CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

    Huynh Eymard Lý Tôn Tịnh Hy

     

    Mất ngày 21/04/2021   

    GIA TỘC

    Thầy Eymard tên Lý Tôn Quới, đổi thành Lý Tôn Tịnh Hy sau khi khấn dòng lần đầu, sinh 1929  tại giáo xứ Gia Hựu, tỉnh Bình Định, giáo phận Qui Nhơn. Thân phụ của Thầy là Lý Hội và thân  mẫu là Bùi Thị Tài.  Ba anh em của Thầy Lý Hào Phú, Lý Long Vọng và Lý Cầu, đều đã cùng  sum họp với thân phụ mẫu trước–nơi nước Chúa. Thầy giã từ người vợ khả ái, Saysamone, bốn  người con rất hiếu thảo, cháu và chắt nội ngoại mãi mãi quấn quýt bên Thầy từ thuở mới chào đời.  Ngoài ra, Thầy còn một người cháu hiện đang định cư tại bang Cali và vài người đang sinh sống  các tiểu bang khác và Úc. 

    Đời Dâng Hiến 

    Thầy nhập “Dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Giuse” năm 1942, khấn lần đầu năm 1952, và khấn  trọn năm 1961. 

    Một sự kiện đáng nhớ: 1953, Thầy trốn ra khỏi khu Việt Minh (Khu 5), xuống Qui Nhơn, vượt  biên đường biển vào Nha Trang. Tháng 5 năm 1954, Thầy nhập nhóm Giuse Nha Trang thời Đức  cha Marcel Piquet Lợi (lúc ấy, nhà Dòng chưa có cơ sở chính hoạt động tại Nha Trang) 

    Từ 1955-1956, Thầy giúp giáo xứ Hộ Diêm, Tỉnh Ninh Thuận; 

    Năm 1957, Thầy về dạy tại Đệ Tử Viện, dòng Mẹ tại nha Trang; 

    Từ năm 1964-1966, Thầy được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trung học Đặng Đức Tuấn, Tuy Hòa,  Phú Yên; 

    Từ 1967- 1969, Thầy lại được chuyển về Kim-Châu làm Hiệu Trưởng Trung học Thánh Giuse,  Bình Định; 

    Năm 1970, Thầy về lại Dòng Mẹ Nha Trang trau dồi Anh ngữ chuẩn bị đi du học;             

    Năm 1971, Thầy đi du học tại Canada (University of Laval) cùng nơi Thầy Vincent Ngân đã đến  trước từ năm 1969.  

    Sau năm 75, Thầy được Linh mục Phạm Minh Hứa, Tuyên uý của "Hội Liên Tu Sĩ Bắc Mỹ", bảo  trợ sang Mỹ phục vụ cho người tỵ nạn, tạm trú trong đại chủng viện thánh Tôma, vừa làm cho hội  thiện nguyện (USCC) vừa dạy thêm môn toán tại trường trung học nơi thành phố thủ phủ Hartford  của bang Connecticut. 

    Nhập Thế             

    Những gì Thiếu Chúa đã kết hợp, nào ai dám ngăn trở. Sau hơn thập niên xa hội dòng, xa quê  hương, Thiên Chúa đã an bài, xếp đặt cho Thầy một hành trình mới, một hôn nhân, một gia đình  và một mái ấm cần thiết cho sứ mệnh làm người của Thầy.  Saysamone đã trở thành người vợ, vừa  đảm đang vừa dịu hiền và vừa biết hy sinh tất cả để cùng Thầy xây dựng một tổ ấm êm đềm và  hạnh phúc đến hơi thở cuối cùng. 

    Là một người với chiều sâu nội tâm, Thầy ít nói, nhưng, sức mạnh của tình yêu và quan tâm về  tha nhân toả sáng trong từng ánh nhìn, từng lời nói, từng hành động. Một người chồng, người cha,  người ông gần như hoàn hảo, đã thánh hoá mọi người chung quanh, và chính nhân đức sống của  Thầy đã được thiên Chúa bù đắp lại với từng ngày sống trong tâm hồn an bình. 

    Khoảng năm 1980, Nguyễn Trể, quê Cây Vông, là người anh em Giuse đầu tiên được Thầy giúp  định cư. Sau đó, anh Nguyễn Thế Thân, gốc Bình Định, cũng được Thầy giúp. Trong thời gian  nhiều năm sống gần nhau, tình thầy trò trở nên mật thiết, thân ái hơn. Hằng tuần, Thầy ghé thăm  gia đình anh Thân, thăm hỏi, hàn huyên. Sau thời gian phục vụ trong chương trình định cư người  tỵ nạn, Thầy tiếp tục sứ mệnh làm nhà giáo, dạy tại trường trung học trong thành phố thủ phủ  Hartford, bang Connecticut. Cuộc đời phục vụ tha nhân chồng chất lên vai Thầy bao nhiêu trách  nhiệm, một phần phục vụ tại trung tâm giúp người tỵ nạn định cư.  Là một tu sĩ dấn thân vào sứ  mệnh giáo dục thanh thiếu niên, Thầy đã miệt mài dạy kèm không biết bao nhiêu học viên, dạy  mãi đến khi Thầy không còn sinh lực thể lý nữa, nên chi, trong cuộc đời của Thầy, hai từ "về hưu"  hoàn toàn không hiệu hữu.   

    Không mấy người Việt mang tên thánh Eymard, do đó, càng ít người biết được gương nhân đức  và thánh thiện của đấng thánh phụ. 

    Là một người Kitô giáo, là một tu sĩ, Thầy Eymard sống một đời sống noi gương thánh quan thầy,  âm thầm, nhẫn nại, hy sinh, khó nghèo, phục vụ tha nhân hết linh hồn, hết trái tim của riêng mình. 

    Suốt một cuộc đời sống xa quê nhà, xa hội dòng, xa tất cả.  Nỗi nhớ nhung mãi mãi dâng lên ngút  ngàn. Nhớ, mãi mãi nhớ, nhưng Thầy cố dồn nén, che dấu nỗi nhớ vô biên trong lòng. Nhớ, nhớ  vô vàn, để rồi mỗi lúc gặp bất cứ người thân nào, đặc biệt là trong những ngày cuối đời, trong viện  dưỡng lão, không ai nghe những gì Thầy muốn hàn huyên tâm sự, nhưng, những dòng nước mắt  lăn dài trên đôi má với nếp da nhăn, đã nói lên thay lời, đã biểu hiện rất nhiều muôn vàn nỗi nhớ. 

    Nhớ, nhớ lắm chứ! Nhớ, biết nói gì đây, nói với ai, nói lúc nào...nỗi nhớ quê hương, nhớ hội dòng,  nhớ anh em...quệnh lại trong từng giọt nước mắt.                                                                                       

    Người ta thường nghe, "Rời xa quê hương, nhưng quê nhà mãi mãi trong tim tôi." 

    Thầy Eymard rất tâm đắc ý tưởng nầy, và dường như, Thầy đã áp dụng một cách thấm thiết trong  sứ mệnh làm "NGƯỜI" của Thầy. Từ khi không còn khoát lên người chiếc áo dòng của "Anh Em  Hèn Mọn Thánh Giuse", Thầy mãi mãi hành trình với tâm tình và ý hướng của một người dấn thân  cho Chúa, sống vì tha nhân và không để "cơm gạo áo tiền" tác động vào từng nhịp sống của Thầy.  Nếu thánh Eymard, người yêu mến "Thánh Thể" đến tận cùng, thì Thầy Eymard hẳn có một tình  yêu tha nhân, yêu gia đình và mọi người một cách rõ nét.  Nhìn vào nếp sống, lối cư xử và sự tôn  kính của mọi người quen biết Thầy, đặc biệt là những người vợ, các con, cháu chắt, tất tất đều tôn  kính Thầy–người cha nhân ái, và được đáp đền bằng sự báo hiếu hết mực cho đến ngày cuối trong  cuộc đời trần thế. 

    Một người con viết: "Mời mọi thân hữu, gia đình, và họ hàng cùng đến tham dự "Lễ Truy Niệm"-  viếng xác và chia sẻ tâm tình về cuộc đời của người Cha chúng tôi" [We invite all friends and  family to celebrate Dad’s life in a memorial viewing service with eulogy at Newcomer Funeral  Home; South Seminole 335 E SR 434, Longwood, FL 32750 at 6:00pm, May 6th] 

    Người Tây, Mỹ sử dụng từ "celebrate" mang ý nghĩa trân trọng, đề cao và mừng vui về cuộc đời  đã sống, đáng sống của một người, thay vì khóc than, thương tiếc.

    Trong tâm tình và ý hưởng đó,  chúng ta cùng hiệp thông với người thân, bằng hữu và gia đình hiện diện trong tang lễ cũng như  khắp nơi trên thế giới, cùng trong tâm tình tạ ơn, chúng ta đã có một người Thầy đáng kính, đã  sống, đã nêu gương sáng cho chúng ta đến hơi thở cuối đời. Thầy ít nói, nhưng, trong sự thinh  lặng, Thầy đã thể hiện rất nhiều lòng bác ái và tình người. Rồi, trước khi giã từ chúng ta, Thầy  cũng không thốt lên một lời từ giả, chỉ biết để lại trong trái tim, tâm thức của mỗi người những  giọt nước mắt mặn mà tình người Thầy chắt chiu mãi trong tim. 

    Một tuần trước khi Thầy vĩnh biệt cõi thế, Thầy Vincent Ngân từ Canada gọi điện thoại thăm hỏi.  Thầy Eymard vẫn còn tỉnh táo, tuy thân xác đã rã rời. Thầy Vincent chia sẻ tâm tình, ủi an.  Thầy  Eymard nhắn nhủ ân cần và giã biệt.  Thầy cảm tạ ơn Chúa, sẵn sàng ra đi trong an bình.  Quả thật,  chúa đã đón Thầy Eymard về với Chúa trong giấc ngủ–giấc ngủ yên bình ngàn thu. 

     

    Tâm tình người viết... 

    Thầy ơi, ngay lúc nầy, chung quanh thầy có người vợ hiền, các con ngoan, các cháu thảo. Nhìn  chung quanh, còn các cháu trong dòng tộc, có anh Thân, thay mặt cho anh em cựu Giuse, anh  Thiệu và nhiều người Thầy đã cưu mang–mang đến cho họ đời sống mới, cuộc sống anh bình, ổn  định. Từ khắp nơi, từ trên quê hương, nhiều cựu tu sĩ, tu sinh, và bao nhiêu học trò đã một lần thụ  giáo với Thầy, cùng hướng lòng nhìn lại Thầy lần cuối, nghiêng mình bái chào vĩnh biệt.  Thầy  không nhắn nhủ gì thêm, nhưng, những gì Thầy đã hy sinh một đời cho mọi người đã gói trọn  những gì ngôn ngữ không diễn đạt được. Thầy ra đi, để lại cho chúng con hành trang vào đời, như  chính Thầy đã một đời song hành với chúng con. 

    Tâm tình gửi đến chia sẻ với anh em hôm nay, mong chỉ nhắc nhớ chúng ta về các đấng tiền bối,  về cội nguồn, về cái nôi đã một thời nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, người hữu dụng  cho chính mình, cho gia đình, cho cộng đoàn và xã hội. Viết, để vơi đi những món nợ thiếu sót với bao ân sư đã ra đi trước.  Viết thay cho những ai chưa  một lần biết về người Thầy khả kính, thay cho những đồng môn xa xăm muôn trùng–viết thay cho  những người muốn thốt lên, nhưng không sao nói nên lời, viết thay cho bao người biết, muốn tri  ân Thầy, nhưng chưa một lần được dịp ghé lại, gọi thăm, hoặc được lắng nghe Thầy hàn huyên,  tâm sự, nhắn nhủ.

    Được Chúa chọn và sai đi một hành trình dài hơn [91] năm, không phải là điều ai ai cũng mong  ước được, nhưng chính mỗi người trong chúng ta đã và đang sống, "celebrate" từng hơi thở, từng  nhịp tim, từng ngày sống của chúng ta ra sao.  Rồi, một ngày kia, những người thân, bằng hữu tề  tựu, quay về bên thân xác không còn nhịp tim, không còn hơi thở, sẽ nói gì, sẽ nhớ lại những gì về  kiếp sống nơi trần gian của chúng ta.  Có lẽ, không nhớ về kiến thức, kinh nghiệm sống, địa vị,  tiền tài hay danh vọng, hoặc những gì chúng ta mãi mãi nỗ lực ra để vun xới và xây dựng, nhưng,  sẽ nhớ mãi phong cách sống, tình người, trái tim nhân ái và giá trị sống chúng ta chia sẻ với mọi  người đi qua trong đời mình.   

    Hãy làm tất cả những gì cho nhau khi chúng ta còn có thể, còn nghe biết, còn mong mọi người  khác làm cho mình, như vậy, chúng ta sẽ sống thực với tinh thần của người Thầy chúng ta, tinh  thần của người Kitô giáo. "Anh em hãy vác đỡ gánh nặng cho nhau, như thế, anh em sẽ chu toàn  luật Đức Kitô.” [“Carry each other's burdens, and in this way you will fulfill the law of Christ.”  Galatians 6:2] 

    Bernard Nguyên-Đăng (MH)  Dallas, Texas 

    5:00pm, May 6, 2021 

    BernardLawDr@gmail.com 

    * Viết vội với các thông tin, dữ liệu trong bài viết được cung cấp bởi văn khố của Dòng, của Thầy  Vincent Ngân, Thầy Remi Sự, Anh Thân, Anh Thiệu và Ai điếu của người con của thầy Eymard.  Những sai sót, thiếu sót ngoài ý muốn, vì thời gian quá cấp bách và nguồn dữ liệu không đầy đủ,  phong phú như ý. Mong tha thứ và góp ý. 

    FACEBOOK:

    https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=3095204370721637&id=100006963129449 





    Không có nhận xét nào: