CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

    CÁNH ĐỒNG CÂU GIANG - Peter Nguyễn

    CÁNH ĐỒNG CÂU GIANG - Peter Nguyễn

    Gửi bàigửi bởi Quangnam vào ngày Thứ 7 Tháng 11 13, 2010 6:40 pm
    CÁNH ĐỒNG CÂU GIANG
    PeterNguyen

    Trong 9 năm (1945-54) sống thời kháng chiến chống Pháp, Việt Minh nắm chính quyền. Ban đầu sau khi cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim, họ còn yếu thế và cố gắng thu phục lòng dân để củng cố quyền hành. Nhưng sau khi hội nghị ở vịnh Hạ Long năm 1946 với người Pháp tan vỡ, họ kêu gọi toàn dân kháng chiến, cô lập phần đất Liên khu V từ Quảng Nam dến Đèo Cả thành vùng hoàn toàn được họ kiểm soát, không còn ai liên lạc với các nơi khác trong và ngoài nước.

    Dòng Thánh Giuse ở Bình Định bị chia cắt, một số ở phía nam Đèo Cả: anh em hoạt động ở tỉnh Khánh Hòa và Phan Rang không còn liên lạc được với nhà Dòng, và Đức Cha Piquet Lợi của Địa phận Qui Nhơn bị kẹt ở Nha Trang, ngài là bạn thân và cũng là đồng sáng lập viên của Dòng. Nguồn lợi sinh sống của Dòng lúc trước nhờ vào ĐC Piquet và cánh đồng rộng lớn phì nhiêu ở Phan Rí là tài sản nuôi sống của Dòng, bấy giờ bị cắt đứt. Nhà Dòng chỉ còn lại cánh đồng nhỏ Câu Gioan ở phía nam chủng viện Làng Sông, sát dầm Thị Nại với 38 mẫu ruộng.

    Những năm Thế Chiến II và người Nhật làm chủ Đông Dương, nhà Dòng đã kiệt quệ tài chánh, không còn thu nhận đệ tử nữa, và nhiều anh em hoạt động ở các giáo xứ bị trả về Dòng, đời sống thật là khó khăn. Quái ác hơn nữa là thuế nông nghiệp được chính phủ đề ra để tiêu diệt lớp nhà giàu và các tôn giáo. Vì thế hội đông bề trên đã cố gắng tìm mọi sinh hoạt thêm nữa để có tiền sống: nào làm giấy, làm nhà in, đóng sách… Cánh đồng Câu Gioan bấy giờ là mạch sống cuối cùng của tu viện.

    Dù cố gắng vâng phục chính quyền để trả món nợ nặng nề quá cao, cánh đồng Câu Gioan cũng giúp được nuôi sống trong hoàn cảnh khó khăn số hơn 30 anh em đã khấn ở nhà Dòng. Cánh đồng Câu Gioan muốn bớt số tiền chi phí cho thợ làm ruộng, nhiều khi nhờ tay anh em, nhất là vào dịp hè, góp phần lao động nông nghiệp. Anh em phải đi cày ruộng, làm cỏ, gặt hái cực nhọc, là những việc chưa bao giờ làm, nhưng vì thời thế, mọi người vẫn vui vẻ góp công để hội Dòng được tồn tại. Ngoài cơm, thức ăn thịt cá bổ dưỡng cũng rất khan hiếm và đắt tiền. Ở đây có thầy già Simeon coi sóc ở trong một căn nhà tranh.

    Thời đó mọi người chấp nhận khắc khổ, theo lệnh chính phủ không được ăn cơm nguyên chất mà cơm nấu phải được trộn khoai lang, bắp hay khoai mì. Mùa hè anh em nhiều người về Câu Gioan phụ giúp thầy Simeon. Ở phía gần đầm Thị Nại có bờ đê đất ngăn cách che chở cánh đồng khỏi nước mặn do thủy triều dâng lên vào ruộng làm hư hỏng cây lúa. Phía gần đầm có cổng đập với ván ngăn đóng mở để điều hành mực nước trong ngoài khác nhau theo tuần trăng, có một vùng nước bên trong cũng nuôi được một ít tôm cá. Thỉnh thoảng anh em sau giờ lao động, xuống tắm và bắt được vài tôm cá để ăn. Chúng tôi cũng vui thú với cảnh dầm nước, hay những lúc mò tôm hùm, bắt cá đối, cá dìa đem nướng thành bữa nhậu khoái khẩu. Sự thực thường ngày anh em ăn uống rất kham khổ. Đám cỏ phía tây dẫy nhà giữa gần nghĩa địa được trồng rau muống là thức ăn nhiều nhất cho anh em thêm vào chút cá mắm ít oi. Thầy Simeon cũng học đòi thêm nghề làm nước mắm với cá cơm mua lại từ ngư phủ ven biển. Do đó, khi vào Nha Trang, nhà Dòng cũng tiếp tục nghề chế tạo nước mắm bán kiếm tiền nuôi sống.

    Gần cánh đồng Câu Gioan có một núi đá tí ti ở thoi loi giữa cánh đồng thấp lầy mênh mông ở Tuy Phước. Chỏm núi kết thành lạ lùng toàn khối bằng đá vôi trắng, chúng tôi cũng vui vẻ thường leo lên đó chơi. Theo truyền tụng, người ta bảo rằng, ngày xưa, một ông Khổng Lồ đắp bờ đê thành Sòng tác núi San hô bên bán đảo Phương Mai, chận bắt con cá vượt to lớn trong đầm, ông ăn cá bỏ lại nắm xương lập thành gò núi đất này.
    Cánh đồng Câu Gioan là nơi anh em được nuôi sống trong tình cảnh nghèo túng thời Việt Minh. Tuy anh em có góp phần cực khổ, nhưng cũng là nơi anh em hưởng được thời gian ngắn nghỉ mát trong bầu không khí trong lành, có được những bữa ăn bồi bổ hơn và những vui thú trong tình đoàn kết gắn bó với trong tình thân thiết chung sống trong Dòng.

    PeterNguyen

    Không có nhận xét nào: