CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

    Giuse Trong Mình _Bernard “MH” Nguyên-Đăng

                 Hôm nay, một người bạn ngoài công giáo, qua lời mời của mình, đã đến viếng thăm nhà Dòng, chụp và chia sẻ với mình một số hình. Tuy không đầy đủ nhiều góc độ, nhiều cảnh trí, nhưng đã đủ để vực dậy lại trong tâm thức mình những hình ảnh, những cuốn phim kỷ niệm về cái nôi, nơi mà mình đã tu học, và rồi, đã một lần được đứng lên bục giảng nơi ngôi nhà đệ tử viện cho đến khi nghe Sư huynh Hiệu trưởng tuyên bố chấm dứt niên khoá học (1974-75), chỉ mấy ngày trước khi người dân từ miền ngoài tràn ngập vào lánh nạn tại nhà dòng.

    “Giuse Trong Mình”, không dựa trên tính chất lịch sử, luận lý, văn chương, nhưng chỉ là một tâm tình trải rộng, với những ký ức bắt đầu mờ nhạt, chồng chất lên trên hơn 45 năm lìa xa mái nhà xưa, cái nôi đã vun xới và nuôi dưỡng mình nên người.

    Mình xưng "mình", nhắm vào những anh em đã cùng mình, một thời tu học, đã cùng nhau đan quệnh những kỷ niệm mãi mãi không hề quên, như một tấm thảm được thêu dệt muôn vàn màu sắc, đường nét, hình thể, tố chất…trong đó, biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của thời an vui ăn học, giữa một đất nước đắm chìm trong chiến tranh, chết chóc và đau thương.

    Mình viết, không biết đâu là khởi đầu, đâu là kết, đâu là những gì mà người ta thường gọi là "Lịch Sử Truyền Miệng-Oral History"

    Mình viết, như một hành trình đi ngược lại quỹ đạo của kiếp người—tìm lại dấu chân xưa, những kỷ niệm cũ, chia sẻ cho nhau, để biết mình, biết cội nguồn. Có lắm người đã chôn đi quá khứ, nhưng cũng còn nhiều người như mình, ôm ấp mãi những quá khứ tuyệt vời đó, như một nhựa sống của tuổi về hưu, như một làn gió nhẹ ru hồn mình tìm đến suối nguồn bình yên—nơi mà Tiến Dũng đã khuyên mình. . ."quẳng gánh lo đi mà vui sống!"

    Nhiều anh em vẫn thắc mắc…sao mà mình vẫn cứ rừng rực khi nhắc đến nhà Dòng, nhắc đến hai chữ “Giuse”. Có lẽ, ai đó lại cho rằng mình hơi "nóng máu-hyper", hay quá nhiều cảm tính, thừa rung cảm—mặc cho danh xưng, góc độ của những ai không phải là mình, nhìn về mình—nên chi tâm tình của riêng mình, được hiển hiện hôm nay, hiệp cùng, hay biết đâu, cũng có thể thay cho nhiều anh em có cùng băng tầng rung cảm, suối nguồn hoài niệm, nhưng không nói nên lời, không thể, chưa một lần được tuôn trào ra trên giấy.

    Mới đây, Thầy Remi Sự nhắc đến ngày "Họp Mặt Truyền Thống" năm nay được tổ chức tại Tây Nguyên (Ban Mê Thuột?).  Thầy tiếp, "Ắt là vui!" Lòng mình rộn lên. Phải chăng, đây là lý do mình phải quay về, phải hiện diện, phải đi tìm lại những vết chân xưa, con đường cũ, nhận diện lại những khuôn mặt thân thương thuở xưa.

    Thành phố Ban Mê cùng nhiều địa danh và những nơi mình đã đặt chân đến viếng thăm, lưu lại, như: Trung Hoà, nơi có nhiều anh em Giuse; Kim Châu, có Cường cùng lớp; Hà Lan/Buôn Hô, có Vũ Kim Vĩnh cùng lớp; Đức Lập, nơi mình đã một thời cùng anh em làm rẫy cà phê, học biết "đu đủ thượng" là gì…Đặc biệt hơn hết, Bố đỡ đầu của mình, đã 104 tuổi, vẫn sống an vui khoẻ mạnh tại phố Ban Mê, tất cả đã để lại trong mình biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của thời niên thiếu, gắn chặt với mối dây liên kết thiêng liêng.

    "Giuse”–không còn “trong xóm nhỏ điêu tàn thuở xưa"–Phần đầu của bài hát mừng thánh Giuse mà hàng triệu người công giáo Việt, trải qua bao nhiêu thế hệ, vẫn còn vang vọng mãi nơi bờ môi. Mình chiêm niệm, suy tư mãi về hình ảnh của một xóm nhỏ, không phải nơi miền Nazareth xa xăm, nhưng chính là miền đất Bình Tân, Chụt, Nha Trang, nơi mà mùi nước mắm chiếm trọn mọi danh xưng, nói về một góc trời nhỏ nhen, khiêm tốn ấy. Giuse ngày nay đã lớn mạnh, đã vươn lên và thế hệ được đào tạo từ ngôi nhà đệ tử xưa ấy, đã có mặt khắp phương trời, được ăn học, thành công, thành nhân, thành người hữu dụng cho tha nhân và xã hội. Cũng tại cái nôi ấy, hiện nay đã và đang có nhiều linh mục trẻ rao giảng tin mừng trên mọi nẻo đường của thế giới.

    Các đấng tiền bối

    Sau khi tốt nghiệp trung học, đại học, hay ngay cả cấp cao học, tiến sĩ, thử hỏi, mấy ai còn nhớ những sách mình đã đọc, những bài mình đã học, đã thi, v.v. Theo mình, triết lý giáo dục, nghệ thuật và khoa sư phạm hữu hiệu chính là 1) giáo dục bằng hành động và 2) giáo dục bằng gương sáng. (Teaching by action and role model)

    Có nhiều cha thầy không hẳn trực tiếp trông nom, giảng dạy mình, ngay cả các đấng bề trên—gương lành gương sáng của các bậc tiền bối, đã tác động mạnh vào đời sống nhập thế của riêng mình.

    Dù là một dòng địa phương, địa phận, nhưng Giuse có những nét đặc thù hiếm có trong lịch sử giáo hội công giáo Việt Nam. Những anh em nào về lại thăm dòng gần đây, ắt hẳn sẽ nhìn thấy một tác phẩm điêu khắc, đứng giữa là Đức Cha Jean Sion, không thể nhầm lẫn được, với bộ râu dài của các nhà truyền giáo Âu châu trong thế kỷ qua. Sau lưng ngài là bốn [4] vị tu sĩ tiên khởi, được chính đấng sáng lập tuyển chọn, hun đúc, vun xới; là những vị tiếp tục cầm ngọn đuốc soi dẫn lèo lái hội dòng qua muôn vàn thử thách.  

    Mình may mắn được tu học từ thời gian Bề trên Tổng Quyền Andre đến Bề trên Michel. Riêng Bề trên Gerard, ngài đã để lại cho cá nhân mình khá nhiều ấn tượng và tình cảm. Tuy Bề trên không trực tiếp điều hành đệ tử viện hay, thỉnh viện, tập viện hay kinh viện, nhưng ngài là một một vị lãnh đạo vừa rất sáng suốt, có viễn kiến và trên hết mọi sự, ngài là một người trầm lặng, nhỏ nhẹ, khiêm nhường và rất đạo đức. Chính Cha Gerard Trần Lộc là người đưa ra sáng kiến tạc hình đấng sáng lập và 4 Sư huynh đầu tiên của hội dòng tuyên khấn năm 1941. Chính viễn kiến ấy, đặt để một nền tảng cụ thể, như lời trối trăn, nhắc nhớ chúng ta về cội nguồn, về cái nôi đã hun đúc chúng ta nên người. 

    Năm xưa–một hôm, Bề trên Gerard gặp mình, ngài hỏi, "Con học vẽ đến đâu rồi?” Bề trên tiếp, "Gắng lên con, nhà dòng sẽ gửi con đi du học, theo ngành ‘kiến trúc’, rồi về phục vụ dòng." Mình nào ngờ ngài quan tâm đến từng tu sinh có khả năng và năng khiếu thiên phú. Bắt đầu từ năm 70, mình đã tự học điêu khắc, sang năm 1971, theo học chương trình hội hoạ với hoạ sĩ Phan (Đà nẵng), hoạ sĩ Mộng-Hoà, và hoạ sĩ Dung (Nha Trang). Sau đó, nhiều anh em trong dòng cũng theo học với Hoạ sĩ Dung, như Phạm Ngọc Minh (Cù Lao), Kim Vân (Ba Làng), Hoàng Trung Việt (Phước Hải), và Ngô Kim Tiến (Thanh Hải). Năm ở Thỉnh Viện, mình được Sư huynh Giám đốc ưu ái cho che cái chòi sát bên hông lớp học, nơi dãy nhà tôn. Thế là ngoài giờ học và kinh kệ ra, mình vùi mình vào phòng vẽ, bỏ cả giờ ngủ trưa để vẽ.

    Kể từ khi mồ côi cha sớm (1969), mình không về nhà vào những ngày Tết, ở lại dòng, một mình, và rồi, Bề trên Gerard lại đem mình theo với ngài trong những chuyến kinh lý thăm các cộng đoàn. Đến xứ Phước Thiện-Phước An, Phan Rang, mình biết thêm một sư huynh, cũng tên thánh Bernard. Sư huynh (SH) Bernard là người đã theo đấng sáng lập Jean Sion lúc SH còn là một thầy giảng. Trong bữa cơm trưa thân tình, SH Bernard chia sẻ văn hoá và những mảnh chuyện vui đời phục vụ nơi giáo xứ–cách riêng, đời sống và thơ dân gian: "Thức khuya dậy sớm cho quen–Lấy chồng Phước thiện xách đèn kêu công". 

    Đến Phú Hiệp, Lâm Đồng, SH Gaston chia sẻ nhịp sống của nhà dòng trong thời chiến tranh 40-50. SH kể, "Tôi là người làm Violin, nhưng, SH Minh-Hương lại là người chơi đàn violin rất có hồn, tuyệt vời. Tiếc thay, SH đã chết quá trẻ vì bomb Pháp thả ngay bên sau nhà dòng tại Kim Châu, Bình Định." Thế rồi, đầu tháng 8 năm 1974, mình lại được bề trên cử đi giúp tại Kim châu. Đích thân mình mò mẫm ra nghĩa trang của nhà dòng ở góc khuôn viên dòng–quả vậy, mình đã tìm thấy mộ, bia mộ SH MH, một chuyện trùng hợp, ngẫu nhiên hiếm có, mình lại có cùng tên với với SH MH, cái tên ít ai đặt cho con trai.

    Sau khi đất nước thống nhất, quý cha thầy và các anh em tại cộng đoàn Đức Minh/Đức Lập được thả tự do, mình về thăm lại Dòng. Nghe nói Cha Gerard đang có mặt tại nhà mắm (ở phía góc tây bắc của khuôn viên nhà mẹ), mình vội chạy ra–cánh cửa lớn khép kín, mình kéo cửa bước vào. Bề trên Michel và Cha Gerard vội ngước lên, khá ngạc nhiên, và dường như, trên mặt của hai ngài còn nhiều nét lo âu, sợ hãi. Cha Gerard thốt ngay lên, với cung giọng hết sức ưu ái và trìu mến, "Ô, MH, tưởng chừng như không gặp MH nữa đó!" Như người cha được gặp lại đứa con hoang, tưởng chừng đã mất–nghẹn ngào, tim mình thắt lại!

    Khoảng năm 1996, mình vô cùng bỡ ngỡ nhận được thư Bề trên Gerard gửi cho mình. . ."MH biết không, mình nay đã 80 rồi, mà vẫn còn nhớ và viết thư thăm MH đây.” nước mắt mình tuôn rơi, không đọc hết tâm thư của Ngài.

    Hướng đạo Kiểu Mẫu

    Là một Dòng địa phận, số tuổi dòng chỉ hơn vài chục năm, nhưng vào thập niên 60 các Sư huynh Giám đốc Đệ Tử Viện đã nỗ lực đưa thế hệ chúng ta vào một chiều kích vươn lên khá vững mạnh, về tín lý, tri lý, cũng như thể lý.

    Với một tập thể lớn trên 200 đệ tử, chúng mình đã được thành lập một liên đoàn Hướng Đạo—“Hoàng Liên Sơn”, với nhiều thiếu đoàn, kha đoàn và tráng đoàn. Những Sư huynh rất mực thiết tha với mọi sinh hoạt Hướng Đạo như Camille Tuân, Martin Ty, Benjamin Tư…Từ những cuộc sinh hoạt, cắm trại ngay trong khuôn viên dòng, đến khá nhiều nơi trong tỉnh Khánh Hoà—Cam Ranh, Ninh Hoà, Suối Dầu/Suối Tiên, Hòn Tre, Cù Lao-Hòn Chồng, v.v. đã giúp chính mình chuẩn bị một hành trang vào đời, tuy chưa hẳn như các đấng bề trên mong muốn, ít ra, đã giúp mình có bản lĩnh, can đảm, tháo vát, thích nghi–giúp ích mọi người bất cứ lúc nào, khi nào. Phải chăng, những đoàn, liên đoàn Hướng Đạo được tổ chức trong các chủng viện, đệ tử viện, trường nội trú, là những đoàn Hướng Đạo kiểu mẫu. Kiểu mẫu, vì tính tổ chức hết sức chặt chẽ, tập thể đồng bộ, đồng nhất, và đặc biệt là cùng học, cùng sống, cùng giờ giấc, cùng kỷ luật, trong một môi trường đào tạo không bị chi phối bởi những khó khăn ngoài xã hội, hoàn cảnh kinh tế của khá nhiều gia đình giữa bối cảnh đất nước lâm vào chiến tranh liên tục trên mọi miền quê hương.

    Nhiều huynh trưởng đã được đào tạo kỹ càng, từ các khoá Cơ Bản, Dự Bị, cho đến Bằng Rừng. Từ đó, nhiều anh em còn sống mãi với "máu Hướng Đạo", tiếp tục gia nhập Hướng Đạo tại hải ngoại, và rồi, phối ngẫu, con cái cũng tiếp tục tham gia mọi sinh hoạt Hướng Đạo một cách tích cực. Trong nước, nhiều huynh trưởng còn đeo đuổi mãi, quyết theo Thầy/Trưởng Cung Giũ Nguyên (Khoá Alpha 13), dường như đến hơi thở cuối đời của Thầy. Mới đây, giỗ 10 năm của Thầy CGN (2018), vẫn còn thấy cựu huynh trưởng Giuse hiện diện trong lễ giỗ của Thầy.

    Như mình đã chia sẻ tinh thần và "máu Hướng Đạo" trong bài "Tình Huynh Đệ":

    [Nhắc đến Hướng Đạo, tôi hỏi Hồng (Dương Hồng), “Còn nhớ bài hát nào của Hướng Đạo không?” Thay vì trả lời, Hồng cất tiếng hát, “Nâng cao lá cờ Hướng Đạo nhuộm oai hùng sáng ngời, ta cùng đi, cùng xây đời mới . . .”  Tôi hát theo, nhưng rồi chết lịm cả người, nước mắt lại trào dâng khi nào chẳng hay biết. Cầm sao được nước mắt, khi hình ảnh của thời còn sống trong dòng hiện về rõ nét–Hồng là đoàn trưởng Thiếu Đoàn Liên Sơn và tôi là đoàn phó, đã cùng nhau sinh hoạt với các em đệ tử hằng tuần–nào là thám du, sinh hoạt không biết bao nhiêu nơi, bao nhiêu lần, với những chuyến cắm trại và chiếu phim tại giáo xứ Hoà Nghĩa, Hoà Do, Cam Ranh, giáo xứ Dục Mỹ, Ninh Hoà, v.v. Cái mê hay Hướng Đạo của Hồng, cũng chính là cái đam mê sinh hoạt và sống với thiên nhiên của riêng tôi. Mê say ấy, gắn liền với Hồng đến hơi thở cuối đời.] 

    Riêng về chuyện Hướng Đạo thôi, đã còn ngàn vạn chuyện để kể, để chia sẻ. Ngoài các em thuộc Thiếu Đoàn Liên Sơn–giờ tóc đã hai màu, ông ngoại, ông nội, hay ông cố (con đi tu) –còn thêm hầu hết các anh em, những lớp đàn anh, cùng lớp, và những lớp dưới mình, hy vọng, mỗi người trong chúng ta còn ôm ấp nhiều kỷ niệm, khó quên, hay chẳng hề muốn quên.

    Không biết chuỗi ngày trần thế của mình còn dài hay ngắn, nhưng không biết sao, còn lắm chuyện muốn san sẻ, sớt chia với anh em. Mình ngẫm lại rồi, "Niềm vui mà thiếu người chia sẻ—Niềm vui chẳng bao giờ trọn; Nỗi đau mà không ai chia sớt—nỗi đau mãi mãi không vơi." Nên chi, hy vọng trong lần tới, hay những dịp khác, mình chia sẻ thêm về chuyện võ Thuật (Vovinam, Thiếu Lâm) và nghệ thuật trong đời tu, học của chúng mình. Rất mong anh em chia sẻ.

    Lời cuối

    “Giuse Trong Mình”–Dừng đây, không kết thúc những gì mình muốn chia sẻ, chỉ tạm ngưng lại trong phần chia sẻ lần đầu tiên thôi. Còn rất nhiều những mảnh đời tu, học và phục vụ xã hội, không biết còn có cơ hội để chia sẻ thêm không, hay, làm phiền anh em phải đọc, phải biết những chuyện năm xưa, những chuyện không mang lại cơm gạo áo tiền, không thực tiễn.

    Mình viết…để còn biết trong mình Giuse vẫn còn tồn đọng, còn sống mãi, còn chút gì đáng nhớ, đáng mến, đáng trân quý. Nhìn vào tấm thảm của cuộc đời từng người, được đan dệt không biết bao nhiêu sợi tơ, muôn sắc, muôn màu, biết sao nói cho cùng những trải nghiệm, những suy tư vụn vặt trong từng ngày sống.

    Viết…với tâm tình tri ân những bậc tiền bối, đã dâng hiến trọn cuộc đời làm gương sáng, làm bài học bằng hành động, hơn là lời răn dạy.

    Viết…để chia sẻ cho nhau, kiếm tìm lại những kỷ niệm, những ngày tháng cũ đáng đi tìm, đáng nhớ và đáng trân quý.

    Viết…mong anh em cùng viết, như những nét màu còn thiếu vắng trong trang sử cuộc đời của mỗi người.

    Viết…để vơi đi bao nỗi nhớ, nhớ quê hương, nhớ nhà Dòng, nhớ từng anh em, người đang sống cũng như những ai đã ra đi trước chúng ta.

    Viết…thay cho cho kiếp người sống vì "chữ", chết vì "nghĩa."

     

    Bernard “MH” Nguyên-Đăng

    Dallas 19 tháng 3, 2019

    Mừng Thánh Quan Thầy Giuse

    "Toà Chúa hôm nay hoà ca… đền thánh Giuse đầy hoa…"








    Không có nhận xét nào: