CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

    GHI NHỚ VỀ THẦY PAUL ĐỊNH - PeterHoàng ( Hồi ký )

    GHI NHỚ VỀ THẦY PAUL ĐỊNH - PeterHoàng ( Hồi ký )

    Gửi bàigửi bởi Quangnam vào ngày Thứ 3 Tháng 9 28, 2010 6:59 pm
    GHI NHỚ VỀ THẦY PAUL ĐỊNH



    PeterHoang

    Thầy Paul Định thuộc lớp thứ hai hay thứ ba lúc đầu vào Dòng Thánh Giuse. Hình như thày không đi ra phục vụ các giáo xứ, mà làm việc quản trị nhiều hơn, nhất là thời gian tôi sống ở Dòng. Thầy là người rất nghiêm chỉnh, cho nên anh em vẫn kính sợ thầy lắm. Lúc mới đầu kháng chiến, Khi chính phủ Pháp được người Anh cho thay thế để giải giới quân Nhật thất trận  Thế chiến II, và trở lại Đông Dương. Và khi cuộc họp Fontainebleau năm 1946 giữa Việt Minh và Pháp thất bại và chiến tranh bùng nổ giữa hai bên, Việt Minh hô hào “tiêu thổ kháng chiến” chống Pháp để buộc dân cư tản cư khỏi thành phố và phá hủy nhà cửa ở Qui Nhơn. Họ cũng có lợi trong mưu toan Cộng sản muốn tiêu diệt lớp người giàu có cũng như tôn giáo để cho nông dân vô sản đứng lên tung hoành trong xã hội mới. Sự thật lúc ban đầu nghe tin nước nhà thoát ách nô lệ nước ngoài và được độc lập, mọi người dân cũng hào hứng cho vận mệnh quốc gia và ủng hộ kháng chiến Việt Minh, tuy một số thức giả hoài nghi sự giả trá và tàn bạo của chủ nghĩa Cộng sản. Anh em trong Dòng cũng hăng hái đi biểu tình khi chính quyền kêu gọi, và khi Việt Minh xin mượn dãy nhà phía bắc ở Dòng Kim Châu để đóng quân, thì bề trên cũng sẵn sàng chấp nhận. Nhưng sau khi họ đột nhập vào khám xét và bắt bề trên André đi thì sự tin tưởng vào họ không còn nữa. Trong dân chúng càng có sự hiềm khích giữa lớp địa chủ và bần cố nông với cuộc Cải cách Ruộng đất làm cho nhiều người giàu có phải điêu đứng và xã hội đói rách thêm.
    Trong thời gian kháng chiến, thầy Paul coi sóc nhà in di tản, nguyên là nhà in Mission de Qui Nhơn của địa phận. Nhà in này trước kia nổi tiếng vì in sách báo Quốc ngữ với nhiều mẫu chữ đẹp. Nhà in bị phá sập. Họ cũng định triệt hạ các cơ sở Công giáo ở Qui Nhơn. Trường Gagelin ngay cạnh nhà thờ chính tòa (trường này trước ở Kim Châu được dời về tỉnh lỵ và cơ sở cũ được bán lại cho Dòng Giuse) đã bị san bằng. Tòa Giám mục đã bị đục phá nhiều phần tường giữa các trụ cột, nhưng Cha Đặng Quyền Huy làm giám quản phần địa phận bắc Đèo Cả (ĐC Marcel Piquet Lợi bị kẹt ở Nha Trang) lên Liên Khu V tranh đấu cho nên họ ngưng lại nửa chừng, bằng không Tòa Giám mục đã bị triệt hạ và nhà thờ chính tòa cũng có thể bị đe dọa, vì thành phố Qui Nhơn không còn người ở. Bề trên André cũng tháp tùng Cha Huy lên Liên Khu V khiếu nại vì e sợ họ có thể phá nhà Dòng Kim Châu nữa. Lúc ban đầu, Việt Minh còn yếu thế, nên họ còn dùng nhiều người có học từ trường Công giáo làm chức đầu trong các cơ quan chính quyền (nhưng quyền hành trong tay người phó là đảng viên ít chữ nghĩa) và còn kính nể và ve vãn người Công giáo. Sau khi nhà in Qui Nhơn bị phá, Cha Huy, lúc đó kiêm luôn chức tuyên úy của Dòng sống ở tại Kim Châu, cho các thầy được di chuyển một số máy in và nhiều bộ chữ về Nam Bình (gần Gò Bồi, Gò Thị), rồi sau về Đại An (nơi xưa là chỗ đào tạo các thầy giảng và lớp chủng sinh ban đầu). Thầy Paul coi sóc nhà in này, cũng làm cơ hội tốt để nuôi sống nhà Dòng (tài chánh đã kiệt quệ) nhờ việc in sách và tài liệu của Liên Khu, vì trong Liên Khu chi còn vài nhà in mà nhà in Mission có bề thế hơn cả, súc tích với nhiều bộ chữ. Thời đó, máy in không có điện phải dùng bàn đạp chân và chữ được sắp công phu bằng tay, anh em phải làm việc vất vả nhiều để cho Dòng được sống còn. Đã có người muốn có các một số bộ chữ đẹp của nhà in Mission (nhà Dòng chỉ quản lý chứ không thể bán vì là của địa phận, tuy dù có rất nhiều bộ chữ mới nguyên chưa sử dụng tới), đã mưu toan ăn trộm nhưng bị bắt được.
    Thầy Paul không tiếp xúc với bên ngoài nhiều và do đó ít biết về Cộng sản nên cũng vui vẻ tiếp xúc thịnh tình với họ. Do đó, khi Việt Minh tổ chức hội nghị Liên Tôn ở ngoài Bắc cho khắp nước để hướng các tôn giáo hợp tác với họ, họ mời thầy Paul tham gia, cùng Cha Đổng của Qui Nhơn (cha đã bị giam trong vụ Gián diệp Bình Định và tự thú ăn năn lỗi lầm) với Cha Kính từ Nam Bộ (Cha này có ghé Dòng lúc đi ra cũng như lúc trở về) và nhiều người Phật giáo khác. Nhóm này đi bộ ròng rã mấy tháng để ra tận vùng rừng Phú Thọ hiểm trở để họp (có Cha Trực của Hà Nội, và Cha Kỷ, Cha Kỷ sau 1954 vào Miền Nam ở Sài Gòn) và được tiếp kiến chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đi đường hẻm trong rừng núi khá vất vả, theo sau một người dẫn dắt, băng suối, đi nhanh người nọ cách người kia một quãng để tránh bị địch sát hại, ăn uống đồ khô mang theo túi đeo lưng. Sau khi trở về, thầy Paul cũng hào hứng kể lại cuộc họp, trong lúc đó anh em trong Dòng rất nghi ngại thầy, không dám bàn tán gì. Cha Kính là tuyên úy Liên Khu VII trong Nam, không biết gì Cộng sản, lần đầu ghé Dòng, có nói chuyện với anh em và Cha Huy, Cha Kính bị chất vấn nhiều vấn đề tế nhị, lần sau Cha từ Bắc trở lại, trong cuộc nói chuyện, có vẻ hoài nghi dè dặt về Cộng sản hơn. (Hình như Cha mất đi trong Nam cũng mờ ám cũng như Dương Bạch Mai, công dân Pháp theo Đệ tứ Quốc tế theo kháng chiến của Hồ Chí Minh thuộc Đệ tam Quốc tế.)
    Sau lần đi hội nghị, chính quyền thường mời thầy Paul đi họp và họ mở nhiều cuộc mít-tinh để các vị đã đi hội nghị về nói chuyện tuyên truyền với dân chúng. Thầy Paul phải đi tham gia nói chuyện như thế nhiều lần trong các làng xã, và bề trên (lúc này thầy Gérard coi sóc Dòng vì thầy André bị giam giữ) không thể ngăn cản gì. Những cuộc nói chuyện cũng rất vất vả. Theo thầy Paul kể lại thì mỗi khi đi nói chuyện, thầy phải viết bản thuyết trình nộp cho cán bộ cấp trên duyệt xét, rồi phải nhiều lần thực tập nói chuyện trước một số cán bộ. Khi diễn thuyết với dân chúng, họ xem xét tỉ mỉ từng giọng nói, từng cử chỉ, và dạy phải chấn chỉnh làm sao để cho nhuần thục theo ý họ muốn. Sau mỗi cuộc nói chuyện, thầy lại phải họp với họ để nghe họ phê bình lần nói chuyện đó để rút kinh nghiệm sửa chữa cho lần tới. Tức là thầy phải làm như cái loa tuyên truyền theo ý Cộng sản. Do đó thầy có vẻ kém sự thân thiện với họ. Những cuộc đi hội nghị Liên Tôn và nói chuyện với dân chúng này xảy ra không lâu trước ngày đình chiến theo hiệp định Genève năm 1954. (Sau khi Dòng dời về Nha Trang, bề trên có cho thầy lánh ra nước ngoài một thời gian?)
    Cha Liêm từ khi Việt Minh lên nắm quyền đã mời Cha vào chức vụ một trong 7 người lãnh đạo Liên Khu V, có mang chứng chỉ do Hồ Chí Minh ký, làm việc bù nhìn suốt 8, 9 năm. Họ muốn dùng Cha làm bình phong cho giới Công giáo tin tưởng vào kháng chiến. Cha này có xin tá túc chung trong nhà với tôi nhiều tháng ở Thành Sơn (họ nhánh của Gia Hựu), vì trong thời kháng chiến, các cơ quan hành chánh Việt Minh thỉnh thoảng di chuyển đi nơi khác và đóng trong nhà mượn của thường dân để tránh bị Pháp ném bom bắn phá; cán bộ thì ở chung với dân. Cha rất tốt, không làm hại gì cho đạo. Cha cũng thổ lộ với tôi là khi Cha họp thì các vấn đề bàn luận đã được quyết định sẵn cả rồi. Họ cũng không tin tưởng ở Cha và Cha cũng không tin họ. Sau 1954, Cha không đi ra Bắc mà đổi tên và gia nhập một địa phận miền Hậu Giang. Cho hay là Việt Minh dùng những mưu mô thâm sâu hiểm độc cho mục đích của đảng Cộng sản, nhưng vẫn muốn tiêu diệt Công giáo hay sự tự do tìm hạnh phúc của người dân. Ngày nay ai càng thấy rõ rệt sự thật về Cộng sản đầy gian trá, thối nát và phản dân hại nước đó.

    PeterHoang
    NGƯỜI VỀ TỪ HOẢ NGỤC TRẦN GIAN
    Hình đại diện của thành viên
    Quangnam
     
    Bài viết: 1439
    Ngày tham gia: Thứ 3 Tháng 7 15, 2008 1:21 pm

    Không có nhận xét nào: