CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

    VỀ BẢY ƠN CHÚA THÁNH THẦN...

                Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, chuẩn bị về Trời, Ngài hứa với các môn đệ rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14-16). Đó là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng An ủi, là Thầy dạy, “dẫn chúng ta đến nguồn sự chân thật” (Ga 16-13).

    Vậy chúng ta được Chúa Thánh Thần bảo trợ thế nào, an ủi ra sao và dạy dỗ điều gì?

    Giáo hội, dựa vào Truyền thống và Kinh Thánh (Is. 11, 1-3; 1Cr. 12, 4-10; 1Cr. 14, 1-5) xác định và hướng dẫn chúng ta về hai loại ơn ích:

    -          Chín đặc sủng: Khôn ngoan, hiểu biết, đức tin, chữa lành, làm phép lạ, nói tiên tri, phân biệt các thần khí, nói các tiếng lạ và giải thích tiếng lạ.



    -               Bảy ơn huệ: Ơn khôn ngoan, ơn thông hiểu, ơn biết lo liệu, ơn mạnh mẽ, ơn thông minh, ơn đạo đức, ơn kính sợ Thiên Chúa.

    Chúng ta thường quen với bảy ơn huệ hơn.

    Đó là những tư chất, khả năng đặc thù được ban tặng, bao quát và ảnh hưởng, tác động trực tiếp lên mọi mặt cuộc sống của mỗi một cá nhân từ lúc sinh ra cho tới khi xuôi tay nhắm mắt. Kết quả ra sao tùy thuộc vào việc học hỏi, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm và khiêm tốn, thành kính nguyện xin. Những ơn huệ này giúp cho cuộc sống của một số ít người trở nên hoàn hảo và thánh thiện, nhiều người khác nhờ đó, đạt đến sự thành công, viên mãn mặt này mặt khác trong đời thường, và cuối cùng, có những kẻ phải chịu cảnh bất hạnh, tinh thần hay vật chất, bởi lười học hỏi, thờ ơ, thiếu cố gắng, quyết tâm.

    Chúng ta hãy xem bảy ơn này là gì? Có ảnh hưởng thế nào về cá nhân mình, gia đình mình, công việc mình, cộng đồng mình thuộc về? Và ở mức độ nguyên ủy, cứu cánh tối thượng, là mối tương quan với Thiên Chúa ra sao? 



    1.    Ơn Khôn ngoan (Wisdom / Sagesse):

    Chúa Thánh Thần, là “Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, ngay cả những gì sâu thẳm nhất nơi Thiên Chúa” (2Co. 2,1-2), ban cho chúng ta ơn Khôn ngoan, để nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo hóa, nguồn hạnh phúc đích thực, vững bền. Cho chúng ta được chia sẻ cách nhìn nhận mọi hiện tượng xảy ra bằng nhãn quan của Đấng “ở trên mọi sự”, chứ không phải từ trong tư cách của loài thụ tạo. Là câu trả lời cuối cùng cho mọi thắc mắc của chúng ta, những câu hỏi lớn lao, day dứt, muôn thuở, về thân phận con người, về sự kì vĩ, đẹp đẽ, bao la của vũ trụ, mà lý trí, thông qua những suy tư triết học hay khám phá khoa học, chưa thể, thậm chí không thể giải quyết một cách rốt ráo.

    Ở một chừng mực thiết thân hơn với cuộc sống hằng ngày, ơn Khôn ngoan giúp chúng ta tiến dần tới sự hiểu biết trọn vẹn bản thân, tha nhân, sự vật chung quanh. “Suy nghĩ đúng đắn về giá trị cuộc đời và sống những giá trị đó”. Nghĩa là vươn tới Chân-Thiện-Mỹ, qua việc rèn luyện bản thân, hành xử chừng mực, cẩn trọng, chân thành, phân định rạch ròi thiện, ác, dựa trên một lý trí sáng suốt và một tâm hồn đạo đức. Đây đã là tình trạng “cảnh giới cao” đạt được nơi các nhà hiền triết Đông Tây cổ đại, những người đặt nền móng cho sự tiến bộ của nhân loại, như: Salomon, Socrate, Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử… Họ là những người “truy tìm và yêu mến sự Khôn ngoan”. Sự Khôn ngoan cao cả, chứ không phải thứ khôn ranh, khôn vặt, khôn lõi, kể cả khôn khéo!

    Ơn Khôn ngoan được ban cho tất cả mọi người, dưới dạng một kho báu cần được tích cực chủ động tìm kiếm, khai thác, càng sớm càng tốt! “Túi khôn” – là những phương tiện - có sẵn trong vô vàn sách vở, hoặc những người học cao hiểu rộng hay từng trải mà chúng ta may mắn gặp gỡ trong đời.

    Có khi nào, chúng ta đặt tay lên trán tự hỏi, mình có được Khôn ngoan không? Hay chỉ là một kẻ tầm thường, một tiểu nhân không hơn không kém?

    Vậy thì, giữa cuộc dâu bể, đầy biến động, bộn bề, hãy thỉnh thoảng dừng lại, dành một ít thời gian tĩnh lặng, cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.  Xin Người giúp chúng ta đạt được phần nào sự Khôn ngoan. Tâm hồn chúng ta nhất định sẽ được yên bình. Lý trí chúng ta nhất định được soi sáng. Và vì thế, giá trị cuộc sống của chúng ta nhất định được nâng tầm, được nhìn nhận và tôn trọng. Đây là một tiến trình hữu ích, một kinh nghiệm độc đáo và thú vị, một động lực thúc đẩy chúng ta sống hay, sống đẹp, sống tốt nhiều hơn, muốn sống…dai hơn, tránh được sự ù lì, trì trệ, uổng đời! Đó là niềm vui cao cả nhất, ngọt ngào nhất, giữa tất cả những thứ mà con người có thể mộng mơ.

    2.    Ơn Thông hiểu (Understanding / Comprehension)

    Con người hiểu được sự việc, sự vật nhờ giác quan và trực quan. Nếu như giác quan giúp chúng ta nhận thức được thế giới hữu hình qua phân tích, lý luận, thực nghiệm, thì trực quan (linh cảm, giác quan thứ 6) giúp chúng ta hiểu được, từ bên trong, một cách thâm sâu, bản chất thế giới vô hình; những ý tưởng, thực tại siêu phàm ẩn dấu phía sau bức màn của các hiện tượng, sự kiện, ngôn ngữ, thực thể…Nhiều người trong chúng ta chắc hẳn đã từng trải nghiệm một “linh tính xảy ra nhưng không giải thích được” nào đó. Vậy, cái “linh tính” đó, chính là một phần, một biểu hiện của ơn Thông hiểu mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta.  

    Có muôn vàn điều kì bí xảy ra trong thế giới, hữu hình và vô hình, đánh đố nghiêm trọng lý trí và niềm tin nhân loại, có lúc tái lặp, kéo dài theo dòng lịch sử của con người – con người cá nhân và con người tập thể. Nhưng, không có gì to tát, khó khăn, nghiệt ngã, dày vò hơn cho bằng thách thức đánh thẳng vào niềm tin về sự hiện hữu của Thiên Chúa hay Thượng Đế, Đấng “Là”.

    Bản chất lý trí và tâm hồn chúng ta đa phần vốn hạn hẹp, què quặt, yếu đuối lại lắm kiêu căng, ngạo mạn, như một chiếc ly thường được làm đầy bởi các tạp chất lỏng độc hại mà không phải là nước uống! May thay, ơn Thông hiểu Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, là một nguồn sáng vô tận, soi chiếu mọi ngóc ngách, vào cả những góc khuất tối tăm nhất của tâm hồn; hướng dẫn chúng ta bước trên con đường Đức tin một cách tự tin, vững chãi, kiên định, không bị lạc lối; khiến chúng ta cảm nhận sự hoan lạc, vui mừng khi được sống trong mầu nhiệm Kitô giáo và tin vào Thiên Chúa.       

    Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Xin Người ban cho chúng ta ơn Thông hiểu, để Đức tin được củng cố, để con mắt tâm linh mù mờ của chúng ta được mở ra, nhìn thấy  rõ hơn, sâu hơn bản chất cốt lõi những điều bị che đậy có thể xảy đến trong đời; sáng suốt tránh được những thứ mông muội, mê tín, bùa chú, giải nghiệp, giải oan…mỗi khi bị bủa vây bởi những điều tệ hại vẻ như vô phương sửa chữa.

    3.    Ơn biết lo liệu (Counsel / Conseil)

    “Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con” (Tv 16, 7). “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 19-20).

    Ơn Lo liệu chính là đây! Chúa Thánh Thần khiến cho ý thức của chúng ta trở nên nhạy bén khi lắng nghe tiếng của Người cất lên trong lương tâm mình; hướng dẫn suy nghĩ, ý định, tình cảm, lời nói và việc làm của chúng ta theo ước muốn tốt lành của Thiên Chúa, qua tấm gương mẫu mực là Đức Giêsu; dần biết bỏ qua những logic hạn hẹp, tham vọng mù quáng hay những định kiến khuôn sáo. Ơn Lo liệu không chỉ giúp chúng ta “khả năng tự xoay xở” trước hoàn cảnh khó khăn, lúng túng, vô vọng, bế tắc nhưng còn mở rộng cơ hội cho những sáng kiến, giải pháp tích cực, hiệu quả, hoặc những việc cần làm để tháo gỡ vướng mắc khi liên kết, tương tác giữa một cộng đồng – hay nói khác hơn, là hình thức tham vấn, hỗ trợ qua lại.

    Cuộc sống luôn đặt chúng ta trước những bài toán, vấn nạn phức tạp cần phải giải quyết một cách đúng đắn, triệt để về tâm thể lý cá nhân, học hành, gia đình, con cái, công việc - ở vai trò người làm thuê hay chủ nhân, hoặc lãnh đạo một công ty, một hội đoàn, một địa phương, một quốc gia. Mỗi người, với khả năng riêng, tư chất riêng, phương tiện riêng, điều kiện chủ quan - khách quan riêng, môi trường riêng, vị trí riêng,  đều thường xuyên phải đối diện với những vụ việc rắc rối, từ những lục đục vụn vặt tới những thứ “cực kỳ” quan trọng. (Trách nhiệm có thể lớn nhỏ khác nhau, nhưng áp lực cá nhân và kết quả đạt được thì không nên đem ra so sánh, thay vào đó cần được thông cảm, khích lệ).

    Để lo liệu, xoay xở được, đương nhiên phải chuẩn bị những khả năng: “Mềm”, là kiến thức căn bản, một chuyên môn nào đó phù hợp “sở trường sở đoản” của bản thân, tức một hướng nghiệp đúng; rèn luyện sự nhanh nhạy, xông xáo, tháo vát, tinh thần đồng đội… “Cứng”, tức là thể chất, vật chất ở thế sẵn sàng. Từ sức khỏe, tiền bạc, vốn liếng, cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc…Thiếu hoặc kém những yếu tố này, chẳng khác nào xào không khí, rơi cảnh khổ sở, bế tắc triền miên, không thể tự giúp mình huống hồ người khác! Thêm vào đó, việc tạo ra những mối quan hệ “sinh lời”, một dạng “hệ sinh thái” cho riêng mình, có thể tư vấn lối ra, hay hỗ trợ đáp ứng nhu cầu thực tế ngay khi cần đến là một cách nhìn xa trông rộng, thiết thực. Có được thì phải xem là may mắn, phước đức. Tránh tiệt lui tới, dây dưa với phường tiêu cực, rầu rĩ, u ám, những loại âm khí lây lan như dịch bệnh. Nếu có, cùng lắm là để chữa trị, giúp đỡ.

    Hãy cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần. Trình bày, tâm sự với Người những khó khăn của bản thân, của những người thân yêu, hay trong công việc thuộc trách nhiệm mình.  Xin Ngài ban cho chúng ta được ơn Lo liệu, phụ giúp xem xét, cân nhắc, hóa giải mọi sự cố theo chiều hướng đúng đắn, tốt đẹp. Xoa dịu bớt cảm giác bất an, nóng nảy, bực bội nội tâm; được bình yên, không hối tiếc khi đã cố gắng truy tìm nguyên nhân, tiếp cận các loại “phao cứu sinh” để giải quyết hậu quả nhưng không vừa ý, tin rằng đó có thể là một bài học, một thử thách thêm mà Chúa muốn để làm cho chúng ta càng lớn hơn. Và, một tấm lòng, một hành động tri ân, cảm tạ phải là bắt buộc khi mọi sự “xuôi gió thuận buồm”!     

    4.    Ơn sức mạnh (Fortitude / Force)

    Sức mạnh ở đây, là vừa thể lý, vừa tinh thần. Vì “Mens sana in corpore sano” – Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh. (Trừ những ông/bà đặc biệt như… Stephen Hawking)

    Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ, và chúng ta làm chứng cho Tin mừng, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người mình yêu thương. Đó là biểu hiện cao cả, lớn lao nhất của Tình yêu (Ref Ga 15, 13). Chúa Thánh Thần ban cho các “Chiến tướng” được tuyển chọn của Người một sức khỏe dẻo dai, vững chắc, sức chịu đựng bền bỉ, để “chạy hoài mà không mệt, đi hoài mà chân không chùn” (Is 40, 31); một tinh thần kiên cường, anh dũng, một nghị lực dồi dào để dấn thân phụng sự, vượt thắng mọi gian lao, khổ ải. Để có bị “một đoàn quân vây đánh, lòng tôi chũng chẳng sợ gì; dù có lâm vào chiến trận, lòng tôi vẫn cứ cậy tin” (Tv 26, 3).

    Thiên Chúa muốn con người trở nên giống hình ảnh trọn hảo của Đức Giêsu (Cl 1, 15). Vì vậy, luôn có tác động thôi thúc vươn lên, hướng tới sự hoàn thiện tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Tiến trình “trở nên đó” là một cuộc trường chinh! Là lâm trận với những yếu kém của bản thân và những lực cản từ bên ngoài. Chúng ta không thể “trốn lính”, “đào tẩu” hay “quy hàng” trong các cuộc chiến này, nếu muốn tận hưởng sự vinh quang, niềm vinh dự của chiến thắng. Hãy xem sự bùng nổ reo hò của người xem trên các khán đài thể thao để thấy rằng vượt thắng là nhu cầu không chỉ của các vận động viên, cầu thủ, mà nó có tính đại diện cho mọi người và trên mọi phương diện.

    Cuộc sống thực tế “tuyên chiến” với mỗi người một cách, quy mô lớn nhỏ khác nhau. Phải mang lấy một cơ thể ốm yếu, sức khỏe èo uột, bệnh tật kéo dài, khiếm khuyết hay một trí óc chậm chạp, bản chất tính tình kém mạnh mẽ, yếu đuối là một điều chẳng may, cực chẳng đã. Ngoài ra, đa số đều đạt một mức độ bình thường về tâm thể lý đủ để “nghênh chiến” trong từng biến cố, từng giai đoạn, đủ để vô tư “sáng mò ra suối, tối vào hang”. Tuy nhiên, con người sinh ra không phải để được phục vụ, làng nhàng thụ hưởng, mà được kêu gọi để xây dựng, đóng góp phần mình vào cuộc sống chung. Nghĩa là phải chuẩn bị cho tình trạng sức lực sẽ bị hao tổn, tinh thần bị bào mòn một khi dấn thân phụng sự. Vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn. Mật độ thử thách nhiều lên, cường độ sức ép tăng cao, tính phức tạp biến thiên khó lường, cần thiết phải có một cơ thể khỏe mạnh, tráng kiện càng tốt, một tinh thần dũng cảm, trí tuệ, bất khuất, dám làm dám chịu.           

    Hãy cầu nguyện với  Chúa Thánh Thần. Xin Người ban cho chúng ta ơn Sức mạnh, phụ giúp những cố gắng tiến lên của chúng ta; lan tỏa niềm vui, sự mãn nguyện khi chúng ta đạt được một thành công nào đó; an ủi chúng ta những lúc mệt mỏi, rã rời, cô đơn, hay thất bại để lấy nhuệ khí, xốc dậy bản thân cho những chặng đường tiếp theo.

    5.    Ơn hiểu biết (Knowlegde / Connaissance / Science)

    Phân biệt ơn Hiểu biết – hay nói đúng hơn là sự thủ đắc tri thức – với ơn Thông hiểu ở trên. Một bên là khả năng hiểu – Understanding / Comprehension  và một bên là việc đạt được tri thức – Knowledge / Connaissance. Một khái niệm và thực tế rất rộng.

    Ơn Hiểu biết chính là khả năng giúp con người khám phá ra những thực tại, quy luật hình thành và vận hành của thiên nhiên, vạn vật, vũ trụ, và của chính con người, tự xem như là điểm giữa của các vòng-tròn-đồng-tâm-hiện-hữu. Tri thức – khoa học, không chỉ hạn định trong thế giới đó, mà hơn thế, là một đặc ân, đưa con người tiến dần từ sự quán triệt tường minh tới xác tín sự Vĩ đại và Tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa sáng tạo.

    Con-người-học-hỏi, là một đặc tính. Nó bắt đầu được kích hoạt không lâu sau khi một thai nhi được hình thành trong tử cung thân mẫu. Bằng chứng là đã có rất nhiều ông bố, bà mẹ, “tham lam” dành thời giờ giáo dục ngay hậu duệ chưa kịp chào đời của mình bằng những cuộc tâm sự, những ca dao, tục ngữ, những điệu ví câu hò, nhằm trang bị khả năng ngôn ngữ, âm nhậc, tư duy lý luận etc…Và khoa học chứng minh những việc làm này đã thực sự mang lại hiệu quả! Sau đó, con người dùng đến một quỹ thời gian khá dài trong vòng đời để tập trung dành cho việc học tập. Một lãnh vực tối quan trọng, thiết yếu cho sự thăng tiến cá nhân và phát triển xã hội. Đến nỗi nhiều quốc gia phải ra “Luật cưỡng bức giáo dục” hay “Luật phổ cập giáo dục” như ở Việt Nam.

    Con người đã bắt đầu mọi thứ bằng sự tò mò, quan sát, đúc kết thành những quy tắc, quy luật rồi dựa vào đó nâng cấp, sáng tạo thêm, đồng thời xây dựng thành một hệ thống,  một di sản mở, truyền lại cho những thế hệ tiếp theo, kế tục, rút ngắn được thời gian dò dẫm, nhường chỗ cho những phát hiện, phát minh mới. Quá trình học hỏi đi từ thấp tới cao, cho từng ngành nghề, lãnh vực. Từ căn bản như cộng-trừ-nhân-chia, khả năng đọc hiểu và kỹ năng truyền/nhận thông tin, lĩnh hội những kiến thức nền về lịch sử, địa lý, về văn chương, triết học, toán học, vậy lý, hóa học, sinh học, cho tới những chuyên môn sâu hơn ở bậc đại học, hay trường nghề, và những công trình nghiên cứu cao cấp, dành cho những người có khả năng vượt trội, có đam mê, có ý chí, có bản lãnh và ý thức trách nhiệm với đời. Sự phân công lao động dựa trên tư chất riêng, tri thức và chuyên môn mỗi cá nhân sở đắc và làm chủ được. Đó là những hành trang, những “đồ chơi” những loại “hàng nóng” chắt lọc, không cồng kềnh nhưng hữu dụng có thể rút ra dùng ngay cho cuộc sống an lạc, phấn khởi của mỗi người.

    Hãy cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần. Xin Người ban cho chúng ta được ơn Hiểu biết, trợ giúp chúng ta giữ tinh thần khiêm tốn, cởi mở, khả năng thâu nạp và áp dụng tri thức, kỹ năng để thăng tiến bản thân, xây dựng cộng đồng. Và cầu xin cho những bộ óc lỗi lạc, những người tiên phong trong việc dẫn dắt và tạo ra sự phát triển thế giới tìm được những hướng đi mới cho nhân loại, hoặc ít ra, dừng lại ở những dự án vì hòa bình; tỉnh táo loại bỏ dứt khoát hoặc làm thất bại những ý tưởng kiêu căng, rồ dại của bản thân hoặc của những nhân tố khác, mà hậu quả chính là sự khổ đau triền miên, vạn trạng muôn hình, hay tệ hơn là chết chóc, hủy diệt.

    6.    Ơn Đạo đức (Piety / Piété)

    Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12, 30-31)

    Mệnh lệnh rõ ràng, lay động con tim và cuộc sống của chúng ta. Nhưng thường không được hiểu rõ, hoặc hiểu một cách nông cạn.

    Bản chất Ơn Đạo đức trước hết là “tính thuộc về” và mối liên hệ mật thiết của chúng ta đối với Thiên Chúa, mối quan hệ này mang lại một ý nghĩa sâu sắc và làm cho cuộc sống của chúng ta vững mạnh, khi kết nối với Người, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn, phức tạp nhất (Đức GH Phanxicô). Kế đó là sự quan tâm, lòng thương cảm, sự giúp đỡ tương trợ dành cho tha nhân, đồng loại.

    Lòng đạo hạnh, là sự biết ơn và ngợi ca Thiên Chúa, xuất phát từ trong sâu thẳm của tâm hồn, tự nhiên như hơi thở, và tuyệt nhiên không nên xem đó là sự tự cưỡng bức, một bổn phận, vì như thế là gây khó, hạn chế lòng đạo đức triển nở, sinh hoa kết trái. Những tâm sự riêng tư với Chúa, những kinh nguyện gia đình, việc tham dự thánh lễ, là những hình thức, thực hành của lòng đạo hạnh, mang lại cho chúng ta sức mạnh nội tâm, sự bình yên, cảm giác tích cực, tâm trí hân hoan. Hãy bắt đầu bằng việc cảm tạ, tôn vinh, rồi mới tới việc…xin xỏ! Điều mà chúng ta thường làm ngược, thậm chí làm có một vế.

    Bởi vì tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa, gọi Người là “Abba” là “Dady” là “Papa”, là “Cha ơi”, thế nên, tha nhân chính là anh em, phải yêu thương như bản thân mình. Đó là lý tưởng, khó đạt tới nhưng không thể không thực thi. Lòng thương cảm, thương xót chân thành là gì? Nếu không phải là thực tình vui với người đang vui, khóc với kẻ đang rơi lệ, gần gũi với những ai cô đơn, lo âu sợ hãi, an ủi kẻ sầu muộn, thăm viếng người ốm đau, trợ giúp người khó khăn vật chất, và sửa dạy những ai phạm sai lầm, tội lỗi. Người cha nào cũng sẽ vui mừng, tự hào khi nhìn thấy con cái sống trong hòa thuận, đoàn kết, gắn bó, sẻ chia sướng khổ, buồn vui. Và thắt lòng, khi mọi thứ trở nên xào xáo, lục đục, bất hòa, chia rẽ…

    Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Xin Người ban cho chúng ta tràn đầy ơn Đạo đức, phụ giúp chúng ta biết sống hiểu thảo với Cha trên Trời. Gắn bó, yêu thương gia đình, tha nhân; có điều kiện, phương tiện để giúp đỡ, vì không ai có thể cho cái mà mình không có; từ bỏ bớt cái tôi ích kỷ, kiêu căng, thói tham lam, đố kỵ, ganh ghét, hận thù hay lối sống đạo đức hời hợt, giả tạo.    

    “Cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35). Được thêm chứ không mất. Không hề thiệt thòi.  

    7.    Ơn Kính sợ Thiên Chúa (Fear of the Lord / Crainte)

    “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi” (Tv 34, 6)             “Như trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ yên vui (TV 131, 2)

    “Con người là một con vật có tôn giáo”.  Năm 2021, dân số toàn cầu theo thống kê của Liên Hợp Quốc là khoảng 7.9 tỷ người. Dữ kiện của “Atlas sociologique mondial” (Atlas xã hội học thế giới), Viện nghiên cứu Pew, công bố những năm gần đây, có khoảng 85% dân số “thuộc về một tôn giáo” (21 loại lớn nhỏ khác nhau – Kitô giáo chiếm khoảng 31%, ở Việt Nam khoảng 7%) hay thừa nhận có niềm tin tôn giáo”. Như thế, niềm tin và hành vi tôn giáo không phải là thứ thuộc về thế giới mông muội, của con người sợ sệt hoang sơ như vài trào lưu nhận định. Đó là cách tâm trí loài người vận hành, là niềm tin nội tâm và có tính bản năng, nó luôn hoạt động trong tâm trí của chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nhận ra nó đang hoạt động. (Justin Barrett)

    “Thiên Chúa, Thượng Đế, Đấng thông suốt mọi sự (Omniscient), quyền năng tuyệt đối (Omnipotent), hiện diện khắp nơi (Omnipresent) và nhân lành (Bon), có tồn tại hay không?” là một trong những câu hỏi lớn lao nhất của nhân loại. Và những bộ óc siêu phàm, là các triết gia, các nhà khoa học thực nghiệm, Đông Tây Kim Cổ ra sức lao vào cuộc vật lộn trí óc, để đưa ra câu trả lời, trong “thiên kinh vạn quyển”. Có trường phái nhìn nhận, và có trường phái phủ nhận, loại trừ (Vô thần luận) sự hiện hữu của Thiên Chúa. Cả hai như một bà mẹ thai nghén nặng nhọc và đau đớn sinh con. Một cuộc hành trình tìm kiếm chông gai vất vả, nhưng đẹp đẽ và đáng giá biết bao.

    Người tín hữu Kitô, may mắn và ơn phúc thay, được Thiên Chúa qua Kinh Thánh và Truyền thống Giáo hội, cho biết ngay “Người là Đấng tự hữu” (Xh 14, 3). Và, “Chúa Cha đã giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”

    Chúng ta Kính sợ Chúa chứ không phải sợ sệt, sợ hãi. Chúa là Cha, luôn yêu thương, tha thứ. Chúa Thánh Thần nhắc nhở về thân phận nhỏ bé của chúng ta trước sự vĩ đại, tình yêu, sự quan phòng của Đấng tối cao. Khi chúng ta khiêm hạ, cởi mở tâm trí, lòng kính sợ chuyển biến thái độ của chúng ta từ thụ động, nhút nhát, thuần phục, nô lệ, trở nên thán phục, can đảm, hân hoan, hào hứng.

    Vì sợ hãi mà tin là một hành vi tiêu cực. Chúa không muốn chúng ta sợ hãi, nhưng Người cũng “ngó mắt” cảnh báo chúng ta về tính ngoan cố và nguy hiểm của thế lực bóng tối. Khi một người sống trong tội lỗi, báng bổ Thiên Chúa, chỉ sống vì tiền bạc, danh lợi, quyền lực, thì ơn Kính sợ ngay lập tức cảnh báo “Hãy chú ý”! Bởi vì chỉ có tình yêu mới là vĩnh cửu, mọi thứ khác chấm dứt ở mộ phần.

    Hãy cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần. Xin Người ban cho chúng ta ơn Kính sợ, cũng cố niềm tin, biết khiêm tốn cởi mở tâm hồn trước Chúa, sống tốt lành trong niềm hy vọng về một cuộc sống vĩnh cữu. Và cũng một điều ấy cho nhiều người khác…

    Fx Lê Thanh Dũng – Saigon mùa trốn Covid.






    Không có nhận xét nào: