khi học được phương thức lý luận này, tôi đã đem áp dụng trong đời sống qua giáo lý, đạo đức và sinh hoạt ở đời để tránh khỏi sai lầm. Do đó, tôi phải nhận là ơn thầy Gérard đã ảnh hưởng đời tôi rất nhiều. Về sau, khi học ở trường bán công Lê Quí Đôn, bỗng nhiên tôi lại được thầy dạy và bạn học khen ngợi xuất sắc về môn Việt ngữ qua các bài luận thuyết, tuy tôi vẫn thấy mình nổi bật nhất về môn Toán ở suốt các lớp trung học.
Vì tiếp theo Nhật thất trận trong Thế chiến II, nhà Dòng chuyển các môn học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Lúc đó vì giặc giã cũng như chính sách tự cô lập của Việt Minh, sách giáo khoa Tiếng Việt chưa có, các thầy dạy ở Liên khu V đều phải chép lại một vài sách tìm được làm tài liệu dạy dỗ cho học sinh, và học sinh lại chép lại chứ có sách in đâu mà mua. Thầy Gérard cũng phải tìm mượn sách, rồi tháo ra phân chia cho đệ tử chép giữ làm tài liệu. Tôi có nhiều thời giờ rảnh, cho nên tôi được giao rất nhiều phần để chép tay lại, nhất là phần nào có chữ Hán (tôi có trình độ và viết được chữ Hán đẹp).
Ở lớp đệ tử lớn, nhà Dòng đã từng có tờ báo Đàn Em viết tay một bản cho anh em xem. Thầy Gérard bấy giờ cũng khuyến khích lớp trẻ hơn ra tờ báo Hồn Xuân. Tôi được giao phó việc chép tay trình bày tờ báo, cũng có viết một bài nữa. Tờ báo cũng thêm vài bức tranh do một đệ tử có khiếu vẽ lấy hình màu trong báo Le Pèlerin mà vị sáng lập Jean Sion đã mua thường xuyên từ bên Pháp.
Năm vào tập viện, thầy Dominique ở tù, thầy Gérard phải kiêm chức giám đốc tập viện. Thầy Gérard quá bận nhiều việc với chức vụ phó Bề trên, giám đốc đệ tử, giáo sư Việt văn, cho nên thầy không hoàn toàn có mặt cho 4 anh em tập sinh: Berchman Trương Phúc Binh về sau làm Ty Cảnh sát Nha Trang), Clément Lưu Minh Hoàng, Sébastien Hương (chết vì bom napalm do máy bay Pháp thả vào tu viện), và Christophe Nguyễn Ngọc Hoàng. Thầy phải phân phối cho mỗi người phụ trách soạn một tập sách các môn học. Tôi được giáo phó môn Lịch sử Giáo hội. Tôi phải đọc các sách Lịch sử Giáo hội bằng tiếng Pháp để tóm lược thành một tập sách tiếng Việt. Thời kỳ đó thiếu thốn mọi sự, máy đánh chữ cũng không có, nói chi đến computer như ngày nay, chép tay là điều duy nhất có thể làm được. Giấy thì là loại chính nhà Dòng làm ra từ bột nứa phải vào đèo Cù Mông mua chở bằng xe cộ bánh gỗ đẩy đi về cả 20 cây số. Bột nứa đổ vào bồn nhờ một đầu máy xe hơi cũ biến chế khuấy trong nước cho loãng rồi dùng khung vải vớt lên gỡ ra từng tờ đem phơi nắng, phết bột mì nấu loãng. lại phơi rồi đưa vào trục máy cán quây tay cho nhẵn, giấy thành màu vẫn nâu sậm dày cụi.
Thời kỳ đó, nhà Dòng bị thuế nặng và hạch xách đủ điều, cho nên không còn nhận đệ tử nữa, chỉ còn lớp thỉnh sinh, tập sinh và các thầy dạy, cho nên việc xay lúa, giã gạo, rửa chén cũng phải thay phiên  nhau mà làm. Nhà Dòng lúc này chịu đựng nhiều cam go, nhưng tinh thần tu trì vẫn vững chắc.
Công ơn thầy Gérard đối với tôi thật lớn lao, thầy cũng là linh hướng chỉ dẫn tôi trong đời sống tu trì. Cho nên tôi vẫn luôn tưởng nhớ thầy là bậc ân nhân thứ nhất đã tạo thành con người tinh thần của tôi. Đó là người cha thứ hai của tôi đã gây dựng giá trị cuộc đời cho tôi cho đến ngày nay.


Peter Hoàng

@ CÁM ƠN ANH NGUYỄN CHO VÀ BÁC NGỌC DANH ĐÃ CUNG CẤP VÀ EDIT TẤM HÌNH CHA GÉRARD. ĐÂY CÓ LẼ TẤM HÌNH KHI NGÀI CÒN LÀ SƯ HUYNH?!?
@ CHÚNG TÔI CŨNG MONG NHẬN ĐƯỢC NHIỀU BÀI VIẾT VÀ HÌNH ẢNH VỀ CHA NỮA. XIN TRÂN TRỌNG CÁM ỢN
Sửa lần cuối bởi Pauldoright vào ngày Thứ 2 Tháng 7 13, 2009 2:51 pm với 1 lần sửa trong tổng số.
Nguyên nhân: THÊM HÌNH CHA GÉARARD VÀ CHÚ GIẢI
NGƯỜI VỀ TỪ HOẢ NGỤC TRẦN GIAN
Hình đại diện của thành viên
Quangnam
 
Bài viết: 1439
Ngày tham gia: Thứ 3 Tháng 7 15, 2008 1:21 pm

 Re: THẦY GERARD, THẦY TÔI - Hồi ký - Peter Hoàng

Gửi bàigửi bởi 3Làng vào ngày Chủ nhật Tháng 7 12, 2009 6:42 am
Tôi cũng đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp với Bề Trên Gerald Trần Lộc. Tôi chỉ có ba bốn cơ hội gặp ngài trong bốn năm sống trong tu viện. Tuy tôi là một đệ tử nhỏ, những khi gặp ngài thường vào những lúc các đệ tử được có thời giờ để cầu nguyện riêng tư trong khi đi bộ vào buổi chiều. Trong nhửng dịp này Bề Trên vẫn bỏ thởi giờ để nói chuyện hỏi han và vấn an một chú bé nhỏ. Tôi nhớ mãi thái độ khiêm nhường và những lời nói nhẹ nhàng của ngài đã tạo trong tôi những ấn tượng tốt đẹp và khó thể quyên.

Người thứ hai cũng gây ấn tượng tốt trong tâm khảm của tôi là Cha Đạo Minh, cũng vì nhửng tiếm xúc tầm thường tương tự. Lẽ dĩ nhiên tôi vẫn nhớ những bậc thầy khác như Francois Kim, Jean Baptiste Nhì, Paul Định, Cha Damien, etc...nhưng đây là một vài kỷ niệm nhỏ đối với Bề Trên Trần Lộc mà tôi vẫn nhớ và bây giờ được cơ hội đễ xác nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét