CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

    NHẬT KÝ CHUYÊN VIẾNG THĂM ANH EM CÁNH BẮC: NHÓM QUI NHƠN, ĐÀ NẴNG VÀ PLEIKU-KONTUM

    NHẬT KÝ CHUYÊN VIẾNG THĂM ANH EM CÁNH BẮC: NHÓM QUI NHƠN, ĐÀ NẴNG VÀ PLEIKU-KONTUM

    [flv_xy=250,50]http://www.nhaccuatui.com/m/0Fse6dBKQf[/flv_xy]
    (CÓ THỂ  BẤM "">"" ĐỂ MỞ NHẠC VÀ TẮT KHI XEM VIDEO)
    Thứ sáu ( 24.2.2012):
    Thăm nhóm Qui Nhơn-Bình Định


            8 giờ 30: chúng tôi đi Kim Châu, Bình Định. Đoạn đường mới chạy ngang qua Trại Phung Qui Hoà, nơi nhà thơ Công giáo Hàn Mạc Tử đã đau đớn cùng trăng, đã gánh trăng chạy trên vũng huyết, đã hồi hộp khi thấy trăng nằm sóng soài trên cành liễu, đã ước mơ hồn ni cô thơm như tình mới cắn. Và cuối cùng ớn lạnh run lên khi kêu tên Maria cực trọng, hồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ sầu bi. Mộ họ Hàn hiện giờ nằm bên bãi biển Ghềnh Ráng Qui Nhơn, nơi thu hút rất nhiều khách thập phương.
         10 giờ 00: chúng tôi ghé 105 Phan Bội Châu Qui Nhơn đón Trưởng nhóm Qui Nhơn - Bình Định Nguyễn Cho lên Kim Châu như đã hẹn. Nguyễn Cho đã chọn Kim Châu là điểm hẹn mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất Kim Châu là trung tâm để anh em khắp nơi dễ tụ về. Thứ hai Kim Châu là cái nôi trước đây của Dòng Thánh Giuse. Thứ ba hôm nay là ngày các Cha vùng ngoài về họp để chuẩn bị Đại hội Tỉnh Dòng vào tháng 3 sắp tới tại Nha Trang. Anh em có dịp gặp gỡ giao lưu.
               [txt_img_l]http://nj0.upanh.com/b5.s13.d5/e31ae880c2aba615463c79d373e51f9f_41685820.1.jpg[/txt_img_l]10 giờ 30: Chúng tôi đến Kim Châu. Tại đây chúng tôi gặp Cha Hồng Bề trên Cộng đoàn Kim Châu, kiêm giáo xứ Đập Đá, Cha Hiệp, Thầy Tín và Thầy Hùng thuộc cộng đoàn Kim Châu, Cha Ưng từ Nông Sơn Quảng Nam về, Cha Đường và Cha Ca từ Hoà Khánh Đà Nẵng vô. Anh em Cựu Bình Định – Qui Nhơn gồm có: Nguyễn Cho, Savio Lê Lợi, Alphonse Võ Cự Anh,
    Phan Long Bảo. Riêng Nguyễn Lộc, Xuân Quằm và Hà Đen vì bận công tác không tham gia được. Anh em tay bắt mặt mừng vì hiếm khi có dịp gặp nhau.
            [txt_img_l]http://nj1.upanh.com/b1.s15.d1/74b14ea9bec9a8e613e2ee1fcc5c3a1d_41685821.9.jpg[/txt_img_l]11 giờ 00: Thánh lễ đồng tế gồm 6 Cha: Các Cha An, Hồng, Ưng, Hiệp, Đường, Ca và Thầy Mai Trung Tín giúp lễ. Thánh lễ trang nghiêm, sốt sắng trong phòng nguyện có lẽ vừa mới sửa xong không lâu. Phòng nguyện là phòng ngày xưa Cha Tý ở làm Tuyên uý cho Cộng đoàn Kim Châu. Về sau Thầy Hoài ở đó. Tôi nhớ ngày xưa phía trước có hai cây chay cổ thụ rợp bóng, hàng năm thường ra trái vào mùa hè. Mùa hè các tu sinh được phép về nghỉ. Có một buổi trưa, chờ lúc cha Già Tý ngủ, hai cô tu sinh Cúc (vợ Hiến bây giờ) và Chi (bây giờ có một đứa con làm linh mục) ra khoèo chay. Bất phước cha Già Tý nghe động mở cửa bắt được quả tang. Ngài bảo mấy đứa con gái đi tu mà cũng thèm chua! Hai o mắc cở bỏ chạy một lèo. Bây giờ thì hai o thèm chua thật rồi! Tôi còn nhớ đầu cánh Bắc trường Kim Châu còn có cây mít mà hồi đó chúng tôi gọi là “mít đọt”. Nó chuyên ra trái ở đầu cành. Nó là chứng nhân lịch sử qua bao nhiêu đời. Nay cũng không còn nữa!
            [txt_img_l]http://nj8.upanh.com/b2.s3.d1/c458baaeb99981b4164f8d7cbe2eb947_41686038.12.jpg[/txt_img_l]12 giò 00: Chúng tôi vào bàn ăn. Cha Hiệp và Thầy Tín đã chuẩn bị tươm tất đâu đấy. Bia bọt. Bàu Đá. Thế thì Bác Đỗ Hữu phóng viên nhất định không có ý kiến gì nữa nhé! Đặc biêt có món ếch đồng quê chiên giòn. Món này mà nhậu với bia ướp lạnh là hết sảy!Chúng tôi ngồi ăn tại phòng mà các Dì ở xưa. Miếng đất mà ngày xưa các Dì trồng hẹ, trồng cây bánh ít lá gai (thường hay gói cho các Thầy ăn)  nay  là cái sân của bọn họ. Dòng suối mà ngày xưa chúng ta nô đùa sau những chiều đá banh vẫn lặng lờ trôi, hiu hắt buồn, hai bên bờ cỏ mọc um tùm. Khu chuồng heo các Dì nuôi nay là khu vực sinh hoạt hậu cần của các Cha Thầy cộng đoàn Kim Châu. Nói chung, cái lớn người ta mượn xài 50 năm. Nay đã 35 năm rồi. Hợp đồng còn những 15 năm nữa họ mới trả cho chúng ta. Cho nói với tôi như thế! Cũng may là mảnh đất sân banh phía sau, chúng ta đã có sổ đỏ. Nói chơi chứ sổ đỏ sổ đen gì thì hãy để lich sử trả lời. Chúng ta cứ xài cái nhỏ. Biết đâu cái nhỏ là cái thánh ý Chúa muốn.
            [txt_img_l]http://nj1.upanh.com/b6.s15.d1/b9c6206ace1d554077e9a98628193666_41686041.16.jpg[/txt_img_l]12 giờ 30: Anh em Cựu Qui Nhơn – Bình Định họp mặt. Ngoài cha Đặc trách Nguyễn Hoài An, hai anh Đại diện, anh phóng viên Đỗ Hữu, chúng tôi còn mời hai Cha Hồng và Hiệp tham dự. Anh Hội trưởng nói qua hai điểm chính trong Nội qui: Vai trò Cha Đặc Trách và Cách thức bầu cử Ban Đại Diện Hội trong nhiệm kỳ tới. Các điểm còn lại xin địa phương đóng góp ý kiến gởi về đúc kết sau.
            Cha Đặc trách giải trình về mục đích của CTBL rất cặn kẽ và rõ ràng. Cha còn nói cho anh em hiểu rõ Giáo luật về luật Bổng lễ. Hai Cha và anh em đều nhất loạt đồng ý và tán thành mục đích CTBL : biết ơn các Cha Thầy, các bậc Ân sư là một hành động cụ thể. Hai Cha hứa sẽ tham gia CTBL theo mục đích này.
            [txt_img_l]http://nj3.upanh.com/b1.s3.d3/a8adfbdc33cae82d7621c89a0d6d3c96_41686043.24.jpg[/txt_img_l]15 giờ 30: Chúng tôi đi vòng đường [txt_img_l]http://nj6.upanh.com/b3.s15.d1/5ddc07d97a2221ff72452bfc5bf6a9a5_41686046.24.jpg[/txt_img_l]hương lộ ra phía sau nghĩa trang Dòng thăm viếng mộ Anh em, Đức Cha Grangeon Mẫn. Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương! Hai ngôi mộ Samuel Dư và Sebastien Trước nằm kề bên nhau. Tôi biết ông bà thân sinh Samuel Dư chỉ có hai con: một gái, một trai. Chị gái đã lập gia đình. Còn thằng Dư ông bà dâng cho Chúa. Samuel Dư cao ráo, đẹp trai lại có tài. Năng nổ, hăng say, nhiệt tình và tháo vác trong mọi việc Dòng trao. Chúa đã cất anh đi trong lứa tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết. (Thưa Thầy con không có ý kiến về việc Thầy làm. Con trở về  Kim Châu thăm anh em, thăm lại trường Dòng xưa, nhớ đến hai người anh em con yêu quý mà giờ đây con nghĩ là Thầy đã đưa về hưởng nhan thánh của Thầy.)
           [txt_img_l]http://nj2.upanh.com/b3.s24.d1/b8a13d4ce470a481724bc17e884fcf98_41686052.mechahothanh.jpg[/txt_img_l]16 giờ 00: Chúng tôi ghé thăm thân mẫu Cha Minh, Cha Thanh. Di ảnh của Cha Minh trên bàn thờ đang mĩm cười với anh em chúng tôi. Bà cụ là em thứ 8 của Cha Gérard Lộc. Tôi không hiểunỗi một bà mẹ già ốm yếu bệnh hoạn làm sao có thể cưu mang 3 đứa con, hai gái, một trai đang bị bệnh tâm thần! Tôi nghĩ đến anh em Cựu của chúng ta còn nhiều điều phải suy nghĩ, còn nhiều điều phải làm, phải sẻ chia…
            [txt_img_l]http://nj9.upanh.com/b3.s24.d2/a1719c5a3fbcb741932abc5a552347c7_41686049.anhchaminh.jpg[/txt_img_l]Từ giã bà và 3 em ốm yếu, tôi thấy thật xót xa! Mãi suy nghĩ linh tinh, tôi quên phéng đi chúng tôi đang đi nhờ trên chiếc xe con của Hoàng Đức mới tậu cách đây mấy tháng từ Pleiku xuống Kim Châu lúc 3 giờ chiều nay. Số là Cha Đặc trách bao xe đi một mạch tới Đà Nẵng rồi về lại Nha Trang. Hoàng Đức nghe vậy mới có sáng kiến đề nghị Cha chỉ bao xe đi tới Kim Châu rồi cho xe về. Từ Pleiku, Hoàng Đức sẽ nhờ một bác tài quen đi với Hoàng Đức xuống đón phái đoàn từ Kim Châu về Qui Nhơn. Hôm sau tiếp tục lên đường đi Đà Nẵng. (Thầy ơi! Việc Thầy làm nhiều khi chúng con không hiểu nỗi. Con xin cám ơn Thầy đã cho hai anh chị Miên - Đức nảy sinh cái sáng kiến huynh đệ ra tay giúp đỡ chúng con.)
            [txt_img_l]http://nj4.upanh.com/b5.s25.d2/48e936b050692fffd63426d41661a42e_41686054.nhaloc.jpg[/txt_img_l]17 giờ 00: Trưởng Cho báo trước vợ chồng Lộc – Đào mời ăn cơm chiều. Nhẹ nhàng nhưng tình cảm. Cho không tham dự được vì bận họp HĐGX lần đầu. Phải lên kế hoạch nghiêm chỉnh. (Cho vừa mãn nhiệm kỳ bên Mặt Trận là được bầu  làm Chủ tịch HĐGX nhà thờ Chánh toà Qui Nhơn). Chị Đào làm bên văn phòng Điện lực. Lộc cả buổi sáng phải đi giao tiền nên không về Kim Châu họp mặt cùng anh em được. Lộc Đào được 2 cháu, một trai, một gái đều đã lập gia đình. Mặc dù bận bịu, nhưng nghe phái đoàn đến thăm, vợ chồng rất vui và sẵn sàng đón tiếp.
            [txt_img_l]http://nj8.upanh.com/b1.s25.d1/52cb48199044873d051e8c5b986fa445_41686058.nhaloc2.jpg[/txt_img_l]Món ốc hút của chị Đào thơm ngon quá! Cha Hoài An khen. Món chuối hầm thịt vịt của Lộc nấu anh Tám bị “tường đè” ăn vô thấy lạ miệng! Anh em mình sao thương yêu nhau và chân tình quá! Cái chai Voska trắng đang khiêu khích đặc phái viên Đỗ Hữu. Vui một đêm nay…rồi mai lên đường.  Hữu và Lộc cất lên. Cứ thế anh em ta mở rộng cõi lòng lai rai. Anh em tại QN-BĐ không đông, nhưng hễ có dịp gia tang, cưới hỏi, anh em thường đến với nhau. Vào cuối bữa, bà xã Xuân Quằm xuất hiện. Xuân vào Sai Gòn kiếm đường làm ăn. (Đàn ông ở một mình không tốt!) Thỉnh thoảng Xuân về QN thăm gia đình. Chị còn phải ở lại bươi chãi chăm sóc hai ông bà thân sinh tuổi đã cao ngoài này. Và tâm sự lại tiếp tục trãi dài…trãi dài…Hữu&Lộc vui một đêm nay rồi mai lên đường…Chai Voska đã cạn. Tiệc tàn!
                                                       Đã  tàn cuộc rượu đêm nay
                                               Pháo tan xác pháo tình say sưa tình
                                                       Còn đây hai đứa chúng mình
                                             Ngậm ngùi trong cõi phù sinh kiếp người…
                                 (Diễn ý “No more champagne” trong “Happy New Year”)
            Chúng tôi đành chia tay nhau. Trưởng Cho đi Honda dẫn đường về nhà nghỉ 28 Nguyễn Huệ. Chúng tôi: cha Hoài An, Sự, Hùng ở phòng đầu. Phòng trong dành cho Đỗ Hữu, Hoàng Đức và anh Giang tài xế. Mỗi người một giường. Có máy lạnh, quạt trần.Tươm tất đâu đấy,
    Trưởng Cho mới yên tâm trở về. Trách nhiệm và chu đáo là bản tính của Cho. Nhà Nguyễn Cho vừa sửa. Rộng rãi thênh thang. Anh em muốn nghỉ lại nhà Cho để bớt tốn kém, nhưng Trưởng Cho muốn anh em được tự do thoải mái, nên mới sắp xếp tiện lợi thế. Rất cám ơn tấm lòng “hiếu khách”của người anh em.
            Tắm rửa kinh sách xong, ba anh em lại bắt đầu thi nhau ngáy. Ai ngáy trước có lợi hơn. Người  nghe ngáy nằm chờ thời, chờ một cuộc chuyển mình. Đành thao thức ngâm lại câu thơ “Lo nước thương đời đêm chẳng ngủ. Đêm sao đêm mãi thế ru mà!”


    ĐỂ XEM ALBUM VÀ VIDEO XIN BẤM VÀO  ĐÂY

    Thứ bảy (25.2.2012)
    Thăm nhóm Đà Nẵng


            Chúng tôi ăn sáng tại nhà nghỉ 28 Nguyễn Huệ. 6 giờ 45 chúng tôi rời Qui Nhơn. Trưởng Cho mau mắn dẫn chúng tôi đi một quãng đường.
            7 giờ 30: Chúng tôi đón Cha Hoàng Đình Ưng quá giang về Quảng Nam. Rôm rả chuyện trò.
          [txt_img_l]http://nj5.upanh.com/b1.s13.d3/56170110034a50db6540c88075d2a4dd_41704175.p1020420.jpg[/txt_img_l]7 giờ 45: Chúng tôi ghé thăm  [txt_img_l]http://nj0.upanh.com/b3.s13.d5/5c0b68b17f5aa1f30799a436cee54265_41705350.p1020422.jpg[/txt_img_l]Cha Hồng, chánh xứ nhà thờ Đập Đá. Nghe nói ĐứcCha Qui Nhơn giao địa điểm này cho các cha Dòng Ngôi Lời trong vòng 20 năm. Giáo dân ở đây trên 200. Nhà thờ tuy nhỏ nhưng gọn gàng. Từng trên dành cho giáo dân tham dự thánh lễ. Từng dưới làm nhà sinh hoạt. Sâu bên trong có nhiều phòng. Đâu cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Chỗ nào cha Hồng đến cũng thấy hang đá Đức Mẹ. Có cây có cảnh. Có chim nhưng không thấy bướm. Lại nhớ Giang Nam: “Xưa tôi yêu quê hương vì có chim có bướm…”. Nhưng anh chàng bị đòn vì trốn học chứ không phải vì chơi chim chơi bướm. Tại đây chúng tôi gặp Cha Đường, Cha Ca đang đón xe về Đà Nẵng. Tiếc vì xe chật không đón tiếp hai Cha được cho vui đường dài.
            9 giờ 00: Xe chạy ngang qua Sa Quỳnh. Nơi đây Thầy Bề Trên André Phùng Điểm của chúng ta đã ngã xuống vì loạt đạn của bọn loạn quân. Thấy một bà bầu ngồi băng ghế phía sau, Thầy nhường chỗ cho bà ngồi chỗ Thầy băng trước. Thế là Thầy đã hy sinh cứu được hai mạng người. Tính ra Dòng Giuse của mình các Thầy chết vì bom đạn và mã tấu cũng không ít lắm. Môn đệ không hơn Thầy mình nhưng ít ra cũng giống Thầy mình.
           10 giờ 00: Xe bị bắn tốc độ, bị lấy bằng lái tại huyện Đức Phổ. Tội nghiệp Hoàng Đức và bác tài mấy hôm sau chắc phải vất vả từ Pleiku xuống ỉ ôi nộp phạt. Đời thuở nào Cảnh Sát Giao Thông lại không biết thông cảm. Đây là tín hiệu vui hay buồn cho đất nước chúng ta!?
            [txt_img_r]http://nj9.upanh.com/b3.s25.d1/8b30b4c85f3beaef17b182ceadd416f1_41704179.p1020436.jpg[/txt_img_r]14 giờ 00: Chúng tôi đến Đà Nẵng. Mọi dự tính đều ăn khớp sít sao. Anh Khánh Trân ra đón chúng tôi đến cộng đoàn các Xơ gần đó để gởi nhờ xe. Chúng tôi cuốc bộ ngược về nhà anh tại 42/6 Đinh Tiên Hoàng. Chị Trân niềm nở ra tiếp đón. Tôi lấy làm lạ cách đây mấy năm có dịp ghé thăm gia đình anh chị, nhà cửa hãy còn nho nhỏ khiêm tốn, nay đã lên 2 mê rộng rãi khang trang. Chị bảo có thằng con trai đi nước ngoài hồi 13 tuổi, nay nó đã lập gia đình. Nó và dì cậu giúp thêm nên mới có cơ ngơi này. Lâu nay không nghe anh Trân kể. Mừng cho anh chị, chứ hai vợ chồng sống cái nghề giặt ủi lấy đâu mà xây nhà xây cửa. Anh Trân dẫn chúng tôi lên giao phòng. Mỗi phòng một giường đôi... “thoả mái”!
            [txt_img_r]http://nj1.upanh.com/b1.s13.d3/c23842abbc2e5cddb7680c4e775868e5_41704181.p1020437.jpg[/txt_img_r]Chúng tôi thống nhất với nhau 18 giờ 30 họp mặt, sau đó ăn tối. Tađêô Nguyễn Văn Lại hay tin phái đoàn đến, vội chạy về trình diện. Anh Trân lên tiếng. Lại sốt sắng: để nước Lại lo. Số Lớn và Văn Hảo đang trên đường đến. Lê Dương nhà xa bận việc không chắc có mặt. Đỗ Hữu vội chạy ra phố mua cái dây “jack” và cái USB bỏ quên ở nhà nghỉ Qui Nhơn. Lạ một cái là chai rượu thì nhớ mà đồ nghề lại quên!
         [txt_img_r]http://nj4.upanh.com/b3.s13.d3/8f70967d5a0a85c6334d83e6e55f4c8f_41704184.p1020438.jpg[/txt_img_r]19 giò 00: Chúng tôi họp mặt. Chương trình cũng giống các nơi. Xin tóm tắt vài ý kiến anh em phát biểu:
            - Lại: CTBL đối với anh em Đà Nẵng: rất sẵn sàng và nhẹ nhàng không gì phải bận tâm. Anh em đang mong thể hiện việc đền ơn đáp nghĩa đối với các Ân sư như mục đích của CTBL đề ra.
            - Số Lớn: Ngoài việc xin lễ theo mục đích của CTBL, anh em cần hoạt động thêm nhiều mặt gây dấu ấn để tỏ lòng biết ơn đối với Dòng. Ngoài ra còn phải chia sẻ với những anh em có hoàn cảnh khó khăn.
            - Hảo: Rất cảm kích về tình cảm của anh em đối với CTBL. Nên ưu tiên tương trợ anh em có hoàn cảnh khó khăn trong nhóm.
            Tóm lại: anh em Quảng Nam – Đà Nẵng luôn luôn sẵn sàng mở lòng ra. Đời sống anh em tạm ổn định. Lại tuyên bố sang năm xây nhà. Số Lớn và Hảo con cái tương đối thành danh. Anh em bầu chọn đàn anh Khánh Trân làm Trưởng nhóm. Mọi liên lạc sẽ tập trung về Trưởng nhóm. Ngày họp mặt Nhóm sẽ được quyết định và thông báo sau. Cha Đặc trách hứa sẽ cố gắng có mặt trong ngày anh em họp Nhóm nếu không có gì trở ngại.
            Giờ cơm đến rồi! Giờ cơm đến rồi! Mời anh xơi! Chúng tôi quay quần bên chiếc bàn tròn. Lại kể cho tôi nghe vụ nghĩa trang Cồn Dầu, nằm trong quê hương Lại. Nơi ấy có ngôi mộ của Thầy Jacques, thuộc Dòng Giuse của chúng ta. Thời ấy, Thầy đi dạy chầu nhưng cho vùng này. Không rõ ví lý do gì mà xác thầy bị chặt làm 3 khúc. Giáo dân  thương thu nhặt xác Thầy và đem chôn ở nghĩa trang Cồn Dầu. Ngồi trên xe, tôi có nghe Cha Ưng nói đến vụ này. Cha nói có trình vụ này lên BTGT , nhưng chưa biết Dòng giải quyết cách nào. Lại còn kể tôi nghe Cha Chính Cồn Dầu nhất quyết không cho cải táng mộ Thầy Jacques đi đâu vì đây là tài sản vô giá của xứ đạo. Hiện nay tình hình Cồn Dầu có vẻ lắng dịu. Nghe đâu người dân nơi đây được nhiều ơn khi đến cầu nơi mộ Thầy. Có lẽ Thầy là Thánh tử đạo đầu tiên của Dòng Giuse ở vùng này.
            Số Lớn và Văn Hảo nhà ở mãi tận Đại Lộc nên ngủ lại với anh em chúng tôi. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi cám ơn và từ giả anh chị Trân rồi kéo nhau lên thăm Cộng Đoàn Ngôi Lời tại Hoà Khánh.


    ĐỂ XEM ALBUM VÀ VIDEO XIN BẤM VÀO  ĐÂY

    Chúa nhật (26.2.2012)
    Thăm Cộng đoàn Ngôi Lời Hoà Khánh

            Muốn đến Cộng Đoàn Ngôi Lời Hoà Khánh, cứ hỏi chợ Hoà Khánh. Đối diện với chợ, có con hẻm cứ cho xe chạy ngoằn ngoèo rẽ trái rồi rẽ phải, hỏi dần sẽ ra. Chỗ cha Sỹ ở lúc trước coi vậy mà bí hiểm thật!
            [txt_img_l]http://nj8.upanh.com/b6.s15.d1/9194ca3f822cb560258792d07f618d43_41708768.p1020441.jpg[/txt_img_l]Khi chúng tôi đến, chỉ có cha Ca và mươi em sinh viên ở nhà. Cha Đường đi làm lễ Chủ Nhật ở nhà thờ Hoà Khánh. Nghe cha Ca kể vùng này lúc trước sũng nước. Phải đổ thật nhiều cát để tạo mặt bằng. Trong tương lai, chỗ Cộng đoàn ở sẽ là trung tâm của các trường Đại học. Mảnh đất mà Dòng mua ngày xưa hơn 3000m2 nay chỉ còn hơn 2000m2 . Vì nhiều lý do, Dòng nhờ một người đáng tin cậy đứng tên. Ai ngờ, lòng dạ con người! Người cháu của chủ đã tiếm dụng mất khoảng 1000m2. Khó khăn lắm Cha Đường mới làm được sổ đỏ. Vấn đề còn lại trong tương lai là giấy phép xây cất và kinh phí xây dựng.
            [txt_img_r]http://nj1.upanh.com/b4.s24.d1/6cae7d066965624f3d42c9e9c0ec90d4_41708771.p1020444.jpg[/txt_img_r]Chúng tôi tham dự thánh lễ cùng với các em sinh viên nội trú. Cha Hoài An và cha Ca đồng tế. Có lẽ đây là lò đào tạo ơn kêu gọi cho Dòng ở vùng ngoài. Tôi nghe các em phần đông nói
    giọng Nghệ An. Mấy năm về trước còn dạy các lớp Thỉnh sinh môn Văn ở Dòng, tôi thấy các em thường viết sai lỗi chính tả. Các em nói sao viết vậy.
    Thánh lễ xong, hai Cha mời chúng tôi ăn mì Quảng và uống cà phê. Thấy  các em sinh viên mua ở ngoài về trước lễ. Bụng đói, nhưng phải đợi lễ xong mới ăn. Phải ưu tiên cho Chúa.
            [txt_img_l]http://nj2.upanh.com/b1.s16.d1/c1c854b7d0499c0d1b8899b5bc1e376e_41708772.p1020447.jpg[/txt_img_l]Hai cha rất thân tình và tự nhiên coi chúng tôi như anh em một nhà. Cha Hoài An mời hai cha tham gia CTBL. Các cha sẵn sàng hưởng ứng. Hai cha rất mong anh em Cựu hổ trợ Cộng đoàn Hoà Khánh. Cộng đoàn HK sẵn sàng đón tiếp anh em vùng QN-ĐN về họp mặt tại đây.
            8 giờ 00: Chúng tôi từ giã Cộng đoàn Ngôi Lời Hoà Khánh ngược lên Phú Thượng ghé thăm vợ chồng Lê Dương. Lâu lắm rồi mới gặp lại Dương, kể từ khi Dương xa Dòng. Hỏi Dương về cái răng khểnh mất trật tự hồi còn ở Dòng, Dương bảo nhổ rồi. Bây giờ trông Dương đẹp trai ra. Chụp một “bô” ảnh với  vợ chồng Dương làm kỷ niệm.
           [txt_img_r]http://nj3.upanh.com/b1.s25.d2/d6d198c6ec476e932c08758481becf19_41709393.nhaleduong.jpg[/txt_img_r]Dương tháp tùng chúng tôi lên [txt_img_r]http://nj4.upanh.com/b2.s25.d1/9871ced1e1d572913390a812b5cc141d_41709394.nhasolon.jpg[/txt_img_r]Đại Lộc thăm gia đình Số Lớn và Hảo. Đây là quê hương của cha Luca Bùi Hoà, cha Clément Hoàng. Phải chi giờ này Cha Clement Hoàng nghe được, tôi kể Cha nghe chuyện quê hương Cha ngày nay. Có phải nơi chôn nhau cắt rốn của Lão Đa Ưu là đây không? Hay ở tận vùng Nông Sơn nơi Cha Ưng coi sóc.? Không ngờ có ngày chúng tôi được vinh hạnh đến cái nơi heo hút lịch sử này.  Nơi quê hương có những người con rất hiếu học. Giọng nói đậm đà “bản sắc dân tộc”. Thầy Cyrille đã một thời đi dạy chầu nhưng ở đây. Nghe nói có một Cha trước đây bị bắn chết ở vùng này khi đi công tác mục vụ. Phần đông dân đã bỏ làng đi làm ăn xa vì mất an ninh và kỳ thị. Số Lớn cũng đã tha phương cầu thực. Cuối cùng cũng trở lại Đại Lộc làm ăn sinh sống. Và nhất là trụ lại để củng cố tinh thần bà con công giáo tiếp tục giữ đạo Chúa. Khi chúng tôi ra về, Sô Lớn  chaỵ Honda theo để lên nhà thờ Hoằng Phước xây lại tượng đài Đức Mẹ. Tội nghiệp Hảo rất muốn chúng tôi ghé nhà nhưng đã muộn không thể nán lại vì sợ sương mù về Pleiku trong ngày không kịp. Thôi chia tay tại Hoằng Phước vậy Hảo nhé! Hẹn lại có lần gặp nhau!
            [txt_img_l]http://nj5.upanh.com/b3.s16.d1/abe8f974d7a1592d9b60e0dcc20e182e_41711375.duongmonhcm.png[/txt_img_l]11 giờ 00: Chúng tôi ngược đường Hồ Chí Minh trực chỉ Kontum. Đường HCM chạy ngoằn ngoèo men theo chân núi. Đường tốt. Xe chạy êm ru. Thỉnh thoảng chúng tôi dừng xe lại để làm cái sự việc chẳng đặng đừng. Có lẽ nữ sĩ Huyện Thanh Quan ngày xưa khi bước tới Đèo Ngang bóng xế tà, cũng dừng chân đứng lại: trời non nước như chúng tôi, nhưng cái mãnh tình riêng có lẽ khác kiểu chúng tôi. Chúng tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm trên cầu “Xơi”, bên suối “Thác Nước” dọc đường. Ôi quê hương đất nước mình sao đẹp thế! Đẹp chùm khế ngọt, đẹp hoa cau rụng trắng bên thềm, đẹp cô em mặc yếm thắm ngồi giặt áo bên bờ ao, đẹp cô em múc ánh trăng vàng đổ đi...Và còn đẹp rừng núi giang tay bạt ngàn nối hồn thiêng sông núi. Đi mới thấy yêu quê hương, đất nước. Đi mới quí từng tấc đất ông cha đã đổ biết bao xương máu để lại cho con cháu đời sau...
    [flash=525,450]http://www.youtube.com/v/fby5aPwk7kE&feature=youtu.be[/flash]
    16 giờ 00: Chúng tôi đến vùng Ngọc Hồi, ranh giới Kontum. Nghe nói vùng này ngày xưa có những trận đánh nảy lửa. Xe vào thành phố, chúng tôi tìm đến 24 Phan Chu Trinh thăm Lê Trung Thành.
            [txt_img_l]http://nj8.upanh.com/b3.s16.d1/15608c52863d6c35290a6cfe1e63415a_41711508.nhathanhkontum.jpg[/txt_img_l]Kontum chỉ có 3 anh em cựu: Lê Trung Thành, Nguyễn Văn Lễ (đã chết cách đây vài năm) và Hoàng Văn Châu. Thành mổ tim cách đây mấy năm, thỉnh thoảng có ra tái khám ở Đà Nẵng,
    ghé thăm, ở lại nhà anh chị Trân đôi hôm. Thành dạo rày thấy yếu hơn lúc trước. Bà xã Thành suốt ngày một mình chăm chút vườn rau. Vườn rau nuôi sống gia đình. Cũng may là thành phố thuê đặt đài ăng-ten trên mảnh đất nhà Thành nên mỗi tháng cũng có ít tiền cho thằng út ăn học ở Sài Gòn. Con gái mới lấy chồng năm ngoái. Đã có cháu gái ngoại được 7 tháng tuổi nên nhà cũng vui ra.
            Hoàng Văn Châu, (lớp Liêm, Dụng, Hoàng Triều...) tôi đã có dịp kể cho anh em nghe. Và anh em cũng đã có mấy lần giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của gia đình Châu. Mấy lần giúp đỡ, tôi đều nhờ Thành trao cho vợ Châu, vì anh chàng này là con sâu rượu. Tôi đã có lần ghé thăm gia đình Châu. Tôi nhớ dường như Châu có 3 cháu. Hai cháu trai đi phụ hồ. Cháu gái năm nay nếu còn theo học thì đã lên lớp 12. Vợ thì đi bán vé số. Còn Châu trông coi nhà và coi chai. Suốt ngày bất cứ chỗ nào Châu cũng đội mũ. Lúc nào cũng dỡ tĩnh dỡ say, nghiêng ngữa liêu xiêu, lè nhè suốt. Châu mà tưởng nhớ đến anh em nào là mệt cho anh em đó. Bạn đến chơi nhà nói trớt quớt kiểu Nguyễn Khuyến chưa chắc Châu để yên.
            16 giờ 30: Xe chạy vào huyện Daktô, Tân Cảnh. Cách vài cây số bên phải là biên giới Lào. Xa xa trên núi cao là căn cứ địa Charlie. Trận đánh lịch sử khốc liệt nhất, cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo (Anh Năm), Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn Biệt kích dù đã tử trận tại đây dưới hầm trú pháo với gần 400 binh sĩ Biệt kích dù đã hy sinh. Nhà Văn Phan Nhật Nam đã viết “Dấu binh lửa” và “Mùa Hè Đỏ Lửa” mà về sau, Trần Thiện Thanh (Nhật Trường) đã cảm hứng viết lại  một nhạc phẩm bất hủ để đời: “Người ở lại Charlie”.
            17 giờ 00: Chúng tôi về tới Pleiku. Dừng chân tại 45 Phạm Văn Đồng, mái ấm của vợ chồng anh chị Miên-Đức, vừa mới xây lại hai mê năm ngoái trước khi lo đám cưới choCường, con trai đầu. Buổi chiều bình yên như nguyệt bạch. Thành phố trẻ “em Pleiku má đỏ môi hồng” gió chiều thầm vương mát rượi. Chị Miên và cháu dâu vợ Cường tươm tất nấu sẵn cho mỗi người một  tô bún, bởi chúng tôi bụng đói từ sáng Hoà Khánh tới giờ. Vì sợ sương chiều phủ mờ sớm không  kịp về Pleiku nên không ghé ăn dọc đường.. Đức dẫn chúng tôi lên giao phòng. Tắm rửa, nghỉ ngơi để kịp 6 giờ 30 có hẹn với Nguyễn Hoàng.
          18 giờ 30: Đây rồi quán “Giảo Cổ Lam” của Hoàng vừa mới mở cách đây vài tháng. Cái quán độc nhất vô nhị có cái tên dễ gây tò mò. Tôi quên mất tên con đường. Giờ này quán đã thưa khách. Hoàng vui vẻ ra đón chúng tôi. Sau vài câu hàn huyên thăm hỏi, Hoàng mời chúng tôi vào quán. Tôi có mối lương duyên với Hoàng từ lúc Hoàng còn ở Kim Châu, nhất là anh em khắng khít nhau nhiều trong thời gian gian khổ ở Thổ Hoàng sau biến cố Mậu Thân. Anh em chúng tôi đang ngồi đây có ba người tù tội: Cha Hoài An, Hoàng Đức và tôi. Rõ là chữ tù liền với chữ tu một vần! Thời gian đó Hoàng và Bảo (cháu Thầy Vénard) tình nguyện đi dạy học cho anh em dân tộc dưới cầu 14, vùng rừng núi Daksak, Daksông. Phải trèo đèo lội suối gần cả ngày đường mới tới nơi. Thỉnh thoảng Hoàng xin về phép mua chút ít quà vào thăm nuôi anh em chúng tôi trong tù, có cả Cha Già Lộc cũng đang bị biệt giam. Kể làm sao hết những kỷ niệm thân thương của anh em chúng tôi trong giai đoạn này ở Cộng đoàn Thổ Hoàng...Hồi ấy, trong Dòng có nhiều người tên Hoàng, nên anh em thường gọi Hoàng là “Hoàng Nêru”. Bởi lẽ nước da Hoàng không được trắng lắm. Cũng giống như chúng tôi thường gọi cha Thanh là Thanh “Noir” vậy. Nhờ con dấu tròn trong giấy chứng nhận “nhà giáo nhân dân” lúc ấy và nhờ tài lanh lợi, khôn khéo và chân tình, không bao lâu Hoàng leo lên chức Giám đốc Sở Du lịch Pleiku, có cả một đoàn xe chở khách Hoàn Cầu chạy khắp tuyến, có Văn phòng riêng...
            Thời thế đổi thay! Bây giờ Hoàng làm ông chủ quán “Giảo Cổ Lam”. Cả vợ con cùng làm. Có thêm mấy cháu muốn vượt khó xin vào giúp việc Hoàng sẵn sàng giúp đỡ.Tôi biết Hoàng rất có tình với Dòng và hay giúp đỡ anh em. Riêng tôi, tôi rất cám ơn Hoàng. Hoàng đã cho tôi tài liệu “Suối Nguồn Tươi Trẻ”. Tôi đã tập năm thức này gần chục năm. Năm nay, đã ngoài 70 , mặc dầu bị “tường đè” mà đầu tóc tôi vẫn chưa bạc. Tôi còn có thể đi đây đi đó thăm anh em. Bây giờ tôi được Hùng Xệ mách nước uống thuốc “Giảo Cổ Lam” và được Hoàng khuyến khích uống môn thuốc này. Hôm nay Hoàng nấu món “Giảo Cổ Lam” đặc biệt cho anh Tám ăn. “Giảo Cổ Lam” nấu chung với lòng bò non, bắp chuối non và chút bí quyết, khi ăn vào thấy đăng dắng, rồi ngon ngót. Lạ và tuyệt! Lệnh Hoàng tất cả đều chơi bia lùn. Riêng anh Tám vì bị “tường đè”,  tuỳ ý uống “Heinerken”. Dịp này cha Hùng có xuống chung vui với chúng tôi, nhưng phải về sớm vì công việc của giáo xứ. Nửa chừng khi tàng tàng chén cúc, Đặc phái viên Đỗ Hữu mới nhớ sực mình bị ép uống cái thứ nước mà mình không thích, bèn yêu cầu đổi “gu”. Nguyễn Hoàng chìu ý. Thế là chén thù, chén tạc, chén chú chén bác, ly anh ly em. Chủ quán kiêm đầu bếp Nguyễn Hoàng làm mấy đĩa mồi đưa hơi ngọt cực kỳ! Đặc biệc có món gõi cá lóc cuốn với mười mấy thứ rau toàn là các vị thuốc, chấm với nước chấm “gia truyền” ngon tuyệt chiêu. Cuộc chơi giữa Hoàng và Hữu chưa sòng phẳng. Hoàng Đức muốn nhập cuộc kết thúc cái sự cò kè. Đỗ Hữu giả lơ...
    [flash=525,450]http://www.youtube.com/v/L7I4YIGL6KQ&feature=youtu.be[/flash]


           
    Anh phải về thôi, xa em thôi! Chúng tôi cám ơn và từ giã Hoàng về lại nhà Hoàng Đức đánh giấc để mai còn về lại Nha Trang. Đêm cuối trong chuyến đi không nao lòng khó ngủ, nhưng bởi vì hai cái máy ...ngáy hai bên nổ to quá khiến người nằm đó cứ trăn trở hoài. Lại thêm
    Đặc phái viên Đỗ Hữu không biết nhớ chị nhà hay uống chưa đủ đô cứ thao thức ra vô không ngủ...làm mình đâm lo!


    Thứ hai (27.2.2012)
    Nha trang ngày về


            Buổi sáng, Hoàng Đức 4g30 cho chuông mở nhạc đánh thức chúng tôi dậy. Chị Miên đã thức dậy sớm hong xôi và pha cà phê chuẩn bị cho chúng tôi ăn sáng. Đức nói với tôi ăn uống gì thì chị nhà cũng ra tay làm tất, không ăn ngoài. Tôi nghĩ đây cũng là một bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình. Hoàng Đức đã “book” vé cho chúng tôi sẵn. Hai cháu Cường & Sơn lái xe nhà đưa chúng tôi ra bến xe lấy vé. Đỗ Hữu về lại Buôn Mê. Ba anh em chúng tôi: Cha Hoài An, Hùng và tôi về lại Nha Trang. 

           Kết thúc một chuyến đi tốt đẹp! “Thầy” ơi! Chúng con cám ơn Thầy đã giữ gìn chúng con bình an trên hơn ngàn cây số. Nơi đâu chúng con cũng nhận được những sự chăm sóc tận tình và những tình cảm thân thương quí mến của anh em. Vạn Giả không một vạn lần giã dối. Chúng con ghi nhớ những tình cảm chân thành của những người em An-rê Phú Yên. Chúng con ngậm ngùi khi trở lại thành Đồ Bàn (Kim Châu BĐ) dẫm lên lối xưa xe ngựa mà chạnh nhớ thương hồn thu thảo. Làm sao quên được những thằng em lưu lạc đứa Phú Thượng, đứa Đại Lộc vẫn ôm trong lòng hình ảnh của Thầy đi đi làm chứng nhân cho Thầy! Con xin Thầy hãy nhớ tới cái quán “Giảo Cổ Lam” của Hoàng Nê-ru cho dập dìu tao nhân mặc khách. Con cũng xin Thầy chúc phúc và trả ơn thật nhiều cho vợ chồng anh chị Miên-Đức và các cháu đã giúp đỡ chúng con.

            Ba anh em chúng tôi về lại Nha Trang lúc 2g15 chiều cùng ngày. Tạ ơn Chúa!

    Chuyến đi thăm anh em vùng Tây nguyên và cánh Nam sẽ bắt đầu ngày 15.3.2012.

    *******************************
    BÀI VIẾT: Tám Sự 
    HÌNH ẢNH VÀ VIDEO:Đình Việt Hùng, Đỗ Hữu
    *******************************
    MỜI ĐỌC NHẬT KÝ CHUYÊN VIẾNG THĂM::
    + TUYẾN BẮC:
    - PHẦN 1: NHÓM VAN NINH và TUY HÒA
    + TUYẾN NAM. 
    - PHẦN 1: LIÊN NHÓM TÂY NGUYÊN
    -PHẦN 2: Nhóm LâmHà (L.Đồng), Longkhánh (Đồng Nai.)
    - PHẦN 3: NHÓM SAIGON


    ĐÓN XEM:
    PHẦN 4: NHẬT KÝ CHUYẾN VIẾNG THĂM ANH EM CÁNH NAM, NHÓM BÀ RỊA-VT, HÀM TÂN....

    Không có nhận xét nào: