CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

    TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA - REMI NGUYỄN CÔNG SỰ


    TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA
    Ngày đầu năm 2015. Cha Tuấn, Tổng quản lý Dòng gọi phone nhắc lại lời mời chiều nay lúc 17g00 ngày 1/1 về Dòng dự nghi thúc làm phép dãy Nhà Từ Đường (trường trung họcVõ Thị Sáu) mà chính quyền vừa trao trả cho Dòng cách đây mấy tháng. Tôi nhắn cho anh Phó Trần Việt Hùng nhớ mang máy theo để  chụp vài tấm ảnh gởi cho anh em xem lại dung nhan người tình không được cận kề đã gần non nửa thế kỷ cạn dòng lá thắm!


    Tôi nhập Dòng mùa hè năm 1956, hai năm sau khi dãy Nhà Từ Đường được Đức Cha Marcel Piquet Lợi xây cất vào năm 1954 (Xin anh em xem lại LS/DTG: một thời để nhớ & một đời tri ân) khi tôi mới mãn lớp nhì (lớp bốn). Thầy Eymard lúc bấy giờ giúp xứ Hộ Diêm là người cho tôi đi tu. Từ bấy đến nay, đã hơn nửa thế kỷ, như châu về hợp phố, hôm nay chàng Kim trở lại vườn Thúy, lòng sao không khỏi ngậm ngùi!


    Tôi đi một vòng để ngắm lại cảnh cũ. Đầu dãy nhà phía Bắc (có tượng Thành Giuse), mặt trước tôi nhớ có một phòng tổ phụ Michel ở đó. Phía đầu hè sau có một phòng nhỏ mà Thầy Vincent Ngân thường tập hát riêng cho một vài em đệ tứ hát solo, có khi kiểm duyệt phim ảnh trước để chiếu cho các chú đệ tử giải trí. Phòng này vì là nơi yên tĩnh và mát nên Thầy Eymard cũng thường vào học bài dọn thi, vừa học vừa nhổ râu. Khi thiếu lớp, các Thầy Bernadin Hồ Tôn Dưng (RIP), Thầy Ambroise Phạm Doanh Châu (RIP), Thầy Vénard Nguyễn Đình Bá, Thầy Joseph Phan Văn Bé (RIP)…đã dạy bọn tôi ở đó. Nay họ bít hành lang bên hông, đập vách chắn giữa hai phòng làm thành một cho rộng. Hiện cha Hải ở đây trông coi gần 40 em Thỉnh sinh vừa mới chuyển ra.


    Đầu dãy nhà phía Nam (phìa Bình Tân), lúc trước là phòng Thầy Bề trên André Phùng Điểm ở. Nay họ bịt cửa chính làm cửa sổ. Còn cửa chính được mở bên hông hành lang phia Nam. Cha Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN PHÚ, Giám đốc Thỉnh sinh ở đây. Liền phía sau, còn có một phòng lúc trước Thầy Gaston ở. Và tiếng đờn violon của Thầy thường vẳng ra từ đây. Cây phượng vĩ giữa phòng Bề trên André và phòng khách cũ đã bị chặt đi và được thay vào bằng một cây bàng tán là sum sê. Dãy Nhà Từ Đường dài khoảng 85 mét, ngang chừng 8 mét, cộng thêm 2 mét hành lang. Các phòng bên trong đã được xây lại cho nhu cầu của học sinh. Cách mặt trước 5 mét là bức tường “Bá linh” ngăn cách dãy Nhà Từ Đường với dãy lầu đệ tử cũ Thầy André xây cất (dãy lầu này họ chưa trả cho ta). Phía sau dãy Nhà Từ Đường chỉ còn lại một hàng dừa già. Cái giếng họ đã lấp đi đời nào. Hàng hoa đào cũng đã đi lấy chồng. Hàng khuynh diệp được thay thế bằng bức tường chạy dọc đường Võ Thị Sáu.


    Muốn vào dãy Nhà Từ Đường, cứ chạy dọc đường Võ Thị Sáu. Cách bảng “DÒNG THÀNH GIUSE” khoảng 100 mét, quẹo vào cổng lớn phía tay mặt. đó là nhà Thỉnh. Hoặc ai đi xe Honda, cứ vào cổng “DÒNG THÁNH GIUSE”, tới tượng Thánh Giuse, quẹo trái, hỏi cha Hải là vào được thiên đàng.


    Cha Giám Tỉnh đi làm phép nhà. Các Thỉnh sinh hát. Ngài rảy nước thánh tới đâu là ma quỷ, tà ma chay trốn tới đó. Sau nghi thức làm phép nhà, nhà Thỉnh đãi một bữa tiệc-huynh-đệ no nê, ngon lành. Không ngờ các em Thỉnh sinh nấu ăn ngon không chê. Cả chất lẫn lượng. Cám ơn cha Tổng quản lý tươm tất trước sau. Dịp này, các Cha Thầy hưu dưỡng không thiếu một ai.






    Tiệc tàn. Chúng tôi chia tay nhau ra về. Xin chia vui với Dòng vì đã nhận lại 5.842 mét vuông đất, trong đó có Nhà Từ Đường. Tôi không quên ngày hôm đó, 15/8/2008, lễ Mẹ Lên Trời, 3 chiếc áo dòng hiên ngang đứng giữa một bọn “đầu trâu mặt ngựa, người thước nách, kẻ tay đao” ào ào như sôi, đòi đập phá Nhà Từ Đường để xây dựng trường mới, đòi bắn các Cha Thầy chống đối. Cha Bề trên Clément Lưu Minh Hoàng lên tiếng: “Các anh có bắn thì bắn tôi. Tôi là người đại diện chính thức hội  Dòng. Tôi chịu trách nhiệm trong vụ việc này. Các anh…” Và bọn họ xuống nước đấu dịu. Cho đến ngày hôm nay, cha Clément Lưu Minh Hoàng đã yên nghỉ. Tôi biết chắc trên thiên đàng ngài nở một nụ cười mãn nguyện.

    Không biết hai anh Trần Việt Hùng và Nguyễn Văn Thư tâm tư thế nào. Riêng tôi cảm thấy nôn nao, bồi hồi khi trở lại mái nhà xưa. Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người! Quê nhà tôi ơi! bên thềm đã cũ, bóng cha ngồi đây, bức tường lung lay, ngọn đèn vôi trắng…Mắt tôi cay cay…À ơi! Hoa cải bay đi, hoa râm ở lại…Thôi đành ở lại! Tôi hát trong lòng!

    Rémi Công Sự



    NHỚ NGUỒN

    FACEBOOK


    TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA


      Để thêm  chút tình vào nỗi nhớ mênh mang của một thời xưa cũ, MC xin được nối giòng vào bài viết của Thầy REMY SỰ, cho chúng ta ôn lại phần nào kỷ niệm mà trong đó đã thành hơi thở, thành niềm thương  và khao khát muốn trở thành nhưng không được, đó là những taru huynh đệ dòng thánh GIUSE. Mà hình ảnh gợi nhớ là ngôi nhà "từ đường" vừa được tái khánh thành .......là chuyện cũ nên cái nhớ, cái quên, mong anh em xem và thông cảm......bây giờ , xin uống một chén trà và dạo gót......
       Niên khóa 69/70, tôi được ban giám đốc Dòng thánh GIUSE chi nhánh Kim Châu, Bình Định chọn vào nhà đệ tử ở Nha Trang, chân ướt chân ráo sách va ly xuống Dòng, cái đập vào mắt đầu tiên là dẫy nhà từ đường nằm bên trái căn nhà khách, khi ấy từ nhà đệ tử nhìn qua thấy mọi chuyện vì chỉ ngăn bằng một hàng rào lưới bảo vệ đơn sơ, tôi không biết nhà Dòng cho quân đội MỸ mướn từ bao giờ , nhưng năm đó vẫn còn hợp đồng và họ dùng dẫy nhà này làm PX. Cộng thêm phần chạy suốt lên phía trên nhà thờ Thánh Gia và quẹo ngang lên tới phần đất của nhà Tập là dẫy nhà gỗ cho đại đội lính NÙNG cư ngụ, khi ấy nhà Dòng đặc biệt an ninh vì ngày đêm có quân đội Mỹ gác bảo vệ quanh vành đai trên 5 hecta diện tích.
       Căn nhà đầu hồi được người Mỹ dùng làm nơi thử các máy bay mô hình, chiều chiều họ đem các loại máy bay từ trực thăng đến có cánh ra điều khiển ở ngoài sân, chúng tôi không được phép bu ngó mà chỉ chạy ngang qua ra mấy sân bóng rổ và đá banh ở phía sau nên thấy thôi, các căn tiếp theo được dùng làm phòng chơi nhạc hoặc quầy hàng buôn bán.......
       Là con nít nên tôi chẳng quan tâm gì lắm đến chuyện của người lớn, nhưng đến gần cưối năm học đó thì họ trả lại cơ sở này cho nhà Dòng, chúng tôi được lệnh qua dọn dẹp, ôi thôi là đồ họ bỏ lại, nhiều nhất là cuốc xẻng và chổi, chất đầy một nhà kho dưới chân cầu thang , xài tới mấy năm sau chưa hết.
       Đặc biệt có cây kèn clarinet đen tuyền, mà Vũ tiến Dũng mày mò thổi được bài Thu ca trình diễn trong nhà cơm cho anh em thưởng thức. Ngoài ra còn có một thứ đặc biệt lạ mà để đó chẳng ai dùng, đó là một đống cây base ball bằng gỗ thông láng cóng, chỉ một lần hữu dụng là khi được mở kho mang ra nghinh chiền với lũ võ sinh đầu gấu của võ sư Remy Huỳnh xuống đá banh mà thua gây sự. Ai đem những cây gậy này ra lúc đó vẫn còn là bí ẩn?.
       Sang năm sau, dưới thời Thầy Paul làm giám đốc nhà đệ tử, chúng tôi một số lớp được qua học ở dãy nhà này, và năm sau nữa ,khi đã lấy lại toàn bộ đất cho thuê, thì chúng tôi qua học hết bên dãy nhà đầu trên nhà khách, lúc ấy dẫy nhà từ đường được dùng làm ký túc xá nội trú, thầy Germain Phùng Nhẫn làm giám thị, căn phòng gối đầu với phòng thầy ngó ra đường  được cho Thầy ở ngoài vào dậy tiếng Anh tá túc, sau thầy này lấy vợ thì dọn ra ngoài. Căn nhà khách mà cha Long Ẩn bị ám sát lúc ấy được dùng làm phòng thầy hiệu trưởng Ambrois Châu. Thầy Ambrois dậy tiếng  Anh và rất hay nói tiếu lâm, học giờ của thầy cực kỳ vui và sôi động.
       Dẫy nhà gỗ của lính Nùng cũng được dỡ đi cho rộng , thành con đường đi từ nhà bếp thẳng ra cổng trường, Thầy Joseph Lê văn Nhì rảnh là dậy  lái xe cho dì Dễ , để Dì có thể tự mình đi chợ được, có một lần chạy thế nào lại đâm ngay vào cây dừa gần kios bán hàng cho học sinh của anh Bình, nhân viên nấu ăn cho nhà đệ tử , đang lúc giờ ra chơi khiến chúng tôi vừa sợ, vừa cười vỡ bụng.
       Học ở đây được hai năm thì chúng tôi lên thỉnh sinh, dẫy nhà từ đường vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ của nó là ký túc xá.....chúng tôi lên chức và ở khu vực riêng nên không quan tâm lắm đến nơi này nữa.
       Đầu năm học 74/75, Nhà thỉnh sinh bị xóa sổ, nhập học chúng tôi mới biết, dọn về lại nhà đệ tử, anh em lớp tôi buồn lắm,tâm lý hụt hẫng và bất mãn làm anh em bực bội, sinh ra những chuyện không hay, một số anh em bỏ về, một số anh em bị đuổi vì quậy phá.....lớp tôi từ hơn bốn chục ( 12A,12B,12C đều có) giảm xuống còn trên hai chục......loe nghoe, thầy Simon Nghi mới từ Roma về ,nghe danh lớp tôi xuống cùng sinh hoạt, chúng tôi mượn nhà tập để giao lưu với thầy,nghe ra chuyện , thầy ngửa mặt lên trời mà nuối tiếc cho một lớp học đông đảo, đầy tài năng mà bỗng chốc mất đi quá nữa......
       Lớp 12 A+C được học chung ở căn phòng ngày xưa học lớp đệ ngũ dãy nhà từ đường,còn học các môn riêng thì chạy qua nhà đệ tử, lòng vòng như vậy cho đến cuối năm thì chạy loạn, tất cả các lớp được cho về,tháng ba năm 1975 dẫy nhà từ đường  có mấy căn được dùng làm  nơi tạm trú cho những hộ từ các miền khác đến như Kom tum , Bình định.....trong đó có gia đình tôi từ Qui nhơn vào.
       Đến tháng năm thì các gia đình dần dần dọn đi, ngôi nhà từ đường bỏ trống, tôi lên Bá Ninh học, người học trò duy nhất cùa Dòng thánh GiuSe, ban C,lớp trưởng của một lớp 12 sau giải phóng được tập hợp lại từ các trường Lê quí Đôn, Nữ trung học, Trường Pháp...,và Trần hưng Đạo, dỉ nhiên trong đó có Bá Ninh, đó là ngôi trường duy nhất được mở lớp sớm nhất và cũng kết thúc sớm nhất ( có hai tháng).
       Cùng với cơn bạo loạn, nhà Dòng GIUSE cũng như bao nhà Dòng khác lâm vào hoàn cảnh mất đất mất nhà, ba phần tư cơ sở, trong đó có căn nhà từ đường đã bị chính quyền mượn khéo suốt bốn chục năm ròng, dãy nhà từ đường sau bao đấu tranh, nay đã đòi lại được, còn những cơ sở và phần đất khác chưa biết đến bao giờ......cầu nguyện và cầu nguyện....tranh đấu và tranh đấu.......và sống lại cùng kỷ niệm khi  châu  về hiệp phố.


    MC




    Không có nhận xét nào: