CHỦ ĐỀ BLOG_LỜI CHÀO

**HĐ CGNL KÍNH CHÀO QUÍ CHA, QUÍ THẦY, QUÍ HUYNH ĐỆ, QUÍ ÂN THÂN NHÂN ***

MENU

  • Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

    NHẬT KÝ CHUYẾN VIẾNG THĂM ANH EM TÂY NGUYÊN & CÁNH NAM. PHẦN 1 LIÊN NHÓM TÂY NGUYÊN

    NHẬT KÝ CHUYẾN VIẾNG THĂM ANH EM TÂY NGUYÊN & CÁNH NAM. PHẦN 1 LIÊN NHÓM TÂY NGUYÊN

    Gửi bàigửi bởi Pauldoright vào ngày 26 Tháng 3 2012 15:48
    NHẬT KÝ CHUYẾN VIẾNG THĂM ANH EM LIÊN NHÓM TÂY NGUYÊN: TRUNG HÒA-BMT-BUÔN HỒ VÀ DAKMIL

    (CÓ THỂ  BẤM "">"" ĐỂ MỞ NHẠC VÀ TẮT KHI XEM VIDEO)
    Thứ năm (15.3.2012): Trung Hoà, Quảng Nhiêu + BMT
                                          Và Dakmil (Vinh Hương, Vinh An, Xà Đoài)


    - 5g00: Chúng tôi tập trung tại nhà anh Sự, 10 Hàn thuyên. Cha Hoài An từ Gx Khiết Tâm nhờ một đạo hữu chở lên. Anh Hùng (BĐD) nhờ con rể chở sang. Anh phóng viên Đỗ Hữu đang chờ đón chúng tôi tại BMT. Chiếc xe Mercedes Sprinter chở khách 17 chỗ đúng giờ hẹn, đến đón chúng tôi tại 10 Hàn Thuyên. Phải lên đường! Đó là chuyện của con cái Chúa. Phải lên đường sớm để kịp 9 giờ họp mặt tại Trung Hoà BMT, điểm hẹn Galilê đầu tiên. Cha Đặc trách nói đùa Ngài đã phục vụ anh em hết mình. Mà đúng vậy, lời Chúa còn vang đâu đây: “Trong anh em người nào làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 23,11)
    Nhớ lại chương trình trước đây, chúng tôi dự định sẽ đi thăm anh em làm 3 chuyến: chuyến một: cánh Bắc, chuyến hai: Tây nguyên, chuyến ba: cánh Nam. Nhưng đang thời điểm mùa Chay, nên chúng tôi gộp lại làm hai chuyến để có thời gian chuẩn bị cho cuộc Khổ nạn và cuộc Phục sinh của Chúa.
    Giữa đường, đoạn cuối đèo, xe chúng tôi chạy ngược chiều, bắt gặp xe của phái đoàn cha BTGT trên đường về lại Nha Trang cặp lề, ngừng nghỉ.Có lẽ các Ngài cũng dừng chân đứng lại: trời non nước, để trút cái mảnh tình riêng… Nghe đâu các Ngài lên Buôn Mê để giảng tĩnh tâm.

    - 9g00: Chúng tôi xuống ngã ba Hoà Bình, cách cây số 5 khoảng một km. Chúng tôi sang công viên ngồi đợi xe.
    - 9g30: Thanh và Kỳ đưa xe con đến đón. Thanh “Chồ Choa” Hoài An. Giọng Quảng Nam “đậm đà bản sắc dân tộc”. Vui vẻ, niềm nở, tự nhiên, thân thiện và hay giúp đỡ là đức tính của người em gái xứ Quảng. Trước đó mầy hôm, Thanh giới thiệu Kỳ - người em mới quen - cho Cha Hoài An và Kỳ tình nguyện đánh xe con của Kỳ đưa đón Cha và phái đoàn đi “hành hương” một chuyến. Xin cảm ơn thành phố có em!
    - 9g45: Chúng tôi đến Trung Hoà. Trưởng Trần Văn Mười (em cha Toản) đón đưa chúng tôi đến khu “du lịch” của anh nằm cạnh bờ hồ Giáo xứ Vinh Hoà. Tôi còn nhớ, cách đây 5 năm, tôi có đến tham dự ngày Đại hội truyền thống 1.5 Tây nguyên do nhóm anh em Cựu Trung Hoà đăng cai tổ chức trên khoảng đất nằm giữa lòng hồ, rợp bóng và thơ mộng. Dịp này có Cha Phê-rô Nguyễn trọng Hiếu, SVD, cùng tham dự và sinh hoạt với chúng tôi. Tôi nghĩ đây là một địa điểm rất thích hợp cho các cuộc dã ngoại hơn là nơi mở khu du lịch sinh thái vì ở quá xa thành phố. Dường như CTS Vũ Minh Thanh cũng đã mở quán ở đây, nhưng khách xa chưa gặp mùa xuân chín!
    - 10g00: Anh Hùng Xệ, Đỗ Văn Hữu (BMT) và Trưởng Nguyễn Văn Hùng (Quảng Nhiêu) đi xe con 4 chỗ đến. Nhóm Quảng Nhiêu gồm có 5 anh em: Trưởng Nguyễn Văn Hùng, Lê Công Khanh (nhà cháy), Nguyễn Mạnh Yên, Trịnh Thành Nhân và Nguyễn Bá Dũng (Buôn Hồ). Vắng 4 anh em vì hoàn cảnh không cho phép.
    - 10g30: Trước giờ khai mạc buổi họp, chúng tôi bàng hoàng khi nghe tin 2 cháu gái của Hoàng Đình Hà, Hoàng Văn Nhàn và Nguyễn Cao Nguyên vừa bị chết trôi trên dòng Krôngnô mất tích. Số là sau khi khảo sát đất đai và địa hình trở về, đoàn Nông nghiệp Daklak gồm 10 người hầu hết là kỷ sư trẻ, phải qua dòng Krôngnô vừa xả lũ nước chảy xiết để qua bên kia bờ. Thuyền con chỉ chở được 3, 4 người. Đằng này bác lái đò buộc phải chở 10 người . Cộng thêm bác nữa là 11. Giữa dòng nước xoáy, thuyền chao. Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé…Tất cả đều bị dòng nước nhận chìm và cuốn trôi! Năm người biết bơi được cứu sống. Những người còn lại, trong đó có hai cháu gái của Hà, Nhàn, Nguyên chưa tìm thấy xác…Một phút lặng thầm. Cha Hoài An và anh em chúng tôi cầu Chúa thương đón linh hồn 2 cháu gái về nước Ngài và chia buồn với 3 người anh em.
    Cuộc họp tiếp tục trong bản Đại hoà tấu nhạc ve sầu! Chao ơi! Cơ man nào là ve! Ve vườn Tao Đàn Sài Gòn chả ăn nhằm gì so với lũ ve Trung Hoà mùa này. Bọn chúng ồn ào vì vui chung niềm vui đoàn tụ của anh em chúng tôi hay than khóc cho nỗi niềm khổ đau tang tóc của 2 cháu gái “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương!” Hương hoa cà phê thoang thoảng đâu đây hay hồn Đạm Tiên vật vờ lãng đãng? Trung Hoà đang chờ một cơn mưa hồng để dành tiền mua xăng dầu bơm nước tưới cà phê cho việc xin lễ.
    Anh em Cựu Trung Hoà tính đến có tới 20 người. Hôm nay hiện diện gồm Trưởng Trần Văn Mười, phó nhóm Nguyễn Văn Hoa, Vũ Minh Thanh, Dương Trọng Huề, Phùng Bá Phong, Phạm Bá Phượng, Lê Thành, Bùi Quang Đức, Hồ Quang Thọ, Nguyễn Cao Nguyên (tới sau)… và các chị dâu nhà Cựu NLGS. Nhóm Quảng Nhiêu + BMT kể trên cùng họp mặt với Trung Hoà.
    Cha Đặc trách lúc nào bắt đầu buổi họp cũng dâng lời cám tạ Chúa đã qui tụ anh em, xin Chúa Thánh Thần hiệp nhất anh em nên một và xin Chúa chúc phúc cho việc làm của anh em được thành công tốt đẹp. Anh Hội trưởng tuyên bố mục đích chuyến viếng thăm và giới thiệu Cha Hoài An đã được BTGT và Hội Đồng Tỉnh Dòng bổ nhiệm làm Đặc trách cho anh em Cựu trong nước nhiệm kỳ 3 năm. Sau đây xin ghi nhận một số ý kiến của anh em:
    - Hùng (QN):
          . Anh em hải ngoại có nhiều ý kiến hay nhưng không thực tế với hiện tình của đất nước.
          . Anh em cựu của chúng ta chỉ có một cội nguồn. Nội ngoại cùng một Đầu duy nhất, một Hội duy nhất và một Danh xưng duy nhất.
          . Anh em trong nước nghèo nhưng đoàn kết, thương yêu nhau, đóng góp tận tình. Điều này nói lên tình yêu thương và sự hiệp nhất.
    - Mười (TH):
          . Chúng ta đã có nội qui, cứ áp dụng theo nội qui
          . Địa phương tuỳ tình hình mà sinh hoạt
          . Đề nghị thống nhất nhiệm kỳ của Trưởng nhóm là 3 năm (trước đây TH có thói quen 2 năm bầu Trưởng nhóm một lần)
          . Cần củng cố sinh hoạt anh em nhóm địa phương. Cha Đặc trách và BĐH chính là cầu nối.
    - Biên (TH):
          . Anh em đã thông suốt về CTBL sau khi nghe Cha Đăc trách giải trình về Giáo luật và Mục đích của CTBL,
    - Hữu (BMT):
          . CTBL không nhất thiết phải là cha Đặc trách đảm nhiệm. Cha Đặc trách hoàn toàn đồng ý về điểm này.
    Chương trình nghị sự kết thúc tại đây. Anh em Tây nguyên đồng ý lấy ngày Truyền thống Đại hội Liên nhóm Tây nguyên 1.5 (lễ Thánh Giuse Thợ) hàng năm làm ngày Bổn mạng.
    - 12g00: Chúng tôi ngồi vào bàn ăn vì đã đúng ngọ. Lệ thường trong Dòng 11 giờ ăn trưa. Anh em hãy nhớ lấy điều này đối với các Đấng Bề trên. Riêng với cha Hoài An của chúng ta, chúng ta chơi kiểu nào, Ngài chơi kiểu đó. Đã chơi, không sợ mưa rơi. Mà mưa có rơi, ta vẫn cứ chơi! Có Đấng Thánh nào đó nói na ná rằng anh em cứ…chơi, miễn sao đừng làm mất lòng Chúa!
    Chúng tôi tiếp tục hàn huyên, tiếp tục theo dõi câu chuyện hai cháu gái mất tích trong dòng Krôngnô, tiếp tục cái văn hoá ẩm thực đặc thù “dzô, dzô!” của VN. Đàn bà cũng “dzô’ mà đàn ông cũng “dzô”. Không biết cho đến khi nào cha Ngô Hoàn Cầu của chúng ta mới ngộ ra được cái “dzô” đặc thù này với cái “Cheers!”, cái “Cheerio!” và cái “Here’s to…” của xứ người!
    Các chị dâu nhà NLGS chụm nhau một bàn, không chịu “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Có lẽ để được tự nhiên “khúc khích” cười. Cám ơn “bàn tay năm ngón mưa sa” của các chị đã chăm sóc cho cánh đàn ông và phái đoàn chúng tôi. Nơi nào có sự quan tâm chăm chút, nơi ấy có thương yêu. Nơi nào có thương yêu, nơi ấy có T.Chúa. Bởi Thiên Chúa là Tình yêu.
    - 13g30: Chúng tôi cám ơn và từ giả anh chị em Trung Hoà lên đường về Daknông. Hẹn gặp lại ngày Đại hội truyền thống Tây nguyên 1.5 tới tại Đức Minh. Đỗ Hữu về trước chuẩn bị đón phái đoàn ghé thăm tệ xá bên Duy Hoà trên đường về Đức Minh. Chừng nửa tiếng sau, chúng tôi tới nơi. Chị Hữu pha cà phê sẵn mời chúng tôi vì biết chúng tôi bỏ trưa buồn ngủ. Nhà vắng! Con cái đã lập gia đình ăn ở riêng.Chỉ còn hai vợ chồng…son. Buổi sáng chị bán bánh canh. Anh Hữu mới về hưu, thường làm việc về khuya nên hay dậy trễ. Súc miệng vài ly, ăn một tô bánh canh bự thế trưa, rồi tiếp tục ngồi vào computer kiểu Đỗ Bình. Vợ chồng đã mua miếng đất dưới quê Hàm Tân, tính bán nhà trên này về xây căn hộ ở dưới, đưa ông cụ thân sinh về ở gần gũi cho ấm cúng tuổi già. Vừa rồi, ngủ say thế nào mà mấy người anh  em bụi đời mò vào cưởm mất cái máy tính đời củ và cái điện thoại di động. Bỏ chị ở nhà một mình cũng đâm lo. Nhưng vì đại cuộc, tình nguyện theo lời mời gọi của cha Đặc trách, cùng với anh Trần Việt Hùng làm Đặc phái viên không chuyên, thu hình thu tiếng để chia sẻ với  anh em nội ngoại gần xa.
    VỚI NHÓM DAKMIL- 15g00: Cám ơn chị Hữu với ly cà phê Buôn Mê. Đỗ Hữu và chúng tôi lại lên đường trực chỉ Dakmil. Dakmil là một Huyện của tỉnh Dak-nông. Qua cầu 14, chúng tôi vào địa phận tỉnh Dak-nông. Chỉ còn khoảng 50 km nữa là chúng tôi đến điểm hẹn: nhà vợ chồng Trần Văn Quang, Gx.Vinh Hương. Liên nhóm Tây nguyên gồm 3 nhóm: Nhóm Trung Hoà, Nhóm Quảng Nhiêu + BMT và Nhóm Dakmil. Nhóm Dakmil gồm anh em ở 3 Giáo xứ. Gx. Vinh Hương, Gx. Vinh An và Gx. Xã Đoài. Xã Đoài đây thuộc Giáo phận Vinh di cư vào, không dính dáng gì tới xã Đoài của nhà thơ Nguyễn Bính: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông…”

    NHÓM DAKMIL SAU GIỜ TỌA ĐÀM_Nguồn Hình và thông tin: Cao Hướng
    - 17g00: Liên nhóm Trưởng Nguyễn Trọng Hậu đã sắp xếp đâu đấy. Đúng 17g00, chúng tôi họp mặt.
    . Vinh Hương gồm: Cao Trọng Hướng, Trần Văn Quang
    . Vinh An gồm: Nguyễn Trọng Hậu, Nguyễn Công Chánh, Nguyễn Văn Toàn, Ngô Hùng Phương, Lê Văn Đường, Thái Bá Đức, Chị Nguyệt (bà xã Ngô Viết Hương tử nạn cách đây 3 năm).
    . Xã Đoài gồm: Đậu Đình Dũng (nha sỹ), Võ Phan Thái, Nguyễn Văn Điều (lương y), Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Xuân Sinh, Võ Phan Thu, Nguyễn Trọng Nghĩa và Nhuận. Ngoài ra còn các chị dâu của nhà NLGS đang ra tay dưới bếp giúp chị Quang chuẩn bị cho buổi tiệc đoàn viên.
    Hai phóng viên Đỗ Hữu và Việt Hùng bắt đầu bấm máy, thu hình. Sau vài phút kinh nguyện, anh Hội trưởng làm thủ tục như các nơi và giới thiệu cha Đặc trách giải trình CTBL. Có một vài ý kiến đáng ghi nhận như sau:
    - Liên Nhóm Trưởng Trọng Hậu: Chân thành cám ơn cha Đặc trách và BĐH đã đến thăm viếng anh em, nối kết và hâm nóng lại tình nghĩa đệ huynh.
    - Điều: Có thể thay thế từ “Hội” bằng một từ nào khác có vẻ nhẹ nhàng hơn không? Ngày họp mặt Truyền thống nên có một đề tài ngắn gọn in ra trao cho anh  em lưu làm tài liệu.
    - Dũng: Cha Đặc trách 3 năm đi thăm một lần ít quá! Đề nghị ít nhất là 3 năm một lần. Sinh hoạt địa phương chưa được gắn kết.
    - Hướng: Rất cảm kích về sự hiện diện của cha Đặc trách và BĐH. Về CTBL: sẽ cố gắng vận động anh em trích phần nào để tham gia.Ngày họp mặt Truyền thống nên tránh bớt học hỏi. Cần để dành thời gian để giao lưu, trao đổi. Về tờ Nội san: cố gắng thu gôm các tin tức sinh hoạt của anh  em các nhóm để chia sẻ.
    - 18g15: Cuộc họp kết thúc. Cha Đặc trách nói đôi lời tạ ơn Chúa. Các chị dâu nhà NLGS đã bày biện thức ăn ra 3 bàn tròn. Đặc phái viên Đỗ Hữu khỏi lo vì chủ gia có lẽ đã theo dõi tình hình chuyến viếng thăm anh  em cánh Bắc, nên chuẩn bị rất chu đáo, đáp ứng được mọi nhu cầu. Có một điều rất đặc biệt ở tại vùng Tây nguyên này, là hể nơi nào có  con nhà “Giuse” họp mặt, thì luôn luôn có sự hiện diện của cánh “Maria”. Rất sôi nổi và hào hứng! Nha Trang và Phan Rang chưa có thói quen này. Nên chi lúc còn sống, cha Tổng quản lý Simon Hồ Đức Minh mỗi lần họp mặt Truyền thống, thường cổ vũ “sẽ có thưởng” dành cho anh em nào mang theo đức phu nhân. Tiếc thay, Ngài nghỉ làm quản lý và ra đi quá sớm!
    - 20g00: Gần cuối tiệc, phone từ Buôn Mê đưa tin: đức phu quân của chị Thanh bị sốt nặng phải vào bệnh viện cấp cứu. Kỳ phải vội đánh xe chở chị về chăm sóc chồng. Kỳ hẹn ngày mai sẽ lên sớm. Xin cảm ơn thành phố có em. Xin Trời Phật độ trì cho hai chị em gặp mọi điều may mắn!
    Tiệc tàn! Anh em lai rai từ giã. Hữu qua nhà Hướng ở lại đêm để sang hình ảnh. Hùng ghé thăm nhà người em cách đây không xa.Cha Hoài An và Rémi  Sự lo làm cái việc chẳng đặng đừng. Giường nệm ấm êm vợ chồng Quang đã tươm tất dọn sẵn. Kinh kệ xong, cha Hoài An bắt đầu “xẻ gỗ rừng khuya”. Rémi Sự ngủ muộn, nằm thao thức. Những kỷ niệm xưa lại hiện về.
    Đêm nay không được ngủ nhà Hậu Thổ Hoàng để tâm sự về những ngày tù tội. Ngày xưa Đức Minh là xã. Thổ Hoàng là thôn. Sau biến cố 75, tôi được Dòng điều lên cộng đoàn Thổ Hoàng, sau khi đã đắn đo lựa chọn. Tôi từ chối nhận lo cho anh em năm Triết 2 từ Kinh viện Đà Lạt dời về Cộng đoàn Phan Rí. Tôi từ chối nhận làm Giám đốc nhà đệ tử Nha Trang (khi đó chỉ còn một số em ở xa kẹt chưa về được). Bởi một lẽ đơn giản là tôi học Văn chương thì làm sao dạy Triết. Một lý do chính đáng nữa mà tôi đã trình bày cho cha Bề trên Clément Hoàng là tôi đã họp Liên tu sĩ tại Dòng Chúa Cứu Thế 38 Kỳ Đồng, có Đại diện cách mạng chủ trì. Họ cho biết ít ra trong thời điểm hiện tại, không một tổ chức tôn giáo nào hoạt động mà không chịu sự kiểm soát của họ. Họ là quyền lực tối cao! Tôi đã chứng kiến vụ Đức Phó Tổng GM. Thuận, vụ Đức Khâm sứ Le Maitre. Rồi nhà Dòng Giuse: vụ Phan Rí, vụ Du Long, vụ Nhà đệ tử Nha Trang... Lúc bấy giờ tôi cùng nghĩ như mọi người: “Lao động là vinh quang, Lang thang là chết đói, Hay nói là ở tù, Lù khù đi kinh tế mới”. Tôi chọn giải pháp thứ nhất. Và tôi chấp nhận đi Thổ Hoàng Đức Minh với Cộng đoàn cha Lộc. Thấy tôi lên, cha Già Lộc tưởng tôi lên thăm chơi. Vì sau biến cố 75 tôi còn khoảng 43 kg. Thời còn là sinh viên Văn Khoa khi nào có da có thịt, tôi cũng chỉ cân được 48 kg là cùng. Với cái thân ốm yếu lau sậy này, làm sao mà cầm cuốc, cầm cày! Cộng đoàn chúng tôi gồm mười mấy anh em. Ngày theo xe cày ra đồn điền cà phê và nương rẫy. Tối về kinh kệ và lo chút ít việc Giáo xứ. Anh em chúng tôi sức trẻ, làm việc thấy mà mê. Chúng tôi khai mương, be bờ, làm ruộng dưới trũng; gieo hạt trên nương. Ngày mùa gặt hái vần công với bà con trong thôn. Gặt lúa cho bà con, họ lo cho bữa cơm trưa có rượu đế thuốc lào. Đến lượt, chúng tôi cũng phải làm như vậy. Vụ lúa xong, chúng tôi quay ra trồng ngô, khoai. Thú thật với bà con, chúng tôi trồng ngô khoai là để cho bò bà con trong thôn ăn về mùa nắng thiếu cỏ. Nhiều khi bà con thấy vậy kéo nhau ra đào về bỏ đống ngoài sân nhà cha, nhưng lúa chúng tôi làm ăn không hết, thì ăn khoai củ chỉ là ăn cho vui vậy thôi.
    Những ngày nắng ráo, công việc chính của chúng tôi là phát cỏ cà phê. Ngày xưa, dưới thời Đệ I Cộng Hoà, lớp các Thầy Jean Thanh, Michel Hy, Luc Kim Long, Bosco Bộ là những bậc đàn anh đã đi tiên phong lên khai phá khu rừng nguyên sinh hàng ngàn mẫu để trồng cà phê. Nhưng lực bất tòng tâm, các Thầy chỉ trồng được vài trăm mẫu. Thầy Jean Thanh trên đường ra Quảng Ngải mộ nhân công đã bị mất tích không tìm được xác. Cánh đồng phì nhiêu Phan Rí, gần mật khu Lê Hồng Phong ngày nay và đồn điền cà phê Thổ Hoàng là hai nơi tạo ra nguồn kinh tế nuôi sống anh em Dòng Giuse và cho các Thầy ăn học. Sau biến cố 75, tôi nhớ Dòng chỉ còn 4 lô: lô Maria, lô Giuse, lô Tê-rê-xa và lô Phao-lô. Tôi không nhớ mỗi lô được mấy mẫu, nhưng khi chúng tôi chém cỏ tính  theo hàng ngang, cứ xong một đường là mất một buổi. Mồ hôi ra ướt hết chiếc áo lính “treillis”. Chúng tôi thay áo,  ăn một tán đường đen, uống nửa bi-đông nước, nghỉ ăn trưa. Rồi chiều tiếp tục chém cỏ. Cao nguyên đất tốt, mưa nhiều, cỏ mọc khơi khơi. Chỉ cần vắng vài hôm là cỏ cao hơn thước, ta gầy vài phân...Chưa nói tới chuyện làm lộc non. Mưa nhiều, cây cà phê mẹ mọc nhiều con gọi là lộc non. Muốn cho cà phê mẹ đậu nhiều trái, phải tỉa bớt lộc non cần thiết. Chúng tôi mỗi đứa phải dùng cái khoèo dài, đầu có gắn một lưỡi liềm nhỏ,cong, thật bén để tỉa lộc.
    Ai ngờ “con đường lao động” tôi chọn đã tới ngày “vinh quang!” Bốn hộ  chúng tôi đã có sổ Thường trú: Hộ cha Lộc, hộ Thầy An, hộ anh Thao, hộ anh Sự, kể cả Thầy già Siméon thường trú từ 1958 cũng được một tiểu đội xe Jeep có võ trang từ trên huyện xuống đọc lệnh xét và bắt người khẩn cấp  với lý do: Cư trú bất hợp pháp. Tôi nghĩ ngay đến câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine với câu kết luận: “La raison du plus Fort est toujours la meilleure” mà ngậm ngùi cay đắng! Ngồi giữa sân nắng, tôi đọc mấy câu thơ để an ủi các anh:
                                “Chúa biết cho con giữa núi rừng  
                                  Đêm về con khóc lệ rưng rưng...”
    Họ đưa chúng tôi về nhà lao BMT nhốt hết! Biệt lập. Tại Thổ Hoàng, họ tịch biên toàn bộ tài sản của Dòng. Bao nhiêu là mồ hôi, xương máu và nước mắt của các bậc cha ông đã đổ ra, xét theo khía cạnh con người, phút chốc đã tiêu tan!
    Mấy năm gần đây, thời cha Minh còn làm Tổng Quản lý, tôi có nghe Dòng làm đơn xin lại 22 mẫu đất cà phê còn lại , nhưng chẳng tới đâu. Cách đây hơn hai năm, đến thời Thầy Hoàng làm Tổng Quản lý, có nhờ tôi cùng đi với cha Việt và cha Hải qua trung gian chị Hạnh và anh Quang (con bác Phú Thổ Hoàng) đến gặp nhà thơ cựu Thiếu tá Nguyễn Ngọc Ánh và vợ của ông là chị Hậu. Chị này ngày xưa làm thủ kho của Dòng tại Thổ Hoàng, Đức Minh, dưới thời Thầy Michel và Thầy Luc.Chị đã về Dòng Thánh Giuse thăm các Thầy và các Dì. Chị rất thương các Thầy. Chị là giao liên. Bị lộ, chị hoạt động ở vùng khác. Chị nói chị như con cái của Dòng. Cả hai anh chị đều hứa giúp đỡ Dòng chạy cho đúng nơi đúng chỗ. Anh chị quen nhiều và cũng có ảnh hưởng trên các đàn em. Nhưng bẳng đi một thời gian thay ngôi đổi chủ, hồ sơ nằm đó mà nghe nói đại diện Dòng không liên lạc thường xuyên.
    Đêm lặng! Cố dỗ giấc ngủ để ngày mai tiếp tục đường dài. Còn phải chiến đấu một trận khốc liệt nữa buổi sáng mai tại nhà Dũng Vĩ Mô.
    - Thứ sáu (16.3.2012):
    - 4g00: Chúng tôi thức dậy sớm. Chúng tôi cám ơn và từ giã anh chị Quang. Hùng đèo cha Hoài An. Quang đèo tôi ngược đường về nhà thờ Xã Đoài để kịp dâng thánh lễ 4g45. Buổi mai sớm Xã Đoài còn se lạnh! Anh chị em nhà cựu NLGS tập họp đông đủ. Cha Hoài An dâng thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho linh hồn Giuse, bố vợ của Võ Phan Thái vừa qua đời cách đây không lâu. Thánh lễ sốt sắng và ấm cúng. Tôi chưa từng thấy một thánh lễ ngày thường nào mà nhà thờ lại đông đảo giáo dân đến thế, nhất là các em, bất chấp buổi sáng trời lạnh! Tôi nghĩ Chúa sẽ không chịu thua sự hy sinh và lòng quảng đại của các em đâu! Ngài sẽ chúc phúc cho giáo dân Xã Đoài đấy!
    - 7g30: Sau thánh lễ chúng tôi chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm trước cung thánh nhà thờ Xã Đoài. Anh Dũng mời tất cả anh chị em chúng tôi sang nhà ăn sáng. Đúng là Dũng Vĩ Mô! Bữa ăn sáng không vi mô chút nào! Có cả rượu tây lẫn rượu ta. Xôi, thịt, bún, rau, nước lèo…Giống như một bữa đại tiệc! Và trước đó là cà phê. Anh em trên này hầu hết là dân lao động. Đất đai lại màu mỡ. Nên tấm lòng bao giờ cũng bao dung, chan hoà, hiếu khách. Từ nhà Quang cho đến nhà Dũng, hễ dọn ăn là mâm nào cũng đầy ấp. Thật hoành tráng. Nhìn thôi đã thấy no! Đang nửa bữa, cha xứ Xã Đoài đến. Ngài còn trẻ, vui tánh, hoà nhập và thân thiện. Cám ơn vợ chồng Dũng đã tiếp đón ân cần. Chắc chắn buổi sáng bận bịu tiếp đón cha Đặc trách, phái đoàn và anh chị em, Dũng đã phải từ khước mấy cô em đi Attila đến nhổ răng…Mà thôi, Dũng Vĩ Mô ạ! Ngày ấy Chúa sẽ đền bù gấp trăm ngàn lần những thiệt thòi hôm qua hôm nay…

    **MỜI BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM THÊM ALBUM VÀ VIDEO CLIPS.

    BÀI VIẾT: Tám Sự
    HÌNH ẢNH VÀ VIDEO:Việt Hùng, Cao Hướng, Đỗ Hữu

    MỜI ĐỌC NHẬT KÝ CHUYÊN VIẾNG THĂM::
    + TUYẾN BẮC:
    - PHẦN 1 NHÓM VAN NINH và TUY HÒA
    - PHẦN 2 NHÓM QUI NHƠN, ĐÀ NẴNG VÀ PLEIKU-KONTUM
    + TUYẾN NAM.
    - PHẦN2: Nhóm LâmHà (L.Đồng), Nhóm Longkhánh..
    - PHẨN 3: Nhóm SAIGON
    - PHẦN 4: NHÓM BÀ RỊA, VT & NHÓM LAGI, HÀM TÂN
    - PHẦN 5: LIÊN NHÓM PHAN RÍ, PHAN RANG

    Không có nhận xét nào: