Chữ TẾT trong tiếng Việt tạo âm hưởng và gợi hình
Sau bao nhiêu năm ''ăn TẾT'' ở trong và ngoài Nước, ước mong tìm cho ra ý nghĩa đích thực của chữ TẾT, đọc quá nhiều tài liệu về ''mỹ từ ấy'', tôi KHÔNG đồng ý với ''lập luận'' rằng chữ TẾT là do chữ TIẾT (節) của Hán tự.
I- Bằng chứng người Việt phát âm chữ 節
A- TIẾT chứ không phải TẾT
Chữ TIẾT (節) có rất nhiều nghĩa, chẳng hạn: thời tiết; tiết học trong lớp... Người Việt mình ở cả ba miền KHÔNG hề phát âm NGỌNG chữ TIẾT thành TẾT!!! Xin dẫn chứng cách Đồng Bào đọc (nói), viết như sau: TIẾT dục (節欲); TIẾT hạnh (節行); TIẾT mục (節目); TIẾT nghĩa (節義); TIẾT tháo (節操): giữ khí TIẾT (氣節); TIẾT trinh (節貞); chi TIẾT (支 節); âm TIẾT (音節); TIẾT tấu (節奏); TIẾT phụ (節婦); TIẾTdụng (節用); TIẾT kiệm (節儉); thủ TIẾT (守節)...
Ngoài ra, người Hoa (Tàu) không dùng chữ 節(tiết) để chỉ Năm Mới, mà chữ ''duỳn tản'' (nguyên đán) hay là ''xin nển''(tân niên) và thậm chí cả Khổng Tử cũng chẳng biết chữ TẾT của người Việt do đâu nên ông tự gọi ''nó'' bằng cái tên là TẾ SẠ như Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng và nhiều học giả khác chứng minh.
B- Ý nghĩa của chữ TIẾT hậu: 節候
Theo nhà làm lịch, NĂM NGÀY (five days) được gọi là MỘT HẬU và BA HẬU là MỘT KHÍ TIẾT. Như vậy, căn cứ vào A và B (I), mỹ từ TẾT của Tổ Tiên mình KHÔNG phải là cách biến âm (évolution phonétique) của chữ TIẾT như hầu hết người Việt ngộ nhận. KHÔNG phải bất cứ ai thông thạo viết, nói, dịch, dạy tiếng Mẹ Đẻ đều biết rành nguồn gốc của TẤT CẢ các từ trong tiếng ấy. Tôi hỏi anh kia dạy Nga văn (ở Đại Học) chữ ''phanh xe đạp'' do đâu; anh ấy nói anh không biết. Thật thà như thế thì dễ được người khác mến. Hầu như ai cũng biết chữ FAX; có người chỉ biết chữ ấy do đâu, chứ chẳng giải thích được tại sao (nó) có mẫu tự X!!!
II- Hàn Lâm Viện Pháp định nghĩa chữ TÊT
Cuốn Larousse (Dictionnaire Encyclopédique trước đây và sau này) định nghĩa chữ TÊT như sau: ''Ngày đầu năm theo lịch mặt trăng (âm lịch) CỦA Việt Nam tạo lý do cho những buổi liên hoan, hội hè (của Lễ Tết) giữa 20 tháng một và 19 tháng hai.'' (Têt: Premier jour de l'année du calendrier lunaire vietnamien, donnant lieu à des festivités (fête du Têt) entre le 20 janvier et le 19 février.)
Theo nguyên tắc, vì chủ trương: ''Điều gì không rõ ràng là không phải của Pháp, của tiếng Pháp. Ce qui n'est pas clair n'est pas français.'', trong tự điển (trừ loại bỏ túi), người Pháp luôn ghi cách phát âm từng chữ và NGUỒN GỐC của nó, chẳng hạn: Têt [tɛ] n.m (lat. testum, vase en terre) và cho định nghĩa là ''cái bình bằng đất ở phòng thí nghiệm...'' Trong khi đó, chữ Têt, đọc là: [tɛt] thì KHÔNG có gốc ''chinois, chinese'', mà là CỦA Việt Nam, khác với chữ TÊT kia do chữ Latin! (Xin tìm chữ ''pékiné, pékinois'' thì sẽ thấy: ''de Pékin'' rõ ràng!)
Đáng tiếc rằng, ở trên mạng và trong một số tài liệu bằng tiếng Anh, Pháp, Đức..., nhiều người bản xứ, kể cả không ít VIỆT BÀO, cũng KHẲNG ĐỊNH chữ TẾT do TIẾT mà ra. Vậy thì tại sao mình viết, nói ''TIẾT canh vịt, thọc TIẾT'', mà KHÔNG phải: TẾT canh vịt, thọc TẾT? Xin Bà Con vui lòng ĐỪNG VÔ TÌNH tạo cớ cho người ngoài LÀM HƯ chữ TẾT quá thiêng liêng của Tổ Tiên!
III- TẾT TA, TẾT DÂN TỘC, TẾT (CỔ TRUYỀN) VIỆT NAM
Các chữ vừa nêu diễn tả ''HỒN VIỆT, TINH HOA VIỆT, VĂN HÓA VIỆT thuần túy'' đã, đang và sẽ còn ĐI VÀO mọi lãnh vực VĂN HÓA (INCULTURATION) của VIỆT BÀO. Tôi chợt nhớ đến đoạn mà Thầy-Cô-năm-xưa cho trò ''học thuộc lòng để trả bài'' ở lớp Đệ Ngũ Trung Học:
''Giọng Hàn Thuyên! Hồn Đại Việt! Hai câu ấy thực là gồm cả cái lòng hy vọng tối thiết của bọn ta. Than ôi, vì sao mà ta khắc khoải trong lòng, ta băn khoăn trong dạ, vì sao mà ta mong mỏi, mà trữ thương? Chẳng phải là từ xưa đến nay ta chưa từng được đem cái giọng Hàn Thuyên này mà diễn cái hồn Đại Việt kia ư? Cùng một tiếng khóc, cùng một giọng cười, mà sao giọng cười, tiếng khóc bằng cái lời họ Hàn kia nó cảm ta như thế? Là bởi trời sinh ra ta để nói cái lời ấy, trời sinh ra cái lời ấy để ta nói, ta nói bằng lời ấy, mới nói được lòng ta, nói bằng lời khác là nói những sự không thực cả. Trong trời đất chỉ có lời ấy với ta, ta với lời ấy là có cái duyên nợ ba sinh vậy... Dù ta học chữ Tây hay chữ Tàu, ta cũng chớ nên quên tiếng Tổ Quốc là cái tiếng từ khi lọt lòng ta đã học nói, và đến khi hấp hối chết cũng còn nói. Ta nên nhớ câu ca dao của nước nhà: ''Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn!... Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Tiếng của Tổ Quốc thời thương lấy cùng!''
Vậy, tôi CŨNG mong các KỸ-SƯ-TÂM-HỒN-hôm-nay ĐỪNG cho tuổi thơ THẤM VÀO ĐẦU ''cái'' nguồn gốc KHÔNG ĐÚNG của chữ TẾT!
IV- ''Âm hưởng'' và cách ''gợi hình'' của tiếng Mẹ Đẻ
A- Người Pháp nhận xét về tiếng Việt
Đã đi khắp nơi, so sánh ''âm tiếng Việt'' với ''âm các tiếng khác'', người Pháp nói chung, nhất là các nhà ''ngôn ngữ và ngữ âm học'' nhận xét thế này: ''Người Việt nói NHƯ CHIM HÓT!''
Ngồi với bạn người Pháp, khi trao đổi về tiếng Việt, tôi nói: Một trong những đặc điểm của chữ Hán là ''tượng thanh'', nhất là ''tượng hình'', ví dụ chữ MẪU母có hình hai bầu sữa. Trong khi đó, chữ MẸ, MÁ, MẠ, (hay MẪU đi nữa) thì GỢI HÌNH (khác với ''tượng hình''), lại có ÂM HƯỞNG sâu xa như lời nhạc của Y Vân về người Mẹ: ''thấm vào lòng con; chan chứa trên bao xóm làng gần xa!''
Thật vậy, hình ảnh của MẸ trong ngày TẾT thiêng liêng cũng để lại ''âm hưởng'' trong tôi qua bài thơ NHỚ XUÂN có bốn câu này: Vườn xuân rộn tiếng chim ca - Cõi lòng của mẹ bao la, nặng sầu... Con đi biền biệt đã lâu – Không còn giúp Mẹ têm trầu như xưa...
B- Âm trong tiếng Mẹ Đẻ
1- Âm ẾT, ỆT
Trong tiếng Việt, (kể cả những ''chữ gốc Hán'' được người mình đọc cách khác, ÊM NHẸ và HAY hơn), âm ẾT, ỆT diễn tả ''mức độ'' nhiều hay ít, tốt hay xấu.
Ví dụ: hết ý; hết sẩy; thương con hết mực; quần áo ướt dính bết vào da; làm ăn bết; ngồi bệt; máy chết giữa đường; làm ăn thế thì chết; chết mê, chết mệt; chết rấp cho hết; hết hồn; hết chỗ nói; hết nước rồi; hết thảy; giống hệt; nhựa câykết đặc; kết đọng; kết tóc; kết tủa; kéo lết; bò lết; lết vô hòm; quần dài lết bết; làm ăn lết bết; dài lệt bệt; dệt mộng; dệtlụa; tiếng dép lệt sệt (xệt) ngoài sân; mê mệt; mệt cái đầu; mất nết; nết na; phết mấy roi; phết hồ; phết sơn; sền sệt; trếtdầu; thấp trệt; dấu vết; vết thương lòng; vết tích; vệt đèn pha...
2- Âm ÉT, ẸT
Ví dụ: quét nhà; cái quẹt lửa; càn quét; quần áo (mùa) rét; đất sét; lưỡi cuốc bị sét; sét đánh; vơ vét làm thét rồi quen; thét lên; thét (nung) vàng, bạc; mũi tẹt; xem xét; xét nét; xét soi; chẹt cứng; dài, tròn, mà dẹt ở phần đuôi; người khô đét như gỗ; đét roi vào lưng; ăn gì cũng đẹt; kỳ cho sạch ghét; trâu buộc ghét trâu ăn; hét vào tai; máu khô két! Áo két dầu mỡ! Súng kẹt đạn. kẹt cho mầy; khét tiếng; cơm khét; khét lẹt; con két; con vẹt; học hành lẹt đẹt nên thi rớt; lẹt đẹt theo mẹ; sợ tái mét; nẹt cho mấy roi; bị mẹ nẹt cho một trận; âm thanh nghe nét; nét ngài nở nang; nhét đầy túi; vét sạch túi; phét lác; nói phét...
V- Nguồn gốc của chữ TẾT
Ngôn ngữ là phương tiện mà loài người sử dụng để thông tri cho nhau ý tưởng của mình. Với thời gian, do các hình thức sinh hoạt, lễ hội ăn mừng, nhiều chữ xuất hiện trong Kho Tàng tiếng Việt Cổ. Theo thiển ý của tôi, (ngoài những khám phá lý thú trong bài ''Tết là gì?'' mà tôi sẽ mời bà con vào đọc), chữ TẾT (có âm ẾT) CŨNG do những từ ''tạo âm hưởng'' và ''gợi hình'' sau đây:
1- tét: cắt bánh bằng sợi dây nhỏ vòng qua nó, rồi kéo dây từ từ để có từng khoanh bánh ''rơi'' NHẸ, nằm XINH XẮN trên dĩa.
2- tết: đan, thắt nhiều sợi dây thành túi (đựng đồ ăn, đồ dùng) trông ĐẸP mắt.
3- tết: bện, quấn bằng rơm hay dây DÍNH CHẶT, thật KHÉO vào cái gì; gói, bọc KỸ thịt, cá bằng lá dừa, lá chuối, lá tranh, chẳng hạn: tré Huế.
4- tết: bím tóc, chẳng hạn: tóc TẾT bím trông THẬT DỄ THƯƠNG.
5- tết: mang tặng, biếu những gì TỐT ĐẸP, QUÝ BÁU: Mồng một TẾT Cha, mồng ba TẾT Thầy.
Năm động từ (có những Ý ĐẸP vừa nêu) cho chúng ta MỸ từ TẾT viết hoa vì đó là danh từ RIÊNG của người Việt, rồi hai chữ TẾT NHẤT (NHỨT) là TẾT trên HẾT! (TÊT avant TOUT; TET above ALL!) Vui như TẾT! Năm HẾT, TẾT đến! Câu ca dao sau đây chứng tỏ chữ TẾT có từ ngàn xưa: ''TẾT Trần, TẾT Lý, TẾT Lê...! TRĂM NGÀN cái TẾT, ai chê TẾT nào!''
VI- Lời kết
Bác sĩ Motta phát biểu: ''Yêu tiếng Mẹ Đẻ là BỔN PHẬN của mình. THỜ Ơ với tiếng Mẹ Đẻ là dấu chỉ SUY THOÁI về luân lý.'' Còn De Amicis thì cho rằng NẮM VỮNG tiếng Mẹ Đẻ là CÓ trong tay chìa khóa MỞ các cửa NHÀ TÙ.
Ước gì con cháu VIỆT BÀO ''biết'' yêu tiếng Việt HƠN tất cả các tiếng KHÁC và noi gương của gia đình này: Xúc động clip "Ý nghĩa chữ Tết" | soha.vn
Đức Quốc, Mồng hai TẾT TA (01.02.2014)
Phan văn Phước
NGUỒN:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét