CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

    NHỮNG TẤM GƯƠNG CÁC TU HUYNH DÒNG THÁNH GIUSE NHA TRANG VIỆT NAM

    ***
    cross.gif
    NHỮNG TẤM GƯƠNG CÁC TU HUYNH DÒNG  THÁNH GIUSE NHA TRANG VIỆT NAM Dòng Thánh Giuse vốn là DÒNG TU HUYNH và có một số Tu Huynh đáng nêu Tên để làm gương, mà trong dịp Đại Hội Tu Huynh tại Phi Luật Tân Cha Tổng Quyền SVD mong muốn. Vậy xin nêu Tên những Vị dưới đây:

    THẦY JACQUES ĐẶNG ĐỨC HOÀNG (1910 – 1946)




    Thầy Jacques là một tu huynh trẻ trung, sống hiền lành, khiêm nhượng biết hy sinh, phục vụ: vì Chúa, vì Hội Dòng, nhất là vì lòng bác ái tha nhân.
    Thầy được  “Bài Sai” làm Quản Lý cho Giáo phận tại Quảng Nam. Đúng vào thời VN đang chiến tranh, dân chúng làm nông vất vả, thu nhập bao nhiêu đều phải nạp thuế nông nghiệp cho cách mạng! Phần còn lại, giáo dân cũng đống góp một phần cho Nhà Chung, vì đất ruộng giáo dân mướn là của Địa Phận! Thầy Jacques rất khôn khéo bao nhiêu theo cách đòi hỏi của Cách mạng. Nhưng lòng dạ con người làm sao dò thấu được! Thế là một đêm khuya heo hắt Cách mạng đã bắt Thầy Jacques! Sáng tinh sương Cha xứ cũng như giáo dân không thấy Thầy Jacques dự Lễ. Sau Thánh Lễ, ai nấy chạy vào phòng mà không thấy Thầy ở đâu!!! Thế là mọi người đi tìm và thấy xác chết trong rừng rậm! Cái đau thương nhất, khi nhìn thấy người chết, chính là Thầy Jacques bị cắt cổ!!!
          Sau cái chết đau thương này, giáo dân nhiều nơi chạy đến đọc kinh cầu nguyện xin Chúa thứ tha và ban cho linh hồn Thầy Jacques Đặng Đức Hoàng mau về hưởng tôn nhan Chúa trên nơi Thiên Quốc. Bắt đầu từ ngày đọc kinh cho Thầy, gia đình của giáo dân thấy an vui hạnh phúc như một ân huệ lạ lùng cho mọi thành viên trong gia đình. Đến mãi hôm nay mộ của Thầy Jacques Đặng Đức Hoàng đều có người đến viếng thăm và cầu nguyện tha thiết, thì cũng được nhiều ơn như lòng ước nguyện. 
          Cũng vì thế giáo dân khu vực gần xa vững tin Thầy Jacques là vị Thánh Tử Đạo của Dòng Thánh Giuse VN; đã thí mạng sống vì Tình Yêu của Chúa đã trao ban. Nhất là chính Thầy Jacques: một chứng nhân hy sinh phục vụ cho Giáo Hội và cho con chiên ở giữa sói rừng!

    THẦY GABRIEL VŨ XUÂN KHÁNH (02.8.1915 – 10.7.1967)



    Nhìn thấy hình ảnh Thầy Gabriel như một nhà truyền giáo Tây phương. Thầy Gabriel cao ráo, trắng trẻo. Gương mặt Thầy điềm đạm, khôn ngoan, dễ dàng chuyện trò vui vẻ, được các Thầy và Đệ Tử thương yêu.
    Cuộc sống đời tu của Thầy làm chứng nhân tình yêu đối với học trò cũng như toàn thể Hội Dòng. Thầy dạy các môn toán, lý, hóa và sử địa từ lớp đệ tứ trở lên cấp III. Chính Thầy có bằng cử nhân sử địa. Thầy rất đam mê về ngành sử địa Việt Nam cả nước ngoài nên Thầy dạy một cách hấp dẫn. Thầy Gabriel phụ trách về thể thao thể dục rất nhiệt tình, nên mọi người trong Dòng tham gia các môn bóng đá, bóng chuyền và bóng bàn một cách sinh động, nhất là rất vui sướng khi thi đấu có thành tích. Đồng thời Thầy Gabriel là người hát hay và luôn tập hát vào những Đại Lễ của Dòng. Thầy sống hòa đồng với hết mọi người. Chính Thầy là một tấm gương để các anh em trong Dòng thương nhớ học hỏi. 
    Nhiều năm Thầy Gabriel là thành viên trong Hội Đồng Quản trị của Dòng Thánh Giuse. Vào năm 1964, Thầy được bổ nhiệm làm Giám đốc cộng đoàn của anh em Dòng tại Tuy Hòa để dạy học cho 2 Trường Tiểu Học và Trung Học. Hai năm sau, Thầy Hiệu Trưởng Trường Đặng Đức Tuấn: George Mai Văn Hùng gia nhập Dòng Đa Minh! Lúc này Thầy Gabriel làm Hiệu Trưởng kiêm Giám Đốc cộng đoàn. Cuộc sống cộng đoàn được nhiều niềm an vui, hạnh phúc nhờ sự đoàn kết mà Thầy Gabriel đã thể hiện bằng tình thương với nụ cười trên môi của Thầy. Một điều mất mát rất lớn cho cộng đoàn đang sống tại Tuy Hòa, khi Thầy Gabriel thân yêu không còn nữa! Cái chết của Thầy làm cho mọi người ngạc nhiên vì Thầy chỉ cảm nhẹ thôi, nhưng Y tá vô tình chích lộn thuốc, không có thuốc giải!!!
    Đó là một tấm gương chỉ biết hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân mà phải chịu thiệt thòi. Nguyện xin Chúa đoái thương tha thứ và ban cho linh hồn Gabriel mau về hưởng Nhan Thánh Chúa muôn đời! Amen!
    THẦY ANDRÉ PHÙNG ĐIỂM (19.02.1914 – 26.03.1973)




    Thầy André Phùng Điểm vào Dòng lớp đầu tiên tại Giáo xứ Nhà Đá. Theo thông lệ  ban đầu, mỗi đệ tử vào Dòng mang số thứ tự ký danh làm căn cước của mình. Thầy André mang số 4, nghĩa là người thứ tư gia nhập Dòng. Chính là người số cao nhất lên tuyên khấn đầu tiên. 
    Thầy gia nhập Hội Đồng Bề Trên đầu tiên Phụ Tá Đấng Sáng Lập Jean Sion Khâm và Bề trên kế vị Marc Lefèbvre Kim, MEP. Thầy đã đi học tại trường Pèlerin, Huế, do Dòng Lasan điều khiển. Năm Nhật Bản lên đảo chính chế độ thuộc địa Pháp và bắt giam vị thừa sai, tu sĩ và dân Pháp. Dòng Thánh Giuse bất ngờ, mất người dẫn dắt! Gánh nặng điều khiển Nhà Dòng trao cho Thầy André, Thầy là người kỳ cựu nhất của Dòng trong một hoàn cảnh rất khó khăn!
    Thấy André đã thăng tiến học vấn của Dòng lên bậc Trung học, bắt đầu thời chính phủ Trần Trọng Kim (nền Giáo dục Việt Nam bỏ hẳn dùng tiếng Pháp chuyển sang tiếng Việt với sự thiếu kém trầm trọng về sách giáo khoa tiếng Việt!) Thầy còn đảm trách việc dạy Anh ngữ cho đệ tử. Khi Việt Minh lên nắm chính quyền với chế độ Cộng sản…! Họ đố kỵ với đạo Công giáo, âm mưu ngấm ngầm giết hại các linh mục và tu sĩ, bao vây kinh tế của Giáo hội, phá hoại cơ sở tôn giáo, bắt chẹt những người lãnh đạo. Thêm vào đó, xảy ra chinh chiến giữa hai phe Quốc Gia và Việt Minh từ năm 1946. Địa Phận Qui Nhơn bị chia đôi từ Đèo Cả, Đức Cha Marcel Piquet Lợi bị kẹt ở Nha Trang và Thầy Michel coi sóc Dòng miền Nam. Miền Bắc Địa phận được Cha Chính Huy coi sóc còn Thầy André điều khiển Nhà Dòng. Cha Huy làm tuyên úy tại nhà Dòng Kim Châu. Cha là một người đạo đức thâm sâu, bình tĩnh và rất khôn ngoan. Thầy André là người nhẫn nhục, kín đáo rất khéo léo. Đó là đức tính cần thiết của Thầy André khi phải đối đầu với Việt Minh. Nhiều khi Cha Huy với Thầy André phải lên can thiệp Chính Quyền Liên Khu V chận  đứng mưu toan phá Tòa Giám Mục, và Nhà Dòng (Họ đã san bằng Nhà In Mission Qui Nhơn, Trường Galerin của Dòng Lasan, và đục khoét các tường của Tòa Giám mục). Sau đó Thầy André bị Việt Minh bắt giam nhiều năm, khiến hai chân của Thầy bị phong sưng quá to chảy nước và máu, nên Việt Minh mới cho về gia đình chữa trị khá lâu. Đầu óc Thầy luôn căn thẳng; nhưng vì yêu Chúa với tình yêu huynh đệ của Dòng. Thầy trở về Dòng coi sóc Nhà Chính Dòng Thánh Giuse. Nhờ đức tin vững chắc của Thầy André, nên Thầy luôn tin tưởng vào bàn tay Chúa quan phòng. Mặc dù vẫn chạy xuôi ngược để lo cho sự tồn tại của Dòng, nhất là không thể liên lạc với Đức Cha Piquet là ân nhân số một của Dòng; thêm nữa phần tài chính chủ yếu của Dòng là ở nguồn lợi ruộng đất tại Phan Rí cũng bị cắt đứt! Thầy truyền mọi anh em sau Thánh Lễ dang tay đọc kinh kính thánh Giuse để xin ơn phù trợ. Phải công nhận rằng có nhiều lúc thật kiệt quệ lại thấy được nhiều may mắn lạ thường nhờ Chúa ban cho, qua Thánh Cả Giuse cầu thay nguyện giúp.
    Sau Hội Nghị Genève 1954, Nhà Dòng dời về Nha Trang dưới sự điều khiển của Thầy. Bắt đầu Năm 1955 Thầy được bầu làm Bề trên chính thức săn sóc Nhà Chính Dòng Thánh Giuse, số 10 Võ Thị Sáu Nha Trang hiện nay. Thầy Bề Trên André lại bắt đầu từ số không! Nhà Dòng có thêm Đệ tử, nhưng kinh tế rất eo hẹp! Thầy chỉ cậy trông vào lời nguyện xin tha thiết các em bé nhỏ Đệ tử luôn dang tay sau mỗi Thánh Lễ đọc kinh kính thánh Giuse. Nhờ tình yêu của Đức Cha Piquet giúp đỡ gạo để sống. Nhà Dòng thì rất xa chợ, nên mua thức ăn rất khó khăn. Thế rồi cứ dần dà thấy Dòng có một chiếc xe chở các Dì đi chợ Nha Trang hơn 10 Km. Chính Thầy André lái chiếc xe chở mỗi ngày thật lạ lùng với một người Bề trên Dòng Thánh Giuse Việt Nam. Dần dà thấy Dòng có thêm 2 chiếc xe nữa. Thầy được mọi người kính trọng yêu mến. Cái nổi bật của Thầy André là rất mực hy sinh phục vụ hết tình lo cho anh em trong tình huynh đệ một nhà. Hơn thế nữa, Thầy rất hòa đồng, bình dân đối với mọi thành phần từ người làm việc cũng như mọi người trong Dòng. Thầy là nhà giáo yêu thương học trò tận tụy chỉ dẫn rất tích cực như cha với con. Thầy là tấm gương sinh động vui tươi luôn nỡ nụ cười với người già và tuổi thơ, nhất là giúp đỡ tận tình cho những ai khó khăn. 
    Thầy nghĩ về tương lai cho Dòng Thánh Giuse cần bằng cấp Đại Học, mà nhiều lần Đức Cha Piquet không chấp nhận; nhất là Hội Đồng các Cha Địa phận từ chối mãnh liệt. Vì như vậy, các cha Địa phận mất danh giá Linh Mục hay sao! Nhưng rồi với thời gian, lèo lái, Bề trên André dần dần cho các Thầy khấn trọn đi Đại học và có bằng đầy đủ theo quyết định của Bộ Giáo dục, để có thể làm Hiệu trưởng trường Trung Học. Thầy Bề Trên là một nhà cách mạng thay đổi cho Dòng có linh mục phục vụ cho Dòng thay vì các linh mục Địa Phận và đúng y như thế. Còn hơn thế nữa, Bề trên cũng cho một số các Thầy đi du học ở Pháp, Canada và Rome nữa. Thật đúng thế, cuối cùng Dòng được 2 Tiến sĩ là Thầy Clément Lưu Minh Hoàng, văn chương Sorbonne tại Pháp và Thầy Simon Nguyễn Xuân Nghi, Thần học tại Rome. Thầy đã dạy một số Thầy tập lái xe và đi thi có bằng, để các Thầy lái xe cho Dòng. Chính Thầy André có tấm lòng hy sinh phục vụ. Vâng, không từ chối điều gì khi các Thầy đi lên bến xe có công tác, Thầy André lái xe giúp đỡ tận tình. Ai đau bệnh, Thầy luôn viếng thăm nâng đỡ hằng ngày. Mỗi lần Bề trên đi kinh lý xa, bao giờ cũng có quà cho Nhà Dòng thưởng thức. Đó là một tấm lòng yêu thương anh em Dòng Thánh Giuse Việt Nam.
    Sau khi hết làm Bề trên, Thầy có “Bài Sai” phụ trách cộng đoàn Kim Châu Bình Định năm 1972. Anh em trong cộng đoàn thật hạnh phúc vì sự có mặt của người Cựu Bề trên hiền lành khiêm nhường và thánh thiện, đó chính là Thầy André Phùng Điểm. Thật đau buồn khi nghe tin Thầy André bị bắn trên chiếc xe đò từ Quảng Ngãi về Bình Định, ngay khu vực chinh chiến của hai bên Quốc Gia với CS! Sau khi viếng thăm một Sister Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, là cháu Thầy đau bệnh, cũng là Giám đốc Cô nhi tại đó. Chuyện là khi lên xe để về Bình Định, Thầy thấy một người phụ nữ đang mang thai ngồi ở cuối xe, thấy thế, Thầy nhường chỗ trên của mình cho người phụ nữ, và Thầy ngồi chỗ của chị ta. Xe lăn bánh được 20 phút thì có tiếng súng bắn vào phía sau xe! Đúng ngay chỗ của Thầy, Thầy ngã xuống ghế, máu sau lưng chảy ra như dòng máu tử đạo! Tài xế chạy nhanh đến Bệnh viện gần nhất, tới nơi Thầy André đã ra đi trong cảnh đau thương cho anh em, nhất là cho Dòng Thánh Giuse Nha Trang, trong thời chinh chiến vì nồi da sáo thịt da vàng Việt Nam!!!
    Đây chính là nhân chứng, một tấm gương tình yêu vì Chúa + vì con Người, Thầy André đã thực thi bằng hy sinh phục vụ cho mọi người; nhất là cho Dòng rất trọn hảo. Nguyện xin Chúa dủ lòng thương thứ tha và ban cho linh hồn Thầy André Phùng Điểm mau về hưởng Nhan Thánh Chúa, gặp anh em cùng hai vị Đấng Sáng Lập của Dòng Ngôi Lời - Giuse trên Thiên Quốc. Amen!
    (Nhờ sự đóng góp tích cực của Thầy Peter Nguyễn Ngọc Hoàng, CTS Dòng Thánh Giuse, đang ở Mỹ, về cuộc sống Thầy André bảo vệ Dòng Thánh Giuse đến hôm nay. Thầy Peter Ngọc Hoàng là người em ruột Thầy Vénard Nguyễn Đình Bá, SVD Nha Trang. Nhà Dòng Ngôi Lời – Giuse nói chung và BMỹ nói riêng, chân thành cảm mến biết ơn Thầy thật nhiều. Ngôi Lời và Thánh Cả Giuse không thể nào dám quên Thầy Peter Ngọc Hoàng bây giờ và mãi mãi).
    THẦY PAUL NGUYỄN ĐỊNH (15.8.1914 – 08.2.1997)



    Cuộc sống đời tu của Thầy Paul cũng là một tấm gương của một tu huynh lớp đầu tiên Dòng Thánh Giuse.
    Vâng, chính Thầy Paul Định là lớp đầu tiên, Đấng Sáng Lập Jean Sion Khâm đã tuyển chọn. Hiện nay tại Nhà Chính của Dòng Thánh Giuse, Nha Trang có xây một TƯỢNG ĐÀI 4 Thầy, trong đó Thầy Paul, khấn đầu tiên năm 1941. Thầy làm Giám đốc một cộng đoàn anh em của Dòng Thánh Giuse, làm Nhà In tại Nam Bình, Bình Định, nhờ đó nuôi sống cho Nhà Dòng Chính Kim Châu, thời chinh chiến. Tính tình của Thầy Paul rất hòa đồng và thích hoạt động; dù Thầy ốm, nhưng vóc dáng lại cao. Thế nhưng, Thầy rất hăng say lao động không e ngại vì sương gió nắng mưa. Cũng vì thế, Thầy cùng theo đường cứu nước của cách mạng một thời gian!
    Nhưng vì chính nghĩa tình yêu Chúa Giêsu đã hy sinh thí mạng sống vì con người. Đó là tất cả của đời Thầy, hơn là vì cho chính riêng cá nhân mình! Thầy trở lại Dòng sau Hội Nghị Genève 1954! Đời của Thầy thích dạy học nhất là chỉ dẫn cho học trò và người lớn biết cách linh động trí nhớ không thể nào quên. Điều Thầy thích dạy tân tòng biết đường đi nước bước đến với Chúa bằng tình yêu hy sinh, phục vụ.
    Thầy đã đi học bên Pháp về truyền giáo về giáo lý Công Giáo một cách tường tận. Thầy cũng nhiều năm ở trong Hội Đồng Bề trên của Dòng. Đời sống tu huynh của Thầy Paul là tấm gương cho anh em học đòi bắt chước. Đối với Thầy giờ giấc là luật tối hậu của đời người! Thầy có mặt trước giờ kinh, Thánh Lễ, viếng thăm Mình Thánh Chúa cũng như lần hạt Mân Côi. Thầy ăn chay hãm mình rất tích cực vui tươi phấn khởi cũng lao động bình thường.
    Thầy có “Bài Sai” đi học Thần Học Sài gòn, và được Đức Cha phong chức Linh Mục coi một Giáo xứ nghèo Mỹ Thanh, vào biến cố 1975. Cha Paul cùng sống với một cộng đoàn của anh em Dòng Thánh Giuse! Cha Paul Định sống vui + sống hy sinh + sống phục vụ yêu thương như anh em một nhà. Cha sinh hoạt với tha nhân trong mọi công tác xã hội cả lương dân cũng như giáo dân. Cha hòa đồng lãnh nhận công tác như mọi người, dù là một tu sĩ Phật Giáo đến với người lao động thường hoặc là một người Cách mạng. Tinh thần bình đẳng và sự cần cù trong công tác đã gây cảm tình tôn giáo với mọi giới. Đức tính này tiếp tục trong vai trò làm chứng nhân nước Trời cho mọi người cách mạng hiện tại Việt Nam. Tại Mỹ Thanh, Cha đã xây một căn nhà một tầng cho cộng đoàn! Nhưng vì Giáo xứ còn nghèo, chưa có Nhà Thờ; nên Cha đã dùng tầng trên làm Nhà Thờ của Giáo xứ!!!  
    Cuộc sống của Cha rất bình dân, Cha thường đi bộ hơn đi xe! Thế mà tuổi đã cao niên, Cha ngã xuống đất gãy chân, về Dòng chữa trị cũng khá lâu! Nhưng ngày giờ đã định, Chúa đã gọi Cha an nghỉ trong nhà Dòng Thánh Giuse  Nha Trang VN.
    THẦY DOMINIQUE HÀ LONG ẨN (1910 – 29.12.1977)



    Thầy Dominique là một thành viên đầu tiên của Cha Đấng Sáng Lập Jean Sion Khâm Dòng Thánh Giuse.
    Thầy Dominique người bé nhỏ, nhưng rất nhạy bén và nhanh nhẹn về mọi phương diện lời nói cũng như việc làm. Đặc biệt Thầy nói tiếng Pháp rất lưu loát, nên Cha Jean Sion thương mến. Vâng, đúng y như thế, Cha Jean Sion đi đâu ở đâu thì Thầy Dominique cũng có mặt ở đó. Cha Sáng Lập rất thánh thiện ăn chay hãm mình đền tội! Đặc biệt về lúc đêm khuya Cha Jean Sion vào nhà nguyện quì gối trước Mình Thánh Chúa. Thầy Doninique cũng quì phía đằng sau Cha Jean Sion. Cha cầu nguyện lớn tiếng cho bước đường bé nhỏ của Dòng Thánh Giuse hèn mọn; Thầy Dominique cũng đọc theo như ý nguyện trên.
    Cha Jean Sion đọc kinh hoặc hát tiếng Pháp, Thầy Dominique cũng đồng hát theo. Cha Jean Sion đánh đòn thân xác bằng giây da, Thầy Dominique cũng làm y như vậy. Cha Jean Sion là một nhà tài năng về nhạc, hát, cũng là đạo diễn kịch bản; Thầy Dominique cũng làm y như vậy. Vì thế tình thương của Cha Đấng Sáng Lập với Thầy Dominique như Cha với con nên một. Từ đó về sau Dòng Thánh Giuse luôn theo đường hướng của Đấng Sáng Lập. Nhà Dòng một Tuần ăn chay 2 lần Thứ Tư và Thứ Sáu. Đánh đòn vào Thứ sáu mỗi Tuần. Nhiều khi chia nhau chầu Chúa từ tối đến sáng; mãi tới thời gian Công Đồng Vatican II Nhà Dòng không còn tiếp tục nữa. 
    Thầy Dominique là một nhà giáo dục dạy tiếng Pháp, dạy nhạc, dạy đàn cho nhà Đệ tử đến cả Thỉnh sinh và Tập viện. Chính Thầy sau vài năm khấn, Thầy được làm Giám tập cho Dòng. Vì Đấng Sáng Lập phải từ giã đoàn con bé nhỏ, làm Giám Mục tại Địa phận Kon Tum! Thật đau buồn cho Dòng Thánh Giuse bé nhỏ!!! Khi Đấng Sáng Lập ra đi còn để lại nhiều di tích riêng tư của Ngài là một BẢO VẬT. Sau này mới thấy Cha Đạo Minh giữ kỹ Bảo Vật ấy, khi Cha qua đời! Đó là BÚT KÝ sống lành thánh mà Đấng Sáng Lập đã làm và thực hành ghi lại như “MỘT VIÊN NGỌC QUÍ” ĐỂ DÒNG THÁNH GIUSE VIỆT NAM NOI THEO.
    Sau ngày chia đôi đất nước Việt Nam 1954! Dòng Thánh Giuse Bình Định chính thức sống tại Nhà Mới Dòng Thánh Giuse Nha Trang. Thầy Dominique vào Đoàn Nhạc Bảo Tịnh Sài Gòn, Thầy đổi tên Dominique thành Đạo Minh. Những bài nhạc của Thầy được hát trong Nhà Nguyện của Dòng và các nhà thờ giáo xứ khác, phần đông hát về Thánh Giuse trong thời chinh chiến! Thầy Đạo Minh được đi học Thần học, tại Đại Chủng viện Xuân Bích Huế. Khi Lễ lớn của Chủng viện phải nhờ bài mừng (discours) của Thầy Đạo Minh mới có giá trị. Sau được phong chức Linh Mục, Cha vẫn làm việc như xưa và kèm theo tuyên úy của Dòng. Cha vẫn sống hiền lành khiêm nhường hy sinh phục vụ hết mình cho mọi người.
    Sau giải phòng 1975, Cha Đạo Minh có “Bài Sai” phụ trách coi 2 Giáo xứ Thánh Gia gần Dòng và một Giáo xứ Khiết Tâm cách xa Dòng 1 km! Cha sống vui + sống với người và sống với tuổi trẻ thơ đến người già nua bệnh tật, nhất là cán bộ CS nữa. Ở đâu ai ai cũng mến thương, biết ơn Cha Đạo Minh Dòng Thánh Giuse. Đi đâu, ở chỗ nào Cha Đạo Minh vẫn mặt áo dòng đen, nhiều khi người Cách mạnh không thích chút nào! Thế là chuyện đến phải đến đối với Cha Đạo Minh! Sáng ngày 29.12.1977, cả Dòng ngủ mãi tới mặt trời tỏ rạng mà không nghe chuông của Cha Đạo Minh bấm! Thánh Lễ không thấy Cha dự lễ  mỗi ngày, vì Cha làm Lễ chiều cho Giáo xứ! Ăn sáng cũng không thấy Cha! Anh em tới phòng riêng tại đầu cổng của Dòng, gõ cửa mãi cũng không nghe tiếng nói của Cha! Mở cửa vào nhìn thân xác chết Cha Đạo Minh tại cửa vào phòng vệ sinh, đầy máu đen từ giữa người của Cha với 2 võ đạn súng lục!!! Khi tin Cha Đạo Minh qua đời! Tất cả mọi nơi trong TP Nha Trang cũng như các Tỉnh khác chạy về Dòng viếng thăm xác và cầu nguyện cho Linh Hồn Cha Đạo Minh rất đông…! Nhất là ngày An Táng từ Giám Mục, các Linh mục Giáo xứ của các Dòng Nam Nữ, đặc biệt Giáo dân khắp nơi đến tiễn đưa một Linh mục Tử Đạo tại Dòng Thánh Giuse! 
    Vâng, chính Cha Đạo Minh, là người mục tử nhân hiền đã hy sinh thí mạng sống cho kẻ ghét mình. Đó là một tấm gương sinh động cho Dòng Tu Huynh Thánh Giuse Việt Nam.
    THẦY GÉRARD TRẦN LỘC (17.5.1916 – 02.10.2003)




    Đây là một thành viên ưu tú về tình yêu Chúa qua Thánh Cả Giuse, trong Dòng hèn mọn, dù thân xác yếu đau của Thầy Gérard từ lúc bé thơ. Thầy ăn cháo trắng thường xuyên vì Thầy đau dạ dày! Có những ngày Thầy không ăn chút cháo nào, nhưng việc chung luôn có mặt trong mọi thành viên trong Dòng.
    Thầy Gérard Trần Lộc vào Dòng lớp thứ II của Đấng Sáng Lập tiên khởi. Mặc dù bệnh tình của Thầy không giảm chút nào! Nhưng tinh thần hăng say của Thầy Lộc thích sống chết, theo con đường tận hiến Tu Huynh hèn mọn Thánh Giuse. Đấng Sáng Lập vẫn nâng đỡ ủi an săn sóc Thầy Gérard rất hết tình Cha yêu con. Thân hình bé nhỏ lại sức yếu về thể xác, nhưng trí óc của Thầy Lộc rất thông minh, học tập rất giỏi về mọi phương diện. Thầy sống vui + sống với người + sống với đời trong tình huynh đệ, từ trong cõi lòng mình ra. Thầy là một nhà giáo đạo đức thánh thiện, yêu thương anh em như chính mình cũng như với học trò.
    Thầy là một thành viên ưu tú của Dòng Thánh Giuse. Thầy được “Bài Sai” dạy Tiểu Chủng Viện Kon Tum nhiều năm. Thầy là một thành viên trong Hội Đồng Bề Trên của Dòng. Phần đông Thầy là phụ tá của Bề Trên nhiều năm. Hơn thế nữa, thầy làm Giám Đốc Đệ Tử của Dòng lâu năm. Thầy là một nhà giáo, một nhà Đạo diễn tập kịch rất tài tình, vào Lễ Thánh Nữ Sainte Cécile ngày 22 tháng 11 mỗi năm. Vì Dòng Thánh Giuse đào tạo nhà truyền giáo ở giữa trần gian, từ Đấng Sáng Lập đã tạo dựng những đồng nghiệp, theo gương Ngài: Kính Chúa + Yêu Người sống với và sống cùng. Thầy tìm vai trong Đệ Tử với các Thầy vào đúng vai diễn xuất đúng y như thật. Thầy luôn tìm tòi học hỏi qua Truyền Thanh cũng như Truyền Hình. Thầy làm việc hết tình, ngồi trên bàn viết, đọc sách nghiên cứu tận tâm tận lực để dạy dỗ cho anh em và cả Đệ Tử. Thầy Trần Lộc không bỏ chương trình TV vào đêm khuya, như phim truyện hay bóng đá! Tất cả là hồng ân Chúa trao ban, hãy ngợi khen Chúa; đó là tâm tình Thầy Gérard hằng ghi nhớ.
    Thầy Gérard Trần Lộc cũng đi du học tại Pháp nhiều năm về ngành giáo dục truyền giáo tại Ba-lê, Thủ Đô Pháp. Khi về VN, Thầy đi học Thần Học Piô X Đà Lạt và được Đức Cha Nguyễn Văn Thuận phong chức Linh Mục. Sau này làm Bề trên Dòng Thánh Giuse nhiều lần. Sau mùa Hè đỏ lửa và biến cố 1975, Cha Gérard cùng một số các Thầy và hơn chục Thỉnh sinh, sống một CĐ Dòng Thánh Giuse tại Thổ Hoàng BMT. Cuộc sống có vất vả lao công để nuôi sống bảo vệ đời tu định hướng mới, theo thời giải phóng: “Lao động là vinh quang!” Cha làm Giám đốc CĐ kèm Tuyên úy cho Anh Em và số Giáo dân. Cha dạy đạo đức và Thầy Kim Thanh dạy Triết cho Thỉnh sinh. CĐ sống vui + sống khỏe và sống hết tình yêu thương nhau và phục vụ cho tuổi trẻ tại Thổ Hoàng. Cuộc sống CĐ rất phấn khởi vui tươi + hạnh phúc: có cơm trắng để ăn, rau sạch tự trồng, nhất là có cá suối CĐ tự bắt. Sau 2 năm giải phóng CĐ có đầy đủ giấy tờ hợp lệ của Nhà Nước, nhất là có Hộ khẩu đầy đủ, chính quyền chấp nhận là dân cư trú  vĩnh viễn. Thế nhưng công an Tỉnh BMT tới kiểm tra Hộ khẩu CĐ để đem về khám xét lại! Một tuần sau nào xe lớn xe nhỏ của công an  Tỉnh BMT bắt giam Cha Gérard cùng tất cả Thầy và Thỉnh sinh lên xe, vì những người này bất hợp pháp! Công an Tỉnh lấy hết tất cả lên xe: Cà phê, lúa thóc, bắp, bí ngô, cả xe lớn xe nhỏ và máy cày với đồ dùng của CĐ và cá nhân!!! Tất nhiên nhà Dòng mất hết tất cả: nhà ở với ruộng vườn, nhà nước tịch thu! Cha Gérard bị ở tù gần năm tháng, biệt giam của chế độ CS sau biến cố đau thương trong cõi lòng dân tộc! Các Thầy và các Thỉnh sinh cũng tù giam nhẹ nhàng hơn! Sau mấy tháng, các Thầy + Thỉnh sinh được cho tự do nhưng phải về quê của đương sự! Đó là một đau thương khủng khiếp mà CS vô thần gây ra! Không tội cũng bắt vào tù!!! Khi ra tù Cha chẳng có tội lỗi gì trong hồ sơ! Được tự do, Cha không thể đi đứng được! Thân xác của Cha già nua, râu thì dài xuống ngực! Tưởng rằng cuộc sống của Cha chẳng còn bao lâu nữa!!! Nhà nước chỉ cho Cha về Bình Định và Cha chấp nhận; vì nghĩ rằng Nhà Dòng Thánh Giuse Nha Trang cũng tan tành mây khói rồi! Nhưng Chúa vẫn còn đoái thương Cha, để có thể ăn cháo mà sống! Khi Cha Lộc bỏ Bình Định vào Nha Trang, Cha ăn cơm được và sức khỏe dạt dào hơn, có da có thịt. Nhờ sự bồi dưỡng tận tình của Dòng săn sóc cho Cha, hơn nữa nhờ khí hậu biển Nha Trang hiền hòa mát mẻ. Cha luôn sống hòa đồng với hết mọi người, yêu thương giúp đỡ cho kẻ khó khăn rất chân tình. Cha cũng đóng góp nhiều về Dòng Thánh Giuse sát nhập Dòng Ngôi Lời mau, để đồng hành với nhau cùng đi một hướng của hai  Đấng Sáng Lập.
    Cha Gérard Trần Lộc vào tuổi 80, tuổi thọ đáng kính được hưu dưỡng, nhìn thấy công trình Cha đã làm nhiều năm cho Dòng đủ rồi! Thế nhưng Cha Lộc vẫn hy sinh, phục vụ cộng tác đào tạo tuổi trẻ Tập viện rất hăng say. Tuổi Cha quá cao! Nhưng Cha vẫn sống vui + sống hòa đồng với tuổi xuân mơn mởn. Tất cả tập sinh rất kính mến biết ơn Cha vô vàn. Chính Cha là niềm vui, là người an ủi cho tuổi trẻ theo thời hiện tại hôm nay. Cha Lộc luôn đồng hành, cũng như đóng góp với tuổi trẻ, Cha OK ngay. Dù đi lên núi cao hay đi  vào rừng sâu Cha không e ngại điều gì. Cuộc sống đạo đức của Cha là một tấm gương sáng chói cho mọi thành viên của Dòng. Cha làm việc một cách tích cực. Dù không ăn, đang bệnh Cha vẫn đọc kinh phụng vụ theo giờ giấc. Dâng Thánh Lễ mọi ngày. Nguyện gẫm đúng theo giờ. Viếng thăm Mình Thánh Chúa luôn. Lần hạt Mân Côi Cha không bao giờ dám bỏ! Vì Cha Lộc yêu mến Mẹ Maria đã cứu chữa Cha từ bé thơ đến mãi suốt đời. Vài ngày cuối cùng cơn bệnh ung thư gan làm khuấy động thân thể của Cha không ngồi được! Cha vẫn lần hạt Mân Côi liên lỉ! Cha Lộc vẫn đồng hành với một Cha dâng Thánh Lễ hằng ngày trong phòng bệnh của Cha.
    Cha Gérard đã hết tình với Chúa với Dòng, với mọi thành viên đang đứng gần bên giường, nhìn đôi mắt của Cha đang rơi lệ! Đôi mắt của Cha từ từ đóng lại, lúc hơn 12h trưa ngày 02.10.2003! Chúa đã gọi Cha Gérard Trần Lộc về Cha trên Trời, đang chờ đón một Linh Hồn Tu Huynh thành Linh Mục cuối cùng của 2 Dòng Ngôi Lời – Giuse Nha Trang Việt Nam!
    .
    NHỮNG SUY TƯ DỌC ĐƯỜNG LỮ HÀNH Về CÁI CHẾT CỦA TỔ PHỤ
    * Bài giảng Lễ An Táng Cha Gérard Trần Lộc, SVD.
    Sáng ngày 04.10.2003 của Cha Clément Lưu Minh Hoàng
    Cha Gérard Trần Lộc không còn nữa. Cha đã nằm xuống như một cây đại thụ được đốn ngã. Hưởng thọ 87 tuổi. Cha được trân trọng xếp vào hàng thượng thọ và tuổi già của Cha được Sách Khôn ngoan ca tụng: “Tuổi thọ đáng kính…, vì người đầu bạc thì khôn ngoan và sống không tì ố là sống thọ đẹp lòng Thiên Chúa” ( Kn 4,8-10 ) 
    Tôi xin dựa ý câu Sách Khôn ngoan và lấy cuộc đời Cha Gérard minh họa, để chia sẻ đôi điều. Vâng, đối với Miền Dòng Ngôi Lời – Giuse Việt Nam, Cha Gérard Trần Lộc là một bậc thượng thọ và hơn thế nữa, đó là một tổ phụ. Vào trưa thứ năm, ngày 02.10.2003, quá 12h, cộng đoàn Nhà Chính Nha Trang đã hợp quanh giường bệnh để chứng kiến, theo dõi và cầu nguyện cho Cha trong giờ phút cuối đời. Tôi nhớ từng giây một: Cha nằm thiêm thiếp trên giường, mắt mờ đục, miệng há thở thoi thóp, lồng ngực phập phồng lên xuống rất nhẹ. Sức gần cạn kiệt. Anh em hồi hộp chứng kiến và chờ đợi, chờ đợi cái giây phút cảm động nhất nhưng cũng vĩ đại nhất của một đời người. Cái giây phút mà Bossuet, một vị Giám mục lỗi lạc hùng biện, khi miêu tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, đã viết “Trong cuộc hy tế trên núi Sọ, không gì cao cả hơn hơi thở cuối cùng của Chúa, giây phút quý hóa mà linh hồn rất thánh, tách lìa thân xác đáng kính của Ngài” 
    Vâng, đó là cái giây phút mà mọi Kitô hữu phải nôn nao hướng tới. Cái giây phút mà một thụ tạo phải ra mắt Đấng Tạo Hóa. Cái giây phút mà người con nhảy bổ vào lòng tay và vào lòng Cha nhân hiền. Chúng tôi đứng lặng nhìn Cha Gérard. Chúng tôi hồi tưởng cuộc sống trưởng thọ của Cha, mà mỗi người chúng tôi đã may mắn được đồng hành với Cha nhiều quãng đường ngắn dài; qua những vui buồn và hy vọng: những lo âu đau khổ của kiếp người!
    Thế nhưng, hôm nay Cha lặng lẽ ra đi một mình vào cõi chết!
    Dĩ nhiên, cái chết của Cha không ảm đạm, không buồn bã, nhưng trang trọng, thánh thiện tuyệt vời. Chết là một kết thúc mà mọi kiếp sống đều phải tiến đến. Thật là đẹp, khi để lại đằng sau mình một quá khứ đầy công đức: rồi ra đi khi giờ đã điểm, khi sự nghiệp, sứ mệnh và sự hiện diện đã hoàn tất; đồng thời sẵn sàng vui vẻ chuyển giao trách nhiệm, chuyển giao công việc cho người sau tiếp nối.
    Con người sinh ra không phải để sống mãi mãi dưới cõi hồng trần. Chính con người sinh ra để hoàn thành một sứ vụ, một sự nghiệp. Cái chết có thể là một thảm cảnh khi “Nửa cuộc đời dang dỡ mà phải ra đi”  như Tiên Tri Isaia than vãn ( Is 38,10 ) Nhưng một kiếp trường thọ, trĩu nặng hoa trái mỹ miều, sum sê mà kết thúc thì tuyệt đẹp. Và đó là cuộc đời của Cha Gérard Trần Lộc.
    Cha Giám tỉnh Knight, người Úc, cố vấn Miền Dòng Ngôi Lời - Giuse Việt Nam, đã bình luận “Cha Gérard Trần Lộc là một người có tầm cỡ giá trị to lớn với một thân xác bé nhỏ”.
    Khi được Miền Dòng Việt Nam thông báo Cha Gérard Trần Lộc vừa qua đời lúc 13h Việt Nam ngày 02.10.2003, Cha Bề trên Tổng quyền Antonio Pernia đã gửi điện thư phân ưu, với những lời lẽ thân thương đầy thán phục đối với Cha Gérard Trần Lộc. Ngài viết : “Đã từng gặp gỡ Cha và đã hiểu biết Cha, tôi cảm thấy một sự trìu mến đặc biệt đối với Cha, và thật buồn, khi nghe tin Cha đã lìa đời. Quả là một mất mát cách riêng cho Miền Dòng Giuse bởi lẽ trước đây Cha Gérard đã từng làm Bề trên Tổng quyền, với nhiều năm dài lãnh đạo Dòng Thánh Giuse và ngày nay tích cực tham gia công việc Dòng Ngôi Lời-Giuse. Tuy nhiên, cũng có một góc nhìn sáng sủa, lạc quan. Anh em có thể đoán chắc rằng Cha Gérard Trần Lộc đã được nghênh đón hân hoan như lễ hội trong nhà Cha trên trời, đúng vào thời điểm chuẩn bị cử hành nghi lễ phong thánh cho Chân Phước Arnold và Joseph của Dòng Ngôi Lời chúng ta. Tất cả chúng ta có thể tin tưởng rằng: cùng kết họp với 2 vị Tân Hiển Thánh, Cha Gérard Trần Lộc sẽ tiếp tục cầu thay nguyện giúp cho Miền Dòng Việt Nam và cho anh em chúng ta trên khắp thế giới.”
    Vâng, chết không phải là chuyện đùa. Chết là một nỗi đau xé lòng cho những ai đã từng sống trong tình thương chân thành mà nay lại sinh ly tử biệt! Tuy nhiên, con người ta, khi chút hơi tàn đã tắt, khi linh hồn bay về Nhà Cha, thì cái còn lại ở trên trần gian chỉ là một di hài, một xác đất vật hèn,  chứ không phải con người nữa. Con người thật đã ra đi rồi! Những người còn sống bằng xương bằng thịt, chỉ lưu luyến nấn na và khoảnh khắc, rồi ai nấy cũng quay lưng để hướng về cuộc sống đang diễn tiến phía trước.
    Hôm nay, chúng ta tụ họp để tiễn đưa lần cuối Cha Gérard Trần Lộc về Nhà Cha trên Trời, sau khi Cha đã sống trường thọ với tuổi già đáng kính, khôn ngoan và thanh sạch đúng như Sách Không ngoan đã tuyên dương người đầu bạc. Chắc chắn, giờ đây Cha Gérard đang sống trong ánh sáng, trong bình an và trong hoan lạc của tuổi xuân muôn thuở. Kính thưa Cha Gérard, cộng đồng thờ phượng xin vĩnh biệt Cha và hẹn ngày tái ngộ ở cõi vĩnh hằng, trong Nhà Cha chúng ta trên Trời. Xin vĩnh biệt Cha Gérard!
    TÔN HUYNH MICHEL NGUYỄN THIẾU HY 
    (16.12.1909 – 19.6.2005)



    Đang tuổi thanh niên 25 đến 30 tuổi, Thầy Michel “XIN VÂNG LỜI” Đức Cha Marcel Piquet Thừa sai Ba-lê, cũng là Bề Trên Dòng Thánh Giuse miền Nam Quốc Gia thời chinh chiến 1940, từ Nha Trang vào trong! Từ Phú Yên – Bình Định – Quảng Ngãi  & Quảng Nam ra dưới thời Việt Minh, Bề trên André Phùng Điểm phụ trách Dòng Thánh Giuse miền Bắc!  Hai bên không liên lạc được với nhau!
    Chính Thầy Michel nhận “Bài Sai” vào Giáo xứ Rừng Lai  + Tầm Chưởng, sau này, chính Thầy đặt Tên mới Phước Thiện + Phước An vào năm 1942! 2 Giáo xứ mới trong vùng sâu nước độc cọp beo, heo rừng sống theo đàn! Khí hậu ở đây rất tồi tệ! Dân chúng dễ bị sốt rét kinh niên!  Nên giáo dân không dám ở! Phần đông nhìn thấy đàn ông đàn bà lớn tuổi, ít thấy tuổi trẻ bao giờ! Chính Cha Lễ coi 2 giáo xứ cũng ốm o gầy mòn! Ngài mặc áo ấm quanh năm! Thầy Michel được Chúa đoái thương ban cho Thầy bình an khỏe mạnh, vừa lo dạy giáo lý tân tòng! Thầy dạy ABC vì dân chúng mù chữ! Thầy Michel luôn có mặt trong giờ kinh cũng như Thánh Lễ hằng ngày. Nhà thờ thì lớn, nhưng giáo dân dự lễ tính trọn trên 2 bài tay 10 ngón! Phần đông ngưới lớn tuổi có mặt mà thôi!!! Trong nhà thờ sử dụng 2 hay 3 chiếc chiếu, để giáo dân, Cha, Thầy cùng ngồi hay quì!  Dù sao là đất mới của Địa Phận Qui Nhơn mua thời Pháp thuộc, của Tỉnh Ninh Thuận!
    Công việc chính thức của Thầy Michel làm quản lý của Địa Phận Qui Nhơn mà Đức Cha Marcel Piquet Lợi phụ trách. Sau khi chia đôi Đất Nước Bắc Nam. Nên Địa Phận Qui Nhơn cũng chia làm 2! Có Địa Phận Nha Trang năm 1954 tới hôm nay! Thầy Michel rất lo âu vô cùng! Vì Thầy chưa bao giờ học  ngành Quản lý, làm sao dám làm Tổng quản lý cho Địa Phận! Nhưng may mắn thay, Thầy gặp một cựu tu, Thầy Giảng cùng trong nhóm ở Qui Nhơn xưa, đã xuất; sống một gia đình đạo đức ở tại Phước Thiện! Gọi là Thầy Bảy đã làm quản lý cho Địa phận và giúp đỡ cho Đức Cha Piquet nhiều năm! Khi gặp lại nhau, Thầy Bảy quyết định không thể làm quản lý cho Địa phận nữa! Thầy Bảy suy nghĩ không thể tốt đẹp gì vì có gia đình riêng tư của mình mà làm công việc Nhà Chung! Thầy Bảy thật lòng chỉ dẫn tận tình cách làm quản lý kinh tế về tiền bạc + đất đai cho Thầy Michel, trong chính nghĩa với tình thương của Chúa trao ban. 
    Bắt đầu từ đó, Thầy Michel tìm tòi học hỏi thêm và có trách nhiệm bảo vệ  nền kinh tế của Địa Phận vững vàng hơn! Dù sao Thầy Michel luôn tôn trọng, kính nể người Thầy dạy quản lý, chính Thầy Bảy làm cho Michel nên người hôm nay và mãi mãi! Thầy Michel bảo vệ tiền của cho Nhà Chung. Thầy quan hệ người Pháp để bán thuốc lá cho Cty BOSTO của Pháp ở Sài Gòn. Nhân viên Cty BOSTO đến nơi ở của Thầy Michel làm việc. Thí nghiệm về đất đai tại  Rừng Lai + Tầm Chưởng, người Pháp OK buôn bán với Thầy Michel. Thầy Michel cho giáo dân mượn tiền làm mùa, để bán thuốc lại cho Nhà Chung! Từ đó Thầy mướn người công nhân từ Quảng Ngãi vào làm việc cho thuốc lá của Địa Phận tại Phước Thiện. Thầy xây nhà kho lớn chứa thuốc dự trữ vào bao, chở xe lớn chuyển Tàu lửa vào Sài Gòn! Thầy mua chiếc xe tải và mướn tài xế để tiết kiệm tiền! Đức Giám Mục Marcel Piquet kính nể, giáo dân được sống đạo một cách mật thiết với Chúa; vì Thầy Tổng Quản lý Michel kính Chúa yêu người một cách thiết thực! Cũng từ đó giáo dân đi đọc kinh, dự Thánh Lễ đông hơn nhiều! Thầy Michel xin Đức Giám Mục cho phép mướn thợ làm bàn quì, ghế ngồi trong nhà thờ thay chiếu như xưa! Vì gỗ trong rừng Thầy Michel đã chặt đem về dự trữ đầy đủ rồi! Thế là nhà thờ có bàn quì, ghế ngồi, thật văn minh, lịch sự! Thầy Michel còn xây trường Tiểu học bên nhà thờ. Thầy xin Bề Trên cho thêm 2 thầy, để dạy học cho con cái phụ huynh giáo dân! Thầy xây tường làm khuôn viên từ nhà các thầy đến nhà cha xứ với cả trường học! Chính là khuôn viên của Nhà Thờ xứ đạo Phước Thiện.
    Thầy Michel một người khá đặc biệt, bắn súng rất giỏi! Khi quân đội Pháp ghé thăm Thầy và đưa súng cho Thầy thử! Thầy bắn đâu trúng đó! Một Thiếu Tá Pháp khen Thầy nên về thế gian, sẽ chuyển Thầy qua Pháp học quân trường một thời gian, lên chức Đại Úy, để đánh giặc giỏi! Nhưng Thầy từ chối, dứt khoát theo Chúa đến cùng! Người Pháp đã cho Thầy 2 súng săn làm kỷ niệm. Thầy đã dạy nhiều ông câu tập bắn súng và sau này Thầy với các ông đi săn! Mỗi lần đi săn về có thịt rừng, lúc thì heo rừng, lúc thịt nai, lúc thì bò rừng. Có lúc thịt cọp nữa! Thầy chia phần cho mọi nhóm của giáo dân ai nấy đều vui mừng! Thầy còn chỉ dẫn cho giáo dân biết ý thức lao công vất vả vì yêu Chúa, vì cuộc sống gia đình. Nhờ đó công ăn việc làm được nhiều thành công mỹ mãn trúng mùa màng! Giáo dân phấn khởi vui tươi, hạnh phúc có tiền dư đầy xây nhà mới!
    Vào mùa Hè năm 1949, Cha Xứ xắp về tỉnh tâm tại Tòa Giám mục Nha Trang. Thầy Michel khuyên Cha xứ tỉnh tâm và ở lại bồi dưỡng vài tuần, trong này con sẽ xây  nhà mới cho Cha ở! Vì nhà cũ hư hỏng lại gần kho thuốc lá nguy hại sức khỏe cho Cha! Đúng y như lời hứa, Thầy Michel đã xây một mái nhà rất xinh đẹp, đầy đủ tiện nghi cho Cha xứ, còn nhiều phòng khách ở trọ! Đó là một Villa tuyệt vời, tới mãi hôm nay vẫn là kỳ công tuyệt hảo chính Thầy Michel xây cất! Công việc Thầy làm bằng hy sinh phục vụ hết mình cho Chúa và cho tha nhân.
    Năm 1950 Đức Cha  Marcel  Piquet  Lợi  vì mến thương Dòng Thánh Giuse, nên gọi Thầy Michel về lại Nha Trang, tìm phương hướng mới cho Dòng có chỗ ở! Vì hiện tại Dòng Thánh Giuse tạm trú tại khu của các Cố Thừa sai Ba-lê! Thầy Michel đi tìm và mua một khu đất gần 7 mẫu, xa cách thành phố Nha Trang hơn 9 km! Dòng Thánh Giuse, hiện tại là Số 10 Võ Thị Sáu Nha Trang bây giờ. Khi xong Nhà mới của Dòng năm 1954 chia đôi đất nước Việt Nam theo nghị định Genève! Các thầy và đệ tử ở một nhà dài 90 mét. Một nhà cho Cha tuyên úy ở đầu! Một nhà người làm ở cuối! Trong xa có nhà các Dì phục vụ và nhà bếp! Kinh tế của Dòng chẳng có gì để sống! Nhờ Đức Cha nuôi ăn một thời gian khá dài, làm khổ cho kinh tế Địa phận lo âu! Thầy Michel đi tìm đất canh tác tại Ban Mê Thuật! Nhờ Chúa Thánh Linh chỉ dẫn một chỗ đất gần hơn 200 mẫu, phì nhiêu gần suối nước, thầy Michel cắm lều; đó là Thổ Hoàng! Thầy xin phép mọi nơi đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp nhận. Thầy bắt đầu xây cất nhà ở, mướn người làm công. Chặt cây to! Đốt rẫy trồng Cà phê 40 mẫu cùng với lúa, đậu, bí ngô đem về cho nhà mới Nha Trang! Thầy mua một chiếc xe tải chở gỗ tốt làm ghế ngồi, quì trong nhà nguyện tới hôm nay! Thầy còn bảo vệ 40 mẫu ruộng lúa ở Phan rý để bán lúa nuôi dưỡng cho các Thầy và Để Tử nữa. 2 khu vực trên, thầy Michel mua xe máy cày Anh Quốc để làm việc thành công hơn. Thầy là một quản lý tài giỏi ít nói, nhưng thực hành rất tuyệt hảo, không ai qua mặt Thầy được. Thầy không bao giờ phung phí tiền của Dòng cũng như cá nhân của Thầy! Thầy không bao giờ chấp nhận bà con ruột thịt tới thăm Thầy! Thầy không chấp nhận người thân, làm thế anh em nghi ngờ Tổng quản lý chia sẻ tiền bạc của Dòng mất đi! Nhưng đối với ai khó khăn dù nam hay nữ, Thầy giúp đỡ trong tình thương yêu của Chúa đã ban cho Thầy. Cũng vì thế khi nghĩ đến Dòng Thánh Giuse, ai ai ở nơi nào đều nhớ thương kính phục Thầy Tổng Quản Lý Michel! Vâng, đúng như lời khen của nhiều người. Thầy Michel đã mở rộng đường chính của xứ Phước An và trồng trước mỗi nhà dân một cây dừa mau ra trái mà dùng! Thầy còn xây một nhà thờ bằng đá to từ núi đem về, để giáo dân Phước An đi đọc kinh dự Thánh Lễ.
    Năm 1974, nhà Dòng bầu thầy Michel làm Bề Trên. Từ lâu ngài từ chối chức vị này! Thầy nghĩ rằng điều đẹp nhất hãy khiêm nhường như anh em thì đẹp đẽ hơn chăng? Lần này vì vâng lời, ngài xin vâng! Khi nhận chức Bề Trên,  Thầy lo âu về nền kinh tế của Dòng không đủ chi phí cho một số lớn các thầy trẻ đang học Đại học Sài Gòn, Đà Lạt! Thầy Bề trên Michel chạy đến Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận Giám Mục Địa Phận Nha Trang. Đức Cha đã giới thiệu Dòng Ngôi Lời giúp đỡ cho Dòng Thánh Giuse! Cũng nhờ đó Bề Trên Michel rất tha thiết cổ động, công lớn trong việc sát nhập Dòng Thánh Giuse với Dòng Ngôi Lời như hôm nay được thành công mỹ mãn. Cuộc sống âm thầm của Bề Trên Michel chỉ muốn hy sinh phục vụ cho tha nhân nhiều hơn. Nên khi có cơ hội Thầy Michel từ chức và chuyển trao chức vụ Bề Trên cho Cha Clément Lưu Minh Hoàng, trong hoàn cảnh biến cố 1975!!! Khi nói về công việc  của Thầy Michel, không giấy bút nào tả cho xiết! 
    Cuộc đời tu sĩ của Thầy Michel Nguyễn Thiếu Hy quả là tấm gương sáng giá đời  sống tu hành. Đọc kinh, dự Thánh Lễ, nguyện cầu, lần hạt Mân Côi đặc biệt Thầy đi viếng Mình Thánh Chúa vào buổi chiều lúc 16h, là cần thiết của đời Thầy! Sự hy sinh phục vụ của Thầy đã thể hiện cho những người bất hạnh đói nghèo ở mọi nơi, luôn nhớ ơn, cảm mến biết ơn Thầy Michel! Thầy mất ngày 19.6.2005 lúc tuổi thọ 96! Thân xác cường tráng, nhưng Thầy không ăn không uống được! Thầy Không thể đi đứng được! Chỉ nằm liệt giường gần một tháng, được Chúa gọi Thầy về bình an hạnh phúc trong Nhà Chúa Ngôi Lời – Giuse Nha Trang! Amen!

    NGUỒN:
    Email from SH BẠCH MỸ: hung nguyen <bachmysvd@gmail.com>
    Sent: Saturday, June 18, 2011 8:46 PM
    Subject: 
    NHỮNG TẤM GƯƠNG CÁC TU HUYNH DÒNG THÁNH GIUSE NHA TRANG VIỆT NAM....

      

    Không có nhận xét nào: